Dân biểu tình: ứng phó của chính quyền?
2011.06.21
Công an chìm nổi khắp nơi
Người dân Hà Nội và Saigòn lại xuống đường – mà nói theo lời blog Facebook của nhà báo Huy Đức, “Họ không chỉ đòi lại đoạn cáp thứ hai bị chính quyền hải tặc Trung Quốc cắt trong vòng chỉ hơn một tuần. Họ muốn nói với người phương Bắc, cho dù lịch sử có trải thêm mấy nghìn năm, cho dù bị lừa phỉnh bởi “tình láng giềng, đồng chí”, người Việt Nam vẫn hiểu Trung Quốc là ai và bảo vệ chủ quyền là ý chí không có gì lay chuyển được”.
Liên tiếp trong 3 Chủ Nhật liền kể từ mùng 5 tháng 6 vừa rồi, người dân Việt lại ra sức bày tỏ lòng ái quốc trước hiện tình đất nước xem chừng như đang có dấu hiệu bước đầu trong tình trạng cách nay 7 thế kỷ là “Toàn dân nghe chăng ? Sơn Hà nguy biến !”. Nhưng nhiều trang mạng tiếp tục than phiền rằng an ninh “dằn mặt” người biểu tình ở cả hai TP Saigòn và Hà Nội khi, tại Saigòn, “nỗ lực của công an để dập tắt việc người dân bày tỏ lòng yêu nước xem chừng như đã đạt được mục đích của họ”.
Trong khi, theo nhận xét của tác giả Phan Nguyễn Việt Đăng trong nước, “mọi người ở Hà Nội xuống đường với sự hân hoan…chỉ có một vài vụ bắt bớ lẻ tẻ mang tính thăm dò và lập hồ sơ cho các gương mặt mới từ phía công an Hà Nội”; thậm chí người ta thấy LS Nguyễn Thị Dương Hà, phu nhân của TS Cù Huy Hà Vũ, nhà dân chủ Phạm Hồng Sơn, TS Nguyễn Quang A, giáo sư Hán Nôm Ngô Đức Thọ …cũng có mặt trong cuộc biểu tình, hô to khẩu hiệu “ Phản đối TQ”, “Hoàng Sa: VN”, “Trường Sa: VN”, thì “Saigòn, từ ngày 12 tháng 6, người ta chứng kiến các cuộc trấn áp từ phía công an VN tàn nhẫn đến mức khó tin”.
Để ý thấy mấy anh cảnh sát trật tự thì dùi cui, còn anh an ninh thì bộ đàm. Cầm máy đàm oai hơn nên rất ra vẻ ta đây, lộ liễu. Số công khai còn đông đặc như thế thì số chìm biết đường nào mà lần.
Facebook Nguyễn Thông
Qua bài thơ tựa đề “Tôi Đã Thấy”, blogger Mẹ Nấm mô tả:
"Tôi đã thấy.
Người yêu nước bị nhấc bổng, bẻ quặt tay.
Bởi không theo "định hướng."
Tôi chứng kiến.
Tôi và bạn bè bị bắt giữ
Vì dám mặc áo in dòng chữ hoặc hô vang
"Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam".
Nhiều bloggers mô tả cảnh công an chìm nổi “đứng đông nườm nượp” tại Saigòn, “công an khắp nơi”. Theo blog Facebook của Nguyễn Thông thì “Công an đủ sắc phục kín đặc như bức thành lũy thép kiên cố bảo vệ trại Tàu, cần chi mấy chiếc hàng rào sắt. Chỗ này có lẽ là điểm nóng nhất nên anh nào cũng dùi cui hoặc máy bộ đàm. Để ý thấy mấy anh cảnh sát trật tự thì dùi cui, còn anh an ninh thì bộ đàm. Cầm máy đàm oai hơn nên rất ra vẻ ta đây, lộ liễu. Số công khai còn đông đặc như thế thì số chìm biết đường nào mà lần”.
Và blogger Nguyễn Thông không khỏi nêu lên câu hỏi rằng “Những con người khuôn mặt trong sáng kia, với…biểu ngữ đòi Hoàng Sa-Trường Sa cho Việt Nam trên tay, có sự mờ ám, âm mưu, côn đồ, phản động gì không mà siết người ta đến thế. Không có dân,…mai này nếu bọn Tàu gây chiến các anh có dám kêu họ cùng đi?”.
Chuyện nhà nước lo?
Qua bài tựa đề “Chúng tôi không ngây thơ”, của Lan Phương tức Mẹ Đốp kể lại:
"Chúng tôi xuống đường vì chúng tôi không chấp nhận hành vi xâm lược của Trung Quốc, chủ nhân của những chiếc “tàu lạ”. Nhiều anh chị cũng cho rằng chúng tôi bị bọn xấu lợi dụng, kích động. Cảm ơn anh chị đã lo cho chúng tôi.
