Thủ tướng “tuýt còi” ngành ngân hàng
2009.12.25
Tính thanh khoản kém
Lần đầu tiên, sau khi Việt Nam đối phó có hiệu quả đối với ảnh hưởng suy thoái toàn cầu, những nhược điểm của chính sách kinh tế tài chính quốc gia được nhìn nhận và báo chí đã tường trình.
Hội nghị triển khai kế hoạch ngành ngân hàng năm 2010 được tổ chức hôm 23/12 tại Hà Nội. Đưa tin về sự kiện này, báo điện tử SGGP tường thuật: “Thủ tướng cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô còn chưa vững chắc: nhập siêu cao, cán cân thanh toán tổng thể lần đầu tiên thâm hụt sau nhiều năm, dự trữ ngoại hối giảm, lãi suất và tỷ giá chỉ ổn định tương đối, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng có nơi này nơi khác vẫn còn căng thẳng.”
Cùng ngày, trong cuộc phỏng vấn dành cho Nam Nguyên, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia độc lập về nghiên cứu kinh tế tài chánh ở Hà Nội đã nhận định về những vấn đề lớn mà chính phủ phải ưu tiên đối phó trong năm mới:
Đúng là đang có vấn đề về kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá hối đoái và tính thanh khoản của ngoại tệ. TS Lê Xuân Nghĩa.
Tôi nghĩ rằng thứ tự ưu tiên hàng đầu của năm 2010 phải là ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được các cân đối kinh tế lớn, duy trì được mức lạm phát thấp để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp phát triển trong những năm sau này. Bên cạnh đó Việt Nam cần phải tiến hành những cải cách có hiệu quả vì từ năm 2006 đến nay, theo xếp hạng của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới vị thế xếp hạng của Việt Nam đã từ 64 bậc giảm xuống 75 bậc nghĩa là tụt 11 bậc trong thời gian qua, Việt Nam phải có nỗ lực để bắt đầu lại vượt lên trên.
Trong khi đó, Thời Báo Kinh Tế Saigon Online chú ý tới một khía cạnh khác khi đặt tựa bài “Thủ tướng phê bình việc quản lý vàng và ngoại hối”, tờ báo trích lời người đứng đầu chính phủ VN: “Phải rà soát và sửa đổi các quy định để làm rõ cơ quan nào quản lý, quản lý như thế nào và phải có trách nhiệm sát sao trong việc quản lý sàn vàng, ngoại hối.”
Về dài hạn, để đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần phải xây dựng các quy định pháp luật sao cho phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế: "Tinh thần là tạo điều kiện cho ngân hàng hoạt động thuận lợi trong kinh tế thị trường nhưng đây là ngành nghề hoạt động kinh doanh có điều kiện nên phải đảm bảo sự can thiệp của nhà nước để hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, không đổ vỡ, không xảy ra tiêu cực".
Trong vấn đề liên quan, hồi cơn sốt vàng sốt đô la TS Lê Xuân Nghĩa Phó Chủ Tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chánh Quốc Gia đã nhận định:
Đúng là đang có vấn đề về kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá hối đoái và tính thanh khoản của ngoại tệ. Thật ra Việt Nam không thiếu ngoại tệ nhưng thanh khoản thì rất kém, bởi vì các nghiệp vụ ngân hàng để có thể chuyển dịch ngoại tệ từ tiền gởi sang thị trường hối đoái rất là yếu. Việt Nam đâu có thiếu ngoại tệ, lượng ngoại tệ gởi ở nước ngoài lên tới sáu, bảy tỷ USD và tiền gởi của dân chúng bằng ngoại tệ ở các ngân hàng cũng lên tới 20 tỷ đô la, Việt Nam đâu có thiếu ngoại tệ, nhưng thanh khoản của thị trường rất là kém là vì có trục trặc nào đó về chính sách.
Cần ổn định tỷ giá hối đoái
Hội nghị ngành ngân hàng cũng thừa nhận những trục trặc
về chính sách tỷ giá hối đoái, khiến hình thành 2 thị trường song hành, thị trường
chính thức và thị trường tự do, rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cần thanh toán
phải tìm mua ngoại tệ từ nguồn bên ngoài với giá chênh lệch khá cao, trong khi
nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thu ngoại tệ về nhưng lại cất giữ chờ tỷ giá lên
cao hơn mới bán.
TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia từng có nhận định liên quan tới cơn sốt giá đô la hồi tháng 11/2009 vừa qua:
Chính sách tỷ giá hối đoái phải bảo đảm nguyên tắc thị trường và phải linh hoạt. Như vậy sẽ tránh được những cú sốc kiểu như thế này, tỷ giá hối đoái cố định khiến cho dân chúng luôn kỳ vọng là sẽ tăng lên trong tương lai. Vì vậy những nhà xuất khẩu có ngoại tệ, người ta cố giữ lại, theo qui định của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam họ được quyền giữ lại 1 tháng. Người ta giữ lại để chờ tỷ giá lên, trong khi các nhà nhập khẩu không có ngoại tệ buộc phải đi mua ngoài thị trường chợ đen. Như vậy tạo ra một thị trường gọi là ‘distortion’ bởi chính sách tỷ giá.
Bất cứ chính sách nào kể cả nâng giá hay phá giá đồng VN thì phải có những bước đi thích hợp, để nền kinh tế nói chung còn có sức chịu đựng. Ô. Diệp Thành Kiệt.
Giới doanh nhân phản ứng như thế nào trước các thông tin về sự điều chỉnh chính sách tiền tệ ngân hàng. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam nhận định:
Bất cứ chính sách nào kể cả nâng giá hay phá giá đồng VN thì phải có những bước đi thích hợp, để nền kinh tế nói chung còn có sức chịu đựng, đặc biệt những ngành kinh tế như dệt may hoặc một số ngành khác kể cả da giày hay gỗ là những ngành vẫn còn lệ thuộc nguyên liệu nước ngoài, thì việc đưa tỷ giá nhanh quá hay chậm quá thì rất nguy hiểm. Thí dụ năm nay phá giá chúng ta có chuyển động làm mất giá, nhưng năm 2008 tiền VN tự nhiên lên giá 1 USD chỉ ăn 15 ngàn thôi, cũng làm cho nhiều doanh nghiệp chới với. Chúng tôi nghĩ biện pháp tốt nhất là phải ổn định được vĩ mô đặc biệt là cơ cấu tỷ giá.
Đáp ứng nhu cầu ngoại tệ
Ngay khi hội nghị ngành ngân hàng kết thúc, báo chí đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký văn bản yêu cầu 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước ghim giữ ngoại tệ phải bán ngay cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối. Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, lượng ngoại tệ mà các đại gia Nhà nước giữ lại lên đến gần 2 tỷ USD, gồm 1,2 tỷ USD tiền gởi có kỳ hạn và 700 triệu USD tiền gởi không kỳ hạn. 7 tập đoàn, tổng công ty được công bố gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia, Tập đoàn Công nghiệp than-Khoáng sản, Tổng công ty Lương thực miền Nam, tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam và Tổng công ty Hóa chất Việt Nam.
Song hành với yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải bán ngoại tệ, báo chí cho biết Thủ tướng VN cũng lưu ý các ngân hàng, đặc biệt những nơi mua ngoại tệ của 7 đơn vị vừa nêu phải có trách nhiệm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu ngoại tệ cho các tập đoàn và tổng công ty nhà nước khi họ có nhu cầu thanh toán.
Tường thuật hội nghị ngành ngân hàng tổ chức hôm 23/12 ở Hà Nội, Saigon Times Online chú ý tới lời cảnh báo của Thống đốc Ngân Hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, theo đó nợ xấu sẽ có khả năng tăng cao trong năm 2010. Theo lời ông Giàu: “Hiện nay, mức độ nợ xấu chưa cao nhưng vào tháng 3, tháng 4 tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng tiêu chuẩn mới nghiêm ngặt hơn trong việc quản lý rủi ro thì nợ xấu sẽ tăng lên”. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu còn cho biết, hiện nay chỉ số an toàn của Việt Nam thấp so với quy định chung của thế giới và Việt Nam phải tiệm cận dần với thông lệ quốc tế”. Theo báo chí, người đứng đầu ngành ngân hàng không loại trừ khả năng ngành Ngân hàng sẽ đưa hệ số an toàn lên cao hơn nữa.
Sau khi Việt Nam đối phó thành công với cơn bão kinh tế toàn cầu, bước vào năm mới 2010, đã ló dạng những điều chỉnh lớn về chính sách. Nhưng để triệt tiêu những nhược điểm cố hữu, ổn định được kinh tế vĩ mô, các chuyên gia cho rằng chính phủ Việt Nam sẽ phải mạnh dạn thực hiện cải tổ và bất cứ cuộc cải tổ nào cũng có sự hy sinh.