Hạn hán tàn phá ruộng đồng miền Trung
2010.07.03

Thời tiết nóng kéo dài, khô hạn ngập mặn cùng với tình trạng thiếu điện phục vụ thủy lợi đã tác hại nghiêm trọng những cánh đồng lúa hè thu ở nhiều tỉnh miền Trung từ Quảng Ngãi ra tới Nghệ An Hà Tĩnh. Trong phiên họp ngày 25/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Bùi Bá Bổng cảnh báo nguy cơ mất trắng 100.000 ha lúa ở các tỉnh miền Trung. Trong khi đó còn đến 60.000 ha chưa gieo cấy vì thiếu nước, mặc dù đã kết thúc khung thời vụ gieo cấy lúa hè thu và lúa mùa.
Nghệ An là tỉnh chịu hạn hán nghiêm trọng nhất trong số gần một chục tỉnh miền Trung, Theo báo SGGP online Nghệ An từ nhiều tuần qua nóng như một lò lửa vì gió Lào thiêu đốt lại thiếu mưa. Tỉnh này còn hơn 26.000 ha chưa gieo cấy, trong đó 6.000 ha có thể phải bỏ trắng vì nước tưới vô cùng khó khăn. Nước sinh hoạt cho người dân vùng trung du miền núi cũng lâm vào tình cảnh nan giải, tình trạng ngập mặn ở các cửa sông vào sâu và đến sớm kỷ lục.
Thiếu điện bơm nước
Trả lời chúng tôi về việc thiếu điện để bơm nước cho nông dân gây ra nhiều bức xúc, ông Trần Hữu Lực, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết:
“Như Bộ NN-PTNT đánh giá, hạn hán năm nay rất nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng, gió Lào, gió xuân Tây Nam khô nóng thì thổi thường xuyên. Lượng nước trong các hồ đập bị thiếu từ cuối năm 2009. Hạn năm nay thực chất tiềm tàng từ 2009, các vùng bơm tưới thủy trọng thiếu các nguồn nước về, còn các trạm bơm động lực nguồn nước cũng thiếu.
Lượng nước trong các hồ đập bị thiếu từ cuối năm 2009. Hạn năm nay thực chất tiềm tàng từ 2009, các vùng bơm tưới thủy trọng thiếu các nguồn nước về, còn các trạm bơm động lực nguồn nước cũng thiếu.
PGĐ Sở NN-PTNT Nghệ An Trần Hữu Lực
Kinh mương ở mình thường có chiều dài từ 5 đến 7 cây số, trạm bơm nào kênh mương ngắn cũng phải từ 1 đến 2 cây số. Để có thể bơm nước tới tận chân ruộng nó đòi hỏi một thời gian nhất định, nhưng thời gian qua điện bị thiếu, lúc đầu có sự thiếu phối hợp giữa các trạm bơm với ngành điện, xảy ra hiện tượng thời gian cấp điện quá ngắn, các trạm bơm không dẫn được nước tưới đến ruộng thì đã bị cắt điện rồi. Việc này chúng tôi đã làm việc với ngành điện, hai bên nông nghiệp và điện lực đã thống nhất lịch trình cắt điện đối với các trạm bơm để có đủ thời gian bơm dẫn nước đến ruộng.”
Hệ thống thủy lợi lạc hậu
“Hệ thống thủy lợi trong vùng được xây dựng từ những năm 1970-1980 là chính, những công trình này được thiết kế xây dựng tính toán theo mức đảm bảo cấp nước lúc bấy giờ và theo trình độ kỹ thuật thời gian đó. So với nhu cầu cấp nước nhu cầu dùng nước hiện tại, thì nhiều công trình đã tỏ ra lạc hậu, vừa qua đã có nhiều cố gắng tu sửa để nâng thêm khả năng phục vụ cho một số công trình, nhưng mà cũng chưa phải là đáp ứng được hết nhưng điều quan trọng nhất của năm nay là do thiếu nguồn nước lượng nước ít nắng nóng lại quá khốc liệt.”
Thời tiết bất thường
Dưới nhãn quan chuyên gia, bà Dương Liên Châu nguyên Phó giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định tình trạng nắng nóng hạn hán đang kéo dài ở miền trung là hiện tượng bất thường. Từ Hà Nội bà Châu phát biểu:
“Chủ yếu hiện tượng thời tiết bất thường này là do ảnh hưởng của El NiNo. Mọi năm thông thường mùa bão khởi sự vào tháng 6, lượng mưa do bão mang lại chiếm 50% tổng lượng mưa của toàn mùa. Bão năm nay đến muộn như thế này cũng kéo theo mưa đến muộn. Không có mưa lượng nước rất thấp ở các nhà máy thủy điện cũng ảnh hưởng đến sản xuất điện, thế rồi ở miền Trung còn rất nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp không có nước để gieo cấy vụ hè thu.”
