Dự án “Nói không với xâm hại và bạo hành trẻ em”
2016.09.15
Cát hay là ngọc
Tên của cô là Nguyễn Thị Bích Ngọc, tác giả cuốn tự truyện Cát Hay Là Ngọc, quyển sách đầu tiên về tệ nạn lạm dụng tình dục trẻ em mà Bích Ngọc là nạn nhân, mạnh dạn nói thật và nói thẳng về những tháng ngày khốn khổ cô phải âm thầm chịu đựng từ lúc 8 tuổi cho đến 20 tuổi mới thoát được.
Nick name của em là Sandy, em học hết lớp 12, sau đó em học trung cấp cao đẳng hệ không chính qui của Cao Đẳng Kinh Tế Đối Ngoại. Hiện em đang dạy tiếng Anh cho một số bé ở các mái ấm từ thiện. Em đang làm việc cho những trẻ mổ côi và những trẻ em bị xâm hại cũng như bị bạo hành.
Ước mơ của em là đi học, muốn được tới giảng đường đại học thực sự. Thứ hai là em muốn làm việc cho cộng đồng, muốn làm những dự án về cộng đồng.
Cứ ngày qua ngày phải sống trong cảnh đó. Không có ai để có thể chia sẻ và tâm sự nổi niềm của mình cả, chỉ cố gắng học cho hết Lớp 12 để mà thoát khỏi cảnh đó.
-Nguyễn Thị Bích Ngọc
Mồ côi cha lúc 6 tháng tuổi, mẹ vì sinh kế phải đi làm việc xa, Bích Ngọc nếm trải mùi gian khổ của một đứa trẻ thiếu tình thương khi ở với ông bà ngoại:
Bà ngoại nghĩ Sandy là cháu hoang, một đứa con không có bố. Lúc đầu bà ngoại cũng không muốn mẹ sinh Sandy ra cho nên đó cũng là lý do bà ngoại không yêu quí Sandy cho lắm. Ở với ông bà ngoại thì bà ngoại đánh đập và đòn roi, bắt Sandy làm rất nhiều việc. Ăn uống thực sự rất cực khổ, nước muối pha loãng chan với cơm, ngày nào cũng vậy hết. Đi nhặt đi hái một vài cọng rau ngoài hồ ngoài ao ăn thôi, nhưng đổi lại ông ngoại, không phải là ông ngoại ruột, nhưng rất là hiền và rất thương Sandy. Khi bị bà ngoại đánh thì ông thỉnh thoảng cũng can thiệp.
Kỷ niệm mà Bích Ngọc nhớ nhất là trận đòn đau của bà ngoại khi em lén ăn trước một cái trứng vịt đáng lẽ phải mang về cho bà:
Bà ngoại hay bắt đi ra ngoài ruộng để coi cái trứng nào còn sót thì mót mang về cho ngoại bán hoặc để cho cả nhà ăn. Lúc đó Sandy bốn năm tuổi, ngày nào cũng đi mót trứng mà chỉ được mót thôi, mang về thì nhiều khi ngoại luộc lên pha với nước tương cho ca nhà cùng ăn. Nhưng mà Sandy thì không bao giờ được ăn chung mâm với gia đình, toàn là một chén cơm chan với nước muối ngồi ăn riêng.
Cho đến một hôm đi lượm trứng bởi vì thèm quá đói quá thì Sandy mới lấy một cái rồi ăn sống luôn. Sau đó về bị bà ngoại phát hiện thì ngoại đánh, ngoại kêu là đồ ăn cắp. Sandy đã khóc rất nhiều, nghĩ là sau này nếu giàu có thì chỉ ăn trứng thôi. Cho nên món ăn yêu thích nhất của Sandy là trứng.
Năm lên 8 tuổi, gia đình bên bố ruột Bích Ngọc tìm đến nhà ngoại, đề nghị mang em về nuôi nấng. Tưởng từ đây cuộc đời là màu hồng, không ngờ cố bé 8 tuổi không có ai bảo vệ này bước vào một thảm cảnh khác:
Nhìn vô thì rất là khá, hơn hẳn gia đình bên ngoại mình, em nghĩ chắc là mình sẽ có một tương lai tốt hơn, đẹp hơn. Không giống như em suy nghĩ, về đó thì mọi chuyện rất khác, em bắt đầu phải chịu đựng cảnh giày vò về tâm hồn, về cả tinh thần. Em bắt đầu bị lạm dụng từ lúc em vừa đặt chân vào cái nhà đó. Nỗi đau đó kéo dài tới năm 20 tuổi luôn.
