World Cup 2010: Người đi, kẻ ở

Trở lại với sân cỏ World Cup 2010 tại Nam Phi, thưa quý vị, hôm qua là ngày đầu tiên các đội đấu trận cuối cùng của vòng bảng.
Nguyễn Khanh & Khánh An, RFA
2010.06.23
Landon Donovan vui mừng sau khi Mỹ thắng Algeria 1-0 hôm 23 tháng 6 năm 2010 tại sân vận động Loftus Verfeld tại Tshwane / Pretoria, Nam Phi. Landon Donovan vui mừng sau khi Mỹ thắng Algeria 1-0 hôm 23 tháng 6 năm 2010 tại sân vận động Loftus Verfeld tại Tshwane / Pretoria, Nam Phi.
AFP PHOTO / Vincenzo Pinto

Kết quả là đội chủ nhà và đội tuyển Pháp đã phải chia tay với World Cup 2010. Trong khi đó, Nam Hàn lại bất ngờ giành được chiếc vé vào vòng 16. Từ Nam Phi, Nguyễn Khanh tiếp tục tường trình đến quý vị qua cuộc trao đổi với Khánh An.

Vắng Pháp, không còn Nam Phi

BTV Nguyễn Khanh: Một lần nữa, trong không khí tưng bừng của World Cup 2010, tôi là Nguyễn Khanh xin gửi lời chào đến chị Khánh An và quý vị.

Khánh An: Vâng, Khánh An xin gửi lời chào đến anh Nguyễn Khanh. Thưa anh Nguyễn Khanh, hôm qua là ngày đầu tiên phân định các đội nào sẽ vào vòng trong và đội nào sẽ phải chia tay với World Cup 2010. Ngày hôm qua, chúng ta đã có dịp chứng kiến những trận đấu sôi nổi vào hào hứng giữa Nam Hàn – Nigeria, Mexico – Uruguay, Argentina – Hy Lạp và Pháp – Nam Phi. Thưa anh Khanh, ngày hôm qua một lần nữa, Pháp phải ca khúc ca buồn khi để thua Nam Phi với tỷ số 2 – 1. Theo anh, liệu có phải những lủng củng nội bộ đã làm nên thất bại của Pháp hay không?

Vắng nước Pháp, không còn Nam Phi, nhưng bù lại rõ ràng chúng ta thấy Uruguay và Mexico. Tôi mừng vì Uruguay trở lại với dân cỏ thế giới.

BTV Nguyễn Khanh

BTV Nguyễn Khanh: Cả 2 hội tuyển đều hứa hẹn tranh tài tận tình, cho dù trước khi banh lăn và ngay sau tiếng còi của trọng tài thổi chấm dứt trận đấu, cả cầu thủ lẫn khán giả đều hiểu trận banh chỉ mang ý nghĩa danh dự. Sau thất bại khi gặp Mexico, đương nhiên Pháp không muốn thua liên tiếp 2 trận; sau vấp ngã trước Uruguay, chủ nhà Nam Phi không muốn rời vòng bảng mà không đem lại chiến thắng nào cho quốc gia.

Dù vậy, trận banh vẫn khá rời rạc, phần lớn vì lối chơi không nhịp nhàng của Pháp. Trong thời gian nửa hiệp đầu, đội tuyển Pháp đã không chứng tỏ tài nghệ của hội tuyển đứng trong “top ten“ của FIFA, cũng không giúp khán giả nhớ lại hình ảnh của hội Pháp từng đoạt vô địch 1998, từng chiếm EURO 2000, hay hình ảnh của hội Pháp cách đây chỉ 4 năm đã xuất hiện trong trận chung kết với Italy. Cùng lúc đó, khán giả thấy được sự cố gắng trên từng khuôn mặt của cầu thủ Nam Phi và hầu như mọi người đều nghĩ Bafana Bafana dễ dàng cầm chân các tuyển thủ Pháp, đó là chưa kể đến chuyện họ sẽ chiến thắng.

Dự đoán đó cuối cùng không sai. Nam Phi mở tỷ số trước, Nam Phi liên tục tấn công và họ đã thành công. Kết quả trận banh và những cuộc reo hò suốt đêm trên đường phố khắp nơi cho thấy sự hài lòng của người dân địa phương và ngay cả khán giả những nơi xa ủng hộ Bafana. Với hội tuyển Pháp thì chỉ biết nói lời xin lỗi các cổ động viên.

Đây là lần thứ nhì tôi thấy Pháp buồn bã chia tay với World Cup ngay sau vòng bảng. Lần đầu xảy ra tại World Cup Nam Hàn-Nhật Bản 2002, họ có thể bào chữa với lý do các siêu sao như Zidane bị thương không thể ra sân, nhưng lần này thì ai cũng biết lỗi là lỗi của họ, chứ chẳng phải của ai khác. Lỗi của dàn huấn luyện viên, lỗi của cầu thủ, hết lỗi này tới lỗi khác chồng chất lên nhau, không thể nào giải quyết được.

