Ngày Xuân Xem Báo

Không rõ tờ báo xuân đầu tiên của làng báo Việt Nam phát hành năm nào, nhưng người làm báo và độc giả của họ không thể thiếu báo xuân trong những ngày đầu năm.

Báo Sài Gòn Tiếp Thị Xuân Canh Dần. RFA Photo.
Báo Sài Gòn Tiếp Thị Xuân Canh Dần. RFA Photo.

Theo thông tin từ Hội Báo Xuân ở một số thành phố lớn, người dân có thể đến xem miễn phí 180 đầu báo xuân Canh Dần được phát hành trên toàn quốc.

“Thực đơn” báo xuân ở Việt Nam quả là nhiều về lượng, nhưng người đọc sẽ chọn món ăn theo khẩu vị, theo phẩm nếu họ bỏ tiền ra mua.

Tập quán Ngày Tết

Ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng Thư Ký Báo Doanh Nghiệp hiện cư trú ở Saigon đưa ra nhận định:

“Theo tôi báo xuân ở Việt Nam trở thành tập quán rồi, người ta mua một tờ báo xuân cũng như ông mua một cành đào cành mai để trong gia đình. Dĩ nhiên người mua báo xuân không nhiều như người mua hoa mai hoa đào, nhưng mua báo xuân đã là tập quán.”

Theo sự ghi nhận, ở những thành phố lớn như Saigon Hà Nội những gia đình khá giả sẽ có vài tờ báo xuân, dù hàng ngày có thể họ chỉ đọc một tờ báo in theo sở thích. Tuy vậy, giá báo xuân mấy chục ngàn đồng một tờ, nhiều khi không phải là lựa chọn của một số người.

Những lý do họ đưa ra khá hợp lý với số đông gia đình có thu nhập thấp, rất nhiều thứ để chi tiêu mua sắm trong dịp Tết Nguyên Đán, bớt đi một khoản tiền chi cho báo xuân thì có thể có thêm cái bánh chưng dù là loại khiêm tốn. Một cán bộ nghỉ hưu ở TP.HCM phát biểu:

Theo tôi báo xuân ở Việt Nam trở thành tập quán rồi, người ta mua một tờ báo xuân cũng như ông mua một cành đào cành mai để trong gia đình.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thái

“Không mua vì nó mắc quá, hạng bét cũng 30 ngàn, số tiền này có nhiều chuyện mình cần dùng… một tờ báo mà nó đăng 100 trang quảng cáo thì còn gì nội dung nữa. Nó đăng để lấy tiền, một trang quảng cáo từ 40 triệu trở lên.”

Với 70 tờ báo xuân trên các sạp báo ở Saigon, hẳn rằng dịch vụ này mang về lợi nhuận cho nhiều người từ cơ quan báo chí làm ra tờ báo xuân, nhà in cho tới văn nghệ sĩ cộng tác viên viết bài, đại lý phát hành, sạp bán báo và cả những em bán báo dạo. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái nói với chúng tôi, nhuận bút báo xuân ở các tờ báo lớn khá cao so với mặt bằng thu nhập chung, tuy nhiên giai phẩm xuân mỗi năm chỉ có một lần:

“Tôi nghĩ báo xuân họ chỉ phát hành vài chục ngàn số tới một trăm ngàn số là nhiều lắm rồi. Bởi vì báo xuân giá rất cao so với báo thường ngày.”

Báo Tuổi Trẻ

Những tờ báo nhiều độc giả như Tuổi Trẻ, Thanh Niên đều phát hành báo xuân rất sớm trước Tết khoảng 10 ngày tới hai tuần. Ít có độc giả biết rằng, 1 tờ báo xuân được chuẩn bị từ 3 tới 4 tháng trước Tết, khâu quan trọng nhất là nhận quảng cáo. Do chi phí in ấn, tiền nhuận bút cao nên người chủ biên phải hài hòa lợi ích giữa số trang quảng cáo và trang bài.

