Nỗi sợ ở Việt Nam

Hồi thế kỷ thứ 19, một chí sĩ có óc canh tân đất nước là Nguyễn Trường Tộ từng dâng lên Triều Đình Huế 30 Bản Điều Trần với mong mỏi đưa nước VN phong kiến trở thành một quốc gia tân tiến phú cường.
Thanh Quang, phóng viên RFA
2011.04.19
000_Hkg4765062-305.jpg Công an chặn các ngả đường vào TAND TP Hà Nội trong ngày xử TS Cù Huy Hà Vũ 04/4/2011
AFP photo

"Biết mà không nói là bất nhân"

Nhưng quần thần thủ cựu can gián Vua Tự Đức bác bỏ kế hoạch canh tân ấy khiến nhà ái quốc Nguyễn Trường Tộ ngậm ngùi cho vận nước cho tới giây phút ông giả biệt cõi đời ở tuổi vừa ngoại tứ tuần:

"Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận

Ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm..."

Chính nỗi ưu tư suốt đời cho vận nước ấy khiến ông từng thốt lên rằng “Biết mà không nói là bất nhân. Nói mà không nói hết là bất nghĩa”.

Qua bài “Công lý hay bất nhân bất nghĩa” được blog Hãy Dành Thời Gian phổ biến, nhà văn Võ Thị Hảo nhận xét rằng “nếu vua mà không tối tăm thủ cựu, biết nghe theo ông thì rất nhiều khả năng VN hiện nay đã có thể phát triển ngang Nhật Bản. Và bao nhiêu triệu người có thể đã không phải bỏ mạng. Bao nhiêu nụ cười có thể thay thế cho nước mắt”.

Nói tới đây, nhà văn liên tưởng tới giới lãnh đạo trong nước hiện giờ, lưu ý rằng nếu chấp nhận cho những người có tâm huyết với đất nước “giải độc”, thì “những vị lãnh đạo cao nhất của đất nước này cần cấp bách đưa ra những cử chỉ thể hiện tầm vóc, vị thế và tính nhân văn cũng như nghệ thuật lãnh đạo” giữa lúc “có quá nhiều điều họ cần khấu đầu xin lỗi dân một cách thành thực và sửa chữa nó triệt để càng sớm càng tốt”.

Nhiều người biết rằng sự im lặng thờ ơ chính là chiếc thòng lọng thít chặt cổ mình nhưng vẫn chọn cách sống hoặc phải sống với hơi thở khò khè mong kéo dài cuộc sống còn hơn là bị “thắt cổ chết” ngay lập tức.

Nhà văn Võ Thị Hảo

Nhưng mặt khác, tác giả cũng không khỏi bất bình trước tình trạng “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” khi đa số người dân Việt vẫn im hơi bặt tiếng:

"Cũng như thời cải cách ruộng đất, thời nhân văn giai phẩm, thời khoán 10 do Kim Ngọc khởi xướng và nhiều vụ khác, người VN không phải không trông thấy bất công và đau thương nhưng hầu hết vẫn im lặng. Nhiều người biết rằng từng ngày từng ngày một, sự im lặng thờ ơ chính là chiếc thòng lọng thít chặt cổ mình nhưng vẫn chọn cách sống hoặc phải sống với hơi thở khò khè mong kéo dài cuộc sống còn hơn là bị “thắt cổ chết” ngay lập tức. Đó là cách tồn tại mà khốn khổ thay, người VN đã chọn sau bao kiếp thương đau.

Việt Nam cam kết rằng đây là một nhà nước pháp quyền với khẩu hiệu giăng giăng đỏ rực đầy đường: “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Nhưng những gì đang diễn ra gần đây thì việc sống và làm việc trái Hiến pháp và pháp luật đang ngang nhiên hoành hành. Nếu những người có trách nhiệm không ngăn chặn xu thế những kẻ lạm dụng tay đấm chân đạp dùi cui súng ống và cầm tù hãm hại người khác theo ý thích và quyền lợi của mình, thậm chí còn coi đó là những hành vi trung thành đáng được khen thưởng và vinh danh, thì khó có thể ngăn chặn xã hội đi theo xu hướng tàn bạo và man rợ của những chúa đất và chủ nô thời trung cổ."

