Nhưng có một thực tế khó lý giải là nông dân Việt Nam nợ nần tứ phía vì vật nuôi, cây trồng nhưng vẫn tồn tại và tiếp tục công việc. Một người kinh doanh cà phê trên mạng, gia đình có vườn cà phê ở Lâm Đồng, đưa ra nhận định về sự kiện vừa nói:
“Đầu tư vào cà phê rất lớn không như những thứ khác muốn bỏ là bỏ, mình đổ vào hàng trăm triệu cho vài hec ta cà phê, không thể nói mỗi vụ giá xuống là chặt đi được. Vẫn cứ nuôi hy vọng sang năm giá cao hơn năm nay, ráng để sống thôi. Ngành cà phê đứng sau lưng là các ngân hàng, nông dân thì hết tiền đến đâu vay đến đó, làm ra đến đâu trả đến đó, cái này cứ quay liên tục vậy đó….”
Năm 2009 này, VN dự kiến xuất khẩu tới 1 triệu 200 ngàn tấn cà phê hạt robusta, kim ngạch 1 tỷ 600 triệu USD. Lượng gia tăng nhưng trị giá giảm tới 613 triệu USD so với năm ngoái, người trồng cà phê cũng như nhiều doanh nghiệp chịu lỗ hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân được nói tới là khủng hoảng kinh tế, giá cả biến động do tình trạng đầu cơ ở các sàn giao dịch cà phê quốc tế. Tuy vậy, các chuyên gia đề cập tới một nguyên nhân nội tại là có tới 146 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê, mạnh ai nấy làm. Phía các nhà nhập khẩu có khoảng 12 công ty có mặt tại Việt Nam, với nguồn tài chính lớn các thương nhân nước ngoài dễ kiểm soát thị trường.
Trao đổi, thống nhất
VICOFA Hiệp Hội Cà Phê Cacao Việt Nam dù có tới 146 thành viên nhưng sự phối hợp chỉ mang tính định hướng thiếu hiệu quả. Do vậy, 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê quan trọng nhất của Việt Nam đã thành lập một câu lạc bộ những nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu. Lễ ra mắt câu lạc bộ Top 20 đã được tổ chức vào hạ tuần tháng 8 vừa qua với chủ tịch là Ông Đỗ Hà Nam, TGĐ Công ty Cổ phần XNK Intimex. Nam Nguyên đã phỏng vấn ông về những vấn đề liên quan, từ TPHCM ông Đỗ Hà Nam cho biết:
Câu lạc bộ này sẽ giúp các thành viên của mình hiểu biết thị trường, tại sao ở Luân Đôn đưa giá lên hoặc hạ giá xuống, tìm cách hạn chế rủi ro.
Ông Đỗ Hà Nam
Ông Đỗ Hà Nam: Ý tưởng thành lập Câu Lạc Bộ là vì những nhà kinh doanh không có điều kiện thường xuyên ngồi lại với nhau trao đổi về những rủi ro trong kinh doanh. Cũng như làm sao để thống nhất hành động có lợi cho người sản xuất, chế biến, người kinh doanh cà phê Việt Nam…Từ trước tới giờ mạnh ai nấy làm, những doanh nghiệp lớn chẳng bao giờ ngồi lại với nhau hết, trong kinh doanh mỗi người một hướng thì tự mình hại mình.
Nam Nguyên: Thưa ông, các thành viên câu lạc bộ chi phối bao nhiêu sản lượng cà phê cả nước, liệu tỷ lệ này có giúp họ điều tiết được thị trường cà phê hay không?
Ông Đỗ Hà Nam: 20 doanh nghiệp chiếm giữ khoảng 70% tới 80% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng tôi không nghĩ là có thể điều tiết vì cà phê Việt Nam chỉ đạt 10% của thế giới, sự thống nhất chỉ giúp vào việc ổn định thị trường giá thôi. Tất cả mọi người đều dựa vào sàn giao dịch Luân Đôn nên ở đó mới là nơi điều tiết giá.
Ở Việt Nam không mua bán cà phê theo giá thỏa thuận trong ngày, mà theo giá lên xuống của sàn Luân Đôn, người ta lấy giá Luân Đôn và thỏa thuận một mức trừ lùi tỷ lệ nào đó. Điều này chỉ có tính cách giá sơ khởi, tùy theo mức lên xuống ở Luân Đôn người ta chốt giá và lợi nhuận có được là tùy theo việc chốt giá. Điều này dẫn đến việc trong số 20 doanh nghiệp lớn có người kinh doanh hiệu quả đạt lợi nhuận và có những người chốt giá không thích hợp. Câu lạc bộ này sẽ giúp các thành viên của mình hiểu biết thị trường, tại sao ở Luân Đôn đưa giá lên hoặc hạ giá xuống, tìm cách hạn chế rủi ro. Tương tự như thị trường chứng khoán ở Mỹ và các nước. Việc điều tiết chính là do các nhà tài chính họ làm, vấn đề này rất kkó khăn nhưng nếu chúng ta thống nhất được thì ít nhất cũng có thể giảm thiểu rủi ro. Thí dụ doanh nghiệp chốt được giá cao thì mua giá cao cho nông dân, hai bên cùng có lợi. Khi giá thấp không chốt thì tránh được rủi ro lúc thị trường đi xuống.
