Quốc hội và Ý thức hệ
2015.06.08
Quốc hội đang bàn về luật im lặng thì những vụ án oan sai và lạm dụng quyền lực của ngành công an lại bùng phát ngoài xã hội. Bài điểm blog hôm nay xoay quanh những câu chuyện đó.
Công an và luật im lặng
Chúng tôi xin mở đầu chương trình điểm blog hôm nay bằng lời phát biểu của nhà văn Thùy Linh, từng được đào tạo trong ngành an ninh Việt nam, về hoạt động của lực lượng công an, an ninh hiện nay:
“Họ xác định đấy là một công cụ chuyên chính của cuộc cách mạng vô sản. Quân đội là công an là lực lượng chuyên chính nòng cốt, đặc biệt là an ninh, công an. Cho nên họ cho phép họ sử dụng rất nhiều quyền lực. Họ cho phép họ vượt tất cả khi họ hành xử, không ai phán xét họ.”
Cái từ Họ mà nhà văn dùng ở đây chính là những người đang lãnh đạo đất nước Việt nam hiện nay theo con đường cách mạng vô sản, đó là đảng cộng sản Việt nam.
Các trang blog trong tuần qua có rất nhiều bài viết về hoạt động của cơ quan công an Việt nam, nguyên do của điều đó là chuyện người ta đang bàn cãi ở Quốc hội chuyện liên quan đến ngành này, đó là dự thảo về Luật im lặng để bảo vệ những người dân không bị bức cung. Nguyên do thứ hai là những vụ đánh đập người dân của nhân viên công an, cũng như bản án tù dành cho hai thân nhân của em học sinh Tu Ngọc Thạch bị công an đánh chết.
Họ xác định đấy là một công cụ chuyên chính của cuộc cách mạng vô sản. Quân đội là công an là lực lượng chuyên chính nòng cốt, đặc biệt là an ninh, công an. Cho nên họ cho phép họ sử dụng rất nhiều quyền lực. Họ cho phép họ vượt tất cả khi họ hành xử, không ai phán xét họ
nhà văn Thùy Linh
Nhận xét về bản án tù trong vụ án Tu Ngọc Thạch, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn viết:
Bản án [dành cho hai người thân của em học sinh bị công an giết chết] chỉ có hiệu quả đầu độc thêm mối quan hệ giữa người dân và chính quyền vốn đã căng thẳng. Nó (bản án đó) còn thể hiện rõ nét nhất thân phận của kẻ bị trị và kẻ đang trị, biểu hiện sự mất bình đẳng giữa người dân thế cô và người cầm quyền.
Công luận hiện nay ngay tại Việt nam cũng không còn xa lạ gì về những cái chết của những kẻ thân cô thế cô ấy vì bị nhục hình trong đồn công an trong mấy năm gần đây. Điều đã từng làm dấy lên phong trào của các blogger mang tên Công an không được giết người!
Những cái chết lại được blogger Hoàng Xuân Phú ẩn dụ trong bài nói về cây xanh Hà nội bị thảm sát trong thời gian qua. Ông cho rằng đó là những cái chết đúng qui trình.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi nhà văn Thùy Linh có nói với chúng tôi là nỗi sợ hãi của người dân trong xã hội do công an áp chế không còn nữa. Còn cây bút Nguyệt Quỳnh viết trong bài Nỗi sợ hãi đang chuyển động rằng:
Nhữnh hình ảnh với gương mặt bê bết máu của các nhà hoạt động gần đây cho thấy sự đàn áp của công an nhắm vào họ đang gia tăng cuồng nộ! Tuy nhiên khác với trước đó, thái độ bình tĩnh, ý thức, sẵn sàng đương đầu của hầu hết các nạn nhân đã khiến người ta thấy rõ nỗi sợ hãi đang chuyển động. Nó đang chuyển dần từ những người bị hành hung, từ những người dân thấp cổ bé miệng sang những kẻ cầm quyền.
Rõ ràng nhiều người dân VN đã đẩy lùi được nỗi Sợ Hãi. Vậy nỗi Sợ Hãi ấy đã đi đâu? Theo tôi, nó đang chiếm lĩnh tâm tư của tầng lớp lãnh đạo nhiều quyền nhiều lợi. Chế độ đang mất dần khả năng kiểm soát xã hội, và sự đàn áp của công an càng gia tăng dữ dội chứng tỏ nỗi lo sợ của lãnh đạo CS càng ngày càng lớn.
Câu hỏi còn lại là liệu những kẻ thừa hành đang hành hung các nhà hoạt động sẽ nghĩ gì và sẽ chọn đứng ở điểm nào để nhận được sự bình an trong tâm hồn? Cuộc xuống đường gần đây của người dân tỉnh Bình Thuận đã cho thấy rõ cơn nộ khí xung thiên của người dân đối với lực lượng công an.
