Những gì mà ông Nguyễn Tấn Dũng mô tả cho tình hình năm ngoái, sẽ làm cho người nghe càng âu lo hơn cho năm nay. Các báo điện tử ở VN nhanh chóng đưa lên mạng bài tường thuật cuộc họp báo chiều ngày 4/2 ở Hà Nội, sau khi thủ tướng kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 1/2009.
Chưa cần phá giá đồng nội tệ
Theo Thời Báo Kinh Tế VN bản tin trên mạng ngày 5/2/2009, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi mọi người VN có sự đồng thuận để tạo sức mạnh tổng hợp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Một trong những phát biểu của thủ tướng gây được sự chú ý, đó là việc ông xác định là VN chưa cần phá giá đồng nội tệ.
Theo Saigon Times Online, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rằng, việc điều hành tỷ giá là ảnh hưởng tổng thể đến nhiều mối quan hệ tài chính, tiền tệ. Chính phủ hiện tại vẫn điều hành tỷ giá trên nguyên tắc thị trường, với quan điểm vừa qua là nới rộng hết biên độ tỷ giá ở mức 3% để hỗ trợ xuất khẩu.
Thủ tướng nhấn mạnh, hiện tại nguồn cung và cầu ngoại tệ, đặc biệt là đô la Mỹ hiện đang được cân bằng trong các giao dịch của nền kinh tế nên chính phủ chưa có nhu cầu phá giá đồng nội tệ. Theo nhận định của thủ tướng, tỷ giá đô la hiện nay là 17 ngàn đồng, nếu phá giá ở mức 18 ngàn đồng chẳng hạn thì số nợ nước ngoài của VN hiện nay khoảng 18 tỷ đô la, qui ra tiền đồng sẽ tăng lên nhiều, ảnh hưởng lớn tới quyết toán ngân sách.
Đến hôm nay, không còn là khủng hoảng kinh tế toàn cầu bình thường nữa, mà là đại khủng hoảng.
TT Nguyễn Tấn Dũng
Trả lời đài ACTD về sự lợi hại trong vấn đề phá giá tiền đồng VN, GS Trần Hoàng Ngân thuộc trường đại học kinh tế TPHCM phát biểu:
“Bản thân tôi không ủng hộ quan điểm phá giá tiền tệ, bởi vì hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu đã được chính phủ hỗ trợ 4% lãi suất vay rồi. Vả lại trong thành phần các yếu tố để cấu thành hàng xuất khẩu của VN có tới 70% là nhập khẩu, cho nên chắc chắn không thể ủng hộ quan điểm phá giá tiền tệ. Tôi cho rằng nên điều chỉnh cho phù hợp về sự cân bằng giữa lãi suất đô la và đồng VN thôi.”
Đầy biến động
Theo Thời Báo Kinh Tế VN, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá năm 2008 là một năm đầy biến động, với nhiều khó khăn thách thức gần như không thể lường trước, từ thiên tai, dịch bệnh, cho đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng VN nói trong cuộc họp báo rằng, trước các diễn biến của thế giới, lúc đầu ông từng cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, do thiếu lương thực, thiếu năng lượng mà giá cả tăng cao. Vẫn theo thủ tướng, những gì diễn ra tiếp theo đã không phải như ông nghĩ, mà là khủng hoảng tài chính, khởi nguồn từ Mỹ rồi lan ra toàn cầu.
Tiếp theo đó, không dừng lại ở khủng hoảng tài chính nữa, mà là suy thoái, khủng hoảng kinh tế. Đến hôm nay, thủ tướng VN tiếp lời, không còn là khủng hoảng kinh tế toàn cầu bình thường nữa, mà là đại khủng hoảng.
Chừng như, thủ tướng VN tránh nói tới nguyên nhân xảy ra lạm phát đầu năm 2008, bắt nguồn từ tình trạng tăng trưởng tín dụng quá nóng và sự lỏng lẻo của hệ thống ngân hàng VN. Ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ đề cập tới chuyện chính phủ VN đã kềm chế lạm phát sau thời gian ngắn, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng và bảo đảm được an sinh xã hội.
Đối với tình hình hiện tại của năm 2009, thủ tướng VN đưa ra những nhận xét đầy lo âu. Theo lời ông tháng 1/2009 vừa qua, mọi người đã chứng kiến xuất khẩu giảm mạnh, công nghiệp giảm mạnh, du lịch giảm, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài chậm.
Tuy vậy thủ tướng xác dịnh rằng, chính phủ VN đã và đang bằng tất cả các nỗ lực để ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì sản xuất kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý là 6%, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội. Các giải pháp đề ra, lớn nhất vẫn là giải pháp tiền tệ, như giảm, miễn hoàn thuế, hỗ trợ lãi suất vay vốn.
