Các chuyên gia nông nghiệp gắn bó với nông dân và cây lúa, nếu có ưu tư tới đời sống người trồng lúa cũng chỉ đề cập tới vấn đề nông dân canh tác trên mảnh ruộng quá giới hạn nên thu nhập của họ cũng vậy. Dẫu sao đây cũng là một khía cạnh đáng lưu ý, bên cạnh sự kiện người nông dân chỉ có thể làm tối đa từ 2 tới 3 vụ lúa một năm nếu muốn sản xuất an toàn. TS Lê Văn Bảnh Viện trưởng Viện Lúa Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nhận định:
“Thực chất nếu người nông dân lãi dưới 40%, 50% thì đời sống họ khó khăn. Bởi vì nông hộ của họ nhỏ, nếu mức lãi của họ ít nhưng diện tích 5, 10 ha thì chỉ cần lãi 15%, 20% là họ đã thấy tốt rồi. Thực tế ở đây các nông hộ chỉ khoảng 1 ha, vì thế có lãi cao nhưng sản lượng ít nên đời sống vẫn khó khăn. Tỷ lệ lãi của nông dân VN là cao nhưng số lượng anh bán ít, 1 ha mà nuôi cả gia đình nên đời sống gặp khó khăn. Nếu chỉ lãi 20% thôi nhưng bán 3 tới 5 ha thì đời sống anh sẽ khá. Làm được 5, 7 ha anh sẽ giàu.”
Trung bình một công đất lời 500 ngàn tới 600 ngàn, 1 ha như vậy lời 5 triệu tới 6 triệu đồng. Chi phí 6 tháng trời làm lúa người nông dân đâu có tích lũy được gì.
Một nông dân vùng ĐBSCL
‘Có Thực Người Trồng Lúa Lời 30%’ là tựa một bài viết trên báo điện tử Saigon Tiếp thị ngày 22/6. Tác giả bài viết cho rằng để hiểu rõ mức lời của người trồng lúa cần xem xét cách tính chi phí và giá thành sản xuất lúa trên cơ sở hạch toán đầy đủ các chi phí như là một doanh nghiệp, kể cả lao động gia đình, phí đất đai, phí cơ hội, bảo hiểm, bảo hộ lao động. Qua đó có mức giá sàn bảo đảm lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân trồng lúa, như định hướng của ngành nông nghiệp.
Không tích lũy được gì
Thưa quí thính giả, người nông dân ĐBSCL mà chúng tôi tiếp xúc không có những hiểu biết về hạch toán giá thành, nhưng họ cũng cảm nhận khá xác thực về việc một năm 12 tháng làm 2 vụ lúa thì chẳng thể khá được.
“Trung bình một công đất lời 500 ngàn tới 600 ngàn, 1 ha như vậy lời 5 triệu tới 6 triệu đồng. Chi phí 6 tháng trời làm lúa người nông dân đâu có tích lũy được gì.”
Theo SGTT, ở Việt Nam ngày nay đất đai đã trở thành hàng hóa, thị trường đất đai đã được công nhận, thế nhưng trong sản xuất nông nghiệp, khi hạch toán kinh tế, chi phí đất đai đã không được đưa vào, công lao động gia đình, các chi phí cơ hội như vốn, phương tiện, phương tiện sản xuất cũng bị bỏ quên. Tờ báo cho rằng, cũng mảnh đất ấy, nếu sử dụng vào mục đích khác như công nghiệp, dịch vụ thì tất cả những thứ không được tính đến này lại được hạch toán đầy đủ và chi tiết, thậm chí được xem là quan trọng. TS Nguyễn Ngọc Đệ thuộc Viện Nghiên Cứu Phát Triển Đồng Bằng Sông Cửu Long qua điển hình mặt hàng gạo thơm ở TP Cần Thơ đã lập bảng phân tích chuỗi giá trị lúa gạo, điều ông gọi là để có cái nhìn khác hơn về vị thế và hoàn cảnh người trồng lúa ở ĐBSCL. Hai bảng phân tích chuỗi giá trị gạo thơm nội địa và chuỗi giá trị gạo thơm xuất khẩu được ghi chú là, phân tích thêm từ số liệu của Võ Thị Thanh Lộc và Nguyễn Ngọc Châu năm 2009.