Cổ động viên đội Nam Phi buồn bã sau trận thua của đội nhà trước Uruguay hôm 16/6/2010. AFP PHOTO / GABRIEL BOUYS.
Cổ động viên đội Nam Phi buồn bã sau trận thua của đội nhà trước Uruguay hôm 16/6/2010. AFP PHOTO / GABRIEL BOUYS.
Sau khi trận banh kết thúc hay nói đúng hơn là sau khi cuộc họp báo cuối ngày với hội tuyển Pháp kết thúc, tự dưng tôi mường tượng thấy hình ảnh trên chuyến bay kéo dài 10 tiếng đồng hồ về lại Paris, không ai nói với ai một lời, cầu thủ không nói chuyện với huấn luyện viên, cầu thủ cũng chẳng nói chuyện với nhau. Tôi có chia sẻ suy nghĩ này với một nhà báo Pháp và anh ta bảo cũng đang nghĩ y hệt như thế. Anh nhà báo này còn ví von đó là chuyến bay chở những xác chết!!! Nhưng riêng cá nhân tôi, tôi tin hội tuyển Pháp sẽ thành công trong tương lai, sau khi có huấn luyện viên mới là ông Laurent Blanc.

Vắng nước Pháp, không còn Nam Phi, nhưng bù lại rõ ràng chúng ta thấy Uruguay và Mexico. Tôi mừng vì Uruguay trở lại với sân cỏ thế giới trong cương vị của hội banh đứng đầu bảng A và của Mexico với những đường banh mà tôi chưa hề được nhìn thấy khi họ tranh vé đại diện CONCACAF để đi Nam Phi. Ngay lúc này, tôi chỉ nghĩ là Mexico sẽ gặp khủng long Argentina ở trận kế tiếp, trong khi Uruguay có vẻ an tâm hơn bởi vì đối thủ của họ ở vòng trong là hội Nam Hàn. Nhưng chúng ta cũng đừng quên là đã 2 tuần trôi qua với 36 trận banh và có biết bao nhiêu chuyện không ngờ xảy ra ở sân cỏ Nam Phi, có thể sẽ còn những bất ngờ lớn hơn nữa ở vòng 16. Ngay cả chuyện Nam Hàn đi tiếp vào vòng trong có lẽ cũng là một chuyện đầy bất ngờ. Hy vọng chị Khánh An đồng ý với tôi ở điểm đó.

Chiến thắng lịch sử

Khánh An: Vâng, nhắc đến Nam Hàn thì ngày hôm qua Nam Hàn đã làm nên một chiến thắng lịch sử khi lần đầu tiên ra quân ở nước ngòai mà giành được chiếc vé vào vòng 16. Ngày hôm qua, Nam Hàn đã cột chặt Nigeria với tỷ số 2 – 2 để giành chiếc vé vào vòng trong dù Nigeria trong trận hôm qua có những đường banh đẹp và nguy hiểm nhưng họ đã không tận dụng được các cơ hội để đi đến chiến thắng cuối cùng. Kết quả là Nam Hàn giành được chiếc vé vào vòng trong. Theo anh Nguyễn Khanh, với chiến thắng lịch sử ấy, liệu đã đủ cơ sở để làng bóng tròn châu Á có quyền mơ được nhiều suất hơn trong quyết định sắp tới của FIFA hay không?

BTV Nguyễn Khanh: Trước hết, tôi hoàn toàn đồng ý với chữ “chiến thắng lịch sử” mà chị Khánh An vừa nói để diễn tả thành công hội tuyển Nam Hàn mới tạo được tối hôm qua. Nhưng cũng phải thưa với chị là theo tôi, tôi cũng phải đồng ý với chị là rõ ràng Nam Hàn thoát hiểm trong trận banh tuyệt diệu đó. Nigeria có quá nhiều cơ hội để chiến thắng, điển hình là từng có lúc cầu thủ Yakubu của Nigeria một mình một banh đứng trước gôn của Nam Hàn. Tôi thấy rõ ràng thủ môn Sung Ryong-jung Hàn Quốc đã thúc thủ nhưng thay vì tung lưới thì trái banh đã đi ra ngoài.

Tôi hoàn toàn đồng ý với chữ “chiến thắng lịch sử” mà chị Khánh An vừa nói để diễn tả thành công hội tuyển Nam Hàn mới tạo được tối hôm qua.

BTV Nguyễn Khanh

Chiến thắng của Nam Hàn giúp khán giả Châu Á vững tâm hơn, đồng thời cũng khẳng định vị trí của làng bóng tròn Nam Hàn ở châu lục đông dân nhất thế giới. Mục tiêu Nam Hàn sẽ vào đến bán kết chính là ước mong của ông huấn luyện viên Huh jung-mu nhưng tôi nghĩ vẫn còn hơi xa, nhưng ở bảng B với Argentina, Hy Lạp và cánh đại bàng Nigeria mà thành công thì quả là tuyệt vời. Quá tuyệt vời nữa là đằng khác.

Trở lại với câu hỏi của chị, tôi thấy là cho đến bây giờ thì dường như Châu Á cũng mới chỉ có Nam Hàn thôi, chứ chưa xuất hiện thêm hội tuyển nào nữa. Ngay bây giờ bảo mừng thì tôi có mừng với Hàn Quốc nhưng nhìn về tương lai chung cho châu Á thì tôi cảm thấy hơi lo. Tôi lo vì nghe chị đặt câu hỏi như vậy, tự dưng tôi lại nghĩ tới các hội banh Nam Mỹ. Chị đặt câu hỏi về tương lai của bóng đá châu Á mà lại dẫn tôi đến các đội tuyển Nam Mỹ. Nam Mỹ chỉ có 5 hội tuyển đại diện ở World Cup 2010, sau 2 trận vòng bảng các hội Nam Mỹ chưa thua trận nào. Họ đá thủng lưới đối phương 18 trái và chỉ để lọt lưới có 4 quả. Tất cả các hội Nam Mỹ, từ Brazil, Argentina cho đến Uruguay, Chile, Paraguay, tất cả đều đứng đầu bảng và đều đang trên đường tiến vào vòng 16.

Tôi không biết liệu chúng ta có nên xem đó là mục tiêu của Châu Á hay không? Và khi nghĩ đến châu Á, có lẽ chúng ta phải nghĩ là trong tương lai, làm sao để mà nghệ thuật nhồi bóng của châu Á có thể đem ra so sánh với nghệ thuật nhồi bóng của Nam Mỹ. Tôi nghĩ rằng đến lúc đó thì chúng ta có thể an tâm hơn. Ngay lúc này, thú thật với chị, mừng thì có mừng nhưng vững vàng và an tâm thì câu trả lời là chưa, thưa chị Khánh An.

Khánh An: Vâng, đó là những trận đấu ngày hôm qua. Hôm nay sẽ tiếp tục phân định đội nào chiến thắng để vào vòng trong ở các bảng khác. Hôm nay sẽ có các trận chiến giữa Hoa Kỳ - Algeria, Slovenia – Anh, Ghana – Đức và Úc – Serbia. Trong ngày hôm nay, riêng trận Hoa Kỳ - Algeria, từ văn phòng của cựu tổng thống Bill Clinton đã có thông báo rằng cựu tổng thống sẽ đến trực tiếp xem trận banh này để cổ võ tinh thần cho các tuyển thủ Hoa Kỳ. Theo anh Khanh, liệu sự cổ võ này cộng với sự hâm mộ của khán giả Hoa Kỳ và trên tòan thế giới, đội tuyển Hoa Kỳ có đạt được kỳ vọng của cựu tổng thống và người hâm mộ không?

BTV Nguyễn Khanh: Tôi nghĩ điều đó có thể xảy ra  nhưng trước hết phải nhìn vào các hội của bảng C. Rõ ràng tất cả các hội của bảng này đều phải thắng để đi tiếp, nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Anh và Hoa Kỳ không vào vòng trong. Nói cách khác, tôi tin không phải chỉ Hoa Kỳ mà chính Anh quốc cũng vậy, họ sẽ thắng trận banh hôm nay để cùng nhau đi tiếp ở vòng 16.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đang cổ võ cho đội tuyển bóng đá Mỹ trong trận gặp Algeria hôm 23/06/2010 ở sân vận động Loftus Verfeld - Tshwane - Pretoria, Nam Phi. (Hoa Kỳ thắng 1-0). AFP PHOTO / HOANG DINH NAM.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đang cổ võ cho đội tuyển bóng đá Mỹ trong trận gặp Algeria hôm 23/06/2010 ở sân vận động Loftus Verfeld - Tshwane - Pretoria, Nam Phi. (Hoa Kỳ thắng 1-0). AFP PHOTO / HOANG DINH NAM.
Vì sao tôi nói như vậy? Tôi thấy là cả Slovenia và Algerie đều ra sân với chiến lược nặng phần thủ nên theo nhận xét của tôi, yếu tố dẫn đến thành công của Hoa Kỳ tùy thuộc vào bộ tứ Edu, Dempsey, Bradley và Donovan và chiến thắng của hội tuyển Anh đang nằm trong chân của Gerrard và Lampard nhiều hơn là Wayne Rooney.

