World Cup 2010 với Blogger Việt

Từ lâu người Việt Nam đã chứng tỏ là một trong số những dân tộc mê bóng đá nhất trên thế giới. Ai đến Việt Nam khi đội tuyển quốc gia dự giải bóng đá Asean đều có thể cảm nhận rất rõ điều này.

0:00 / 0:00

Mỗi khi đội tuyển Việt Nam thắng, hàng ngàn người già trẻ lớn bé gái trai đổ ra đường, khoác lên người những chiếc áo đỏ-màu áo của đội nhà, đầu cột băng đỏ, tay cầm cờ, biểu ngữ “Hoan hô Việt Nam”, “Việt Nam vô địch”…; hoặc phóng vù vù trên những chiếc xe gắn máy chở hai chở ba, hú còi ầm ỹ, hoặc đem theo xô, chậu, bất cứ cái gì có thể gõ, có thể tạo thành âm thanh, thế là gõ là đánh…Đường phố lập tức nghẽn tắt hàng mấy tiếng đồng hồ.

Nhà nhà xem bóng đá

Hay khi mùa World Cup đến. Các quán café, quán nhậu...từ các thành phố lớn cho đến tỉnh lẻ đều tìm cách lôi kéo khách hàng bằng cách “tậu” thêm TV màn hình lớn để khách hàng vừa nhậu vừa xem các trận đấu, cùng bình luận, hò hét, tranh cãi…một cách sôi nổi, hào hứng. Mùa World Cup nào cũng có những người bị thua cá độ mất tiền mất của, có khi uất quá…mà tự tử!

Xin phép các bạn sau Wold Cup này tớ lại tiếp tục... phấn đấu kí tiếp nếu bóng đá có làm cho tớ khỏe lên. Chào các bạn!

Nhạc sĩ Tô Hải

World Cup với các blogger cũng không là ngoại lệ. Bốn năm mới có một mùa hội lớn của bóng đá thế giới có thể nào bỏ qua được. Bận xem bóng đá, có những trang blog như Tin lề trái, 1 người việt…phải treo thông báo "xin nghỉ phép, sau World Cup sẽ phục vụ trở lại". Cả nhạc sĩ già Tô Hải cũng treo thông báo "Tớ đi dưỡng bệnh…bằng bóng đá". Nhạc sĩ Tô Hải kể chuyện rằng ba tuần nay ông đi ra, đi vào ra bệnh viện như đi uống café sáng vì đủ thứ bệnh nào đau cột sống, khó thở, huyết áp, đầu óc quay cuồng: "Và , may mắn cho tớ , Wold Cup 2010,đã khai mạc! Dip may chữa bệnh đã đến. Thế là tớ quên hết mọi sự đời! Xem xong một tháng bóng đá này, chết cũng cam! Mà lạ thật, kể từ hôm 11/6 đến giờ, huyết áp không hề cao do không đọc báo, không lên mạng, không xem tivi,ngoài bóng đá!. Thì ra, mấy bác mũ ni che tai kệ mẹ sự đời, hưởng lộc trời đến chết họ sướng hơn tớ thật!

Cho nên, xin phép các bạn sau Wold Cup này tớ lại tiếp tục... phấn đấu kí tiếp nếu bóng đá có làm cho tớ khỏe lên. Chào các bạn!Cái số tớ chưa chết năm nay đâu...Có lẽ phải đến sang năm đúng cái năm tuổi con Mèo của tớ cơ!”

Nếu có những blogger phải nghỉ viết hoặc ngưng post bài, điểm tin vì bận xem đá bóng thì cũng có những blogger như Hiệu Minh, BS Hồ Hải, nhà báo Bùi Tín, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc…lại nhân dịp này viết thêm những bài xung quanh lĩnh vực bóng đá. Blog quê choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập ngay đầu mùa World Cup đã thông báo mở thêm "mục bóng đá để bà con tham gia bình loạn cho vui", có bài viết, có cả những hình ảnh vui sưu tầm từ các trận đấu…

Nếu như những bài viết về World Cup của tác giả Chu Đình Ngạn trên blog quê choa cung cấp cho người đọc những thông tin về World Cup, bình về các trận đấu, chân dung những cầu thủ như Maradona, Messi… thì nhà văn Nguyễn Quang Lập kể lại những kỷ niệm cùng với bạn bè xem World cup từ cái thời 70-80 "Những năm 70-80 thế kỉ trước rất ít ai biết Euro cup, World cup là gì. Tin bóng đá thế giới chỉ có một mẩu nhỏ tí hin trên báo Nhân dân, báo Hà Nội mới, các bóng khác không hề quan tâm. Mình nhớ mẩu tin hình như chỉ vài chục chữ, ví dụ, chỉ ví dụ thôi nhé, Hôm qua tại vòng đấu bảng Euro cup ở Ý, CHLB Đức thắng Bỉ hai không. Bỉ chính thức bị loại. Đại khái thế, một dòng tin cụt lủn khô khan, chẳng nói ai đá vào, đá vào ở phút nào, ai máu thì mở đài tây mà nghe, báo chí ai lại đi tường thuật bóng đá.".

