Người Việt tại AIT Viện Kỹ Thuật Châu Á Thái Lan

Asian Institute Of Technology, AIT, Viện Kỹ Thuật Châu Á tại mạn Bắc thủ đô Bangkok của Thái Lan, là một trung tâm giáo dục và đào tạo hàng đầu về khoa học kỹ thuật khu vực Đông Nam Á kể từ khi thành lập năm 1959 đến nay.

TS. Nguyễn Thị Kim Oanh giáo sư học viện quốc tế AIT

Bao năm qua, đã có rất nhiều thạc sĩ và tiến sĩ người Việt tốt nghiệp từ AIT, hoặc về nước làm việc hoặc được học bổng sang một trường khác ở Châu Âu hay Hoa Kỳ. Tính đến lúc này, số sinh viên người Việt chính thức theo học các chương trình cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ ở AIT là trên năm trăm, trong đó kể cả những người ghi danh qua các đại học hoặc các trung tâm trong nước có mối liên hệ hàn lâm với AIT.

Ở đây cũng có giảng viên người Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh. Tốt nghiệp ngành Khí Tượng Thủy Văn tại đại học Orissa, Ukraina trước đó, giáo sư Kim Oanh trở về, giảng dạy tại Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, tên gọi bây giờ là Đại Học Tự Nhiên Hà Nội, trong 10 năm:

Năm 1989, hồi bắt đầu có những học bổng thì tôi may mắn được học bổng của AIT. Tôi học thạc sĩ ở đây lúc ấy xong thì được chọn cho học bổng tiến sĩ luôn.

Khi đó, học bổng thạc sĩ mà giáo sư Nguyễn Thị Kim Oanh được nhận sang AIT là do ADB Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, còn học bổng tiến sĩ do Australia tài trợ.

Tôi cũng rất may mắn vì thường được hai học bổng liên tiếp là chuyện khó. Tôi học thạc sĩ trong vòng 24 tháng, học tiến sĩ trong vòng 3 năm thì xong.

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh của Asian Institute Of Technology, AIT, Viện Kỹ Thuật Châu Á. Courtesy ait.ac.th
Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh của Asian Institute Of Technology, AIT, Viện Kỹ Thuật Châu Á. Courtesy ait.ac.th (Courtesy ait.ac.th)

Sau khi dọn xong bằng tiến sĩ, AIT lại có Swedish Intergovernmental Development Agency, Chương Trình Phát Triển Liên Chính Phủ do Thụy Điển khởi xướng, giáo sư Kim Oanh được AIT mời ở lại làm việc trong dự án hợp tác này. Tiếp đó, tiến sĩ Kim Oanh được nhận làm giáo sư thỉnh giảng rồi đến giáo sư toàn thời gian khoa Kỹ Thuật Và Quản Lý Môi Trường của AIT cho đến giờ phút này.

Một quá trình liên tục như vậy đấy. AIT chủ yếu là trường về Cao Học và Tiến Sĩ. Tôi bắt đầu làm giáo viên chính thức từ năm 1997, 16 năm rồi. Bắt đầu là assistant professor, sau rồi đến associate professor, hiện nay tôi là full professor ở đây.

Tôi chuyên dạy về ô nhiễm không khí, rồi sự tác động tương tác giữa ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Tốt nghiệp cũng hơn một trăm sinh viên rồi mà trong ấy cũng có rất nhiều là người Việt Nam. Tiến sĩ thì tôi đã tốt nghiệp được 7 người trong đấy có một người Việt Nam. Hiện tại có hai sinh viên tiến sĩ Việt Nam làm việc với tôi. Sinh viên ở đây đến từ nhiều nước, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan… .

..Sau khi đậu bằng tiến sĩ, AIT lại có Swedish Intergovernmental Development Agency, Chương Trình Phát Triển Liên Chính Phủ củaThụy Điển, giáo sư Kim Oanh được AIT mời ở lại làm việc trong dự án hợp tác này. Tiếp đó, tiến sĩ Kim Oanh được nhận làm giáo sư thỉnh giảng rồi đến giáo sư toàn thời gian khoa Kỹ Thuật Và Quản Lý Môi Trường của AIT cho đến giờ phút này.

Quá trình liên tục của bản thân, mà giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh nhắc tới, chỉ để nói rằng AIT, nơi bà gọi là môi trường quốc tế chứ không chỉ hạn chế trong môi trường khu vực, là cơ hội học tập và cơ may thành công cho tất cả các sinh viên người nước ngoài, trong đó không ít sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp hay còn đang theo học:

AIT là một trong những nơi đào tạo nghiên cứu khoa học rất tốt, ở đây thường có nhiều dự án quốc tế , những mạng lưới Networks của Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á thành một hệ thống. Sinh viên khi học cũng được tham gia trực tiếp vào các dự án đấy.

Cũng rất tự hào mà nói rằng sinh viên Việt Nam học hành rất tốt, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh của AIT xác nhận với Thanh Trúc. Ở đây ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh, bà tiếp, không thạo tiếng Thái cũng không phải là vấn đề chính:

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh đang theo dõi và thẩm định luận án của sinh viên
Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh đang theo dõi và thẩm định luận án của sinh viên (ARF)

Thật ra hồi thời bọn tôi thì tiếng Anh của mình trong nước còn bị hạn chế, sang đây mình cũng phải mất một học kỳ đầu làm quen và nói chuyện với thầy và theo các assignments bằng tiếng Anh. Nhưng bây giờ các em trẻ sang đây thì tiếng Anh khá lắm, rất là tự tin rồi, cho nên hội nhập rất nhanh . Nói đến sinh viên Việt Nam là hội nhập nhanh, học giỏi, rất nhiều em được giải. Con số Alumni của Việt Nam theo tôi tính thì ba đến năm chục. AIT Alumni Việt Nam có những người rất nổi tiếng và rất thành đạt đấy. Có bộ trưởng, thứ trưởng , rồi Cục Bộ, gọi là department, rất nhiều. Rồi thì hiệu trưởng hiệu phó các trường đại học. Đấy là một điều rất đáng tự hào, khi mà Viêt Nam tiếp xúc với Alumni Network thì toàn những người thành đạt cả.

Được biết ba trong số các phân khoa của AIT có nhiều sinh viên Việt Nam theo học nhất là Khoa Kỹ Sư và Kỹ Thuật, Khoa Môi Trường, Tài Nguyên Và Phát Triển, Khoa Quản Trị Điều Hành.

...AIT Alumni Việt Nam có những người rất nổi tiếng và rất thành đạt đấy. Có bộ trưởng, thứ trưởng , rồi Cục Bộ, gọi là department, rất nhiều. Rồi thì hiệu trưởng hiệu phó các trường đại học. Đấy là một điều rất đáng tự hào, khi mà Viêt Nam tiếp xúc với Alumni Network thì toàn những người thành đạt cả. Nguyễn Thị Kim Oanh

AIT là một học viện quốc tế

Viện Kỹ Thuật Châu Á AIT ở ngọai vi Bangkok có một không gian bát ngát, rộng lớn, yên tĩnh. Đối với bạn trẻ Nguyễn Hồng Phúc, đang dọn chương trình tiến sĩ, đây là môi trường lý tưởng để học lên cao:

Em sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tốt nghiệp Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, sau đó một thời gian hai năm làm cán bộ nghiên cứu tại trường trước khi sang AIT tham gia khóa học Master. Cũng rất là may được giáo sư trao một học bổng để tiếp tục học tiến sĩ luôn ở đây.