Giai phẩm xuân thường ấn hành ít hơn hẳn so với lượng phát hành bình thường của tờ báo. Tuy nhiên các nhà báo nói với chúng tôi, báo xuân ở Việt Nam ngày nay không bao giờ lỗ, dù tờ báo lớn phát hành 100 ngàn số tới tờ báo nhỏ phát hành vài ngàn số.

tuoi-tre-2010-305.jpg
Báo Xuân Tuổi Trẻ Canh Dần - Online Cùng Tết Việt. RFA photo.

Tuổi Trẻ không đưa lên mạng báo xuân Canh Dần ấn bản báo giấy và cũng như nhiều cái Tết gần đây, Tuổi Trẻ điện tử có mục Online Cùng Tết Việt. Khá nhiều bài viết về ngày xuân ngày Tết và trên một khía cạnh khác, Online Cùng Tết Việt mang nhiều tính thời sự hơn. Những bài viết xưng tụng mùa xuân, trình bày sự sung túc của chế độ, những đường hoa lễ hội hoành tráng xa hoa, đi kèm với những bài đầy tương phản như ‘Những người Saigon chưa hề biết Tết’.

Bài báo khá dài, chúng tôi xin trích một đoạn: “ Lẩn khuất sau những công trình đồ sộ đang xây dựng dọc bờ kè Cầu Kiệu, Phường Tân Định Quận1 TP.HCM, là những phận đời xui rủi với mong ước được sống no đủ, bình yên ở tuổi xế chiều. Họ còn có một điểm chung đều là người Saigon gốc nhưng chưa một ngày được hưởng cái no đủ dư dả của một thành phố lớn nhất Việt Nam. Hẻm NguyễnVăn Nguyễn, phường Tân Định quận 1 thông ra bờ kè Nhiêu Lộc. dọc bờ kè loằng ngoằng hẻm. Và trong mỗi con hẻm này lại có những số phận gắn liền với Saigon như một diện mạo khác của thành phố đang đổi thay từng ngày.

Thanh Niên Online

Thanh Niên Online cũng có trang Tết Canh Dần, có thể xem đây là một tờ báo xuân thứ hai trên trang điện tử. Chúng tôi chú ý tới mục “cảm xúc” có vài bài với những tác giả ít quen. Mời quí vị và các bạn nghe anh Thanh Quang đọc bài ‘Về Nhà’ của Thanh Đông:

“Tết đến. Về nhà! Về để ôm chầm lấy bờ vai gầy guộc mà cứng cỏi của ba, để nhìn thật lâu khuôn mặt nhăn nheo với đôi mắt ấm hơn bất kỳ ngọn lửa nào của má.

Về để đôi chân chần chạm vào đất lạnh mà nghe lòng mình ấm. Rót cho ba má ly chè xanh mỗi sớm mà thấy mình hạnh phúc và về để được hít thở không khí trong lành của tiết trời vào xuân nơi đất mẹ hiền hòa.

Về. Lo cho má từ chai dầu, bịch bột ngọt, ký đường… ngày Tết mà nhớ và sợ những cái Tết xưa. Sợ phải lên hàng quán ký nợ chiều cuối năm. Sợ nhìn má rón rén sang nhà bà Tư hàng xáo chiều 30 vay ít tiền lì xì con cháu. Sợ nhìn má lúng túng khi ai đó đến đòi món nợ năm cũ gần giờ khắc giao thừa. Sợ những nghèo khó dằn vặt mình cả trong giấc mơ.

Về để nhớ và cảm ơn những tháng ngày xưa cơ cực đã hun đúc cho mình một khát vọng để đi lên, bù đắp cho ba má những khốn khó ngày cũ.

Về để đón một cái Tết nơi quê nghèo, để thấy những tháng ngày cơ cực vẫn còn đó ở nhà chú Tư, cô Sáu mà hy vọng các em sẽ nhớ những ngày này làm động lực vươn lên.

Về để lại ra đi. Ra đi để có những lần về trọn vẹn hơn lần trước. (Thanh Đông, Thanh Niên Online Tết Canh Dần)"

Tờ Saigon Tiếp Thị

Báo xuân nào ở Việt Nam ngày nay cũng dành trang đầu cho thư chúc xuân của các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước, hoặc ít nhất là bài viết ghi nhận những phát biểu của những vị này.

Chúng tôi có trong tay tờ Saigon Tiếp Thị Tết 2010 giá 25.000đ, tờ báo gần 90 trang bài vở cũng nhiều như quảng cáo. Tờ báo nhiều màu sắc và tuy với tên gọi đặc trưng Tiếp Thị của mình, số báo xuân chú trọng vào ba chủ đề Câu Chuyện Người Việt, Gặp Gỡ Hà Nội Saigon và Dấu Chân Khám Phá. Những bài trong các chủ đề này khá đặc biệt, đôi khi đầy hoài niệm về những hình ảnh xa xưa của cả Hà Nội lẫn Saigon.

Chẳng hạn như “Hà Nội trong sương mù ký ức của Huỳnh Như Phương”, hay “Có một Hà Nội khác, trong tôi của Nam Đan”. Viết về Saigon có bài “Thầy tôi từ một góc vỉa hè bình dị của Saigon” của Trần Tiến Dũng.

Người Saigon có thể chú ý tới ký sự nhân vật về ông Viễn Kính Đinh Tiến Mậu của Đỗ Việt Thường, xem được những ảnh tư liệu quí giá của ông Viễn Kính, xem “Ban hợp ca Thăng Long một thời vang bóng” thấy ảnh Thái Thanh, Hoài Bắc, Hoài Trung khi các nghệ sĩ này ở lứa tuổi đôi mươi.

Ở Câu chuyện người Việt cũng là một ký sự nhân vật về nhà văn Trang Thế Hy, tác giả Đỗ Hồng Ngọc đặt tựa bài khá ngộ nghĩnh ‘Thương một người ghiền thuốc’.

Báo xuân nào ở Việt Nam ngày nay cũng dành trang đầu cho thư chúc xuân của các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước, hoặc ít nhất là bài viết ghi nhận những phát biểu của những vị này. Nhiều người nói với chúng tôi, tất cả các tờ báo xuân đều giống nhau ở điểm này.

Báo Lao Động Online

xuan-lao-dong-2010-200.jpg
Báo Xuân Lao Động Online 2010. RFA photo.

Báo Lao Động Online có lẽ là một trong số ít báo điện tử đưa lên mạng toàn bộ ấn phẩm báo giấy Xuân 2010. Cư dân mạng có thể xem được 62 trang số Xuân Lao Động 2010 theo dạng PDF nguyên trang. Các trang bìa trình bày rất mỹ thuật.

Vô tình nhấp chuột trúng trang 13 Sức Trẻ Việt Nam, đọc bài của tác giả Phạm Thanh Hà “Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Không nên đánh đổi bằng mọi giá”. Những phần trích dẫn hoặc đóng khung trên trang báo, thể hiện chủ đích bài viết là một tiếng chuông báo động cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam.

Đưa ra số liệu vốn FDI tức vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đạt 88 tỷ USD từ 1988 tới 2008 chưa kể năm 2009, tác giả nhận định: "Các dự án chủ yếu đầu tư vào khai khoáng, dầu khí, sắt thép và bất động sản. Đây là những ngành gây ô nhiễm cao và đòi hỏi nhiều diện tích. Đầu tư nhiều vào bất động sản làm cho việc cân đối xuất nhập khẩu thêm khó khăn, đất nông nghiệp bị lấp đi quá nhiều, không ít nông dân thất nghiệp đói nghèo. Nhiều dự án còn tàn phá môi trường như các dự án của Vedan, Miwon…đang giết chết các giòng sông."

Ngày Tết đọc báo xuân, có lẽ chúng tôi chỉ thấy được một vài nét chấm phá trong rừng hoa báo xuân báo Tết ở Việt Nam. Quí thính giả và các bạn chuẩn bị Tết vui xuân chắc hẳn mới chỉ mở lướt trang báo xuân xem hình ảnh, mà chưa có thì giờ chú mục vào bài viết nào. Ngày nghỉ Tết chính thức tới 9 ngày, xin hãy mở tờ báo xuân xem có gì trong đó. Đọc báo ngày xuân đến đây là kết thúc, Nam Nguyên thân chúc quí vị và các bạn năm mới hạnh phúc và may mắn.