Thoát sách đỏ cá tra vẫn bấp bênh

Hơn một tháng sau thỏa thuận với Quĩ Bảo Tồn Thiên Nhiên Thế Giới, con cá tra Việt Nam mới được đưa ra khỏi sách đỏ cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng của WWF một số nước châu Âu.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011.01.29
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
catra-nongnghiep.vn-305 Một ao nuôi cá tra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Photo courtesy of nongnghiep.vn

Dù vậy tương lai nghề nuôi cá tra vẫn bấp bênh trong năm mới Tân Mão, khi mà kế hoạch xuất khẩu được mô tả là ‘tùy cơ ứng biến.’

Phản ứng có kết quả

Ông Nguyễn Tử Cương, thường vụ Hội Nghề Cá Việt Nam xác nhận tin WWF sau cùng đã rút cá tra ra khỏi danh sách đỏ tức cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng không nên mua. Tối 28/1 từ Hà Nội ông Nguyễn Tử Cương phát biểu với chúng tôi:

“Hôm qua chúng tôi đã gởi văn bản phản ứng tới WWF Thụy Sĩ đồng thời gởi 6 nước châu Âu nhắc lại họ đã hứa về việc dỡ bỏ ngay. Đến 9 giờ sáng hôm nay 28/1 thì 5 nước đã bỏ cá tra ra khỏi danh sách đỏ, còn một nước tức văn phòng đại diện của WWF tại Bỉ thì vẫn chưa gỡ bỏ, nhưng buổi chiều chúng tôi chưa vào mạng của họ để phối kiểm.”

Đến 9 giờ sáng hôm nay 28/1 thì 5 nước đã bỏ cá tra ra khỏi danh sách đỏ, còn một nước tức văn phòng đại diện của WWF tại Bỉ thì vẫn chưa gỡ bỏ.

Ông Nguyễn Tử Cương

Phản ứng của báo chí Việt Nam, như các báo điện tử như Dân Trí, Nông Nghiệp, Đại Đoàn Kết, Saigon Times về việc cá tra Việt Nam chậm được xóa tên trong danh sách đỏ một số nước Châu Âu đã mang lại kết quả, vài tờ báo còn lên án ông Mark Powel đại diện WWF là bội ước. Nhắc lại, tại Hà Nội ngày 17/12/2010 đại diện VASEP và Hội Nghề Cá Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác với ông Mark Powell người đứng đầu chương trình thủy sản toàn cầu của WWF. Theo đó WWF rút tên cá tra Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ ở 6 nước châu Âu, đổi lại Việt Nam từng bước thực hiện nuôi cá tra bền vững theo tiêu chuẩn ASC của WWF.

Trước đó Saigon Times Online ngày 24/1 được ông Nguyễn Hữu Dũng Tổng Thư Ký Hiệp Hội Xuất Khẩu Thủy Sản VASEP trả lời rằng, việc rút tên cá tra khỏi danh sách đỏ 6 nước Châu Âu có thể đã bị chậm vì các nước phương Tây vừa trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch.

ca-ba-tra-220.jpg
Các ngư dân đang kéo mẻ lưới đầy cá basa tại nông trại tư nhân ở An Giang. AFP Photo
Về phần mình, ông Nguyễn Tử Cương nhắc lại rằng thỏa thuận giữa VASEP, Hội Nghề Cá Việt Nam với WWF không mang tính ràng buộc pháp lý:

“Quan điểm của Việt Nam từ chính phủ cho đến Hội Nghề Cá là chúng tôi phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững tức là tuân thủ CoC code of conduct for responsible fisheries do FAO công bố. Dựa trên đó chúng tôi xây dựng CoC trong nuôi cá tra của Việt Nam, đây mới là những tiêu chí người nuôi bắt buộc phải tuân thủ còn cái ASC của tổ chức WWF họ công bố tiêu chuẩn việc này không có tính pháp quy, không có tính luật pháp bắt buộc phải áp dụng, người nuôi muốn thì làm còn không muốn chính phủ không ép.”

Châu Âu là thị trường tiêu thụ hơn 1/3 sản lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam, Ông Nguyễn Tử Cương nói rằng, Hội Nghề Cá đã theo dõi chặt chẽ, kể từ khi xuất hiện vụ danh sách đỏ thì giá không hề thay đổi tức là nhu cầu châu Âu nhập khẩu cá tra không thay đổi và giá cá tra từ 3,2 USD bình quân cho 1kg sản phẩm cá tra vào thời điểm này đã nâng lên thành 3,6 USD. Nay với việc cá tra được rút khỏi danh sách đỏ thì tạo tâm lý an toàn hơn cho người nuôi và nhà xuất khẩu.

Nông dân treo ao đồng loạt

Cũng liên quan đến nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra, hai trang mạng Nông Nghiệp và Dân Trí đưa tin diện tích nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long giảm 40%, đa số cá hộ nuôi nhỏ lẻ đã bỏ ao. Thí dụ ở An Giang lúc hưng thịnh là 1.500 ha thì nay giảm còn dưới 1.000 ha. Tương tự các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đều thu hẹp diện tích mặt nước nuôi cá tra.