Đối với chuỗi giá trị gạo thơm nội địa các tác giả đã ghi nhận từng cấp từ người trồng lúa qua thương lái tới công ty xuất khẩu và thị trường bán lẻ. Các số liệu phân tích bao gồm giá bán 1kg, tổng chi phí, giá trị gia tăng mỗi kg, lợi nhuận giá trị gia tăng thuần, tỷ lệ % lợi nhuận, chu kỳ và sau cùng là lợi nhuận hàng tháng của tất cả các đối tượng. TS Nguyễn Ngọc Đệ và bài viết trên báo SGTT lập luận rằng, nhìn vào bảng thống kê trong trường hợp gạo tiêu thụ nội địa sẽ thấy nông dân lời đến 61% chúng tôi đọc tròn số, nhưng nếu chia từng tháng thì lợi nhuận chỉ khoảng 15%, thấp nhất trong chuỗi. Trong khi đó thương lái chỉ mất hai tuần gom lúa sang tay được lợi 17% tính theo tháng, doanh nghiệp cũng có mức lời 17%/tháng. Nếu tính đúng công lao động thêm điều gọi là khấu hao đồng ruộng thì theo tác giả, chỉ riêng phần phân bón đã lấy hết phần tạm gọi là mức lời này.
Vẫn là người chịu thiệt thòi
Tác giả bài báo nhận định, nếu nhìn vào lợi nhuận của chuỗi trong trường hợp gạo thơm xuất khẩu, nông dân trồng lúa cũng lời 59%, người ta cảm thấy lạc quan. Tuy nhiên chu kỳ hoàn vốn khác nhau, để so sánh lợi nhuận giữa các tác nhân trong chuỗi một cách công bằng cần phải qui về mức lợi nhuận tháng. Ở đó sẽ thấy người trồng lúa vẫn thu lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi. Đối với chuỗi giá trị gạo thơm xuất khẩu chu kỳ 4 tháng 1 vụ lúa cho nông dân, chu kỳ của thương lái là 2 tuần và doanh nghiệp xuất khẩu là 2 tháng. Lợi nhuận tính theo tháng của nông dân gần 15%, thương lái 17% và doanh nghiệp 16%.
Thật ra thì nông sản là thế mạnh của xuất khẩu, nhưng trong cả chuỗi giá trị về xuất khẩu thì phần người nông dân được hưởng không phải là nhiều so với doanh nghiệp.
TS Vũ Trọng Bình, GĐ TT PTNT thuộc Viện Chiến Lược và Chính Sách PTNNNT
Ngoài ra tác giả còn phân tích cặn kẽ liên quan tới khối lượng đóng góp của từng tác nhân. Nếu tính bình quân mỗi nông dân làm 1 ha lúa, làm hai vụ được 16 tấn lúa hay 10 tấn gạo, lợi nhuận 24 triệu một năm. Nếu một công ty xuất khẩu 100.000 tấn gạo/năm thì họ cần 10.000 nông dân cung cấp lúa cho mình.
Trong dịp trả lời chúng tôi TS Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn thuộc Viện Chiến Lược và Chính Sách Phát triển Nông nghiệp Nông Thôn cũng nhìn nhận nông dân chịu thiệt thòi:
“Thật ra thì nông sản là thế mạnh của xuất khẩu, nhưng trong cả chuỗi giá trị về xuất khẩu thì phần người nông dân được hưởng không phải là nhiều so với doanh nghiệp.”
Tác giả bài viết trên SGTT điện tử kết luận rằng, nếu tính giá thành như hiện nay, chỉ bao gồm vật tư nông nghiệp và phí thuê muớn nhân công, thì nói lên rằng người trồng lúa chỉ ăn vào mảnh đất, lao động và tiền vốn của chính mình mà thôi, chứ không thu lợi được gì từ việc trồng lúa, không thể có mức lời 30%.
Chúng tôi xin thêm rằng hôm 15/6 thủ tướng chỉ đạo Hiệp Hội Lương Thực VN mua 2 triệu tấn lúa hè thu với giá bảo đảm có lãi 30% giá thành cho nông dân. Chính phủ ủy nhiệm Bộ Tài Chánh tính toán giá thành sản xuất lúa hè thu 2009 để làm cơ sở ấn định giá lúa tối thiểu. Nông dân nghèo vùng ĐBSCL có tiếp tục ăn vào đất như mô tả của báo mạng SGTT hay không, thì phải chờ Bộ Tài Chánh công bố giá thành sản xuất lúa hè thu nay mai.