Người hâm mộ đang xem bóng đá world cup 2010 tại một quán cà phê vỉa hè ở TPHCM. RFA Photo.
Người hâm mộ đang xem bóng đá world cup 2010 tại một quán cà phê vỉa hè ở TPHCM. RFA Photo.

Đến năm 1982, nhiều người ở Việt Nam đã biết World Cup là gì rồi nhưng xã hội VN thì vẫn chưa đổi mới với nền kinh tế bao cấp còn nhiều khó khăn: "Ti vi thời này không phát trực tiếp được, giả có phát trực tiếp cũng không phát được, ti vi phát đến 11 h đêm thì nghỉ trong khi World cup toàn diễn ra nửa đêm về sáng. Ti vi trung ương thu lại các trận đấu world cup nhưng cũng chẳng phát lại, chắc là sợ tốn ti vi, ti vi làm ra là để giáo dục công chúng, ai lại mất mấy tiếng đồng hồ để phát bóng đá thiên hạ, có mà điên. Thời này chức năng giải trí không được coi trọng, nghe đến chức năng giải trí của văn hoá thể thao như nghe mấy chuyện dở hơi, rất khó nghe.

Nhưng ti vi khôn ngoan, bèn ghi băng vidéo chiếu lại cho dân ghiền bóng đá xem, tổ chức bán vé thu tiền đàng hoàng, gọi là làm kế hoạch 3, toàn xem lại các trận đấu đã diễn ra ngày hôm trước nhưng ai nấy phấn khởi vô cùng.”. Thời đó, đầu óc người dân ngay cả văn nghệ sĩ trí thức còn rất mê muội theo kiểu: “Thấy người ta kéo nhau đi xem đông vui, anh Hải Bằng cả đời không biết bóng đá là gì cũng đạp xe đến Đài truyền hình xem. Tối đó CHLB Đức đá với Anh, Hải Bằng chẳng biết đội nào ra đội nào cứ quay đi quay lại hỏi, nói quân mình bên mô quân mình bên mô. Có người nói toàn đế quốc sài lang cả thôi, quân mình mô mà quân mình. Anh nói không có đội Liên Xô à, mọi người nói không, trận này Liên Xô nghỉ đá. Anh cười cái hậc, nói è he không có Liên Xô coi mần chi, ẻ vô. Nói rồi xách xe về thẳng.

Thời đó cứ mỗi lần có Liên xô xuất trận dân tình háo hức lắm. Với nhiều người Liên Xô là nhất, Mỹ chỉ là cái đinh gỉ. Kuwait, Honduras còn vào được World cup mà Mỹ chẳng thấy khi nào ló mặt vào, đúng là con hổ giấy hi hi. Hôm trước Liên Xô thắng New Zealand 3-0 dân tình hả dạ lắm, nói Liên Xô rứa mới Liên Xô chớ. Hôm sau Liên Xô thua Brazil 2-1 mọi người tức lắm, nói cha tổ, Brazil chỉ có cà phê chứ có cứt chi mô mà Liên Xô thua hắn hè, tức rứa không biết…”

Phần lớn những bài viết về bóng đá mùa World Cup là bình luận về các trận đấu, các đội tuyển, các cầu thủ v.v…Thỉnh thoảng có những thông tin khác, như nhà báo Bùi Tín có bài viết về việc "Tổng thống Mỹ, thủ tướng Anh thanh toán một vụ cá độ World Cup" chẳng hạn:

“Tổng Thống Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron nâng ly chúc mừng “mối quan hệ đặc biệt” giữa hai nước bằng cách trao đổi bia để thanh toán một vụ cá độ World Cup.

Hai vị lãnh đạo quốc gia trao đổi nước uống tại Toronto, Canada tiếp theo vụ cá độ World Cup trong tháng này giữa đội Anh và đội Mỹ mà kết quả là hòa 1-1.

