Một trong những vấn đề gây đau đầu nhất cho những người lãnh đạo Hà Nội nói riêng và Nhà nước Việt Nam nói chung là vấn đề quy hoạch - thành phố nay đã có diện tích rộng hơn 3.300 km2, nằm trong số 17 thành phố, thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Đồ án quy hoạch Hà Nội năm 2030, tầm nhìn 2050 với việc dời trung tâm hành chính lên Ba Vì và việc xây dựng trục Thăng Long nối Ba Vì với trung tâm Thủ đô đã được trình lên Quốc hội từ mấy tháng nay, gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều giữa giới lãnh đạo, những người có liên quan tới đồ án với giới chuyên môn, trí thức và đông đảo người dân. Gần đây, trong khi hội đồng thẩm định cấp nhà nước chuẩn bị trình văn bản lên Thủ tướng kiến nghị thông qua đồ án, thì dư luận vẫn tiếp tục tỏ ra không đồng thuận với dự án này.
Dư luận nghĩ gì?
Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050" còn thiếu cơ sở khoa học, thiếu khả thi, không đảm bảo phát triển bền vững.
TS Phạm Ngọc Đăng
Trong bài viết "Quy hoạch Hà Nội: chín chắn hay xốc nổi?" đăng trên Tuần Việt Nam, kiến trúc sư Hà Thủy dẫn chứng một số thủ đô hoặc thành phố lớn của một số quốc gia có quy hoạch rất tốt, thể hiện một tầm nhìn xa và rộng, được xem như những trung tâm hay có thể nói là thủ đô của thế giới, như Washington DC, Paris, London, Tokyo, New York…Tác giả nhận xét: "Các thành phố này có chung một đặc điểm đó là sự ổn định về địa giới, tiết kiệm tài nguyên đất đai, năng lực dung nạp của đô thị rất cao (GDP đã nói lên điều đó)…Chúng ta đều nhìn nhận nhãn quan quảng đại, tầm nhìn vô hạn định của những người khởi xướng những đồ án này." Trong khi đó, "tầm nhìn của ta" thế nào? "Ngược lại, với quy hoạch Hà Nội, cùng với cái gọi là "tầm nhìn chiến lược" đồ án đề xuất đến 2030 với đất đô thị 1.270km2; tức gấp 2 lần Tokyo và 1,6 lần New York, 4 lần London; 12 lần Paris, 7 lần Washington DC.
Trong khi, nước ta đất chật (thứ 65/193), người đông (thứ 12/193), tài nguyên khan hiếm, đi lên từ nghèo nàn và lạc hậu, vậy mà, chỉ với 20 năm đề xuất nhu cầu đất cho đô thị Hà Nội gấp hơn 7 lần so với 1000 năm (hiện trạng là 180,5km2).Vậy 100, 200, 1000 năm sau Hà Nội sẽ ra sao? Tương lai ở đâu trong đồ án này?
Vào năm 2030, dân số đô thị vào khoảng 4,5 triệu người (bằng khoảng ½ New York và Tokyo). GDP của Hà Nội năm 2030 theo đồ án đề xuất là 11.000 USD/người (chưa chắc đã đạt được). Nếu tính cho dân cư đô thị GDP toàn thành phố sẽ vào khoảng 50 tỷ USD, tức GDP bình quân là 0,0413 tỷ USD/km2. Như vậy, sau 20 năm, hiệu suất phát triển trên một đơn vị đất đai của Hà Nội vẫn thấp hơn so với các thành phố nêu trên tại thời điểm hiện nay từ 43 đến 129 lần.
Tác giả đặt câu hỏi: "Tại sao cùng một quy mô dân số đô thị chúng ta lại phải sử dụng một quỹ đất gấp 4 lần các đô thị thủ đô tốt nhất thế giới nêu trên, trong khi hiệu quả sử dụng đất lại thấp hơn hàng chục, hàng trăm lần như vậy?"

