Lời nguyền chính trị
2015.07.06
Hai nhà chính trị
Tên tuổi hai nhà chính trị Việt nam được giới blogger nhắc đến nhiều trong tuần qua là cựu Thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ vừa từ trần, và ông Nguyễn Văn Linh nguyên Tổng bí thư đảng cộng sản, được giới chức Việt nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh một cách trọng thể.
Người ta nhắc nhiều đến ông Trần Quang Cơ vì khí phách của ông như lời một blogger bình luận, là ông chống lại ý kiến của những người đứng đầu nước Việt nam ở giai đoạn đầu thập niên 90 trong chính sách đối ngoại với Trung quốc. Ông từ chối nhận lãnh chức vụ Bộ trưởng ngoại giao, điều mà ông Nguyễn Vĩnh vốn là một thuộc cấp của ông cho là rất hiếm hoi trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp. Người ta nhắc tới ông Cơ nhiều nhất là về quyển hồi ký của ông liên quan đến hội nghị Thành Đô dẫn đến bình thường hóa quan hệ với Trung quốc. Quyển hồi ký không được in ở Việt nam mà chỉ lưu truyền trên mạng, trong đó ông đề cập nhiều đến những nhân nhượng quá đáng mà các nhà lãnh đạo đảng cộng sản lúc ấy dành cho Trung quốc.
Nếu ông Trần Quang Cơ được nhiều trang blog không chịu sự kiểm soát của đảng nhắc tới, thì trên báo chí chính thống người ta ít nhắc tới ông, mà thay vào đó là ông Nguyễn Văn Linh. Ông Linh được truyền thông chính thống Việt nam xem là cha đẻ của cái gọi là “đổi mới,” chuyển đổi chính sách kinh tế bao cấp sang việc chấp nhận thực tế thị trường. Rất nhiều lời tán dương ông Linh trên báo chí Việt nam, đặc biệt có một bài báo chạy hàng chữ đậm rằng ông Linh là người… Không chấp nhận đa nguyên đa đảng!
Ngược lại với báo chính thống, ông Linh bị nhiều chỉ trích trên các trang blog.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng ở thời buổi hiện nay mà gióng lên ý tưởng của ông Linh rằng không chấp nhận đa nguyên đa đảng là một điều lạ.
Còn danh hiệu cha đẻ của đổi mới cũng được các blogger hoài nghi rằng có phải chính ông Linh là kiến trúc sư của cái gọi là đổi mới ấy hay không, vì gần 30 năm sau, nhiều tài liệu được công khai, người ta thấy rằng ông Linh không phải là một người can đảm đi đến những quyết định chính trị như vậy. Hơn nữa có nhiều bằng chứng cho thấy ông Linh lại là một người bảo thủ với nhiều nỗi sợ hãi khi chứng kiến chủ nghĩa cộng sản sụp đổ khắp nơi trên thế giới vào giai đoạn những năm 1989-1990. Chính điều này đẩy ông thành kẻ mà nhiều người cho rằng có tội khi chủ trương ký hiệp định Thành Đô với Trung quốc. Trang blog Bauxite Việt nam bình luận:
Đánh giá một nhân vật lịch sử chính là phải đứng ở góc độ dân tộc, chứ không phải trên lập trường của một đảng: Người đó đã làm gì cho đất nước, chứ không phải đã làm gì cho đảng. Lịch sử đã đánh giá Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống nghiêm khắc như thế nào, sẽ đánh giá những kẻ đang tâm bán đứng dân tộc qua thỏa thuận Thành Đô, mà di lụy của nó cho đến nay vẫn chưa biết hết, như thế ấy.
Còn Tiến sĩ Hà Sĩ Phu thì cho rằng ông Linh là kẻ có tội nhiều hơn công:
“Cuối cùng do sự bố trí của phe thân Trung Cộng ông Nguyễn Văn Linh đã cầm đầu phái đoàn đi sang Thành Đô, là hành động vô cùng tệ hại, đưa Việt Nam vào một quỹ đạo không thể ra được. Tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Văn Linh đổi mới cũng chẳng qua là cứu Đảng thôi nhưng cũng do chuyện cứu Đảng mà trình độ lại non và quan điểm lại bảo thủ nên cuối cùng phải đi vào quỹ đạo Thành Đô cho nên cái tội nhiều hơn công rất nhiều.”
Và cuối cùng khi bàn về cái gọi là đổi mới, thì Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn xem đó chẳng phải là điều gì hay ho, vì vốn cuộc sống luôn cần một sự đổi mới.
Còn một điều khác nữa là bản chất của cái gọi là đổi mới là quay về với những gì đúng đắn hợp lẽ tự nhiên, phá đi những rào cản mà chính những người cộng sản tạo ra cho dân tộc và cho chính mình. Để nói về giai đoạn thay đổi đó, ngôn ngữ của đảng cộng sản hay dùng từ cởi trói, nhưng dường như là không có người lạ nào trói họ cả.
30 năm sau
Những quyết định chính trị trong những năm 1989-1990 đã định hình nước Việt nam với hoàn cảnh đối ngoại, và những xáo trộn xã hội đặc biệt của nó.
Sự thành công của ông Nguyễn Văn Linh, hay là sự thất bại của ông Trần Quang Cơ đã để lại một nước Việt nam gắn chặt về ý thức hệ với Trung quốc ngày nay.
Blogger Song Chi viết bài Nước còn hay mất. Bà cho rằng trong thời buổi hiện đại hiện nay, một kịch bản Trung quốc đưa quân xâm lược để đặt Việt nam thành quận huyện là khó có thể xảy ra. Tuy vậy với sự lệ thuộc Trung quốc ngày càng nhiều về kinh tế, văn hóa, bên cạnh sự cam kết chính trị trung thành với ý thức hệ của giới lãnh đạo,… thì Trung quốc cũng không cần dụng binh làm gì.
