Dự án Thương Việt Nghèo và quê nghèo Hà Tĩnh

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016.11.03
nlhe164.jpg Dụ án nước sạch do Thương Việt Nghèo thực hiện tại Tân Sơn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Hình do LM Nguyễn Ngọc Nga cung cấp

Hỗ trợ bà con không phân biệt lương giáo

Hà Tĩnh, nơi mùa lũ đang hoành hành mấy ngày qua, lại là vùng đất cày lên sỏi đá với thời tiết khắc nghiệt và những làng những xóm nghèo thật là nghèo.

Và nói là nghèo nhất Hà Tĩnh thì phải kể đến xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, cùng với xã Tân Sơn, huyện Can Lộc, chẳng hạn.

So với các tỉnh miền Trung thì Hà Tỉnh là một trong những tỉnh nghèo của nước Việt Nam. Mùa nắng thì nắng nóng nhiều hơn những nơi khác. Người ta gọi huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tỉnh, nơi giáo xứ Dũ Thành tọa lạc, là chảo lửa và túi mưa.
Thiên nhiên không ưu đãi, địa hình thì núi non nhiều, hiểm trở, đồng bằng ít, thủy nông để làm nông nghiệp cũng rất hạn chế, mùa màng ít có năm nào được bội thu, mất mùa thì khá nhiều so với những huyện khác trong tỉnh.

Linh mục Nguyễn Ngọc Nga, từng là quản xứ Hòa Thắng, tiếp đến là quản xứ Dũ Thành cách đó 60 kilômét mà ông đã làm việc trong 7 năm.

Khi tôi chuyển vào giáo xứ Dũ Thành thì ý tưởng Thương Việt Nghèo bắt đầu manh nha, sau đó tôi thành trang web Hội Thương Việt Nghèo Giúp Nghèo Khuyến Học để giúp dân ở đó.
-LM Nguyễn Ngọc Nga

Giáo xứ Hòa Thắng và giáo xứ Dũ Thành là hai khu vực nghèo nhất của huyện Kỳ Anh. Khi từ Hòa Thắng chuyển về Dũ Thành, linh mục Nguyễn Ngọc Nga đã cố gắng thực hiện dự án Thương Việt Nghèo cho vùng mà ông nói là xem ra còn khó khăn hơn nơi cũ đến mấy bậc:

Thương Việt Nghèo là nói chung, còn trong đó có nhiều lĩnh vực từ thiện xã hội để giúp các gia đình cải thiện kinh tế. Khi tôi chuyển vào giáo xứ Dũ Thành thì ý tưởng Thương Việt Nghèo bắt đầu manh nha, sau đó tôi thành trang web Hội Thương Việt Nghèo Giúp Nghèo Khuyến Học để giúp dân ở đó.

Hỗ trợ bà con không phân biệt lương giáo, Thương Việt Nghèo có chương trình nuôi gia súc trả vốn. Kế đến là chương trình buôn gạo, còn gọi là buôn hàng xáo, để các bà các chị trong thời điểm nông nhàn có thể vay một số tiền đong lúa. Lúa mang về xay ra thì lấy cám cho heo ăn, gạo đưa đi bán cho những làng, những gia đình không làm lúa, không làm ruộng.

Cứ quay vòng như thế trong thời gian nông nhàn để họ kiếm thêm vào chi tiêu trong gia đình.

Ông Kính, cư dân huyện Kỳ Anh, nói về đợt cung cấp heo nuôi trả vốn đầu tiên ở Dũ Thành:

Mỗi hộ như vậy được 3 con heo, mỗi con được 30 kilôgram. Số hộ đến nhận heo có 15 hộ, như vậy tổng cộng có 30 con heo, mỗi con một triệu tám, 3 con thì nhân 3 lên.

Đây là những hộ nông dân ít vốn, được cấp heo cho nuôi. Khi heo lớn và xuất chuồng, tức đã sanh con đẻ cái, thì heo mẹ và một heo con được giao lại cho linh mục Nguyễn Ngọc Nga để cho người khác mượn.

Bà Long, cũng là cư dân Kỳ Anh, được Thương Việt Nghèo giúp vốn buôn hàng xáo:

Dự án chăn nuôi gia súc trả vốn của Thương Việt Nghèo.
Dự án chăn nuôi gia súc trả vốn của Thương Việt Nghèo.
Hình do LM Nguyễn Ngọc Nga cung cấp

Quê ở đây nghèo lắm, chỉ có buôn hàng xáo với nuôi lơn và làm ruộng chứ ngoài ra cũng không có làm được gì thêm cả. Trẻ không học thì đi làm thuê. Nhà em được Cha cho tiền vay buôn gạo, mượn sáu tháng lời thì trả vốn cho cha, còn thì chi tiêu trong gia đình. Ngày nào làm ruộng thì mình đi làm ruộng, khi nào không làm ruộng thì đi buôn hàng xáo . Ai mà vay tiền buôn hàng xáo thì khỏi vay tiền mua lợn.