Theo blogger Đỗ Việt Khoa thì đồng thuận một cách giả dối là tai hoạ, giả “mù-điếc-câm” trước cái xấu, đó là sống hèn…Xã hội càng nhiễu nhương thì đấu tranh càng phải quyết liệt”. Thầy Đỗ Việt Khoa nhận xét:

"Để có được cuộc sống như hôm nay, mọi người Việt Nam cần phải cảm ơn các thế hệ đi trước đã dày công đấu tranh góp phần dựng nước và giữ nước. Đó là những thế hệ anh hùng,… những người dấn thân đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước từ ngàn xưa tới nay. Đất nước còn tồn tại nhiều bất cập. Không thể bằng lòng và làm ngơ để các vấn đề bất cập đó tồn tại. Phải tiếp tục đấu tranh với nó."

Nhưng may thay, về phương diện nào đó, theo nhà văn Võ Thị Hảo, “ vẫn còn những ngọn nến và những lời cầu nguyện. Một ấn tượng cảm động là một số luật sư và một số ít ỏi trí thức đã dám từ bỏ quyền lợi, chịu nguy hiểm để lên tiếng bảo vệ công lý. Trong hoang lạnh, cũng đã có những người đã thắp lên ngọn nến sưởi ấm. Họ cầu nguyện cho Cù Huy Hà Vũ và nhiều dân oan”.

Buổi cầu nguyện ấy diễn ra tại Giáo xứ Thái Hà hôm Chủ Nhật 17 tháng Tư vừa rồi nhân Lễ Lá bắt đầu bước vào Tuần Thánh, quy tụ rất đông giáo dân nhằm kỷ niệm biến cố Chúa Giê-su vào thành Jerusalem lần cuối. Và đặc biệt là trong Thánh Lễ này còn có sự tham dự của các gia đình Bs Phạm Hồng Sơn, Ls Lê Quốc Quân, Ts luật Cù Huy Hà Vũ cũng như các trí thức, doanh nhân và những người yêu mến Sự thật – Công lý. Họ đến để tạ ơn và cầu nguyện cho Ls Lê Quốc Quân, Bs Phạm Hồng Sơn, gia đình cũng như bản thân TS Cù Huy Hà Vũ và những người đang bị bắt bớ, giam cầm.

Rồi một cuộc thắp nến sau Thánh lễ để nguyện cầu cho đất nước bình an, cho Sự thật – Công lý,  cũng như tạ ơn Thiên Chúa qua những biến cố vừa qua và đặc biệt là cầu nguyện cho những người công chính đang trong vòng lao lý oan khiên để họ vững tin, cũng như ánh sáng của Sự thật – Công lý được nhanh chóng chiếu soi và giải thoát những thân phận bị tù đầy này.

Công khai và bí mật

Qua bài “Lời thú tội ngày Chủ Nhật” được nhiều trang mạng nhật ký, kể cả bô-xít VN, phổ biến, Giáo sư Phạm Toàn bày tỏ tâm sự với blogger Lê Quốc Quân - cùng 1 số blogger khác như Người Buôn Gió, Paulus Sơn - rằng:

danlambao-250.jpg
Từ trái sang phải: Bà Vũ Thúy Hà - BS. Phạm Hồng Sơn, LS. Lê Quốc Quân - Bà Nguyễn Thị Thu Hiền tại nhà thờ giáo xứ Thái Hà ngay khi được tự do. Photo courtesy of danlambao
Từ trái sang phải: Bà Vũ Thúy Hà - BS. Phạm Hồng Sơn, LS. Lê Quốc Quân - Bà Nguyễn Thị Thu Hiền tại nhà thờ giáo xứ Thái Hà ngay khi được tự do. Photo courtesy of danlambao
"Quân đi theo dõi cuộc xử án tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, một cuộc xử án công khai mà nay thì toàn thế giới và bốn bức tường quý Tòa đã biết rõ tầm công khai của sự kiện đó đến đâu, rồi Quân đã bị những người làm công tác bí mật hè nhau công khai lôi Quân đi, và công khai giam giữ Quân trong chín ngày trước khi ỡm ờ nửa công khai nửa bí mật thả Quân ra.