Những chi tiết này được Sandy mô tả rõ trong tự truyện Cát Hay Là Ngọc vừa hoàn tất năm nay:
Nghĩ lại thì thực sự rất là buồn, có nhiều người hỏi tại sao lúc còn nhỏ không chịu nói mà bây giờ mới nói. Khi còn bé, sống trong cảnh cực khổ đòi roi rồi tự nhiên được từ nông thôn bước chân lên thành phố ăn học, có một môi trường tốt, thì thực sự khi bị cái chuyện đó, chuyện mình bị lạm dụng, thì mình cũng sợ lắm. Hồi còn nhỏ không biết đó là điều sai trái hay xấu xa nhưng cũng biết đó là điều rất khó chịu, khó chịu lắm! Nhưng hàng ngày lại nghe cái câu “Nếu mà nói ra thì mày sẽ chết”, hoặc là “ Nếu muốn sống thì phải im miệng lại”. Đại loại là như thế, cứ ngày qua ngày phải sống trong cảnh đó. Không có ai để có thể chia sẻ và tâm sự nổi niềm của mình cả, chỉ cố gắng học cho hết Lớp 12 để mà thoát khỏi cảnh đó.
Bích Ngọc tìm cách rời bỏ gia đình người thân này khi được 20 tuổi, tìm cách mưu sinh bằng những việc làm bình thường và tử tế, nhưng:
Em đã từng xuống tóc em qui y, em nghĩ tới chuyện tự tử, em nghĩ tới chuyện em cần kết nối lại tình thân với mẹ, với gia đình bên ngoại, nhưng mà cuối cùng là em không có.Nhiều lần em nghĩ tới chuyện tự tử và em đã từng tự tử nhưng rồi em được cứu sống.
Quyết tâm vượt qua nỗi đau
Quyết định tìm đường sang Thái Lan kiếm việc làm như một cách trốn chạy thực tại và mặc cảm đau đớn phức tạp của một nạn nhân bị xâm hại tình dục từ lúc còn bé. Đây cũng là lúc Bích Ngọc có thêm nick Sandy:
Ở Việt Nam thì mình cũng sẽ chết dần chết mòn thôi, biết đâu ra nước ngoài, mặc dù không biết mình sẽ sống hay là chết. Thay vì chấp nhận chết ở Việt Nam thì biết đâu ra nước ngoài mình sẽ có một tương lai tốt hơn.
Tại Thái Lan, tận dụng cơ hội và được chủ nâng đỡ cho làm lễ tân trong một resort 4 sao, Sandy cố học hỏi và rèn luyện thêm Anh ngữ. Cuộc sống với cô gần như dễ chịu hơn và có ý nghĩa hơn.
Sandy muốn mình là người đầu tiên bước ra ánh sáng, tố cáo những tội ác đó. Sandy muốn nhấn mạnh mình không phải là tội phạm, mình là nạn nhân và không có lý gì mà mình phải sống cuộc sống gọi là đen tối.
-Nguyễn Thị Bích Ngọc
Trở về nước đầu 2016 vì không thể cư trú dài hạn mãi tại Thái Lan, cô quyết tâm viết sách kể lại nỗi đau bị lạm dụng của mình:
Sau khi ở Thái trở về Việt Nam tháng Một 2016 em nghĩ mình đủ sức để chống chọi với mọi chuyện và đủ trưởng thành để viết được một cuốn sách. Thật ra cuốn sách này không có gì sâu xa hết, nó là tự truyện của Sandy, một bé gái bị lạm dụng từ năm 8 tuổi. Đã là tự truyện thì đầu tiên phải là sự thật. Em đã tìm đến 2 người chấp bút, đầu tiên là bạn Cỏ, sau đó là chị Hòa Bình. Tựa đề Cát Hay Là Ngọc là do chị Hòa Bình đặt, Sandy có nghĩa là Cát, và Ngọc có nghĩa là tên thật của em. Chị Hòa Bình muốn cho mọi người biết em là “Cát” hay là “Ngọc” sau bao nhiêu vùi dập, tổn thương. Em cũng muốn cho mọi người biết mặc dù qua những đau thương và tổn thương đó nhưng em không phải là hạt cát nhỏ bé vô danh mà chính là viên ngọc quá trình bao lâu bản thân em đã tôi luyện.