Tổng thống Obama trao cho Thủ tướng Anh chai bia Goose Island 312 do thành phố Chicago, bang Illinois, quê nhà của Tổng thống Obama sản xuất. Thủ tướng Anh Cameron trao cho Tổng thống Mỹ một chai Hobgoblin do hãng bia Wychwood của Anh sản xuất.”.

Xem World Cup… nhớ quê nhà

Nhớ hồi đó bên hàng xóm mấy ông kéo túm tụm vào chụm nhau bên cái TV nhỏ xíu, gào "Dzô! Dzô!" rồi vỗ đùi chan chát.

Joyce Anne Nguyễn

Đối với nhiều người xa Việt Nam, World Cup là dịp để nỗi nhớ Việt Nam cồn cào trỗi dậy. Không hẹn mà gặp, cả hai bài viết của hai blogger-một còn ở tuổi học sinh, Joyce Anne Nguyễn mới rời VN hơn một năm và một, đã là giáo sư, tiến sĩ nhiều năm sống ở nước ngoài-nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc , cùng có một cái tựa giống nhau: "Xem World Cup nhớ VN".

Joyce Anne Nguyễn kể lại: "Nhớ hồi đó bên hàng xóm mấy ông kéo túm tụm vào chụm nhau bên cái TV nhỏ xíu, gào "Dzô! Dzô!" rồi vỗ đùi chan chát. Mấy người nước ngoài không hiểu được, chẳng lẽ tụi VN nghèo không có TV phải kéo đến nhà nhau hoặc ra quán. Họ không hiểu tình yêu bóng đá của người VN. Họ không biết phải xem cùng nhau và cùng gào "Dzô! Dzô!" mới sướng, mới gọi là xem bóng đá. Họ không biết người VN có thể phát cuồng phát điên vì bóng đá. Họ không biết người VN khi thấy đội mình thắng có thể gào thét ùa nhau ra đường "đi bão", đua xe, đập phá cho thỏa cái sướng và số lượng tai nạn giao thông cũng cao choáng váng vào những đêm "đi bão" như thế. Họ không biết người VN có thể bỏ mọi thứ để có thể cùng túm tụm nhau lại bên cái TV bé xíu để cùng xem, và cùng chia lửa.

Bảng quảng cáo trực tiếp truyền hình bóng đá tại một nhà hàng ở Sài Gòn. RFA PHOTO.
Bảng quảng cáo trực tiếp truyền hình bóng đá tại một nhà hàng ở Sài Gòn. RFA PHOTO.

Bây giờ ngồi xem, chẳng gào. Cũng chẳng nghe thấy ai gào. Những người hàng xóm hoặc đã bị cái thời tiết kia làm lơ mơ lãng đãng mất hết sinh khí và sức sống thành nguội lạnh không có khả năng gào, hoặc họ đủ lạnh lẽo và tỉnh táo để ngồi xem trong điềm tĩnh và yên lặng, lịch sự không làm phiền nhà bên cạnh.” Cùng một tâm trạng, tác giả Nguyễn Hưng Quốc viết: “Cuối năm 1985, tôi sang Pháp. Năm sau, 1986, có giải bóng đá thế giới được tổ chức ở Mexico. Pháp, với ngôi sao bóng đá lừng lẫy thời đó, Michel Platini, được lọt vào bán kết. Ban ngày, đi đâu cũng thấy không khí hừng hực mùi bóng đá….Trong không khí như thế, tối, đi làm về, tôi cũng bật tivi lên xem. Một mình. Cửa phòng khép chặt. Không có ai nữa cả. Bóng lọt lưới, mới mở miệng định nói “dzô!” đã thấy đắng ngắt. Lại im. Nhiều lúc, đang xem dở, thấy lạt lẽo quá, bèn tắt tivi đi ngủ.

Mà thường thì không ngủ được. Cứ nằm trằn trọc nhớ Việt Nam.

Bây giờ cũng thế. Cứ mỗi lần có giải bóng đá, lại nhớ Việt Nam. Nhớ không khí. Nhớ những tiếng “dzô!” vang dội cả xóm

Nhớ cồn cào.”

Xem ra với nhiều người Việt tha hương, trong những điều làm họ nhớ về Việt Nam ngoài những làng xóm hay thành phố nơi mình đã sinh ra, hoặc đã sống một thời gian dài, những con đường, những món ăn…có cả nỗi nhớ về cái không khí mùa bóng đá ở quê nhà nữa.

Nghĩ về bóng đá Việt Nam

Giới bóng đá có được một điều mà rất nhiều giới khác không có hoặc chưa có: thứ nhất, tầm nhìn đương đại; và thứ hai, tầm nhìn toàn cầu hoặc ít nhất, tầm nhìn khu vực.