Trên blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đăng lại một số tham luận của các nhà chuyên môn, giới trí thức tại "Hội thảo Nghìn năm Môi trường Hoa Lư -Thăng Long- Hà Nội" được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9.9. Giáo sư Tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng nói về: "Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050" còn thiếu cơ sở khoa học, thiếu khả thi, không đảm bảo phát triển bền vững".Theo ông Phạm Ngọc Đăng, "Trước hết phải xây dựng TP Hà Nội (đô thị trung tâm) thành 1 đô thị "Xanh - Văn hiến - Văn minh và Hiện đại", rằng việc chuyển Trung tâm hành chính quốc gia (HCQG) lên chân núi Ba Vì là rất bất lợi về nhiều mặt…; quy hoạch trục Thăng Long hoành tráng nhưng không có giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế và xã hội, rất lãng phí v.v… Cũng tại hội thảo này, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện trình bày về "Đồ án quy hoạch chung thủ đô từ góc nhìn văn hóa và lịch sử". Tác giả dẫn chứng lịch sử vua Lý Công Uẩn xưa: "Nhà vua đã mang việc lớn ra bàn bạc và lấy ý kiến của triều thần nước Đại Việt. Trên cơ sở sự đồng thuận cao của nhân dân Đại Việt, nhà vua mới đưa ra quyết định cuối cùng đó là chuyển Hoa Lư ra Thăng Long. Từ môt quyết định đúng đắn của Lý Công Uẩn và sự đồng thuận của nhân dân đã làm tiền đề cho Đại Việt phát triển mãi về sau.
Thiết nghĩ, việc hệ trọng đưa TT Hành chính Quốc gia về Ba Vì vừa qua chưa thực sự bàn bạc dân chủ trong nhân dân cũng như trong giới chuyên gia, khiến cho Bộ Xây dựng trong việc này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của giới trí thức, giới chuyên gia các lĩnh vực khác nhau và đông đảo nhân dân. Đó thực sự là một bài học đắt giá về cái gọi là “Quy hoạch là ý chí của quyền lực”(lời Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân).”
Cũng như giáo sư tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện không tán thành việc dời trung tâm hành chính lên Ba Vì và xây trục Thăng Long. Tác giả đưa ra những lý do vì sao không nên dời lên Ba Vì, "…Có thể thấy Xứ Đoài từ xưa đến nay chưa bao giờ là khu đất năng động… tinh hoa văn hóa Xứ Đoài vô cùng phong phú, từ đình chùa, miếu mạo đến kiến trúc nhà ở dân gian, quy hoạch nông thôn, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể..., nên theo tôi những nhà làm quy hoạch không được phép hy sinh những giá trị này.
Vì vậy, Xứ Đoài nên quy hoạch để trở thành vùng bảo tồn văn hoá phục vụ du lịch văn hoá, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Xứ Đoài chỉ có thể phát triển theo hướng đó là tốt nhất." hơn nữa, đây "là vùng đứt gãy về địa tầng, có thể là không phù hợp để xây dựng những công trình lớn ở đây…Về góc độ kinh tế thì lãng phí, về phong thủy đều rất kém.
Trong bài viết "Quy hoạch Hà Nội và trái đào lộn hột" đăng trên Tuần Việt Nam, kiến trúc sư Khắc Kỷ Nam ví von: "Theo cách hiểu từ xưa đến nay, thành phố nói chung giống như hình ảnh Đào Quả: ở giữa (tâm) có Hạt và Nhân (tức lõi trung tâm). Xung quanh Hạt nhân có thịt quả (đô thị), phía bên ngoài là vỏ, lông tơ (ngoại vi).
Trước hết phải xây dựng TP Hà Nội (đô thị trung tâm) thành 1 đô thị "Xanh - Văn hiến - Văn minh và Hiện đại".
TS Phạm Ngọc Đăng
Với cấu trúc Đào Quả, Nhân luôn gắn liền với Tâm. Cấu tạo như vậy, nên theo truyền thống Đào Quả tượng trưng cho sự Trường thọ. Theo cấu trúc này (như các thủ đô 1000 năm khác) Thăng Long - Hà Nội sẽ trường tồn.
Vì lơ mơ (hay thấu hiểu cách khác), Bộ Xây dựng mới đề xuất ý tưởng đưa trung tâm Hành chính quốc gia ra ngoại vi (thực chất, việc duy trì Khu dự trữ (HCQG) là vẫn cố đeo bám theo ý tưởng cũ, chỉ thay tên gọi). Ý đồ này xem ra cũng có cái đặc biệt vì cấu trúc của thủ đô sẽ giống Đào Lộn Hột. Thực là: "Trái tim nhầm chỗ để ra ngoài".
Bản chất cấu trúc theo kiểu Đào Lộn Hột là chỗ có Nhân thì không phải Tâm, chỗ là Tâm thì không có Nhân. Với cấu trúc "Nhân" không gắn với "Tâm". Theo quy hoạch (cả cũ và mới) của Bộ Xây dựng đề xuất, thủ đô Hà Nội dường như sẽ có số phận phù du!”