Nước sạch để dùng hàng ngày cũng là một trong những chương trình mà Thương Việt Nghè thực hiện cho bà con nông dân Hà Tĩnh. Trước đó, khi còn ở giáo xứ Hòa Thắng, linh mục Nguyễn Ngọc Nga đã phát động chương trình Lu Nước Sạch:

Ở nơi đây nước phèn nên phải hứng nước mưa để ăn và uống, còn nước rửa thì mình lọc nước phèn để rửa. Chương trình đó làm được khoảng 400 cái cho 400 gia đình.

Khi về giáo xứ Dũ Thành, thay vì  Lu Nước Sạch, linh mục Nguyễn Ngọc Nga khuyến khích việc khoan giếng:

Bởi vì nước từ các giếng đào bị ô nhiểm, dân cư ở đây sống gần cái kênh thủy nông dẫn nước nhập điền, kênh đó cao hơn mặt bằng sinh hoạt của dân cho nên các giếng đào thì nước thủy nông nó ngấm vào, nước thủy nông đó bẩn lắm. Thứ hai là đường dẫn đi qua ruộng, ruộng thì phun thuốc sâu, hóa chất chảy ngấm dần vào trong đất rồi chảy vào giếng cho nên phải dùng giếng khoan sâu hơn giếng đào giếng thống 10 mét đến 15 mét xuống dưới lòng đất. Giếng khoan nó nhỏ, nó kín miệng cho nên nó sạch hơn. Thương Việt Nghèo làm cho họ như thế, mỗi nhà mỗi cái.

Cấp học bổng khuyến học

Ngoài chương trình Nhà Tình Thương, linh mục Nguyễn Ngọc Nga còn cấp học bổng khuyến học với mục đích:

Nhà Tình Thương tức là hỗ trợ tiền cho họ xây nhà để thay thế cái nhà tranh tre dột nát. Các em nhà nghèo hiếu học, muốn học mà khó khăn, những em đó có thể đang học Cấp Hai, Cấp Ba hoặc đang học đại học thì mình giúp các em tiếp tục học.

Tuy nhiên, sau 7 năm ở Dũ Thành, linh mục Nguyễn Ngọc Nga chia xẻ lý do vì sao ông thấy chuyện nuôi heo và nuôi dê không thành công bằng nuôi trâu hay nuôi bò:

Nhà Tình Thương tức là hỗ trợ tiền cho họ xây nhà để thay thế cái nhà tranh tre dột nát. Các em nhà nghèo hiếu học, muốn học mà khó khăn, những em đó có thể đang học Cấp Hai, Cấp Ba hoặc đang học đại học thì mình giúp các em tiếp tục học.
-LM Nguyễn Ngọc Nga

Sau 7 năm ở Dũ Thành, thời gian đầu nuôi heo với nuôi dê thì họ cũng rất hào hứng, nhưng họ nuôi theo kiểu nuôi tăng trọng, nuôi cám cò. Để cho nhanh xuất chuồng thì họ dùng cám cò là chất để heo mau lớn và tăng ký, trong lúc tôi chủ trương nuôi theo tự nhiên để có thịt sạch, có thực phẩm sạch. Mình cũng kêu gọi nhưng do cái nghèo họ muốn cái lợi nhuận kinh tế trước cái chất lượng thịt. Hy vọng là thời gian khi người dân ý thức về thực phẩm sạch cho mình và cho cộng đồng chứ hiện nay thì chưa phát triển được.

Nuôi dê thì cũng không phát triển được vì dê khó nuôi lắm, nó hay bệnh hay chết, nhưng mà bò đẻ, trâu đẻ thì hiện nay vẫn đang phát triển vẫn nhân rộng mô hình trong đó.

Hiện tại, linh mục Nguyễn Ngọc Nga làm quản xứ Tân Sơn, một giáo xứ mới thuộc xóm Cồn Phượng, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là địa danh ít ai biết tới:

Tân Sơn này là một giáo xứ mới nằm trong địa bàn của xóm Cồn Phượng, Khối 3, thị trấn Nghèn của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Xét về địa hình thì nó tệ hơn ở trong Dũ Thành vì ở đây thấp trủng. Chỗ tôi đang nói với phóng viên  đây xưa người ta gọi là Vực Vịt tức là lưu vực của con sông Nghèn. Xa xưa người ở đây là họ ở dưới sông, khi phải lên trên đất ở thì họ chọn cái cồn ở giữa sông để cắm dùi, cho nên tên Cồn Phượng mới lưu đến chừ đó. Vực Vịt là lưu vực của con sông gần cái cồn này, hay bị lụt lội về mùa mưa lắm.

Tại Tân Sơn, chương trình Thương Việt Nghèo với dự án nước sạch được phát triển mạnh hơn một năm qua:

Từ đó đến nay được khoảng một năm mười tháng rồi. Mô hình Thương Việt Nghèo ở Tân Sơn có sắc thái khác hơn trong Dũ Thành. Ở  đây gần sông nhưng mà nước sinh hoạt, nước ăn uống chưa có. Ngay khi tôi đến nhận xứ thì chính bản thân tôi cũng chưa có nước tắm rửa chứ chưa nói là uống.