Thời tiết thay đổi, các dự án thủy lợi thủy điện của mình không khắc phục kịp thời cho nên xảy ra việc này.
PCT UBND tỉnh Quảng Nam Bùi Công Dụ
Cũng như nhiều tỉnh thành khác ở miền Trung, Quảng Nam Đà Nẵng lâm vào cảnh đồng khô lúa cháy. Theo Tuổi Trẻ Online, Tại Quảng Nam, hạn hán nghiêm trọng gần hai tháng nay khiến các hồ chứa nước sớm bị khô kiệt, ở tỉnh này hơn 10.000 ha đất nông nghiệp nguy kịch vì không có nước tưới. Toàn tỉnh có 75 hồ chứa nước phục vụ tưới cho khoảng 33.000 ha đất nông nghiệp nhưng hầu hết mực nước các hồ chứa đầu vụ hè-thu 2010 xuống thấp hơn cùng kỳ năm 2009 từ 0,5m đến 1m. Riêng hồ Phú Ninh có mức nước thấp hơn năm 2009 gần 1,5m, hồ Thái Xuân thấp hơn 2,9m, hồ Cao Ngạn huyện Thăng Bình thấp hơn 3,5m. Các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và Thăng Bình có diện tích khô hạn lớn nhất với gần 7.000 h.
Được yêu cầu nhận định về tình hình thiếu điện và hạn hán năm nay, ông Bùi Công Dụ nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam phát biểu:
“Thời tiết thay đổi, các dự án thủy lợi thủy điện của mình không khắc phục kịp thời cho nên xảy ra việc này. Ngành điện họ cũng đang lo lắng đang làm đấy để cố gắng khắc phục. Hạn hán là chuyện của…trời… mình cũng chẳng làm sao lường hết được.”
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng cảnh báo nếu trời tiếp tục không có mưa trong những ngày đầu tháng 7 thì toàn bộ các hồ chứa nước dự trữ sẽ xuống mực nước chết, 1.300 ha lúa hè thu đã gieo sạ sẽ không có nước tưới. Tình trạng thiếu điện cũng tiếp tay tàn phá mùa màng, trạm bơm An Trạch họat động theo lịch cắt điện một ngày bơm nước một ngày nghỉ. Trạm bơm Túy Loan hai ngày có điện một ngày cắt.
Theo các nguồn tin tại chỗ, trong cuộc họp chống hạn cứu miền Trung diễn ra ở Hà Nội hôm 25/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành điện để thống nhất cung ứng điện phục vụ sản xuất vụ mùa một cách tốt nhất. Bộ trưởng nhấn mạnh, không có cách nào khác hơn là các tỉnh phải tiết kiệm nước, rà soát, quản lý chặt chẽ nguồn nước, không nên gieo cấy chạy theo thành tích, những nơi nào không thể cấy lúa thì nên chuyển sang hoa màu khác điều mà ông Bộ trưởng cho rằng để giúp nông dân sống chung với hạn.
Người nông dân Việt Nam quả là có sức chịu đựng tuyệt vời, sống chung với dịch bệnh, sống chung với lũ và với hạn, những khi được mùa thì lúa ế, trúng vụ cá thì phá sản vì thị trường thừa cung, không ít vụ trái cây thu hoạch xong bán như cho hoặc đổ bỏ. Ngay trong lúc này người nông dân miền Trung đang oằn mình với hạn mà nếu mưa vẫn không ướt đất trong tháng 7 thì sự thiếu đói là điều có thể trông thấy.
Theo dòng thời sự:
- Thiếu điện, vấn đề nan giải của Việt Nam
- Miền Bắc sắp thoát khỏi nóng bức, miền Trung vẫn còn trên 40 độ C
- Hạn hán đe dọa miền Trung Việt Nam
- Khô hạn nặng tại Quảng Trị và Hà Tĩnh
- VN cấp 100 tỉ đồng phòng chống hạn hán
- Việt Nam có thể thiếu lương thực do biến đổi khí hậu
- Quảng Nam: mưa đem lại hơn 100 tỷ đồng giá trị kinh tế
- Khát nước do khô hạn, người dân cầu mưa
- Cắt điện tùy hứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất