Nhà nước khủng bố và tính chính danh
2016.05.16
Thành phố bị bao vây và dập nát
Nhạc sĩ Tuấn Khanh mô tả một thành phố bị bao vây:
Suốt trong nhiều ngày, nhiều thành phố bị cầm giữ trong bí mật về cái chết mà tất cả vua quan đều lánh mặt. Bọn tôi tớ nói vài lời qua loa với đám đông đang xanh xao vì lo sợ. Bọn tôi tớ ấy chạy vội về nhận bữa ăn riêng đặc cách: sạch sẽ và an toàn như đã hứa để trả công cho sự dối trá.
Suốt trong nhiều ngày, thành phố thì thầm về những khu ghetto mới lập. Có thể đó là một sân vận động, nhưng cũng có thể là một văn phòng của cơ quan địa phương. Tất cả những nơi đó đều có một điểm chung: những loài súc sinh có gương mặt người được trao hiến pháp mới về quyền cắn xé bất cứ những ai có một linh hồn.
Trẻ nhỏ bị giật tóc lôi trên đường. Những thanh niên bị đấm, bị xịt hơi cay mà khi chưa hề có ý định kháng cự. Những phụ nữ bị sờ soạng và đạp vào đầu. Máu.
- Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Thành phố đó là thành phố nào? Tuấn Khanh viết tiếp:
Thời đại của thành phố với những tấm bảng tuyên truyền về đạo đức Hồ Chí Minh, là những nền ngập màu sắc, tạo nên một bức tranh hùng vĩ ghi lại từng gương mặt những người Việt yêu con cá, yêu giọt nước biển và yêu một tương lai không mù mờ u ám. Họ bị bao vây, đánh đập, chà đạp. Trẻ nhỏ bị giật tóc lôi trên đường. Những thanh niên bị đấm, bị xịt hơi cay mà khi chưa hề có ý định kháng cự. Những phụ nữ bị sờ soạng và đạp vào đầu. Máu. Internet như một loại truyền hình vĩnh cửu với các buối chiều không dứt miễn phí cho vợ con, cha mẹ… của những bọn khát máu đánh người. Họ im lặng ngồi xem, có thể xem trong bữa ăn tối, với phần ăn là một con cá vô định.
Đó là thành phố Sài Gòn, với các cuộc biểu tình mà theo nhiều người là lớn nhất trong 41 năm qua dưới chính quyền cộng sản.
Người ta xuống đường để đòi môi trường sống trong lành, đòi chính quyền minh bạch, đòi những kẻ hủy hoại biển miền Trung phải chịu trách nhiệm.
Cuộc biểu tình bị đàn áp thẳng tay.
Bức hình người mẹ trẻ bị đánh đập với đứa con nhỏ trong vòng tay, tràn ngập các trang blog và mạng xã hội tiếng Việt.
Bà Ngô Thị Kim Cúc viết rằng dường như người ta đánh đập bà mẹ trẻ ấy bằng một lòng căm thù. Đàn áp và bạo lực làm cho Ngô Thị Kim Cúc thấy thành phố thân yêu của mình, một thời lừng danh Hòn ngọc viễn Đông bị dập nát.
Bạo lực và tính chính danh của nhà nước
Ai là người dùng bạo lực đàn áp chính đồng bào mình? Người ta thấy các lực lượng đủ sắc đồng phục, trong Nam, ngoài Bắc, người ta thấy cả hàng ngàn nhân viên an ninh mặc thường phục được huy động để đàn áp dân chúng.
Tác giả Người Viễn Xứ nói với họ:
Cái các anh nên bảo vệ là công bằng xã hội chứ không phải chế độ. Chính công sức của các anh làm cho các anh danh giá. Chỉ vì các anh không đủ tự tin trước tài năng của các anh nên các anh phải đi ăn xin và đánh thuê cho những kẻ ác.
Đất nước này cần tự do để sống. Tự do cho cả các anh và tôi. Đừng làm nô lệ nữa. Chẳng ai có thể giải phóng cho các anh, ngoại trừ chính các anh tự giải phóng mình.
Nghệ sĩ Kim Chi kêu gọi họ:
Các anh hãy tỉnh cơn mê đi khi còn chưa quá muộn. Hãy thương lấy cha mẹ, vợ con các anh. Xin đừng làm nhục những người thân của các anh. Sống có đạo đức để còn tạo phước cho con cháu.
Một lần nữa lấy tư cách một người mẹ xin các anh ngừng bàn tay tội ác. Rất mong các anh cùng đi với nhân dân.
Còn Nguyễn Việt Triều thì nói rằng nếu các bạn không là đao phủ, việc tốt nhất các bạn có thể làm là đừng đứng cùng phía với nó, đừng cổ vũ cho tội ác và bạo lực của những tay nắm trong mình những công cụ có thể bức hại cả dân tộc này.
Nhưng nói cho cùng các lực lượng nhiều sắc phục, những lực lượng an ninh mặc thường phục chỉ thi hành một chính sách, một chiến thuật từ tầng lớp cầm quyền bên trên, một chiến thuật mà tác giả Nguyễn Tấn Thành xem là rất sai lầm:
Đất nước này cần tự do để sống. Tự do cho cả các anh và tôi. Đừng làm nô lệ nữa. Chẳng ai có thể giải phóng cho các anh, ngoại trừ chính các anh tự giải phóng mình.
- Người Viễn Xứ
Chiến thuật này rất sai, khi hôm nay, dòng nước chết chóc màu vàng sẫm đó đang từ từ quét xuống phương Nam tiêu diệt biển. Có nghĩa là tuần này sẽ có thêm cá chết, biển chết. Và như vậy thì biểu tình sẽ nổ ra nữa, vì người ta chấp nhận bị đánh để được nói lên chứ không im lặng ở nhà chờ độc tràn lan rồi lên bàn ăn của họ.
Nhà báo Đoan Trang giải thích động cơ của hành động bạo lực đó chính là từ cơ chế chính trị cộng sản của nước Việt Nam từ mấy chục năm qua:
Ta hãy nhớ: Nhà nước công an trị mang tên CHXHCN Việt Nam có thể đặc biệt lúng túng trong việc xử lý các sự kiện có tính chất thảm họa, đe dọa cuộc sống của người dân. Nhưng họ là bậc thầy trong việc trấn áp đối lập, tiêu diệt “phản động”.
Suy cho cùng, đàn áp dân chúng dễ hơn nhiều và có thừa nguồn lực so với điều hành, quản trị đất nước.
Theo blogger Song Chi, đó là một nhà nước của một chế độ sinh ra từ bạo lực, lớn lên bằng bạo lực và được duy trì bằng bạo lực.
Nhà nước công an trị ấy, theo Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, cũng giống như tất cả các chế độ độc tài, sợ hãi rất nhiều thứ. Họ sợ rằng khi người dân đã biết quyền của mình thì họ sẽ tiếp tục đòi quyền ấy. Và một trong những quyền được chính những người cộng sản ghi trong Hiến pháp do họ soạn ra là quyền biểu tình.
Biểu tình, bất kể xuất phát từ động cơ gì, tự bản chất, bao giờ cũng là một sự phản đối mang tính tập thể. Mà các chế độ độc tài toàn trị thì sợ mọi sự phản đối. Họ biết rõ quyền lực và quyền lợi của họ rất dễ bị lung lay trước những làn sóng phản đối của dân chúng. Hơn nữa, với bản chất lừa bịp, họ không muốn thế giới nhìn thấy những sự phản đối ấy. Hệ thống tuyên truyền của họ lúc nào cũng tô vẽ nên sự đồng thuận của dân chúng đối với sự cai trị độc tài và độc đoán của họ. Họ không những sợ biểu tình; họ còn sợ chữ “biểu tình”.
Và ông gọi nhà nước đó là nhà nước khủng bố.
Việc nhà nước ấy sử dụng bạo lực, và thậm chí không dám sử dụng cả lực lượng chính qui của cơ quan pháp luật, để đàn áp dân chúng, được nhà báo Trung Bảo gọi là không mang tính chính danh. Và theo ông pháp luật của một nhà nước cộng sản là để bảo vệ sự ổn định theo định nghĩa của đảng cộng sản, bất chấp tính công chính và chính danh của tầng lớp lãnh đạo.
Bất bạo động
Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận xét về những cuộc biểu tình vừa qua là một bước tiến rất lớn của xã hội Việt Nam, mà nếu không khéo, nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ đương đầu với tai họa, và hơn nữa những biểu tượng của nhà nước cộng sản Việt Nam bắt đầu phai nhạt trong lòng dân chúng:
2016. Hàng loạt phong trào phản kháng xã hội về nhiều vấn nạn xã hội đang bừng tỉnh ở Việt Nam. Nhưng điểm khác biệt so với những năm trước là không còn quá cần đến vai trò đầu tàu của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, mà chính người dân, bao gồm cả những cán bộ hưu trí, đang lên tiếng và lần đầu tiên xuống đường biểu tình. Chính quyền sẽ đối phó ra sao với số đông quần chúng theo đúng nghĩa này?
Nếu vẫn giữ nguyên não trạng và thói quen đánh người, sẽ không có gì ngạc nhiên khi giới công an thẳng tay với người dân biểu tình trong đó có cả cán bộ hưu trí. Nhưng khi đó, ngành công an sẽ vấp phải không phải một nhúm người, mà một biển dân.
Không khó để hình dung rằng với diễn biến tâm lý đang thay đổi bằng gia tốc ngày càng lớn trong dân chúng và cả cán bộ, ngay cả những cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam trong thời gian tới cũng chỉ xuất hiện cờ đỏ với mật độ thưa hơn hẳn hình thức biểu tình trước đây.
Rất thường là, sự triệt tiêu chế độ chính trị khởi nguồn từ dấu hiệu biến mất của các biểu tượng của chế độ đó.
Điều đặc biệt của hai cuộc biểu tình vì môi sinh đầu tháng Năm là có sự tham gia của nhiều người chưa từng tham gia các hoạt động phản kháng từ trước đến nay.
Sau khi bị bắt và hạch hỏi về hành vi đi biểu tình, bà Phan Thị Châu, từng là cán bộ cao cấp trong một cơ quan truyền thông của đảng nói rằng bà sẽ vẫn đi biểu tình trong tương lai.
Bà Ngô Thị Kim Cúc viết rằng:
Ai dám nói là người dân không am hiểu điều họ đang làm, không biết vì sao họ phải ra đường để đối đầu với các hiểm nguy đang chờ chực. Họ thông thái hơn rất nhiều những “nhà khoa học” hư danh, những chức danh bằng cấp hợm hĩnh in đầy trên carte visit để tự sướng, những chức vị dài thượt bắt dân nghe đến nhàm tai những khi có các loại lễ lạc dông dài đến vô tận…
Rất thường là, sự triệt tiêu chế độ chính trị khởi nguồn từ dấu hiệu biến mất của các biểu tượng của chế độ đó.
- Nhà báo Phạm Chí Dũng
Sao có thể thẳng tay đàn áp những công dân ưu tú như vậy? Chính quyền phải tự giáo dục lại nhân viên của mình chớ không phải cứ quen miệng đòi “giáo dục nhân dân” một cách hết sức vô nghĩa và hỗn xược.
Để đáp trả bạo lực của nhà nước cộng sản, các blogger ra lời kêu gọi tiếp tục các cuộc biểu tình ôn hòa bất bạo động.
Tác giả Hoàng Bùi viết rằng Hãy đáp trả bạo lực bằng tình yêu, bằng sự giễu cợt và hài hước, bằng lý lẽ và bằng sự công chính, đó là điều những kẻ sử dụng bạo lực sợ nhất. Đừng sử dụng bạo lực đáp trả bạo lực, dù chỉ là trong ý nghĩ.
Nhà hoạt động dân sự trẻ tuổi Nguyễn Anh Tuấn ôn lại lịch sử đầy bạo lực của nước Việt Nam để kêu gọi mọi người phải luôn ôn hòa và kiên trì để tránh cái ác vì cái ác được sinh ra trong bạo lực. Còn Song Chi viết rằng chỉ có tình thương mới cứu chuộc được dân tộc này.