Trục Hồ Tây – Ba Vì hết thẳng lại cong
Ý tưởng xây Trục Thăng Long nối Ba Vì với trung tâm Hà Nội cũng vấp phải nhiều sự phản đối của người dân. Mặc dù những người đưa ra ý tưởng và những quan chức bênh vực cho đồ án này hết gọi đây là "trục tâm linh" lại gọi là "trục văn hóa lịch sử". Từ câu phát biểu của ông Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Đình Toàn "Xây dựng Trục Thăng Long giải quyết giao thông và kết nối văn hóa", kiến trúc sư Trần Thanh Vân bức xúc viết bài "Những "cô Bích" ở quanh ta", ví ông Thứ trưởng này cũng chẳng khác gì cô "sắp là Tiến sĩ" Đỗ Ngọc Bích mà dư luận còn nhớ rất rõ với bài viết chứng tỏ sự kém hiểu biết, ăn nói ngô nghê, lộng ngôn…trên BBC trước đây. Tác giả dẫn ra một loạt ý kiến phản biện về việc xây trục Thăng Long: "Tiến sĩ KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc thì trả lời báo chí rằng Trục Thăng Long là cung tên bắn vào trái tim là TTHC quốc gia.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàn thì nói công khai: Mời ông Bộ trưởng Bộ xây dựng đến đây tranh luận với tôi, làm trục Thăng Long đến Ba Vì để đưa Chính phủ vào đó ngồi thì làm thêm một đoạn đường hầm nữa chui vào giữa Ba Vì để ai vào đó thì không ra nữa.
Tiến sĩ Nguyễn Trường Tiến viết bài phản biện nói rằng “Đất Ba Vì là đất linh thiêng của Thần Thánh, đó là ĐÔ THỊ ÂM, không thích hợp cho một TTHC quốc gia”
Tiến sĩ Phạm Gia Minh thì dẫn sách Phong thủy của tác giả Hàn Quốc nói rõ rằng Con Rồng thẳng đơ ra là con Rồng chết, Trục Thăng Long này sẽ dẫn đến chỗ chết.’\
Về phần mình, kiến trúc sư Trần Thanh Vân cho rằng "Đỉnh Ba Vì cao 1226m là nơi Tỏa Linh khí, vùng Phủ Tây Hồ và Tây Hồ Tây cách Ba Vì 26Km, lại có mạch nước thông với sông Hồng là nơi Thụ Linh khí, ở đó đã có dự án Tây Hồ Tây rộng 847 ha đất. Xưa kia đó là Đàn Nam Giao, Nơi thờ cúng, nơi đào tạo nhân tài, nơi tổ chức Hội nghị Diên Hồng, nơi Thủ tướng, Chủ tịch nước tiếp khách… nơi đó hiện Hàn quốc đang đền bù đất để đầu tư Đô thị mới. Nếu đòi lại thì Keystone VN sẽ đền bù số tiền Hàn quốc đã bỏ ra giải phóng mặt bằng. Chỉ nơi đó có hiện tượng Long quyển thủy, nơi đó là Thăng Long, Rồng cuộn nước bay lên, còn chân núi Ba Vì là nơi bế khí, là Ẩn Long!!! Rồng đi trốn…"
Chưa hết, những kẻ hoang tưởng, say sưa với đồ án này thậmchí còn ví von Trục Thăng long như đại lộ Champs-Élysées của Hà Nội, tác giả Phan Quang Minh cho rằng “Trục Thăng Long khó là Champs-Élysées Hà Nội” . Tác giả phân tích: “Tại Paris, trục đường Champs-Élysées nổi tiếng rộng cả trăm mét, dài gần 2km chạy từ Concorde đến Khải Hoàn Môn, nối tiếp hơn 4km nữa bởi đại lộ Charles de Gaule, kết thúc ở khu La Défense. Tuy nhiên, đó không chỉ là trục đường thẳng, mà vượt qua 5 quảng trường lớn – nơi hội tụ từ 6 đến 12 đại lộ.” Trong khi đó, trục Thăng Long bất lợi từ mô hình trục “mũi tên”, xưa nay ai có tậu đất mua nhà thì đều tránh vị trí có con đường cái ngõ đâm thẳng vào giữa cửa.
Những căn bệnh mãn tính
Kể từ khi đồ án quy hoạch Hà Nội được đưa ra lấy ý kiến người dân, rất nhiều ý kiến phản đối đã cất lên, từ trong kỳ họp Quốc hội tháng 6.2010 với nhiều ý kiến của đại biểu, cho đến gần đây, báo Pháp luật số ngày 10.9 đăng tin: "Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) vừa có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng kiến nghị chưa thông qua đồ án quy hoạch này. VUSTA cũng cho rằng việc dự trữ đất ở Ba Vì và làm trục Hồ Tây-Ba Vì là không hợp lý, gây lãng phí…"
Trục Thăng Long, hay trục tâm linh, hay đường Tây Hồ- Ba Vì như cách nói của Bộ Xây dựng bây giờ thực ra chỉ là những tên gọi khác nhau của "con đường bất động sản".
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
Ngay ông Chủ tịch UBND Hà Nội cũng thay đổi ý kiến xoành xoạch. Báo Lao Động phải đặt câu hỏi: "Hà Nội có tiền hậu bất nhất?": "Như vậy trong vòng 3 tháng ông Chủ tịch Hà Nội từ chỗ ủng hộ trục Thăng Long chuyển sang phản đối rồi lại ủng hộ.
Thay đổi chính kiến là chuyện bình thường. Khi ta chưa có đủ thông tin, chưa thấu hiểu tình hình ta có ý kiến thế này. Khi có thêm thông tin, hiểu kỹ hơn ý kiến của ta có thể thế khác. Đó là chuyện hết sức bình thường đối với một con người.
N hưng đối với một tổ chức, như chính quyền thành phố Hà Nội, thì không. Ý kiến của chính quyền khi đã đưa ra công khai mà nay thế này mai thế nọ thì rất không ổn."
Nhưng vì sao những người đưa ra ý tưởng và các quan chức lãnh đạo nhà nước Việt Nam vẫn cứ muốn làm cho bằng được, như họ đã từng bỏ qua ý kiến của người dân trong việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội trước kia và rất nhiều chuyện khác nữa. Nguyên nhân có lẽ cũng không khó đoán ra. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: "Trục Thăng Long, hay trục tâm linh, hay đường Tây Hồ- Ba Vì như cách nói của Bộ Xây dựng bây giờ thực ra chỉ là những tên gọi khác nhau của "con đường bất động sản"…"
Trang Bauxite Vietnam khi viết lời dẫn cho bài "Quy hoạch Hà Nội: Ba tồn tại, chín phi lý" của kiến trúc sư Hà Thủy cũng nói thẳng: "Bởi cứ ngẫm nghĩ một tí khắc thấy cái dự án đưa Trung tâm Hành chính quốc gia vào tận chân núi Ba Vì chỉ là một cách xướng lên thế để tạo ra một cơn sốt đất ảo ở cái nơi khỉ ho cò gáy ấy thôi. Và quả nhiên cơn sốt đất ảo kia đã bùng nổ từ khi đồ án được công bố đến nay làm nhiều người phát ngốt. Sẽ có những kẻ bán trôi được bao nhiêu hecta đất từ lâu sở hữu ở đây và trở thành tỷ tỷ phú rất nhanh, sau đó khi đã bán xong bằng giá gấp mười, gấp mấy chục lần, vàng đã gửi đến nơi cần gửi, thì chiếc bong bóng ảo sẽ lại xẹp xuống. Chứ ai mà lại tin được rằng một trung tâm điều hành đất nước lại dại dột bỏ Hà Nội nghìn năm để đâm đầu vào núi kia chứ. Xin hãy nhìn vào thời hạn: phải đến 2050 thì Dự án mới thực hiện, có nghĩa là đến lúc ấy những người đề xuất dự án đã đi chầu ông bà ông vải hết tất tật. Dự án có thực thi hay không, bấy giờ có mà kiện củ khoai. Mẹo của những "cái ghế" ai còn lạ gì nữa."
Như vậy, lại một lần nữa, thông qua việc quy hoạch thành phố Hà Nội này, những căn bệnh mãn tính của các quan chức Việt Nam lại bộc lộ ra: từ tầm nhìn ngắn, kiểu “cứ làm đến đâu nghĩ đến đấy”, quy hoạch một thành phố mà đầy ngẫu hứng, tùy tiện, thêm thói hoang tưởng cái gì cũng muốn to hơn, dài hơn, vĩ đại hơn thiên hạ trong khi đất nước còn nghèo, dân còn khổ, muôn vàn thứ cần phải giải quyết mà tiền thì toàn tiền đi vay rồi sau này con cháu è cổ ra trả. Và cuối cùng, điều cốt lõi nhất: mọi thứ vẽ vời ra chỉ nhằm để thu lợi về cho những “nhóm lợi ích” mà thôi!