Tối Chủ Nhật 17 tháng Tư vào hồi 20 giờ tại Nhà của Chúa ở xứ Thái Hà có cuộc cầu nguyện tạ ơn. Tôi rất muốn đi dự buổi lễ, vì quý trọng và vì tình bạn với anh Quân đã đành, còn vì một kỷ niệm riêng nữa. …

Tối nay, Quân ơi, tôi không đến được với em đâu. Tôi đang phải vượt qua cái nỗi sợ khó mà có thể vượt qua. Một nỗi sợ mà ngay cả những kẻ ban phát nỗi sợ cũng khiếp sợ! Nỗi sợ có tên là hệ thống con tin. Tôi hôm nay không còn là tôi hồn nhiên, tôi đã buộc phải nhận thức là mình đã thành con tin của một hệ thống. Một con tin bị vây chặt trong hệ thống có nhiều con tin khác nữa: con đẻ của mình, cháu chắt nhà mình, bè bạn của mình, nhất là một công việc đang còn triển khai mạnh mẽ cùng với những cộng sự còn thân thiết hơn là ruột thịt của mình…"

Nhưng GS Phạm Toàn sau cùng “xin bạn hãy đọc kết luận của bản thú tội” rằng “Tối nay tôi đến giáo xứ Thái Hà để được thả hồn trong lời nguyện và để ôm chặt bè bạn trong vòng tay bé nhỏ của một con người – NGƯỜI TỰ DO”.

Có lẽ nỗi sợ của dân oan thấp cổ bế miệng nói chung hẳn dễ hiểu hơn nỗi sợ của những kẻ gây ra nỗi sợ - nỗi sợ của giới điều hành đất nước, cầm cân nẩy mực, như blogger Cánh Cò mô tả 1 vài trường hợp tiêu biểu qua bài “Nhà nước ta, cái gì cũng sợ”. Chẳng hạn như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao “cũng lây nỗi sợ!””

"Tôi nghe rất nhiều lần mỗi khi Trung Quốc lấn chiếm hay bắt giữ ngư dân thì y như rằng, bà Nguyễn Phương Nga lại mở chiếc máy thu băng cho… Trung Quốc nghe một bài thu trước, rất cũ và rất nhàm. Tại sao vậy? Bà Nga là người có học chắc chắn không thể không viết được một thông cáo báo chí có hồn để phản bác những sai trái của Bắc Kinh.

Không phải bà bất tài, nhưng ngặt nỗi Bộ Ngoại Giao, tức là thủ trưởng của bà lại…sợ. Họ sợ nói nặng, nói mạnh mẽ hay nói một cách thuyết phục thì mất lòng xếp lớn. Lớn hơn cả tổ quốc nữa chứ không chơi!"

Rồi Bộ 4 T, tức Bộ Thông tin-Truyền thông cũng sợ:

...những người làm công tác bí mật hè nhau công khai lôi Quân đi, và công khai giam giữ Quân trong chín ngày trước khi ỡm ờ nửa công khai nửa bí mật thả Quân ra.

Giáo sư Phạm Toàn

"Nắm trong tay 7.000 tờ báo lớn nhỏ nhưng xem ra bộ này không kiểm soát nỗi mấy anh nhà báo gan lì. Trong một văn bản giao ban mà công dân mạng ai cũng biết, mới đây bộ này đưa ra những chỉ dẫn cho các Tổng biên tập các báo phải thi hành những điều hết sức ngớ ngẩn nếu không muốn nói là thiếu hiểu biết. Chẳng qua là Bộ này sợ cánh nhà báo mượn gió bẻ măng khi mà hương hoa Nhài lan rộng.

Mấy điều mà bộ 4 tê cấm gồm có: Không viết “Tiến sĩ” Cù Huy Hà Vũ mà viết là “ông”. Không đưa tin Libya, không viết về những tấm gương hy sinh tại Nhật Bản trong thiên tai động đất sóng thần gần đây.