Chắc anh chị nghĩ chúng tôi dễ bị nhồi sọ quá. Mà anh chị cũng quên rằng ngoài cái đầu, chúng tôi còn có trái tim, còn biết xót xa khi nhân dân mình bị bắn chết ngoài biển Đông. Chúng tôi không thể để trái tim mình nguội lạnh bằng cách ngày ngày cầu nguyện: “tiền, chứng khoán, xe hơi, nhà lầu, túi xách, giày dép”.
Khi chúng tôi xuống đường, mấy chị của Hội Liên Hiệp phụ nữ liên tục khuyên răn “Chuyện đó của nhà nước lo. Mấy em về đi. Biểu tình thì phải do nhà nước tổ chức chứ!” Dạ thưa các chị, cái Thành Đoàn nằm chành ành bên Phạm Ngọc Thạch, nhà Văn hóa Thanh niên cũng nằm kế đó, cách lãnh sự quán Trung Quốc có vài chục bước chân thôi ạ. Bao nhiêu năm qua, đã có lần nào Thành Đoàn tổ chức cho chúng tôi một cuộc biểu tình chưa? …Chúng tôi làm phận sự một công dân, khi thấy kẻ thù xâm lược, chúng tôi phải lên tiếng."
Blog Facebook của Huy Đức lưu ý rằng “Mặc dù mục tiêu của những cuộc tuần hành… vẫn là Trung Quốc, chính quyền đã cứng rắn hơn. Có lẽ, họ đã quên mất, mỗi khi đất nước có hiểm họa xâm lăng thì mục tiêu của dân chúng là những kẻ đang rập rình ngoài bờ cõi. Người dân vẫn còn nhớ, đất đai của tiền nhân thường hay bị mất mỗi khi “ở trong tường vách, da thịt tàn nhau”.
Qua bài “Phản đối TQ xâm lược, chúng ta làm thế nào bây giờ ?”, blogger Mẹ Nấm nhận xét:
"Chúng ta biểu tình tuần hành để phản ứng lại và phản đối với những hành vi – nói thẳng là xâm lược trắng trợn, thô bạo - của Trung Quốc thì bị chính phủ (do chúng ta đóng thuế để “nuôi”) cấm đoán, khép vào tội làm ảnh hưởng đến mối quan hệ, đến chính sách, đường lối ngoại giao…Qua những lần như thế có thể thấy rằng: Chúng ta không hề sợ hãi trước bất cứ sự đe dọa hay hành vi bất nghĩa của họ.
Chưa kể đến trong lịch sử gần cũng như xa…Cũng qua đây, một lần nữa chứng tỏ, tinh thần đoàn kết của dân tộc là sức mạnh và là cái đáng quý nhất của một dân tộc tự tôn. Nhưng, những gì chúng ta muốn thể hiện như đã nói có gì đó ngăn cản?
Thái độ của chúng ta bị nghi ngờ? Hành vi của chúng ta bị ngăn cấm? Quyền được biết (về nhiều mặt) của chúng ta bị tước đoạt?
Khi chúng tôi xuống đường, mấy chị của Hội Liên Hiệp phụ nữ liên tục khuyên răn “Chuyện đó của nhà nước lo. Mấy em về đi. Biểu tình thì phải do nhà nước tổ chức chứ!”
Blogger Lan Phương tức Mẹ Đốp
Tất cả đều có câu trả lời: Đúng vậy! Những điều đó xuất phát từ đâu? Nguyên nhân? Từ chỗ mà chúng ta hay gọi là chính phủ."
Và blogger Mẹ Nấm nêu ngay 1 loạt câu hỏi rằng “Chính phủ ta có gì khó nói với nhân dân sao? Tuyên bố chủ quyền và thực tế tình hình đất nước để toàn dân biết sự thật mà gánh vác thì có gì là sai trái? Tại sao lại chú trọng đến việc thăm dò phản ứng của người dân trong nước, và tìm hiểu các hành động bày tỏ thái độ chính trị của người dân trước việc đất nước bị xâm lược hơn là những tuyên bố đanh thép và các biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ quyền trước toàn dân và toàn thế giới?”
Và Mẹ Nấm khẳng định rằng “Sự phản ứng hết sức thụ động được giải thích đó là ‘đường lối, chính sách ngoại giao’ xem ra khó thuyết phục. Rồi blogger Mẹ Nấm kết luận:
"Cụ thể, từ chỗ động thái của chính phủ, thái độ của nhà nước đối với các hiện tượng như thế làm cho người dân từ chỗ sợ, đến mất tin và sự suy yếu là tất yếu. Như thế, nhà nước và chính phủ lẽ ra là chỗ dựa cho dân về niềm tin nay bị xóa mất niềm tin, há chẳng phải là điều thậm nguy?
Đứng trước tình hình đất nước hiện tại, và những động thái đã diễn ra, hẳn ai cũng thấy việc một bộ phận những người thừa hành của chính phủ quan tâm đến các bài viết chê trách, phê phán nhà nước .. quan tâm đến việc giữ hình ảnh của một thể chế hơn là việc giữ gìn thể diện của một dân tộc."