Riêng với câu hỏi mà chị đặt ra là sự hiện diện của cựu Tổng Thống Bill Clinton, tôi được nghe nói là ông Clinton sẽ vào tận phòng thay áo để bắt tay từng cầu thủ sau khi trận banh kết thúc- là một khích lệ lớn cho hội tuyển Mỹ, nhưng không thể vì bóng dáng ông Clinton mà quên không nói đến ông huấn luyện viên Capello của hội tuyển Anh. Giữ vai trò này chưa được 2 năm, thắng 9 trong 10 trận vòng loại trước ngày đi Nam Phi là thành quả quá lớn của ông huấn luyện viên 63 tuổi. Ông Capello từng dìu dắt AC Milan, Juventus và Real Madrid và luôn luôn thành công. Cho đến tôi ngày hôm qua, tôi vẫn được tin nói là sau World Cup ông Capello sẽ từ chức. Nếu điều đó đúng, rõ ràng đây là sự mất mát rất lớn cho đội quyển quốc gia của Anh quốc, thưa chị Khánh An.

Đức  vẫn là cỗ xe tăng?

Khánh An: Vâng, sự ra đi của một người mang lại tiếc nuối cho nhiều người, trong khi đó sự ra đi của huấn luyện viên Domenech có lẽ lại là sự giải thoát cho đội tuyển Pháp chăng? Nhắc đến những trận đấu hôm nay, chúng ta không thể quên cỗ xe tăng Đức. Hôm nay, Đức sẽ chiến đấu với Ghana, đội bóng có nhiều tương lai nhất của Phi châu hiện nay. Theo anh Khanh, liệu  xe tăng Đức có chiến thắng được quyết tâm của đội bóng hy vọng cuối cùng của châu Phi không?

Trận banh gặp Ghana được chú ý đến nhiều nhất. Họ chú ý vì 2 lý do: Đức bắt buộc phải thắng, Ghana đang là hy vọng của cả Châu Phi.

BTV Nguyễn Khanh

BTV Nguyễn Khanh: Tôi thấy đương nhiên trận banh gặp Ghana được chú ý đến nhiều nhất. Họ chú ý vì 2 lý do: Đức bắt buộc phải thắng, Ghana đang là hy vọng của cả Châu Phi ở giải kỳ này.

Tôi thấy rõ ràng Đức sẽ vất vả vì không có Klose, hội tuyển mang biệt danh những ngôi sao đen từng được dự đoán có thể vào tới bán kết. Michael Essein, Muntari và Appiah đều đi hàng tiền đạo, Junior Agogo cũng là một chân sút có thể gây những bất ngờ trên sân. Trước một hàng công vững mạnh như thế của Ghana, giải pháp của Đức là  gì? Theo tôi, giải pháp của Đức sẽ là Schweinsteiger, Mesut Özil, và dĩ nhiên Phillip Lahm sẽ đóng một vai trò rất quan trọng vì vừa phải điều khiển hàng phòng thủ, vừa phài tăng cường cho hàng trên. Đây là điều mà tôi tin anh sẽ làm được như anh đã từng làm trong các thế trận vừa qua.

Một trận nữa cũng nằm trong bảng D, đó là trận Australia và Serbia, Australia cho đến giờ phút này vẫn còn rất nhiều hy vọng sẽ trở lại vòng 16. Thành công hay không tùy thuộc vào đôi tay của thủ môn Mark Schwarzer. Đội hình 4-2-3-1 của Australia chứng tỏ huấn luyện viên Pim Verbeek của Australia muốn dựng dàn thủ mạnh hơn cho trận banh quá quan trọng này.

Còn với Serbia đừng quên họ vừa thắng Đức. Chính chiến thắng này giúp cho cầu thủ lên tinh thần và giúp chính các viên chức điều hành FIFA tin đã thấy lại được hội banh biểu tượng cho làng bóng tròn Yugoslavia trước đây. Nhưng tôi vẫn lo âu cho Serbia vì anh thủ môn Vladimir Stojkovic chưa chứng tỏ được khả năng của một thủ môn giỏi.

Khánh An: Vâng, chúng ta hãy chờ xem những trận đấu hôm nay sẽ thế nào. Đội nào sẽ đi tiếp vào vòng trong và đội nào sẽ chia tay với World Cup 2010 lần này. Cám ơn anh Nguyễn Khanh đã đến với chương trình  ngày hôm nay và hẹn gặp lại anh trong buổi tường trình ngày mai.

BTV Nguyễn Khanh: Dạ vâng, xin cảm ơn chị Khánh An và  nhân tiện đây, xin được “Hambakahle” chị và quý vị độc giả.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
25/06/2010 22:43

toj tjn al dt anh se vo dich