Công lý và Quốc Hội
2014.11.24
Có liên quan gì giữa Công lý và Quốc hội hay không? Câu trả lời đương nhiên là có vì đó là hai lĩnh vực quan trọng của một thể chế nhà nước. Hơn nữa dưới thể chế chính trị của Việt nam hiện tại được gọi là dân chủ tập trung, tất cả quyền lực đều qui về một mối, nên Công lý của Tư pháp, và Quốc hội của Lập pháp lại càng có liên quan với nhau.
Tuy nhiên câu chuyện liên quan giữa Công lý và Quốc hội trong trung tuần tháng 11 này không phải như thế.
Chuyện là một quyển sách về luật pháp được in với trang bìa có hình một diễn viên hài với nghệ danh là Công lý, mặc quần đùi và cầm cán cân công lý. Cuốn sách gây nhiều phản ứng, có giận dữ, nhưng cũng gây những tràng cười không dứt của cư dân mạng.
Trong khi đó thì Quốc hội Việt nam vẫn đang họp, và lại vẫn gây cười với phát biểu mới nhất của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng rằng nhân viên nhà nước phải nếm phân bón bằng miệng để kiểm tra chất lượng của nó.
Nếu sách vở, báo chí dám đưa hình ảnh minh họa cho một nền công lý ở truồng thì mọi cáo buộc tự do ngôn luận của Việt Nam đều bị xô ngã.
Blogger Cánh cò
Sự trùng hợp trớ trêu giữa nghệ danh anh nghệ sĩ hài, và một khái niệm cao cả của văn minh nhân loại, làm các blogger và độc giả Việt nam không khỏi liên tưởng đến những vụ án bỏ túi, những luật sư bị cầm tù hay đày biệt xứ, đến những án oan của nhiều người dân. Người ta nói rằng công lý và luật pháp ở Việt nam quả là hài hước thật, như tựa đề bài viết của blogger Lê Diễn Đức rằng Công lý chỉ là diễn viên hài thật. Người khác thì nói rằng luật pháp ở Việt nam cũng trần truồng như tấm hình bìa quyển sách vậy. Blogger Cánh cò viết bài Công lý trần truồng trong đó có lời mỉa mai chua chát rằng
Nếu sách vở, báo chí dám đưa hình ảnh minh họa cho một nền công lý ở truồng thì mọi cáo buộc tự do ngôn luận của Việt Nam đều bị xô ngã.
Sự trần truồng ở đây có lẽ không phải là sự thật không che dấu mà ngành tư pháp phải thực hiện, mà lại là hình ảnh không đẹp của bộ mặt công lý nước nhà. Điều này được ông Đinh Văn Quế nguyên Chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao viết trên báo Pháp luật là Phỉ báng cả một nền tư pháp. Còn một độc giả báo Tuổi trẻ thì bình luận bằng bốn câu thơ rằng:
Hài thay cho nghệ sĩ hài
Bỗng dưng bìa LUẬT có cài hình anh
Luật là Công Lý, là anh
Luật hài - hài luật nên anh lõa lồ
Blogger Viết từ Sài gòn bình tĩnh nhận xét về sự việc này:
Cuốn sách chỉ là sự giễu nhại một cách vô ý thức về tinh thần khoa học cũng như nội dung pháp luật chứa bên trong. Người ta không thể nào tin và xem là bình thường một khi công lý lại đánh đồng với gương mặt của diễn viên hài Công Lý để rồi sau đó là một chuỗi dài ý niệm vừa bôi nhọ đối tượng trong hình bìa cũng như phần nội dung bên trong cuốn sách.
Blogger này lại đặt câu chuyện quyển sách luật pháp ấy trong bối cảnh Quốc hội cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam đang họp mà hỏi rằng liệu các vị được gọi là đại diện cho dân có thể phát biểu cái gì lớn hơn bộ y phục thiếu vải của bìa sách hay không? Còn Cánh cò thì so sánh những câu chuyện đàm tiếu về đại biểu quốc hội với những vở diễn hài hước của anh nghệ sĩ mang tên Công Lý:
Sự hài hước từ các phát biểu ấy nào thua kém danh hài Công Lý khi người xem vai diễn của anh thuộc lòng những câu chữ ngây ngô, gây cười và đôi khi đần độn đã khiến anh nổi tiếng là một danh hài của tầng lớp nông dân
Cánh cò
Sự hài hước từ các phát biểu ấy nào thua kém danh hài Công Lý khi người xem vai diễn của anh thuộc lòng những câu chữ ngây ngô, gây cười và đôi khi đần độn đã khiến anh nổi tiếng là một danh hài của tầng lớp nông dân.
Bên cạnh chuyện cười từ tòa nhà Quốc hội, có người như FBker Mai Tú Ân lại nhận ra rằng dù nhiều câu nói gây cười như thế từ rất lâu rồi, nhưng thực sự những diễn tiến diễn ra trong tòa nhà Quốc hội hoàn toàn không mang tính tranh tranh luận hay tranh cãi mà một cơ quan Lập pháp phải có. Mai Tú Ân viết
Quốc Hội không phải là nơi để nhường nhịn nhau, để tâng bốc nhau, không phải để đồng thuận, đồng lòng, không phải nơi để gật…mà là nơi để đối lập nhau, kình chống nhau, phản biện nhau, tranh luận nảy lửa với nhau, thậm chí tố cáo nhau, hạ nhục nhau…v..v.. Và qua đó mới lòi cái dốt ra, lòi cái tham nhũng, cái dở hơi cũng như đưa đến những sáng kiến, những điều luật được lòng dân, và đưa ra bao điều tốt đẹp nhất mà thế giới văn minh hiện đang được hưởng.