Người nuôi cá tra miền Tây bị vỡ nợ, bị Ngân Hàng siết nợ mất nhà mất đất là một hiện tượng phổ biến, người nào cầm cự được thì lại bị doanh nghiệp mua cá nhưng ngâm tiền. Chính vì vậy nông dân nuôi cá mới cầu mong có đổi thay cho năm mới:

“Công ty mua cá trả tiền mau cho người nuôi, đầu ra phải ổn định,thức ăn cân đối cho người nuôi có đồng lời, chứ cá lên 1 đồng thức ăn lên 1 đồng thì cũng như không.”

Việc các doanh nghiệp Việt Nam chưa biết liên kết lại với nhau để giữ được giá sàn, đã dẫn tới là người nuôi bị lỗ vốn, một số người nuôi còn đang mắc nợ ngân hàng do vậy họ không thể vay tiền để nuôi tiếp.

Ông Nguyễn Tử Cương

Trong cuộc họp ngày 18/1 tại Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, Phó Ban Chỉ Đạo Sản Xuất và Tiêu Thụ Cá Tra Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long phát biểu, năm 2011 dù có tín hiệu tốt từ thị trường, giá cả nhưng để phát triển ngành hàng cá tra bền vững, cần tiếp tục giữ ổn định diện tích vùng nuôi, sản lượng cá, đặc biệt tăng cường quản lý chặt chẽ hơn về qui hoạch, sản xuất nâng cao chất lượng, theo hướng chăn nuôi công nghiệp hiện đại bền vững.

Đối với việc ngành cá tra lâm vào tình trạng ‘tùy cơ ứng biến’ chỉ tiêu xuất khẩu trọn năm gia tăng không đáng kể so với 2010, điều mà báo mạng Nông Nghiệp mô tả, ông Nguyễn Tử Cương Thường Vụ Hội Nghề Cá nhận định là bên cạnh ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới làm giá cá tra mất ổn định còn có một số nguyên nhân nội tại. Ông nhấn mạnh:

“Việc các doanh nghiệp Việt Nam chưa biết liên kết lại với nhau để giữ được giá sàn, đã dẫn tới là người nuôi bị lỗ vốn, một số người nuôi còn đang mắc nợ ngân hàng do vậy họ không thể vay tiền để nuôi tiếp. Điều này khiến cho cá tra 2011 không có được sản lượng nguyên liệu nhiều bằng năm 2010. Kết quả là tuy giá cá tra đã lên cao lại nhưng giá trị kim ngạch sẽ không bằng như trước. Tuy nhiên, đây là một cơ hội để sắp xếp lại sản xuất để tạo dựng sự liên kết tất cả các công đoạn trong chuỗi sản xuất với nhau nhằm tạo ra sức cạnh tranh lớn hơn.”

ca-tra-250.jpg
Tượng đài cá Tra được vinh danh tại công viên ở Thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang. RFA photo.
Năm 2010 sản lượng cá tra nguyên con thu hoạch là gần 1.200.000 tấn, chế biến thành phẩm xuất khẩu 645.000 tấn trị giá 1,4 tỷ USD. Năm nay Tổng Cục Thủy Sản hy vọng nâng tổng diện tích thả nuôi lên khoảng từ 6.000 tới 6.300 ha, trong đó 60% cơ sở nuôi cá được đánh số, đăng ký thực hiện truy xuất nguồn gốc tận ao nuôi. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra 2011 khoảng 1,5 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng đây là một thách thức khó thực hiện.

Đáp câu hỏi của chúng tôi là với tình hình chung như thế, tương lai con cá tra đồng bằng sông Cửu Long sẽ đi về đâu, ông Nguyễn Tử Cương ủy viên thường vụ Hội Nghề Cá Việt Nam nhận định:

“Đứng trên giác độ kỹ thuật và đứng trên giác độ của những chủ trương mà Nhà nước Việt Nam đang áp dụng, tôi tin tưởng vững chắc rằng sau lần này việc sắp xếp lại tổ chức sản xuất, chúng tôi sẽ đảm bảo đủ ba mục tiêu: sản xuất bền vững tất cả những công đoạn trong chuỗi sản xuất đều có lãi và việc đáp ứng yêu cầu sẽ bảo đảm tính bền vững hơn.”

Nghề nuôi cá tra xuất khẩu sẽ khó hay không bao giờ có thể trở về thời cực thịnh của những năm 1990, khi mà con cá Tra được vinh danh dựng tượng đài ở vị trí trang trọng nhất Thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang. Tuy nhiên phát triển bền vững bảo đảm mọi công đoạn sản xuất trong đó nông dân nuôi cá có lãi ổn định, thì quả là điều đáng mừng.

Theo dòng thời sự:



Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.