Công ty Vedan VN ở tỉnh Đồng Nai hủy hoại môi trường sinh thái cả một đoạn sông dài, hành động từ 14 năm qua, nhưng lại không bị truy cứu hình sự. Hệ luỵ đàng sau quyết định xử phạt Vedan của Bộ Trưởng Tài Nguyên môi trường Phạm Ngôi Nguyên chứa đựng những gì? Bao giờ Vedan ngừng hoạt động, người dân địa phương có được đền bù hay không, khi nào sông Thị Vải trở lại trong xanh như trước khi Vedan có mặt. Đây là đề chúng tôi đọc báo trên mạng tuần này.
Nếu không tới tận nơi, để giác quan cảm nhận sự hủy diệt môi trường sống đến mức ghê gớm ở đoạn sông Thị Vải, nơi Vedan đặt các nhà máy, thì quí vị và độc giả các báo cũng có thể xem những bức hình hãi hùng được chụp từ dòng sông chết.
Chưa đủ yếu tố để khởi tố?
Theo quan điểm của tôi xử lý hình sự thì phải có yếu tố cấu thành tội phạm, tức là nó gây nguy hại cho xã hội. Ở đây Vedan phải bồi thường cho người dân bị thiệt hại, bồi thường việc gây ô nhiễm, nguồn nước phải làm sạch trở lại như ban đầu. Theo tôi để truy cứu trách nhiệm hình sự, thì nó phải gây nguy hại cho xã hội mang tính chất nghiêm trọng. Nếu Vedan muốn thương hiệu của mình tồn tại ở VN thì phải làm nghĩa cử đẹp bồi thường cho mọi người dân, nếu không người dân tẩy chay sản phẩm này trên toàn đất nước VN, cái đó còn hơn là trách nhiệm hình sự, Vedan không tồn tại ở VN nữa.
LS Nguyễn Văn Hậu
Trong các nội dung của quyết định xử phạt, chúng tôi xin trích báo Tuổi Trẻ Online ngày 8/10 ghi nhận rằng, theo lãnh đạo bộ TN-MT, mặc dù vi phạm của Vedan rất tinh vi, có hệ thống, cố ý và có tổ chức để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng theo qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành, các vi phạm của công ty Vedan chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để khởi tố vụ án hình sự về môi trường.
LS Nguyễn Văn Hậu ở TP.HCM đã đề cập tới sự kiện chính quyền khó khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp Cty Vedan:
“Trước hết phải xử phạt vi phạm hành chánh trước. Theo quan điểm của tôi xử lý hình sự thì phải có yếu tố cấu thành tội phạm, tức là nó gây nguy hại cho xã hội. Ở đây Vedan phải bồi thường cho người dân bị thiệt hại, bồi thường việc gây ô nhiễm, nguồn nước phải làm sạch trở lại như ban đầu. Theo tôi để truy cứu trách nhiệm hình sự, thì nó phải gây nguy hại cho xã hội mang tính chất nghiêm trọng. Nếu Vedan muốn thương hiệu của mình tồn tại ở VN thì phải làm nghĩa cử đẹp bồi thường cho mọi người dân, nếu không người dân tẩy chay sản phẩm này trên toàn đất nước VN, cái đó còn hơn là trách nhiệm hình sự, Vedan không tồn tại ở VN nữa.”
Cùng với việc không truy tố hình sự Cty Vedan, Bộ Trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng hệ thống chính sách, pháp luật của VN thiếu đồng bộ không đủ răn đe và chưa theo kịp công tác bảo vệ môi trường. Ông Nguyên đề nghị chính phủ nghiên cứu và sửa đổi bộ luật hình sự, luật thanh tra và pháp lệnh xử phạt hành chính và nghị định về kiểm tra thanh tra đối với doanh nghiệp.
Vedan Vietnam là một doanh nghiệp lớn, chuyên sản xuất bột ngọt phụ gia thực phẩm cũng như phân bón và hoá chất. Cơ ngơi của Vedan rộng 15 ha ở Long Thành Đồng Nai bên dòng sông Thị Vải. Doanh số của công ty khoảng 100 triệu đô la mỗi năm, số nhân công khoảng 1.800 người theo trang web của Vedan VN, nhưng nguồn tin báo chí lại cho rằng số lao động của Vedan có thể cao gấp đôi, gấp ba. Vedan tiêu thụ tới 1 triệu tấn khoai mì mỗi năm để sản xuất bột ngọt. Qui mô lớn, nên lượng nước thải công nghiệp rất lớn ước tính khoảng 105.000 mét khối mỗi tháng. Vedan đã xử dụng hệ thống dấu kín để không xử lý nước thải mà đổ thẳng nước thải độc hại ra sông Thị Vải từ năm 1993 tới nay.
Điểm đáng chú ý là năm ngoái Vedan VN tạo ra tới một nửa thu nhập của công ty mẹ Vedan International ở HongKong. Thông tin này theo số liệu của mạng Bloomberg. Giá cổ phiếu của Vedan International sụt giảm 57% trong năm nay, trong đó có nguyên nhân từ sự kiện Vedan VN bị xử phạt, có thể bị đóng cửa tạm thời và người VN đang tẩy chay bột ngọt Vedan.
Giới thiệu về Vedan như thế để thấy rằng sự phát triển kinh tế VN trong thập niên 1990 đã phải trả giá về mặt hủy hoại môi trường.
Chuyên gia môi trường ở TP HCM, TS Nguyễn Trung Việt nhận định:
"Phát triển kinh tế bao giờ chẳng đi đôi với ô nhiễm, thế nhưng tất cả các nước trên thế giới kể cả Singapore, Mỹ, Nhật, Hà Lan, Đức, Anh, Pháp đầu tiên họ phát triển công nghiệp thì đều gây ô nhiễm dữ dội. Sau đấy khi phát triển kinh tế ở mức độ nào đấy thì họ mới quay trở lại xử lý về mặt môi trường. Thế vì vậy việc gây ô nhiễm, lợi nhuận là một chuyện thôi. Cái thứ hai là do hệ thống kiểm soát hệ thống quản lý nhà nước vẫn chưa được chặt chẽ, mà cũng phải có thời gian người ta mới có đủ cả về nhân lực, cơ sở vật chất người ta làm mới được. Hơn nữa luật lệ của mình … nhiều khi đi vào kiểm tra nhà máy đâu dễ gì, phải báo trước, phải xin quyết định cấp trên, thành ra những vụ việc xảy ra rất nhanh mình không có cách gì giải quyết được. Phải mất một thời gian, thì hệ thống pháp luật pháp qui rồi cơ sở vật chất rồi con người mới đủ để cho có thể xử lý vấn đề môi trường chặt chẽ như các nước phát triển."
Trong quyết định của Bộ TN-MT, Vedan VN phải truy nộp phí xả thải với số tiền là 127 tỷ đồng trước ngày 6/11. Phí xả thải này tính trên lượng nước thải công nghiệp mà Vedan trốn nộp cho chính quyền, còn tiền phạt thì rất nhẹ chỉ khoảng 267 triệu mà thôi.
Theo Lao Động Online ngày 9/10 nếu Vedan VN không nộp số tiền phí môi trường truy thu 127 tỷ đồng trước ngày 6/11 thì sẽ bị cơ quan pháp luật cưỡng chế thi hành. 127 tỷ 300 triệu đồng tương đương 7 triệu 700 ngàn đô la tuy thấy lớn, nhưng ban lãnh đạo Vedan VN đã cam kết chấp hành theo biên bản lập ngày 3/10/2008.
Người dân sẽ không được bồi thường
Số tiền hơn 127 tỷ phí môi trường và tiền phạt của Vedan, theo Bộ TN-MT sẽ không được sử dụng để bồi thường phân phát cho người dân. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã kiến nghị thủ tướng cho phép Quĩ Bảo Vệ Môi Trường tiếp nhận và sử dụng mọi ngân khoản thu được tiền phạt, tiền truy nộp phí, tiền đền bù thiệt hại môi trường không những của công ty Vedan, mà đối với tất cả các doanh nghiệp khác đang hoạt động trên lưu vực sông Thị Vải. Vẫn theo Lao Động Online Quĩ Bảo Vệ Môi Trường sẽ dùng kinh phí này để phối hợp với các địa phương, các cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng và thực hiện đề án khắc phục hậu quả về môi trường, kinh tế và xã hội trên lưu vực sông Thị Vải.
Thế vì vậy việc gây ô nhiễm, lợi nhuận là một chuyện thôi. Cái thứ hai là do hệ thống kiểm soát hệ thống quản lý nhà nước vẫn chưa được chặt chẽ, mà cũng phải có thời gian người ta mới có đủ cả về nhân lực, cơ sở vật chất người ta làm mới được. Hơn nữa luật lệ của mình … nhiều khi đi vào kiểm tra nhà máy đâu dễ gì, phải báo trước, phải xin quyết định cấp trên, thành ra những vụ việc xảy ra rất nhanh mình không có cách gì giải quyết được. Phải mất một thời gian, thì hệ thống pháp luật pháp qui rồi cơ sở vật chất rồi con người mới đủ để cho có thể xử lý vấn đề môi trường chặt chẽ như các nước phát triển.
TS Nguyễn Trung Việt
Trong quyết định xử phạt, có qui định buộc Vedan phải có trách nhiệm chi phí đền bù thiệt hại về kinh tế và môi trường đối với các tổ chức và cá nhân bị thiệt hại, do vi phạm của Vedan gây ra. Cũng như chi phí khắc phục hậu quả tình trạng ô nhiễm môi trường trên một đoạn sông Thị Vải dài 15km. Cả hai loại đền bù này sẽ là những số tiền rất lớn. Nhà khoa học môi trường GSTS Lâm Minh Triết ở TPHCM từng nhận định:
"Ô nhiễm môi trường mình khắc phục nó thì tốn kém rất nhiều lần so với cái mình đầu tư hiện tại. Cụ thể nhất làm sao mà xử lý áp dụng công nghệ tiên tiến để cho các dòng sông có khả năng tự làm sạch. Nhưng mà con sông Thị Vải thì có lẽ sẽ rất khó."
Câu chuyện Vedan đền bù đủ các loại tổn hại do ô nhiễm môi trường có thể là một kịch bản dài lâu, nhiều năm thậm chí hàng chục năm nếu đánh giá đầy đủ về mặt kinh tế xã hội và sức khoẻ con người.
Để xác định mức độ thiệt hại nhiều mặt như thế cần có một hội đồng khoa học đánh giá nghiêm túc. Bao giờ phía VN trưng ra được kết quả như thế, và Vedan có chấp nhận nó để đền bù hay không lại là một câu chuyện khác ở tương lai. Một chuyên gia môi trường nhận định:
"Nếu muốn con sông có thể phục hồi thì phải chặn tất cả nguồn thải vào trong con sông, thì Vedan một phần thôi còn lại nhiều nhà máy. Nhiều khu công nghiệp chưa có trạm hoặc nhà máy xử lý nước thải. Việc này phải chấm dứt, nhưng phải đến một thời kinh phát triển kinh tế nào đấy, thì người ta mới dám động đến chuyện ấy.
Trong nội dung quyết định xử phạt, Vedan phải tháo dỡ tất cả hệ thống ống ngầm và thiết bị liên quan trước ngày 6/11. Các nhà máy Vedan VN ở Long Thành Đồng Nai phải tạm ngừng hoạt động, cho đến khi hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải công nghiệp đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra Bộ TN-MT cũng đình chỉ giấy phép của Vedan được xả nước thải ra nguồn nước thời gian hiệu lực 6 tháng. Xin nhắc rằng đây là giấy phép để xả nước thải đã qua xử lý ra sông chứ không phải là nước thải thô.
Theo trình tự, thì chính quyền tỉnh Đồng Nai mới là nơi có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan. Việc này cũng có thể mất thời gian. Tỉnh Đồng Nai cũng được giao nhiệm vụ giải quyết hỗ trợ đời sống của hàng ngàn công nhân lao động làm việc ở các nhà máy Vedan Đồng Nai. Vùng nguyên liệu khoai mì hàng triệu tấn mỗi năm ở địa phương được Vedan bao tiêu cũng sẽ phải tìm nơi tiêu thụ, cho đến khi nào Vedan phục hồi hoạt động.