Dân trí và cúm gia cầm

Tại VN, dân trí hay nói cách khác yếu tố con người, đã ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm trong chăn nuôi, cũng như việc lây vi rút H5N1 cho người.

Cúm gia cầm lần đầu xuất hiện ở VN vào tháng 1/2003. Từ đó đến nay VN nhiều lần tuyên bố khống chế dịch bệnh, nhưng trên thực tế dịch cúm H5N1 trên gia cầm, thủy cầm vẫn tái xuất hiện mỗi năm. Dù rằng những năm sau này những ổ dịch gây thiệt hại ít hơn. Tính chung trong 6 năm qua, ngành chăn nuôi VN đã thiệt hại gần 50 triệu gà vịt do bị dịch chết hoặc buộc phải tiêu hủy. Thiệt hại kinh tế chăn nuôi kể từ khi cúm gia cầm xuất hiện ở VN được xem là khá lớn. Tuy vậy, sự tổn thất nặng nề nhất là đã có 52 người thiệt mạng vì lây nhiễm cúm H5N1, trong tổng số 108 ca nhiễm bệnh.

Theo nguồn tin SGGP Online ngày 10/2 Thủ tướng VN đã gởi công điện toàn quốc yêu cầu các cấp chính quyền, các cơ quan hữu trách áp dụng các biện pháp quyết liệt chống dịch cúm gia cầm và không để lây sang người.

Ý thức chưa tốt

Trong quá khứ Thủ tướng VN từng nhiều lần chỉ đạo chống dịch cúm gia cầm. Nhưng đây là lần đầu tiên, công điện của ông đề cập nhiều tới yếu tố con người, lồng trong hoạt động phòng chống dịch cúm H5N1. Ông Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu vận động người dân, người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Tăng cường công tác tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Một trong những điều thủ tướng nhấn mạnh là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để tiếp tục xảy ra tình trạng người dân tranh cướp gia cầm đã mang đi tiêu hủy để sử dụng. Một điều mà người đứng đầu chính phủ VN cho là gây nguy hại trực tiếp cho tính mạng người dân, gây bức xúc trong dư luận. Như vậy vụ việc hàng trăm người dân cướp 1.500 con gà đem đi tiêu hủy ở Thường Tín Hà Nội hôm 5/2 đã được ông Nguyễn Tấn Dũng lưu ý tới.

Họ có tư tưởng chủ quan đã lâu, dịch chưa xảy ra, hay xảy ra ít, và tư tưởng chủ quan này không những ở người dân mà ở cả lãnh đạo một số cấp chính quyền cũng có.

TS Hoàng Văn Năm Phó Cục Trưởng Cục Thú Y VN

Tất cả những vấn đề vừa nói liên quan tới nhiều cơ quan chính quyền và sự hợp tác hoạt động là điều kiện cần thiết. TS Hoàng Văn Năm, Phó Cục Trưởng Cục Thú Y VN đưa ra nhận định:

“Vấn đề phối hợp là chính xác và chúng tôi rất phối hợp. Có điều rất khó cho ngành thú y, nguyên phòng bệnh cho gia cầm đã là vất vả lắm rồi. Bây giờ phòng bệnh cho người, vì nguyên nhân có cúm gia cầm mới lây cho người được thì quá sức. Ý tôi muốn nói thế này, chính con người là phải tự bảo vệ họ. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên và cũng không vui, khi mà sau mấy năm xảy ra dịch cúm gia cầm kể cả trên người, thế nhưng bây giờ có người vẫn còn ăn gia cầm ốm chết, các phương tiện thông tin đại chúng báo cáo như thế. Vậy thì trách nhiệm ấy thuộc về ai. Tôi nghĩ đấy là vấn đề của toàn xã hội, chính là từ người dân. Nhưng người dân thì chúng tôi không quản lý. Câu chuyện này là vấn đề nan giải, phải nói rằng phần lớn người dân đã có những chuyển biến về mặt ý thức rất tốt. Nhưng đâu đó vẫn còn những hiện tượng như các vị đã biết, điều đó không tránh khỏi được.”

Trở lại đợt dịch đang tái phát và có nguy cơ lan rộng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo báo Tuổi Trẻ và Saigon Giải Phóng điện tử, chỉ riêng trong hai tuần lễ đầu tháng 2 dương lịch, nhiều ổ dịch đã xuất hiện ở 7 tỉnh theo thứ tự trước sau gồm: Cà Mau, Sóc Trăng, Nghệ An, Hậu Giang, Quảng Ninh, Quảng Trị và Bắc Ninh. Số lượng gà vịt phải tiêu hủy chưa nhiều khoảng vài chục ngàn con, nhưng lại có hai trường hợp lây nhiễm cúm gia cầm cho con người.

Thái độ thờ ơ, ham lợi

Nguyên nhân của đợt tái dịch 2009, được TS Hoàng Văn Năm Phó Cục Trưởng Cục Thú Y VN phân tích:

“Về phòng chống dịch cúm gia cầm thì các giải pháp biện pháp của trung ương là khá đầy đủ. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là việc thực hiện các biện pháp đó ở địa phương nhất là ở tại cơ sở. Nhiều địa phương làm chưa tốt về áp dụng an toàn sinh học, nuôi gia cầm nhốt, tiêm phòng vắc xin v..v...Tóm lại tổ chức thực hiện của các biện pháp này ở một số địa phương chưa làm tốt. Bên cạnh đó khâu nhận thức của người dân, người chăn nuôi, người tiêu thụ, người buôn bán giết mổ, việc chấp hành của họ cũng chưa tốt. Họ có tư tưởng chủ quan đã lâu, dịch chưa xảy ra, hay xảy ra ít, và tư tưởng chủ quan này không những ở người dân mà ở cả lãnh đạo một số cấp chính quyền cũng có. Từ đó chỉ đạo công tác thực hiện không được liên tục thường xuyên. Chính vì vậy mà còn những lỗ hổng, các biện pháp chưa được thực hiện dẫn tới việc dịch đã xảy ra.”

Giữa nguy cơ cúm gia cầm bùng phát trên diện rộng và có thêm người lây nhiễm, nhưng Tiền Phong Online ngày 12/2 có phóng sự ảnh mang tựa ‘phớt lờ đại dịch’, cho thấy tình trạng vận chuyển buôn bán gia cầm không được kiểm soát ở thủ đô Hà Nội, ở chợ Hà Vĩ Thường Tín, gia cầm còn sống được bày bán và giết mổ mất vệ sinh. Tình trạng tương tự được ghi nhận ở chợ Mơ, chợ 8/3 và một số chợ khác. Phải chăng người dân thờ ơ với vấn đề dịch cúm gia cầm?

Bên cạnh đó khâu nhận thức của người dân, người chăn nuôi, người tiêu thụ, người buôn bán giết mổ, việc chấp hành của họ cũng chưa tốt.

TS Hoàng Văn Năm Phó Cục Trưởng Cục Thú Y VN

"Cũng có kiểm soát kiểm phẩm nhưng là hình thức thôi. Tất cả vấn đề là lợi nhuận, ngay cả người buôn sỉ gà vịt họ cũng làm theo lợi nhuận. Người dân họ không quan tâm đâu, bây giờ họ chạy vạy lo đời sống thôi."

Trong khi đó, VnExpress chiều 12/2 đưa tin TP.HCM cảnh báo nguy cơ lây lan cúm gia cầm. Các cơ quan hữu trách quan ngại gà vịt được vận chuyển từ miền tây có thể là nguồn lây bệnh. Theo tin này nhiều mẫu thử nghiệm từ gà vịt ở Đồng Tháp, Trà Vinh, Long An và Vĩnh Long cho kết quả dương tính với H5N1. Ngoài ra Vn Express ghi nhận trên địa bàn các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Chánh, Bình Tân, người dân vẫn nuôi gia cầm không bảo đảm điều kiện vệ sinh. Hoạt động giết mổ, vận chuyển kinh doanh gia cầm sống có chiều hướng gia tăng và chẳng cần che dấu.

Một cư dân TP.HCM đưa ra nhận xét của mình:

“Dường như mọi người không còn nhớ, không còn quan tâm tới cúm giá cầm nữa, mặc dù nó vẫn còn tái phát lẻ tẻ cũng vẫn còn gây chết người. Có lẽ người dân bị tác động bởi những sự kiện mới, còn chuyện này thì lập đi lập lại không còn ở mức độ cảnh báo cao đối với người dân. Theo tôi nghĩ do việc tuyên truyền không được tốt.”

Trước tình hình nguy cấp, ngày 11/2 vừa qua Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị phòng chống dịch bệnh trên động vật ở Cần Thơ. Hội nghị này qui tụ chính quyền và cơ quan chuyên môn của các tỉnh phía Nam. Các giới chức tham dự hội nghị đã cùng chung một nhận định, cúm gia cầm có khả năng bùng phát trên diện rộng ở đồng bằng sông Cửu Long. Sự quan ngại bắt nguồn từ việc hơn chục triệu con vịt được thả đồng, đa số không được chích ngừa và khó kiểm soát, sẽ hoạt động mạnh trong thời gian sắp tới khi lúa đông xuân vào vụ thu hoạch.