Rõ ràng là họ sợ!

Nhà nước sợ nhất là Dân chủ

Vẫn theo Blogger Cánh Cò thì “Còn nhiều thứ sợ nữa, nhưng thứ mà nhà nước sợ nhất lại là Dân chủ!”:

000_Hkg4764746-200.jpg
TAND TP Hà Nội trong ngày xử TS Cù Huy Hà Vũ 04/4/2011. AFP photo
TAND TP Hà Nội trong ngày xử TS Cù Huy Hà Vũ 04/4/2011. AFP photo
"Đọc trên mấy blog cá nhân ... tôi cảm thấy như có điều gì đấy không ổn trong đời sống thường nhật. Nhà nước bắt giữ quá nhiều người mà tội danh của họ chỉ là kêu gọi thực thi dân chủ. Nhà nước cũng tuyên dương dân chủ như một thứ mà người dân được đương nhiên thụ hưởng dưới hiến pháp và pháp luật nhưng tại sao nhà nước ta lại sợ những …đồng minh dân chủ đến vậy?

Bắt giữ nhiều người đến nỗi không dám mang ra công khai xét xử trong những phiên tòa bình thường mà cứ núp lén như tòa án là …bị cáo không bằng. Tuyên án nhanh và bác bỏ mọi luận cứ luật sư bào chữa đưa ra là điều mà tòa án thường lập đi lập lại nhất. Cho đến khi vụ án TS luật Cù Huy Hà Vũ được bóc trần trước công luận thì nỗi sợ của nhà nước ta trở thành ... nổi tiếng! "

Qua bài “Tú Kếu, nhà thơ trào phúng với bản án 18 năm tù cộng sản” trên Blog Dân chủ-Nhân quyền cho VN, nhà thơ Viên Linh cho biết “Sau những móc ngoặc, Tú Kếu bị đưa ra toà án cộng sản, và bị kết án 18 năm tù. Hình như chưa có thi sĩ nào bị kết án nặng như thế”. Và Viên Linh nêu lên câu hỏi “ Thơ ông đáng sợ lắm sao?”.

Không rõ thơ của nhà thơ trào phúng Tú Kếu có đáng sợ lắm không, chỉ biết – chẳng hạn như – trong bài tựa đề Nhân Quyền, 2 đoạn chót của bài thơ như sau:

Việt Nam quyền con người
Người được quyền phát biểu
Ca tụng đảng mà thôi
Ngoài ra bắt tự kiểm

Việt Nam quyền con người
Người được quyền đau khổ
Ðược quyền khóc trước cười
Ðược quyền chui xuống mộ

Thanh Quang cảm ơn quý thính giả vừa theo dõi Mục Điểm Blog hôm nay, và mong gặp lại tất cả quý vị vào kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
02/05/2011 04:33

Chống lại cã 1 đế chế sao không sợ được

Anonymous
19/04/2011 13:02

Bi ơi đừng sợ

Anonymous
15/05/2011 14:59

Nếu có sợ thì xin hãy đọc kỹ lich sử Ba-lan hay gần đây xem lại tình hình Trung Đông. Các chế độ bạo quyền có thể đàn áp 1 người hay 1 trăm người nhưng nếu chừng 1 triệu người đồng loạt xuống đường đòi (hay xin 1 tí) dân chủ thì liệu họ muốn bắt và xử ai đây, có muốn xử thì tù nào chứa cho đủ cả triệu người dân. Một tí: Các xứ Ả-rập họ dùng Mobile phone để tổ chức thành công đấy.

Anonymous
24/04/2011 02:33

bi ơi đừng sợ..vì bi là con nít chưa biết bị bắt giam nên không biết sợ,còn người lớn rất sợ à nghe..

Anonymous
03/05/2011 20:29

lai noi ve vi du mot bo dua va 1 chiec dua,chung ta so bi be gay vi khong doan ket thanh mot bo dua,cho den bao gio nguoi vn moi hieu duoc y nghia quan trong cua du ngon nay???!!