Người dân mất chỗ dựa
Qua blog Dân chủ-Nhân quyền Cho VN,tác giả Trần Tiến Dũng từ Saigòn có bài “Bối cảnh biển Đông từ thời điểm này”, cũng đặt nghi vấn về thái độ thiếu dứt khoát của giới cầm quyền VN trước nguy cơ xâm lược của Bắc Kinh:
"Nhưng liệu nhà cầm quyền Việt Nam mở rộng kho vũ khí yêu nước tối thượng hay chỉ vừa hướng dư luận đến cánh cửa nửa mở, nửa khép. Nếu vẫn còn thái độ thiếu dứt khoát sẽ chỉ khiến dư luận hoài nghi. Bạch hoá dư luận để xác định chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc là tư tưởng mà các triều đại trong lịch sử Việt Nam luôn xác định dứt khoát. Tiến trình dư luận trong và ngoài nước hiện nay đã đưa đến thống nhất ý chí, mở ra chiến lược cứng rắn để bảo vệ hoà bình và phát triển.
Dư luận cho rằng giới cầm quyền hiện nay vẫn còn đó khả năng sai lầm nghiêm trọng nếu vẫn chỉ ỷ lại vào vũ khí, tiềm lực kinh tế, khả năng ngoại giao và kinh nghiệm chiến tranh. Dù là xung đột cục bộ hay chiến tranh toàn diện, chiến thắng luôn thuộc về quốc gia hoàn thiện vũ khí yêu nước và chính nghĩa chống xâm lăng…
Tư tưởng cầu yên bằng mọi cách, từ thời điểm này sẽ trở thành một trọng tội, bởi vì nó có nghĩa làm vô hiệu thứ vũ khí yêu nước tối thượng, mà nhờ đó, trải qua hàng ngàn năm dân tộc này tự tin đấu tranh giữ trọn vẹn quyền tồn tại."
Nhiều trang mạng nhật ký đặc biệt phổ biến bài tựa đề “Toàn Dân Nghe Chăng” của tác giả Tiêu Dao Bảo Cự, nhắc lại lời kêu gọi lịch sử của Nhà Trần cách nay 700 năm khi vó ngựa Nguyên-Mông đe doạ giẫm nát quê hương VN, và rồi nêu lên câu hỏi rằng ngày nay chúng ta làm gì để không thẹn với tiền nhân:
“Toàn dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến!” và những câu hỏi cần lời đáp cho mọi người Việt Nam. “Toàn dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến!”. Lời kêu gọi đó vang rền đất nước cách đây hơn 7 thế kỷ khi vó ngựa quân Nguyên-Mông bắt đầu vượt biên giới dày xéo lên đất nước Việt Nam. Thời đó Nguyên-Mông là một đế quốc rộng lớn, hùng mạnh nhất thế giới, xâm chiếm nhiều quốc gia từ Á sang Âu.
Chúng tự hào là dưới vó ngựa viễn chinh của chúng cỏ không mọc được. Ấy thế mà ba lần xâm lược, ba lần chúng đại bại trước dân tộc Việt Nam và vua tôi nhà Trần…Ngày hôm nay, sau hơn 700 năm, lời kêu gọi đó lại vang lên khẩn thiết, trong một bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác, người Việt Nam sẽ làm gì để không thẹn với tiền nhân và không trở thành nô lệ cho ngoại bang?"
Cụ thể, từ chỗ động thái của chính phủ, thái độ của nhà nước đối với các hiện tượng như thế làm cho người dân từ chỗ sợ, đến mất tin và sự suy yếu là tất yếu.
Blogger Mẹ Nấm
Và, sau khi nêu lên câu hỏi với gần như mọi thành phần dân tộc là chúng ta nghĩ gì, cần phải làm gì trước nguy cơ xâm lược từ Phương Bắc, tác giả Tiêu Dao Bảo Cự quay sang kêu gọi giới lãnh đạo VN:
"Hỡi các vị trong Bộ Chính Trị và Chính Phủ! Các vị có thương dân, sáng suốt như các vua nhà Trần? Các vị có yêu quân đội, tài thao lược như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải?
Các vị có thấy nhục khi tàu Trung Quốc ngang nhiên xông vào cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của ta ngay trong vùng lãnh hải thẩm quyền của Việt Nam, lại còn xấc xược cảnh cáo Nhà Nước Việt Nam không được cho dân biểu tình phản đối, có khác gì ngày xưa vua tôi thời Trần “chính mắt ngó thấy sứ ngụy đi lại, đường xá nghẽn ngang, chúng múa cái lưỡi cú quạ làm nhục chốn triều đình, chúng giơ cái thân chó dê, kiêu ngạo với quan tể phụ.”?
Sao các vị không triệu tập Hội Nghị Diên Hồng như Thượng Hoàng Trần Thánh Tôn đã làm mà ngược lại, chỉ thị đàn áp khi dân biểu tình bày tỏ lòng yêu nước? Các vị muốn làm Trần Nhân Tôn được “lưu danh muôn thuở” hay làm Trần Ích Tắc “lưu xú vạn niên”?"