Theo những gì báo chí tường thuật, thì dù với một loạt sụt giảm trong các chỉ số sản xuất kinh doanh tháng 1/2009 khá nghiêm trọng, nhưng không thấy thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập gì tới làn sóng người thất nghiệp đang gia tăng.
Thất nghiệp tăng nhanh
Saigon Times Online ngày 5/2 đăng tải cuộc phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế này dự báo lượng người thất nghiệp đang gia tăng nhanh. TS Doanh chỉ rõ rằng, kinh tế VN đang bị tác động sâu rộng bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu. Một số đáng kể doanh nghiệp vốn Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã đóng cửa trước Tết sẽ không nhanh chóng hoạt động trở lại hết công suất vì thiếu đơn đặt hàng.
Kinh tế bản thân các nước vừa nói đã lâm vào suy thoái, các công ty mẹ cũng đang rất khó khăn, một số công ty khác có thể sẽ tiếp tục đóng cửa. Vẫn theo lời TS Lê Đăng Doanh, số công nhân mất việc vì thế sẽ tăng lên, họ sẽ ở lại nông thôn mà không có thu nhập trong khi số tiền dành dụm ít ỏi có thể đã tiêu hết.
Ngoài số công nhân ở các doanh nghiệp chính thức mất việc, chủ nhà trọ, bà bán cơm bình dân, ông xe ôm, chị hớt tóc ở các khu công nghiệp tập trung đều ít khách hơn. Nông dân làm việc ở các làng nghề, nhân viên các doanh nghiệp gia đình, bị mất việc hoặc nghỉ việc dài ngày rất lớn. Tình hình này sẽ tác động đến an sinh, trật tự an toàn xã hội.
Các cấp chính quyền cần nhanh nhạy nắm bắt tình hình và có biện pháp khẩn cấp, có hiệu lực để trợ giúp người mất việc tạo ra việc làm mới tạm thời.
TS Lê Đăng Doanh
TS Doanh cho rằng, các cấp chính quyền cần nhanh nhạy nắm bắt tình hình và có biện pháp khẩn cấp, có hiệu lực để trợ giúp người mất việc tạo ra việc làm mới tạm thời.
TS Doanh kêu gọi, ngoài việc đẩy mạnh công tác nông nghiệp, cần thực hiện ngay các công trình đầu tư từ vốn nhà nước để làm đường, thủy lợi, xây dựng hay sửa sang trường học.
Trong dịp trả lời đài ACTD, GS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN có nhận định về vấn đề liên quan:
“Kích cầu cũng là một biện pháp, rồi giải quyết những chuyện liên quan tới địa phương. Trong khu vực nông thôn nông nghiệp có những hướng sẽ được bàn luận cụ thể hơn, hiện nay do là đầu năm mới nên chưa. Từ việc triển khai duy trì tăng trưởng để hạn chế thất nghiệp thì cách tiếp cận cần phải có sự cụ thể hơn nữa.”
Trên báo chí VN khó tìm thấy được số liệu cập nhật về tỷ lệ người thất nghiệp ở VN. Đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay. Hồi đầu tháng Giêng 2009, Saigon Times Online đưa tin VN hiện có hơn 1 triệu người thất nghiệp. Đây là số liệu được ông Đồng Bá Hướng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động thuộc Tổng Cục Thống Kê, cho biết hôm 3/1/2009.
Năm 2008, tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế ước tính là 45 triệu người, trong đó khu vực nhà nước 4 triệu người, khu vực tư nhân 39 triệu người, và khu vực đầu tư nước ngoài khoảng 1,8 triệu người. Theo Tổng Cục Thống Kê khái niệm thất nghiệp được hiểu theo chuẩn thất nghiệp của Tổ chức Lao động Thế giới ILO, một người được xem là thất nghiệp , nếu trong 7 ngày liền không làm công việc gì từ một giờ trở lên mà có hưởng thu nhập. Người này đang đi tìm việc làm và nếu có việc thì sẵn sàng làm ngay.
Định nghĩa của ILO là thất nghiệp toàn phần. Ở nhiều nước có tình trạng thất nghiệp bán phần, mô tả tình trạng thiếu việc làm, người lao động làm việc dưới 35 giờ một tuần và có nhu cầu làm thêm giờ.
Vẫn theo Saigon Times Online, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị khoảng 4,65%, tổng số người lao động ở thành thị năm 2008 là 11 triệu 300 ngàn người, thì có khoảng hơn nửa triệu người thất nghiệp. Con số này chưa tính tới nhóm người không tham gia hoạt động kinh tế như làm nội trợ, đi học hay mất khả năng lao động.