Tổ chức nghiên cứu tư nhân bị khóa miệng?

Mặc dù tất cả các báo đài đều nằm dưới sự kiểm soát của Nhà nước, giới truyền thông được khuyến cáo phải hoạt động theo lề bên phải, những thông tin nhạy cảm phải được tự kiểm duyệt, bài vở không vi phạm những vùng cấm kỵ liên quan tới uy tín của Đảng và Nhà nước.
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2009.08.15

Không được công khai phản biện

Tuy vậy chính phủ Việt Nam vẫn tỏ ra thận trọng hơn nữa, khi ban hành Quyết Định 97 nội dung chủ yếu ấn định danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học công nghệ.

Kể từ ngày 15/9/2009 sắp tới, khi Quyết Định 97 do Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành có hiệu lực, các tổ chức khoa học và công nghệ nói chung, sẽ bị cấm không được công bố công khai những ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Những ý kiến phản biện thuộc những lĩnh vực như vừa nói sẽ phải gởi tới cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền. Ở Việt Nam Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, ý kiến phản biện nói chung khá dễ dàng bị rơi vào vùng cấm là chính sách, đường lối của Đảng hoặc Nhà nước. Mục đọc báo trên mạng hôm nay, chúng tôi sẽ tìm hiểu quan điểm Nhà nước khi ban hành Quyết Định 97, cũng như phản ứng của chuyên gia, nhà khoa học có thể bị chi phối bởi Quyết Định 97.

Kể từ ngày 15/9/2009 sắp tới, khi Quyết Định 97 do Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành có hiệu lực, các tổ chức khoa học và công nghệ nói chung, sẽ bị cấm không được công bố công khai những ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.

Báo Pháp Luật TP.HCM Online ngày 9/8/2009 đặt vấn đề phải chăng qui định này thu hẹp quyền phản biện của các tổ chức nghiên cứu tư nhân. Tờ báo đã trao đổi với ông Hoàng Ngọc Danh, Phó Trưởng ban Chính sách nhân lực và hệ thống tổ chức Khoa Học-Công Nghệ thuộc Bộ Khoa Học và Công Nghệ. Ông Danh là thành viên ban soạn thảo Quyết Định 97 vừa nói.

Có thể xem ông Hoàng Ngọc Danh là giới chức có thẩm quyền để trình bày quan điểm Nhà nước liên quan tới Quyết Định 97. Ông Danh cho rằng Luật Khoa Học Công Nghệ năm 2000 qui định cá nhân có quyền đề xuất ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước với cơ quan có thẩm quyền. Ông Danh viện dẫn Nghị định 81/2002 qui định chi tiết thi hành luật này cũng qui định ý kiến đề xuất của cá nhân hoạt động KH&CN được các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm trả lời. Dựa vào chi tiết này ông Danh lập luận rằng qui định từ trước đến nay rất rõ ràng. Đó là các tổ chức KH&CN cá nhân được phép phản biện về đường lối chủ trương, chính sách. Nhưng thông tin phản biện phải được gởi tới cơ quan có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có trách nhiệm trả lời.

Tờ Pháp Luật TP.HCM nêu câu hỏi là, nếu các nhà khoa học trình bày ý kiến phản biện chỉ được phép với tư cách cá nhân, không thông qua tổ chức khoa học công nghệ, thì có khả năng ý kiến của họ bị bỏ qua, nhà báo gọi là ý kiến sẽ bị đắp chiếu. Ông Hoàng Ngọc Danh trả lời rằng, các nhà khoa học, các chuyên gia vẫn có thể phát biểu ý kiến với tư cách cá nhân song phải tuân thủ Luật Báo Chí, Luật Xuất Bản và pháp luật về khoa học và công nghệ, đồng thời không được vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động KH&CN.

Phản ứng của các chuyên gia

Báo Pháp Luật TPHCM nêu câu hỏi, hiện có một số tổ chức khoa học công nghệ tư nhân đã thành lập và hoạt động theo hướng phân tích chính sách hiện hành, kiến nghị các giải pháp cải thiện chính sách. Vậy khi Quyết Định 97 có hiệu lực, các tổ chức này có còn được tiếp tục hoạt động hay phải làm thủ tục thành lập lại. Ông Hoàng Ngọc Danh nói rằng, thực tế đã có cá nhân, được hiểu là một hay một nhóm người thành lập viện nghiên cứu tư nhân, đăng ký lĩnh vực hoạt động quá rộng, chẳng hạn trung tâm nghiên cứu phát triển. Ông Danh nói là rất khó quản lý các tổ chức này. Tuy ông không nêu đích danh tổ chức nào, nhưng người đọc báo có thể hiểu ngay ở Hà Nội có Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS thành lập gần hai năm qua, là một tổ chức tư nhân đầu tiên ở Việt Nam hoạt động trong lãnh vực nghiên cứu chính sách. Đáp câu hỏi của chúng tôi TS Nguyễn Quang A Viện Trưởng IDS nói rằng:

“Về nội dung việc ban hành một danh mục được phép làm là một cách làm hết sức lạc hậu, không phù hợp với sự phát triển của bất cứ lĩnh vực nào, chứ không nói đến nghiên cứu khoa học là lĩnh vực rất biến động rất rộng . Không thể chỉ liệt kê ra một danh mục bảo là ông chỉ được làm cái đó, như thế là tước mất quyền tự do nghiên cứu của công dân.

Tôi chưa nói đến điều là không được quyền công bố ý kiến phản biện công khai, điều này hết sức phi lý. Thậm chí nó còn trái với những qui định hiện hành của bản thân Hiến Pháp Việt Nam bây giờ.”

Nhưng thông tin phản biện phải được gởi tới cơ quan có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có trách nhiệm trả lời.

Ông Hoàng Ngọc Danh

Trở lại bài báo ‘Tổ Chức khoa học công nghệ tư nhân: Phản biện phải đúng địa chỉ’ của Báo Pháp Luật TPHCM bản điện tử ngày 9/8/2009.

Tờ báo đã trích đăng một số phản ứng liên quan tới Quyết Định 97. Theo đó ông Phạm Bích San, Giám đốc văn phòng tư vấn phản biện và giám định xã hội thuộc Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam nhận định rằng, thứ nhất bản chất của khoa học là công khai. Theo ông, chỉ có công nghệ là bí mật chứ các kết quả nghiên cứu khoa học thì cần được công bố rộng rãi. Công bố nhiều, nhiều người trích dẫn thì uy tín của nhà khoa học được nâng lên. Ông San đưa ví dụ một đề tài nghiên cứu ‘Các chính sách kinh tế thời kỳ đổi mới’ thì có thể coi là ý kiến phản biện về đường lối chính sách hay không. Xác định được điều này cũng rất khó. Điểm thứ hai, theo ông San, phát kiến khoa học thuộc về thiểu số. Mọi người nghĩ cùng một hướng, nhà khoa học nghĩ hướng khác mới có phát minh. Chuyên gia này cho rằng, các tổ chức khoa học công nghệ tư nhân có kết quả nghiên cứu thì họ có thể công bố, đúng hay sai thì giới khoa học sẽ bàn luận.

Báo Pháp Luật TP.HCM cũng trích đăng ý kiến của TS Hồ Hữu Nhật, chuyên gia nghiên cứu về khoa học xã hội. TS Nhật cho rằng điều kiện ở Việt Nam có thể chưa làm giống được như nhiều nước khác, là viện nghiên cứu tư nhân được công bố kết quả nghiên cứu và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên ông cho rằng, không phải bất kỳ ý kiến phản biện nào cũng phải chuyển tới cơ quan Nhà nước như qui định của Quyết Định 97. TS Nhật đề nghị nên dựa vào tính chất nghiên cứu để áp dụng, tức là những ý kiến mang tính nhạy cảm cao và có liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia thì cần phải chuyển đến các cơ quan nhà nước xem xét trước mà không nên tự ý công bố. Trong việc này nếu nhà nước sử dụng thông tin của các đơn vị khoa học tư nhân thì phải trả chi phí cho họ. Còn các vấn đề mang tính khoa học thuần túy hoặc các vấn đề mang tính dân sinh khác thì hãy để các tổ chức tư nhân công bố và chịu trách nhiệm về những nghiên cứu của mình.

Tôi chưa nói đến điều là không được quyền công bố ý kiến phản biện công khai, điều này hết sức phi lý. Thậm chí nó còn trái với những qui định hiện hành của bản thân Hiến Pháp Việt Nam bây giờ.

TS Nguyễn Quang A

Tờ Pháp Luật TPHCM Online đã trích đăng điều 4 Quyết Định 97, theo đó tất cả các tổ chức Khoa Học Công Nghệ do cá nhân thành lập đều phải đăng ký lại.

Ông Hoàng Ngọc Danh, thành viên ban soạn thảo Quyết Định 97 cho biết, Bộ KH&CN đang dự thảo thông tư hướng dẫn thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN. Thông tư này qui định điều kiện, thủ tục đăng ký hoạt động của mọi loại hình tổ chức KH&CN, trong đó có tổ chức KH&CN tư nhân. Ông Danh nhấn mạnh, tổ chức KH&CN chỉ được thành lập khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện, có mục tiêu phương hướng hoạt động rõ ràng, có điều lệ tổ chức, nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật đầy đủ, có tên thể hiện rõ lĩnh vực hoạt động chủ yếu. Theo lời ông Danh, cá nhân muốn thành lập tổ chức KH&CN sẽ chỉ cần đăng ký ở cơ quan có thẩm quyền, không cần xin giấy phép thành lập.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.