Rõ ràng nhiều người dân VN đã đẩy lùi được nỗi Sợ Hãi. Vậy nỗi Sợ Hãi ấy đã đi đâu? Theo tôi, nó đang chiếm lĩnh tâm tư của tầng lớp lãnh đạo nhiều quyền nhiều lợi. Chế độ đang mất dần khả năng kiểm soát xã hội, và sự đàn áp của công an càng gia tăng dữ dội chứng tỏ nỗi lo sợ của lãnh đạo CS càng ngày càng lớn
Nguyệt Quỳnh
Trở lại cuộc bàn cãi ở Quốc hội về Luật im lặng, Phạm Khánh Chương viết trên blog Bà Đầm Xòe, so sánh Luật im lặng và mô hình phê và tự phê của đảng cộng sản. Theo Phạm Khánh Chương thì phê và tự phê của đảng cộng sản chính là những phiên tòa không có tòa án, ở đó người bị kêu án tha hồ bị bức cung cho tới chừng nào bản hồ sơ cung khai được người dẫn dắt những buổi phê và tự phê đó hài lòng.
Phạm Khánh Chương kết luật rằng Quyền im lặng ở các quốc gia dân chủ là để bảo vệ người dân, còn phê và tự phê ở các nước cộng sản là để bảo vệ quyền lợi của đảng.
Những người chống dự luật Quyền im lặng nhiều nhất tại Quốc hội hiện nay chính là những đại biểu đến từ ngành công an, trong đó có một vị tướng tên là Trịnh Xuyên. Nhà báo Huy Đức nhận xét sau khi đưa ra dẫn chứng rằng cách đây hơn 200 năm nước Mỹ đã có luật này:
Tướng Trịnh Xuyên cho rằng áp dụng nguyên tắc này sẽ không phù hợp với dân trí nước ta. Nói như thế thật là xúc phạm người dân Việt Nam, không lẽ sau 70 năm xây dựng CNXH, dân trí nước ta lại thua dân trí Mỹ 226 năm về trước.
Đừng sợ mất vai trò của Đảng. Một đảng tốt là một đảng đảm bảo có một hệ thống tư pháp có thể cung cấp công lý chứ không phải là một đảng mà khi muốn thì thọc tay vào vụ án. Các tướng lĩnh cũng không nên cố công bảo vệ đặc quyền cho công an. Quan nhất thời. Hãy nhìn gương tướng Quắc, tướng Trần Văn Thanh. Rất có thể có ngày quý vị trở thành nạn nhân của hệ thống tư pháp mà quý vị đang thiết kế.
Câu chuyện về Luật im lặng chưa lặng yên thì một đại biểu Quốc hội khác là ông Hà Minh Huệ lại làm dậy sóng dư luận khi ông đề cập đến Luật trưng cầu dân ý, trong đó ông cũng có ý nói rằng dân trí Việt nam đang thấp. Có nhiều bloggers mỉa mai rằng ông Huệ, với cương vị là Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt nam đang làm suy sụp trầm trọng uy tín của đảng cộng sản của ông, vì suốt nửa thế kỷ nay, chỉ có đảng cầm chịch chuyện giáo dục ở Việt nam mà dân trí tại sao lại thấp thế!
Giáo dục và nền dân chủ
Điều trớ trêu là câu tuyên bố dân trí thấp của ông Huệ là cùng một nội dung với các blogger lề trái, những người mà nền báo chí của ông Huệ không thừa nhận.
Blogger Song Chi viết về chuyện đọc sách ở Việt nam. Bà nêu ra những dẫn liệu chính thức từ báo chí Việt nam rằng trong một năm trung bình mỗi người dân Việt chưa đọc được một cuốn sách. Trong khi đó thì số tiền chi cho rượu bia trên đầu người lại rất cao. Bà kết luận dân tộc Việt đang là những người bê tha rượu bia và lười đọc sách.
Cũng nói về giáo dục là Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy viết từ Pháp rằng trong lúc nước Việt cần phải làm nhiều thứ để dân tộc thoát khỏi cảnh tê liệt về tư duy, thì nơi dùng để khai minh cho con người là trường học, lại trở thành nơi người ta dùng để tuyên truyền, để dạy một thứ lịch sử mà bà trích lời nhà cách mạng Tiệp Khắc Vaclav Havel rằng nó không tồn tại trong các quốc gia toàn trị. Những đồng nghiệp trong ngành giáo dục của Tiến sĩ Từ Huy nhắn cho bà rằng ở Việt nam người ta đang rầm rộ học tập tư tưởng ông Hồ Chí Minh, nhưng những điều về ông Hồ lại không được nói hết mặc dù tư liệu về ông hiện nay không phải là điều khó tìm.
Những điều không hay bị giấu đi, chỉ còn những ca ngợi, và người ta ca ngợi gán cả những tốt đẹp của thiên nhiên vào cho ông Hồ, điều mà blogger Trần Minh Khôi cho là một căn bệnh tâm thần xã hội.
Tìm giải pháp cho sự nghịch lý trường học mà Tiến sĩ Từ Huy nêu ra, blogger Song Chi khuyên mọi người hãy cùng nhau đọc sách để thoát đáy giếng, thoát khỏi vũng lầy mà người Việt nam đang sa vào. Và bà Từ Huy thì nêu lên rằng thế giới thông tin điện tử chính là một con đường thênh thang để thực hiện việc khai minh.