Vị giáo sư mà sinh viên Nguyễn Hồng Phúc trải hai năm thực tập nghiên cứu ở Đại Học Khoa Học Tự Nhiên chính là tiến sĩ Kim Oanh, thầy cũ của anh:

Một trong những giảng đường của AIT, Viện Kỹ Thuật Châu Á (ait.ac.th)
Một trong những giảng đường của AIT, Viện Kỹ Thuật Châu Á (ait.ac.th) ((ait.ac.th))

Nói chung bản thân em cũng có một thời gian ngắn học tại Thụy Điển, tức là có tiếp xúc với Châu Âu, thì em cũng có được sự so sánh và em biết về chất lượng cũng không chênh lệch lắm. Bản thân em thì công việc em yêu thích là làm về phát triển mà lại muốn làm ở Châu Á nên em nghĩ AIT là nơi tốt nhất để đào tạo mình.

Trước khi sang đây học thì em cũng được đề nghị một học bổng ở Hà Lan nhưng em vẫn quyết định quay lại đây. Như giáo sư đã nói thì ở đây bọn em cũng không phải là ít điều kiện để tiếp xúc với quốc tế mà ngược lại rất là nhiều, thậm chí so với Bắc Âu còn nhiều hơn vì đây là cái “hub” của khu vực. Nhiều người đã nhầm AIT là của Thái Lan nhưng thực sự AIT là một học viện quốc tế.

Cũng theo đuổi ngành Kỹ Thuật Và Quản Lý Môi Trường như người đang hướng dẫn mình, Nguyễn Hồng Phúc giải thích vì sao anh không đi ngành Kinh Tế, Thương Mại, hay Quản Trị Kinh Doanh hoặc Ngân Hàng là những lãnh vực có thể giúp anh kiếm được nhiểu tiền như đa số bạn trẻ trong nước suy nghĩ và chọn lựa:

...Em cũng được đề nghị một học bổng ở Hà Lan nhưng em vẫn quyết định quay lại đây. Như giáo sư đã nói thì ở đây bọn em cũng không phải là ít điều kiện để tiếp xúc với quốc tế mà ngược lại rất là nhiều, thậm chí so với Bắc Âu còn nhiều hơn vì đây là cái "hub" của khu vực. Nhiều người đã nhầm AIT là của Thái Lan nhưng thực sự AIT là một học viện quốc tế. sinh viên Nguyễn Hồng Phúc

Thực ra môi trường ở các nước Châu Á, đặc biệt ô nhiễm không khí, đang là vấn đề hết sức được quan tâm. Bởi vì với tốc độ phát triển hiện nay và với các chính sách chưa đồng bộ cho nên môi trường đang là vấn đề được quan tâm tại khu vực.

Ngược lại ở AIT có một thuận lợi, rất nhiều giáo sư đầu ngành quốc tế thường xuyên đến trao đổi làm việc. Đó là cơ hội tốt cho những người như bọn em có thể tiếp xúc để học hỏi và đem những kiến thức đấy về đóng góp để xây dựng cho đất nước.

Tại AIT Campus, Thanh Trúc cũng có dịp tiếp xúc với một bạn Việt Nam khác đang học thạc sĩ năm hai:

Em là Nguyễn Minh Vương, kỹ sư, ở Việt Nam thì em công tác tại Viện Khoa Học Thủy Lợi Hà Nội. Thực ra em đã biết về AIT từ rất lâu rồi bởi vì bên môi trường Khoa Học Thủy Lợi bọn em thì rất nhiều người đã tốt nghiệp từ AIT.

Sinh viên Nguyễn Minh Vương, thạc sĩ năm thứ 2 / AIT
Sinh viên Nguyễn Minh Vương, thạc sĩ năm thứ 2 / AIT (RFA)

Xếp của em cũng là một cựu sinh viên của AIT, chú được thư của thầy ở AIT gởi sang nói là AIT đang có học bổng. Em làm hồ sơ ghi danh thì cũng may mắn được học bổng sang đây học. Em đang học về Kỹ Thuật Và Quản Lý Tài Nguyên Nước ở AIT. Cá nhân em thấy là kỹ thuật đã ngấm vào máu em từ bé rồi, em rất thích kỹ thuật và máy móc thành ra ngay từ thời học Cấp Ba em đã xác định em sẽ học ngành kỹ thuật. Về tương lai thì nói chung là em cũng phấn đầu và xác định con đường là nghiên cứu.