Sự lệ thuộc văn hóa Trung quốc lên đến đỉnh điểm trong hàng loạt công trình xây Văn miếu thờ Khổng Tử trong thời gian qua. Điều mà nhà báo Danh Đức gọi là Dịch xây Văn Miếu. Ông viết trên trang blog của thời báo Kinh tế Sài gòn:
Không phải là bài ngoại, song cái gọi là “văn hóa tương đồng” nhất định phải có giới hạn của nó, chứ không thể cứ “đánh đồng làm một” mãi. Trong lịch sử, quả là Nho giáo đã chiếm vị trí quan trọng ở Việt Nam, song ảnh hưởng đó cũng đã kết thúc hơn 100 năm nay rồi và Việt Nam đang là một quốc gia độc lập, nên không thể tùy tiện hay vì bất cứ lý do gì khác mà tái du nhập những di tích của sự lệ thuộc đó.
Có thể là Nho giáo không còn ảnh hưởng nhiều trong xã hội Việt nam, nhưng trên bình diện chính trị ý thức hệ, dường như một cụm từ khác đã thay thế, đó là xã hội chủ nghĩa. Điều mà blogger Cánh Cò mượn lời các quan chức Bắc Kinh mà gọi đó là một …. Đại cục vô hình mà tới giờ dường như các nhà lãnh đạo Việt nam chưa thoát ra được.
Và chính ý thức hệ đó trở thành một trở ngại cho công cuộc cải cách giáo dục mà nhiều trí thức Việt nam lo lắng hàng chục năm nay.
Trang blog Bauxite Việt nam kể lại câu chuyện đối thoại giữa nhóm Đối thoại giáo dục do Giáo sư Ngô Bảo Châu chủ xướng và một số ý kiến phản biện.
Nhóm Đối thoại giáo dục đề nghị một điều quan trọng trong cải cách Đại học là thành lập Hội đồng ủy thác để điều hành. Tiến sĩ Ngô Doãn Đãi cho rằng đề nghị này không thể thực hiện được vì theo luật giáo dục Việt nam thì Đảng cộng sản lãnh đạo các trường Đại học.
Một người tham gia phản biện nhóm Đối thoại giáo dục là dịch giả Đinh Bá Anh, lại cho rằng hiện nay nền giáo dục Việt nam không thể cải cách được vì nó không chịu một sức ép nào cả. Ông cho rằng nó có thể được cải cách nếu có một ý chí chính trị mạnh mẽ nào đó, nhưng ông tiếp lời là chuyện đó chưa xảy ra vì hiện nay chính trị Việt nam là một nền chính trị chịu sức ép từ nhóm lợi ích chứ không có viễn kiến.
Có lẽ câu chuyện cải cách giáo dục lại một lần nữa đi vào bế tắc.
Đứng trước tình trạnh xã hội chính trị hiện nay, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng có một điều gì đó như là một lời nguyền mà nước Việt đang gánh chịu, lời nguyền đó theo ông xuất hiện sau khi cuộc chiến Việt nam tương tàn kết thúc:
Có thể những người cầm đầu phe bại trận đã không có một lời nguyền nào nhưng hàng vạn, hàng chục vạn những người khác đã công khai hoặc bí mật nguyền rủa vì cho rằng họ bị đối xử bất công, tàn bạo, bị phản bội lời hứa và lòng tin. Đó là những người bị triệu tập vào các trại cải tạo, bị giam giữ không kết án, bị tước đoạt tài sản và tự do, bị ép buộc đến các vùng kinh tế mới, bị trở thành “thuyền nhân”với không biết bao nhiêu tai họa.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống là người công khai tuyên bố rằng muốn cho Việt nam phát triển thì phải từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và ý thức hệ Mác Lê Nin, nền tảng của cấu trúc nhà nước Việt nam hiện tại.
Trong lãnh vực tư pháp, cấu trúc nhà nước ấy không chấp nhận sự cân bằng quyền lực như ở mô hình các quốc gia theo thể chế tư bản dân chủ. Đó cũng là điều mà Luật sư Nguyễn Văn Thân cho rằng nó làm cho Việt nam không thể xây dựng nên nhà nước Pháp quyền được. Ông viết:
Muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền thì trước hết phải có sự phân quyền giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp và một hệ thống tư pháp thật sự độc lập. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn đứng trên pháp luật và cai trị một cách tùy tiện. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình là một thành viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản thì làm sao tòa án có thể độc lập?
Nhưng mô hình mới nào cho Việt nam để thoát khỏi bế tắc?
Tác giả Vũ Hoàng Nguyên viết trên trang Ngàn Lau rằng cần phải thận trọng, đừng lập lại sai lầm của những người cộng sản nữa:
Cần phải xác định một điều là không có cơ chế nào trên thế giới này hoàn hảo. Chúng ta không đi tìm một cơ chế hoàn hảo bởi nếu chúng ta vẫn mang tư tưởng tìm một cơ chế hoàn hảo thì tự chúng ta sẽ lập lại sai lầm của đảng cầm quyền hiện giờ, tức là đưa đất nước dân tộc vào Xã Hội Chủ Nghĩa mà chính những người lãnh đạo không biết cái Xã Hội Chủ Nghĩa đó ra sao, khi nào được hình thành. Chúng ta cũng không đem bất cứ cơ chế của quốc gia nào đó vào áp dụng trên dân tộc của mình bởi chúng ta sẽ vấp phải sai lầm mà đảng CSVN đang sai lầm.
Nhưng cho đến bao giờ?
LS Nguyễn Văn Thân viết rằng so với những mầm mống dân chủ hình thành ở nước Anh trước đây thì Việt nam đã muộn đến 800 năm.