Cho nên Thương Việt Nghèo phải hoạt động theo lãnh vực nước rồi thì làm nhà ở . Từ đó đến nay, sau một năm mười tháng, nước uống cho cả vùng và nước sinh hoạt cho khoảng 150 hộ kể cả nhà xứ, là đảm bảo tiêu chuẩn.

Nước sạch của Thương Việt Nghèo ở Tân Sơn.
Nước sạch của Thương Việt Nghèo ở Tân Sơn.
Hình do LM Nguyễn Ngọc Nga cung cấp

Để được như vậy, một hệ thống lọc được thiết lập với 3 công đoạn để lọc nước sinh hoạt tắm rửa, tiếp đến là nước uống từ giòng sông Nghèn cách đó 500 mét:

Thứ nhất là mình mua máy bơm, mình qua hai ba công đoạn. Thứ nhất là dùng máy bơm để bơm nước ngoài sông vào, mình xây bể trữ, xây bể lọc theo khoa học công nghệ môi trường hiện hành, dùng các chất liệu tự nhiên như cát thạch anh và than hoạt tính, lọc ra nước sinh hoạt qua hai lần. Từ nước đó cho chảy qua một cái máy để ra nước sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Lần thứ nhất và thứ hai ra nước tắm rửa, sinh hoạt, lần thứ ba mới là ra nước uống. Có nghĩa lọc lần thứ ba mới đảm bảo uống được. Nước sông bây giờ ô nhiểm hết rồi, họ không dùng mà mình cũng khuyến cáo họ không được dùng.

Chi phí của ba máy bơm và lọc nước qua 3 công đoạn thì mỗi máy phải mua từ một trăm cho đến một trăm năm chục triệu hoặc hơn, nhưng nước thì bảo đảm sạch và an toàn cho người sử dụng:

Người không tiền mà muốn uống nước sạch thì đem bình đến lấy, nếu có tinh thần đóng góp thì tự nguyện bỏ tiền vào thùng. Vì công suất máy lớn và dùng không hết, tôi kêu gọi một số người không có việc làm, các em học sinh và sinh viên có giờ thì vào lấy nước đóng vào bình, đóng vào chai đưa đi bán, lấy tiền đó để ăn học chi tiêu, người cần việc làm có thu nhập để sống.

Chị Hằng, một giáo dân ở địa phương:

Em đang đóng nước sạch của Tân Sơn, đóng vô bình để chở đi bán cho người ta. Một ngày 4 người làm thì đóng được 200 bình, đi bán ở các đại lý bán lẻ. Cha trả lương cho tụi em, tùy tháng làm ít làm nhiều chi cũng được triệu rưỡi, có tháng hơn triệu rưỡi. Nước sạch của Tân Sơn rất cần và tốt, đối với em việc làm đó giúp em thêm tiền cho con ăn học.

Trong dự tính của linh mục Nguyễn Ngọc Nga, nguồn nước sạch của Thương Việt Nghèo cần được mở rộng để có thể hỗ trợ cho một dự án lâu dài và quan trọng hơn hết, chương trình khuyến học mà ông luôn luôn nhắm tới:

Bây giờ ờ ở Tân Sơn thì lâu dài chắc là vẫn phải khuyến học bởi vì các em ở đây bỏ học cũng nhiều lắm, trong đó có lý do kinh tế. Nhưng mà nguồn để giúp là từ nước uống mình xài không hết thì mình kêu gọi các em làm để bán ra theo giá thị trường, thu nhập thì để làm học bổng cho các em, em nào muốn học thì tiếp tục học.

Bởi nếu không được đi học tới nơi tới chốn, không có công ăn việc làm tử tế, con đường giải quyết của lớp trẻ Hà Tĩnh là bỏ quê ra thành thị hoặc bỏ sang Kampuchia, sang Lào rồi trở thành những công nhân bất hợp pháp bên xứ người, điều mà không ai muốn cả.

Ước mong sau cùng của Thương Việt Nghèo và của vị chủ chăn Nguyễn Ngọc Nga là làm sao có thêm tiền để thiết đặt thêm những hệ thống lọc nước như đã có, hầu có thể cung cấp không chỉ cho người Tân Sơn mà cho cả những vùng phụ cận đang cần nguồn nước sạch.

Bởi vì máy đó chỉ phục vụ được 150 hộ thôi, chứ còn hàng trăm gia đình khác ở lân cận đây là chưa có nước sạch, chưa có máy để lọc nước sông ra nước sạch.

Câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi, Thương Việt Nghèo và dân quê nghèo Hà Tĩnh, khép lại ở phút này. Thanh Trúc sẽ trở lại tối thứ Năm tuần tới.

Liên lạc và góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.