Điều mà Mai Tú Ân phát hiện ra thực sự cũng dễ hiểu vì đâu cần có sự tranh cãi trong một xã hội mà chỉ có duy nhất một đảng lãnh đạo. Tương tự như thế, một người Việt nam đang sống tại Cộng hòa Czech nói với chúng tôi là khi chứng kiến các công đoàn tranh cãi với chính quyền hay giới chủ để bảo vệ quyền lợi của công nhân thì mới nhận ra rằng những gì anh được nói về công đoàn, một phần của bộ tứ trong cơ cấu cơ quan xí nghiệp tại Việt nam là không đúng với tự nhiên.
“Trước đây ở Việt nam tôi được dạy là công đoàn ở các nước tư bản là công đoàn vàng, chỉ có công đoàn ở các nước xã hội chủ nghĩa mới là đại diện cho quyền lợi của công nhân. Ra nước ngoài tôi thấy không phải như thế.”
Trong kỳ họp Quốc hội lần này, có 50 thành viên Chính phủ và Quốc hội được mang ra để các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm, với những mức độ tín nhiệm khác nhau chứ không có sự bất tín nhiệm được đưa ra để trưng cầu ý kiến. Nhà báo Bùi Văn Phú từ California viết rằng đại biểu quốc hội là ý muốn của đảng cộng sản, việc bỏ phiếu mức độ tín nhiệm cao thấp chỉ là vì quyền lợi của đảng và các phe phái trong đảng mà thôi.
Tuy đảng nắm hết mọi thứ và là nhà lãnh đạo tối cao, nhưng người đứng đầu đảng là ông Nguyễn Phú Trọng lại không được mang ra để đánh gía rằng ông được tín nhiệm cao hay thấp. Blogger Kami cho rằng đó chính là biểu hiện của sự đứng trên pháp luật của đảng cộng sản Việt nam.
Trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm của Đại biểu Quốc hội đối với 50 vị lãnh đạo cao cấp của bộ máy nhà nước, thì Tổng BT Nguyễn Phú Trọng, người được coi là nhân vật nắm quyền lực cao nhất trong bộ máy chính quyền VN không có tên trong số 50 vị lãnh đạo chủ chốt
Blogger Kami
Trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm của Đại biểu Quốc hội đối với 50 vị lãnh đạo cao cấp của bộ máy nhà nước, thì Tổng BT Nguyễn Phú Trọng, người được coi là nhân vật nắm quyền lực cao nhất trong bộ máy chính quyền Việt nam không có tên trong số 50 vị lãnh đạo chủ chốt. Đây được coi là bằng chứng ở Việt nam Đảng CSVN đứng trên tất cả, không ai giám sát quản lý họ, kể cả Quốc hội. Điều đó cho thấy việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu hoặc phê duyệt thực sự đang có vấn đề.
Thiếu một thiết chế Tam quyền phân lập và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng CSVN về mọi mặt, là điều đã khiến cho Quốc hội, Chính phủ hay các cơ quan Tư pháp cũng chỉ là một bộ phận chịu sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Điều đó đã làm tê liệt toàn bộ cơ chế giám sát và điều chỉnh quyền lực đối với bộ máy nhà nước hiện nay.
Có thể là blogger Kami dùng không đúng danh từ khi nói rằng ông Trọng là đại diện cao nhất của bộ máy chính quyền Việt nam, vì những người cầm quyền ở Việt nam sẽ nói rằng ông Trọng là bên đảng chứ không phải chính quyền. Nhưng thực tế mà chính những người cộng sản cũng chắc chắn thừa nhận là đảng của họ nắm hết mọi thứ, như điều số 4 của Hiến pháp do họ ban hành qui định.
Tuy không cãi vả nhau trên truyền thông một cách chính thức, nhưng nhiều người tin rằng sự cạnh tranh phe phái giữa những người cộng sản với nhau cũng không kém phần khốc liệt như cây bút Thiện Tùng nhận xét rằng thực trạng của đảng cộng sản hiện nay là một thực trạng đồng sàng dị mộng. Đó cũng là điều mà luật sư quá cố Trần Lâm, người vừa ra đi cách đây vài ngày cho rằng phải giải quyết bằng việc tách đảng ra làm hai để có thể công khai minh bạch sự tranh cãi cần thiết như điều mà Mai Tú Ân đã viết mà chúng tôi có trích lời.
Theo ông Trần Lâm thì nếu cứ kéo dài sự cầm quyền như thế này thì mọi sự sẽ ngày càng tệ hơn với sự không minh bạch, với tham nhũng, dẫn tới sự rối ren của xã hôi với 30% công chức chỉ ăn chơi, theo lời một quan chức Việt nam mà nhà văn Tạ Duy Anh trích lời.