Bên cạnh đó, Sandy còn ấp ủ một dự án sẽ phải thực hiện cho được trong những ngày tới:
Bây giờ em đang tập trung vào một sự án cộng đồng của em, em làm cho trẻ em mồ côi, trẻ em bị xâm hại cũng như bị bạo hành, là dự án Nói Không Với Nạn Xâm Hại Và Nạn Bạo Hành Ở Trẻ Em.
Hai người chấp bút cho Cát Hay Là Ngọc ra đời là Cỏ, người bạn thân mà Sandy thổ lộ tâm sự trong một chiều mưa cô đơn và đau xót cùng cực:
Cỏ là người đầu tiên mà Sandy nói Sandy đã bị xâm hại tình dục lúc 8 tuổi. Lúc đó tự nhiên Cỏ lặng im không nói gì hết. Sau đó, khoảng vài phút, Cỏ mới nói là sáng mai mình gặp nhau. Kể ra rồi thì ít nhiều có thể nó cũng đỡ ám ảnh hơn. Thì đó, Cỏ là người đầu tiên viết cho Sandy những giòng tự sự đầu tiên.
Người thứ hai được Sandy gởi gắm niềm riêng là nhà văn Hòa Bình, hội viên Hội Nhà Văn Thành Phố Hồ Chí Minh. Về lý do nhận chấp bút cho tự truyện Cát Hay Là Ngọc của Sandy Bích Ngọc, nhà văn Hòa Bình giải thích:
Hòa Bình biết Sandy từ rất lâu rồi, thực ra hồi đấy chưa ai gọi cô là Sandy mà cô là Nguyễn Thị Bích Ngọc. Quen biết nhau thì cũng thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ và tất nhiên tôi cũng nhận thấy những cái bất ổn trong cá tính, trong cư xử, trong hành vi của Bích Ngọc nhưng tôi không bao giờ phán xét. Cũng chính thời gian đấy Bích Ngọc bị đổ vỡ rất nhiều trong quan hệ và trong công việc. Cô ấy đã quyết định rời bỏ Việt Nam để sang Thái, cắt đứt toàn bộ liên hệ, không hề gặp gỡ tiếp xúc với bất kỳ ai, cô tắt cả mạng xã hội và số điện thoại...
Nên là lần gặp đầu tiên khi cô trở lại và bắt đầu trao gởi tâm sự mộtt thân phận phải chịu rất nhiều thiệt thòi, uẩn khúc, cay đắng. Để có thể kể lại những điều này thì rất khó khăn, không chỉ trong lời kể trao gởi với nhau mà là đưa được thông điệp ấy đến công chúng. Chúng tôi đã thực sự trải nghiệm điều ấy, cứ mỗi lần bắt cô ấy sống lại quãng thời gian đấy nó rất kinh khủng về mặt tâm lý . Kể cả cho đến hiện tại bây giờ cô ấy vẫn còn phải tiếp tục điều trị để đi qua được những chấn thương tâm lý.
Sandy là người đầu tiên dám đứng ra nói thẳng vào sự việc bằng tên thật của mình và cô đồng ý xuất hiện trên báo và trên truyền hình, đấy là một điều từ xưa đến giờ chưa có bất kỳ người Việt Nam nào dám làm.
Nhà văn Hòa Bình cũng chính là người đã giới thiệu tự truyện Cát Hay Là Ngọc đến với Nhà Xuất Bản Phụ Nữ, được cơ sở này nhận in và phát hành tháng Sáu vừa qua. Từ câu chuyện riêng tư của Sandy người ta còn nhận được cái gì nhiều hơn thế nữa, là khẳng định của nhà văn Hòa Bình:
Nếu chỉ ghi lại cuộc đời của Sandy một cách hay ho, văn chương, kịch tính... thì sẽ chỉ thỏa mãn được cái tâm lý tò mò của độc giả thôi. Cuốn sách này, dù rất nhỏ, nhưng đưa cái thông điệp như thế nào để khi người đọc gấp quyển sách lại thì cái nhiều hơn ở đây là gì?
Bình thường mọi người hay nghĩ có thể là bác xe ôm, có thể là ông bảo vệ vân vân,,, sẽ tìm cách hãm hại con gái mình cháu gái mình. Nhưng trong trường hợp này Sandy đã bị xâm hại bởi chính người thân của mình, một con người đạo mạo, có trí thức, có địa vị trong xã hội chứ không phải một con người thiếu hiểu biết. Mọi người rất khó hình dung chuyện này, nhưng trong thực tế cuộc sống, theo chỗ tôi biết và theo số liệu điều tra của công an thì thậm chí có rất nhiều những vụ cha đẻ xâm hại tình dục chính con gái của mình, thậm chí xâm hại hai ba đứa con gái trong một gia đình.