Như vậy Kỹ Thuật Và Quản Lý Tài Nguyên Nước mà Nguyễn Minh Vương đang học có gì khác với Kỹ Thuật Và Quản Lý Môi Trường mà Nguyễn Hồng Phúc đang chuẩn bị luận án tiến sĩ ?

Nguồn nước với môi trường có liên quan mật thiết với nhau. Trong ngành của em ngay từ thời đại học thủy lợi thì em cũng có học về môi trường. Ở Việt Nam mình về quản lý tài nguyên nước thì em thấy có rất nhiều vấn đề, em hy vọng những kiến thức mình được trang bị ở đây thì khi quay trở lại công tác tại viện mình có thể đóng góp nhiều hơn hoặc đề xuất hoặc là ứng dụng những công nghệ chuyên môn mà mình học tập và quản lý.

Không chỉ học tập và trau dồi kiến thức chuyên môn, cuộc sống của một sinh viên nội trú ở Viện Kỹ Thuật Châu Á AIT đối với Nguyễn Minh Vương còn là trường đời của giao tiếp quốc tế và biết chấp nhận những điều ngoài tầm suy nghĩ của bản thân mình:

Em thấy môi trường AIT rất tuyệt vời, một môi trường rất yên bình, môi trường xanh, đấy là cái mà em thích nhất. Bạn bè không chỉ các bạn Thái mà các bạn khác cũng rất cởi mở. Cái thứ hai nữa là mình học tập ở môi trường quốc tế thì mình biết được cái đa dạng văn hóa, tiếp nữa là mình có thể thích ứng với phong cách làm việc khác nhau, cách suy nghĩ khác nhau. Hoặc là khi em tham gia những G.A. General Assembly, em thấy trong môi trường quốc tế thì mình cần phải lắng nghe và tôn trọng tất cả mọi ý kiến. Điều đó làm cho mình trưởng thành hơn, chín chắn hơn trong suy nghĩ.

Theo giám đốc Trung Tâm Ngọai Vụ, Liên Lạc và Giao Tế của Viện Kỹ Thuật Châu Á, ông Shawn Kelly, số lượng đông đảo sinh viên đến từ Việt Nam, mà cao điểm là năm 2012 và 2013 này, đã giúp Viện Kỹ Thuật Châu Á AIT một lịch sử gắn bó với một số cơ sở giáo dục ở Việt Nam:

Cơ bản mà nói sinh viên Việt Nam quả thực rất quan trọng đối với AIT, con số sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tiến sĩ ở AIT chỉ đứng sau các sinh viên Thái và nhiều hơn tất cả mọi quốc tịch khác.

Về mặt kỹ thuật Việt Nam cũng là một quốc gia có tầm quan trọng đối với sự phát triển kỹ thuật của AIT. Hiện có rất nhiều trung tâm đào tạo của AIT ở Việt Nam, nghĩa là nhiều cơ sở chi nhánh được đặt dưới sự quản trị của một trung tâm AIT chính ở Việt Nam.

Năm 1996 AIT được Việt Nam trao tặng huân chương hữu nghị, ghi nhận tinh thần học tập và nghiên cứu ảnh hưởng đến tầng lớp du học sinh từ trong nước sang, ông Kelly cho biết tiếp. Đó là lý do Viện Kỹ Thuật Châu Á luôn mời gọi cũng như khuyến khích sinh viên và nghiên cứu sinh ngời Việt tham gia các chương trình học bỗng đẳng cấp quốc tế về thạc sĩ và tiến sĩ tại đại học kỹ thuật này.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc mong được tái ngộ quí thính giả tối thứ Năm tuần tới.