Viết về điều này trên Dân Luận, tác giả Vũ Thạch cho rằng:
Nhưng phương tiện Internet và đặc biệt Mạng Xã Hội ngày nay đang vô hiệu hóa cái guồng máy nghiền nát cả tính người lẫn tình người mà các Chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa đã dày công xây dựng trong nhiều thập niên qua. Bất kể các nỗ lực phá hoại của guồng máy công an và tuyên giáo, người dân đang nói thẳng, nói thật và nói trực tiếp với nhau qua Mạng Xã Hội. Đây cũng là lần đầu tiên người ta thấy, qua phương tiện Mạng Xã Hội, đang thực sự có hiện tượng: Dân biết – Dân bàn – Dân làm – Dân kiểm tra.
Nhìn lại 44 năm quá khứ CS của mình, tôi nhận rõ có không ít điều tôi giác ngộ, cho là đúng, thì khốn thay, hầu hết đều là lầm lẫn, ngộ nhận, ảo tưởng, sai lầm và cả tội ác
Đại tá Bùi Tín
Khẩu hiệu Dân biết dân bàn dân kiểm tra chính là khẩu hiệu mang nội dung rất dân chủ mà đảng cộng sản hay nêu lên. Điều được Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc nhận xét là một mẩu số chung của các nền độc tài, đó là họ hay nêu cao những khẩu hiệu dân chủ.
Đoạn tuyệt
Nhưng con đường đi từ một nền dân chủ phôi thai trên mạng xã hội đến cuộc sống thực hãy còn rất dài, mà blogger Nguyễn Vũ Bình, nguyên là một cây bút của Tạp chí Cộng sản, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng, nhận định rằng nếu không khéo thì chỉ có thể tạo nên cái xác dân chủ mà thôi. Còn cái hồn của nền dân chủ, theo ông Bình chính là việc xây dựng ý thức về dân chủ ở ngừoi dân ở những nơi thấp nhất trong hệ thống xã hội, những thôn ấp xa xôi nhất.
Nhưng có một điều trở ngại lớn cho công cuộc xây dựng như ông Bình đề cập lại được hai cây bút nổi tiếng của giới trí thức Việt nam đề cập trong tuần qua, Giáo sư Nguyễn Đình Cống và ông Nguyễn Trung cựu Đại sứ Việt nam tại Thái Lan. Hai ông cùng cho rằng trở ngại lớn nhất cản trở tiến trình dân chủ chính là chủ nghĩa Mác lê Nin đã được những người cộng sản du nhập vào Việt nam gần một thế kỷ nay.
Ông Nguyễn Trung trình bày nhận thức mới nhất về chính trị xã hội của mình trong tác phẩm văn học Lũ. Quyển sách được ông Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động điểm trên trang Bauxite Việt nam.
Ông Tống Văn Công viết rằng nếu trước đây trong tác phẩm Dòng đời, ông Nguyễn Trung mặc dù phê bình những kẻ chiến thắng sau năm 1975 như là đám đông xô xát nhau chia quả thực (từ dùng trong Cải cách ruộng đất ở miền Bắc chỉ việc chia sẻ tài sản của những người bị coi là địa chủ,) nhưng ông vẫn thiên về giải pháp giúp đảng cộng sản của ông tự sửa mình để trường tồn cùng dân tộc.
Nay với tác phẩm Lũ, Tống Văn Công nhận xét rằng ông Nguyễn Trung đã vượt qua chính mình khi viết rằng không thể không đoạn tuyệt với ý thức hệ.
Nói về ý thức hệ, một bậc đàn anh của ông Nguyễn Trung trong hàng ngũ cộng sản là Đại tá Bùi Tín, hiện đang ở Pháp, viết trong tuần qua về quá khứ cộng sản của ông rằng:
Nhìn lại 44 năm quá khứ CS của mình, tôi nhận rõ có không ít điều tôi giác ngộ, cho là đúng, thì khốn thay, hầu hết đều là lầm lẫn, ngộ nhận, ảo tưởng, sai lầm và cả tội ác.
Những người cộng sản thế hệ hậu sinh của hai ông Bùi Tín và Nguyễn Trung vẫn đang chiếm đại đa số trong quốc hội Việt nam, vẫn đang bàn về những quyết định mà trung ương đảng cũng của họ đưa ra mới mấy tuần trước đây. Và người ta dự trù là những bàn cãi ấy sẽ nhanh chóng qua đi, để cuối cùng vẫn sẽ là cái quyết định của trung ương đảng.
Tức là những chuyện được bàn ở Quốc hội dù được đồng ý hay không thì vẫn được quyết định từ trước bởi Trung ương đảng, chính vì thế mà tác giả Thùy Duyên trên trang Bauxite Việt nam cho rằng: việc bàn về Luật như Quốc hội đang làm là vô ích, vô nghĩa, vô duyên, vô tích sự...!