Vậy điều đấy gợi lên cái gì cho người đọc, mọi người có bao giờ quan tâm không, trong gia đình có con gái có cháu gái không mà có thể còn rất là bé. Sandy bị từ năm 8 tuổi, hiện tại ở Việt Nam có một vụ rất nóng là một bé gái 6 tuổi ở Vũng Tàu. Bị xâm hại bởi chính người thân nó nguy hiểm hơn rất nhiều , tất cả phạm trù đạo đức bị rung chuyển, không còn gì để có thể bình luận.
Tất cả những điều kinh khủng đó, nhà văn, nhà báo Hòa Bình trình bày tiếp, nằm ẩn dưới bề mặt êm ả hàng ngày của cuộc sống mà chúng ta đang nhìn thấy:
Nó có thật, nó đã là số liệu điều tra và đã được công bố trong rất nhiều hội thảo của Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội. Nó không phải là điều bí mật cần phải dấu diếm nữa nhưng từ xưa đến giờ chưa có bất kỳ ai dám nói thẳng vào chuyện đó bởi rất nhiều lý do.
Thứ hai, thường đã là nạn nhân thì họ rơi vào cái tâm lý cực kỳ kinh khủng, cực kỳ tồi tệ. Họ ở dưới đáy của sự đen tối, họ không cần biết mọi thứ chung quanh, họ không thể biết được ngày mai của họ như thế nào.
Và không chỉ bé gái mà hiện trạng lạm dụng tình dục bé trai cũng rất nặng nề. Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, hậu quả nơi các bé gái là họ sẽ tự hủy hoại chính mình, họ sẽ tự tử chết, hoặc là họ sẽ làm điếm. Còn đối với các bé trai, khi lớn lên chính các bé trai đó sẽ lập lại hành vi đấy với các bé trai khác. Nó hủy hoại những lớp người đang trưởng thành đang lớn lên trong xã hội này. Điều đấy mới gọi là cực kỳ kinh khủng.
Trở lại với Sandy của Cát Hay Là Ngọc, nói với những bạn trẻ cùng cảnh ngộ cô tâm sự:
Sandy muốn mình là người đầu tiên bước ra ánh sáng, tố cáo những tội ác đó. Sandy muốn nhấn mạnh mình không phải là tội phạm, mình là nạn nhân và không có lý gì mà mình phải sống cuộc sống gọi là đen tối hoặc là một tương lai gọi là không tốt đẹp cho đời mình, không nên như vậy.
Trong lúc chờ đợi sự hình thành của dự án Nói Không Với Nạn Xâm Hại Và Nạn Bạo Hành Ở Trẻ Em mà cô đang vận động, Sandy cộng tác với hai trung tâm sinh hoạt thiếu nhi do các Hướng Đạo Sinh trong nước khởi xướng, một ở Hà Nội và một ở Sài Gòn:
Các chú cho em một ngôi nhà sinh hoạt ở Hà Nội và ở Sài Gòn. Nếu những trẻ mồ côi, những bạn bị xâm hại cần sinh hoạt thì các bạn đến ngôi nhà chung. Tại đó có những giáo viên dạy võ, dạy Hướng Đạo, dạy thiền, dạy Yoga. Thật ra ngôi nhà này các chú đã hoạt động mấy năm nay rồi cho những trẻ em khuyết tật, trẻ em bị bệnh AIDS, những trẻ em mồ côi rồi bây giờ là thêm những hoàn cảnh như em vô nữa.
Em không muốn các bé bị phân biệt đối xử, khi mọi người tới thì đơn giản các em cần tình thương và sự quan tâm của mọi người. Em muốn các em mở lòng nhiều hơn tại vì những trẻ bị như vậy thông thường nó thu mình lại và rất sợ tiếp xúc với người lạ.
Đó là câu chuyện về Sandy Nguyễn Thị Bích Ngọc, người đầu tiên dám đứng lên kể về bản thân bị lạm dụng tình dục từ bé qua cuốn tự truyện Cát Hay Là Ngọc.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc kính chào, hẹn tái ngộ quí vị tuần tới.
Liên lạc góp ý với Thanh Trúc, xin thư về nguyent@rfa.org