Tiêu chuẩn, qui chuẩn
Nam Nguyên: Muốn chủ động giá cả thì hạt cà phê Việt Nam phải có chuẩn mức, đã có tiêu chuẩn quốc gia tại sao không áp dụng được?
Ông Đỗ Hà Nam: Ở đây có hai vấn đề là tiêu chuẩn và qui chuẩn. Qui chuẩn là đặt ra qui chế về chuẩn mực của cà phê Việt Nam, và sản phẩm chỉ tồn tại trên các qui chuẩn đó thôi. Còn tiêu chuẩn thì gồm nhiều loại khác nhau, và người mua sẽ căn cứ vào các tiêu chuẩn khác nhau và mua với nhiều loại giá khác nhau. Qui trình buôn bán là như vậy, hiện nay Nhà nước chưa ban hành qui chuẩn cà phê, cái đang làm là tiêu chuẩn cà phê. Nếu đi theo tiêu chuẩn như thế thì tất cả cà phê không nằm trong tiêu chuẩn này thì bán cho ai, nếu không bán được thì đem đổ đi hay người dân Việt Nam chỉ được ăn tiêu chuẩn xấu, còn tiêu chuẩn tốt để xuất khẩu.
Cũng như làm sao để thống nhất hành động có lợi cho người sản xuất, chế biến, người kinh doanh cà phê Việt Nam…
Ông Đỗ Hà Nam
Đây là bài toán mà quan điểm của người xây dựng tiêu chuẩn và nhà kinh doanh không bên nào trả lời được vấn đề này. Trong khi đó Thế giới chấp nhận tiền nào của nấy, chất lượng cao mua giá cao và ngược lại. Hơn nữa ở Việt Nam người ta muốn tránh chi phí tốn kém, buôn bán dễ dàng cái gì dễ chế biến thì bán, thích bán “xô” nhưng lại bị ép giá vì cà phê chất lượng xấu. Cho nên ở Việt Nam nên phân ra nhiều loại chất lượng khác nhau để bán, và bán cái người ta cần, anh muốn mua giá nào cũng có. Cà phê chất lượng xấu ở Việt Nam rất nhiều.
Liên kết bốn nhà
Nam Nguyên: Hiện nay hay nói tới liên kết bốn nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp), trong ngành cà phê có làm được không hay chỉ là khẩu hiệu phong trào. Nông dân vẫn bán cà phê cho thương lái, qua trung gian mới tới tay doanh nghiệp.
Ông Đỗ Hà Nam: Ở Việt Nam có cái khó là doanh nghiệp xuất khẩu phải có hóa đơn để nộp thuế. Nông dân không có hóa đơn, còn các nhà cung ứng thì bắt buộc phải có để có thể quản lý hàng hóa và nộp thuế. Sự kiện này dẫn tới việc khi nào thì nhà nước bắt đóng thuế khi nào thì miễn, ở các địa phương họ quản lý sao cho có thể gắn kết bốn nhà. Liên kết bốn nhà rất khó cho việc quản lý thuế, nhưng mục tiêu của bất kỳ nhà nước nào muốn phát triển nông nghiệp tốt thì phải gắn kết được bốn mối này lại với nhau. Khi mà cơ chế quản lý chưa bảo đảm được quan hệ đó thì sự gắn kết bốn nhà là hết sức khó khăn. Đây là điều Việt Nam phải làm.
Thực tế ở Việt Nam nông dân canh tác trên mảnh vườn rất nhỏ, họ không có lượng hàng đủ lớn để gây ảnh hưởng với các nhà cung ứng mua hàng. Điều quan trọng là nông dân nên ngồi lại với nhau tạo ra được lượng hàng hóa lớn để có thể đàm phán giá với các nhà cung ứng và các nhà xuất khẩu.
Vừa rồi là các nhận định của ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Câu Lạc Bộ các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam. Nhóm 20 doanh nghiệp này hiện chi phối từ 70% tới 80% sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Sự kiện các nhà xuất khẩu Việt Nam thực hiện phối hợp liên kết được xem như một cuộc cách mạng về tư duy kinh doanh. Dĩ nhiên cần chờ thời gian để thấy được sự hiệu quả trong hành động này.