Nguyễn Hưng Quốc

Từ World Cup, tác giả Nguyễn Hưng Quốc nghĩ đến những vấn đề rộng hơn "Xem World cup, nghĩ về cái hay của bóng đá VN", đó là nếu như trong các lĩnh vực khác, người VN vẫn còn nhiều ảo tưởng "như trong văn học, chẳng hạn. Tôi đã nghe và thấy nhiều người nói hoặc viết, khá nhiều lần, đại khái: Văn học Việt Nam, đặc biệt thơ và truyện ngắn, không thua kém ai cả. Chúng ta chưa nổi tiếng trên thế giới hoặc chưa đoạt giải Nobel không phải vì chúng ta kém mà chỉ vì chúng ta thất thế: ít người biết tiếng Việt. Giá mà tác phẩm Việt Nam được dịch ra tiếng Anh hay tiếng Pháp nhiều thì thiên hạ... biết tay! Những người rành văn học nước ngoài, nghe thế, chỉ biết im lặng.

Không phải chỉ trong lãnh vực văn học. Trong hầu hết các lãnh vực khác đều thế. Ở đâu cũng có những người đầy ảo tưởng về mình. Thịnh vượng ư? Việt Nam thừa thịnh vượng! Tiến bộ ư? Việt Nam tiến bộ không thua ai cả! Thông minh ư? Việt Nam không hề thiếu thông minh! Dân chủ ư? Việt Nam đã thừa dân chủ!" chỉ có trong bóng đá là người VN tỏ ra "biết thân biết phận": "biết rõ là họ đang đứng ở đâu trong bậc thang xếp hạng của thế giới. Điều đó chứng tỏ giới bóng đá có được một điều mà rất nhiều giới khác không có hoặc chưa có: thứ nhất, tầm nhìn đương đại; và thứ hai, tầm nhìn toàn cầu hoặc ít nhất, tầm nhìn khu vực. Người ta không nhắm mắt để tự tâng bốc "ta là ta mà vẫn cứ mê ta" như giới làm chính trị mong muốn. Họ luôn luôn so sánh Việt Nam với các nước khác, ít nhất trong khu vực, để biết được những ưu và khuyết điểm của Việt Nam. Tôi cho đó là một điều kiện đầu tiên để phát triển và tiến bộ."

Khách tại một quán cà phê ở Sài Gòn đang xem trực tiếp bóng đá hôm 23/06/2010. RFA Photo.
Khách tại một quán cà phê ở Sài Gòn đang xem trực tiếp bóng đá hôm 23/06/2010. RFA Photo.

"Xem World Cup, nghĩ về toàn cầu hóa", tác giả viết: "Gần đây, người ta hay nói nhiều đến toàn cầu hoá. Nhưng không ở đâu xu hướng toàn cầu hoá lại thể hiện rõ cho bằng trong lãnh vực thể thao, đặc biệt, trong bóng đá." bởi bóng đá là một môn thể thao có nhiều quốc gia tham dự nhất, có tổ chức toàn cầu, có nhiều người chơi người xem nhất trên thế giới, từ các câu lạc bộ bóng đá cho tới huấn luyện viên, cầu thủ…đều cón tính xuyên quốc gia v.v…Và "Xem World Cup, nghĩ về xã hội dân sự", về phương diên nhận thức, bóng đá giúp người ta có tầm nhìn khu vực và toàn cầu, ngược lại, ý thức về địa phương, tinh thần quốc gia cũng rất mạnh trong lĩnh vực bóng đá, bóng đá ràng buộc mọi người trong một nỗi đam mê chung, "nối kết mọi người thành một cộng đồng, một thứ xã hội dân sự (civil society)".

Trước kia, khi mạng lưới blog chưa phát triển, những người yêu bóng đá VN chỉ có thể chia sẻ trực tiếp những cảm xúc, suy nghĩ của mình với người khác trong một phạm vi hẹp nào đó, còn bây giờ, có khi những người ở cách xa nhau hàng nửa vòng trái đất lại có thêm những người bạn mới từ tình yêu chung đối với trái bóng tròn. Nhất là với những mạng xã hội như facebook, ngay sau trận đấu người ta có thể đưa lên đó chỉ vài câu bình ngắn, người khác vào chia sẻ, tranh cãi, người chưa kịp xem thì có thể ghé qua hỏi thăm tin tức…Thế giới dường như trở nên nhỏ bé hơn, gần gũi hơn và nhiều cảm xúc hơn trong mùa World Cup!

Theo dòng thời sự: