Sức khỏe nền kinh tế chưa ổn

Việt Nam đã trải qua nửa chặng đường của năm 2010, một số nguồn tin chính phủ tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế, sự phục hồi sản xuất với mức tăng xuất khẩu ấn tượng.

0:00 / 0:00

Thực tế sức khỏe nền kinh tế Việt Nam hiện nay ra sao. Nam Nguyên tìm lời giải đáp cho câu hỏi này.

Có những tờ báo như Người Lao Động điện tử đưa tin xuất khẩu sẽ tăng hai con số. Trong khi đó Thời Báo Kinh Tế Việt Nam cảnh báo nhập siêu lại tăng tốc, tờ báo ghi nhận các chỉ tiêu về giao thương hàng hóa quốc tế đều vượt so với kế hoạch, kể cả chỉ tiêu tốt và xấu trong thời gian nửa đầu năm nay. Cụ thể tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 32,13 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 38,85 tỷ USD. Như vậy mức nhập siêu hay thâm hụt cán cân thương mại là 6,73 tỷ USD tương đương 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng thời kỳ. Tỷ lệ này vượt gần 1% so với mục tiêu khống chế của Quốc hội.

Vất vả trong hồi phục

Với tình hình như thế sức khỏe nền kinh tế Việt Nam được đánh giá như thế nào. Trả lời chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập từ Hà Nội đưa ra nhận định:

“Hiện nay kinh tế Việt Nam có dấu hiệu tiếp tục phục hồi, nhưng mức độ phục hồi là vất vả không dễ dàng. Sự phục hồi này có yếu tố ở trong nước dựa vào đầu tư và lao động, yếu tố bên nước ngoài thì dựa vào xuất khẩu.”

shoe-factory-worker-200.jpg
Công nhân làm việc tại một xưởng sản xuất giày ở ngoại ô Sài Gòn. AFP PHOTO

TS Lê Đăng Doanh nhắc lại, từ năm 2009 xuất khẩu của Việt Nam giảm 9,1%, chủ yếu vì giá cả giảm xuống cho nên lượng xuất khẩu tăng nhưng kim ngạch và giá trị xuất khẩu thì giảm xuống. Theo lời TS Lê Đăng Doanh, hiện nay tình hình giá cả trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khủng hoảng tài chánh công ở Châu Âu cũng diễn biến khó lường, vì vậy xuất khẩu của Việt Nam cũng vất vả hơn. Thứ hai nữa, gần đây tỷ lệ thất nghiệp ở các nước rất cao, họ có nhiều biện pháp bảo hộ mậu dịch, đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật chống bán phá giá về xe đạp rồi giầy mũ da ở EU và nhiều chi tiết nữa…TS Lê Đăng Doanh tiếp lời:

“Vì vậy xuất khẩu của Việt Nam phải có một nỗ lực vượt bực. Ở trong nước tình trạng thiếu điện gay gắt cũng là một yếu tố khó khăn cho xuất khẩu. Cho nên tôi nghĩ rằng xuất khẩu của Việt Nam năm nay nếu muốn tăng 6% thì từ nay đến cuối năm đòi hỏi phải có một nỗ lực hết sức to lớn.”

Hiện nay kinh tế Việt Nam có dấu hiệu tiếp tục phục hồi, nhưng mức độ phục hồi là vất vả không dễ dàng.

TS Lê Đăng Doanh

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 6 ước tính có 9 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD là thủy sản, gạo, dầu thô, gỗ và sản phẩm dệt may, giày dép, máy móc thiết bị phụ tùng điện tử, máy tính, đá quí, kim loại quí. Cụ thể kim ngạch dệt may đạt 4,65 tỷ USD trong 6 tháng và dự báo đạt 10,5 tỷ USD trọn năm 2010.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM cho rằng dự báo dệt may tăng trưởng khá là hoàn toàn có cơ sở. Ông Kiệt phân tích:

“Thứ nhất kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm thường nhiều hơn. Lý do thời gian này xuất sản phẩm “nặng”, quần áo mùa đông nên giá trị cao hơn. Lý do thứ hai, sự phục hồi kinh tế cuối 2009 đầu 2010 đã cho thấy những dấu hiệu khởi sắc, vậy thì có quyền hy vọng theo những tiến độ đó những tháng cuối năm 2010 sẽ có tốc độ cao hơn nữa. Thứ ba nữa, dựa theo phân tích tình hình một số nước xung quanh, đặc biệt trong đó có Trung Quốc là nước xuất khẩu rất lớn. Hiện nay Trung Quốc đang có một số chính sách để giảm dần sản phẩm dệt may và chuyển sang những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao hơn. Chính vì vậy lượng hàng từ một số nước trước đây đặt hàng ở Trung Quốc có xu hướng chuyển tiếp qua Việt Nam.”

Nhập siêu gay gắt

Tán dương các nỗ lực xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong 6 tháng vừa qua, nhưng TS Nguyễn Quang A một chuyên gia độc lập về nghiên cứu chính sách tỏ ra quan tâm về áp lực nhập siêu:

"Tôi tin là nhập khẩu, nhập siêu năm nay vẫn ở mức không phải là nhỏ. Cho nên chuyện ảnh hưởng biến động giá cả thế giới vào Việt Nam qua con đường xuất nhập khẩu ngoại thương là một nhân tố có thực và điều này phải được tính đến."

Nhập siêu vẫn là một vấn đề hết sức gay gắt đối với Việt Nam. Vì nhập siêu nên Việt Nam phải có nguồn ngoại tệ để bù đắp, nguồn ngoại tệ đó là kiều hối, đầu tư nước ngoài và các nguồn khác.

TS Lê Đăng Doanh

Theo số liệu được trang mạng Thời Báo Kinh Tế Việt Nam phổ biến, cán cân thanh toán tổng thể đã thâm hụt tới 8,8 tỷ USD giữa khi sức ép nhập siêu gia tăng. Trả lời chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh nhận định về vấn đề này:

“Nhập siêu vẫn là một vấn đề hết sức gay gắt đối với Việt Nam. Vì nhập siêu nên Việt Nam phải có nguồn ngoại tệ để bù đắp, nguồn ngoại tệ đó là kiều hối, đầu tư nước ngoài và các nguồn khác. Những nguồn ngoại tệ đó thì không thể tự chủ được cho nên Việt Nam phải cố gắng khắc phục giảm nhập siêu, nhưng muốn giảm nhập siêu thì phải thay đổi cơ cấu kinh tế, làm sao gia tăng công nghiệp và dịch vụ trợ giúp cho sản phẩm cuối cùng để giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên phụ liệu.

Thí dụ với dệt may, theo công bố thì dệt may TP.HCM đã tự túc nguyên phụ liệu được 53%. Đó là một tỷ lệ đáng mừng, nhưng so với các sản phẩm khác thì chúng ta còn phải có nỗ lực lớn hơn nữa, thí dụ về hàng điện tử hiện nay mới chủ yếu làm lắp ráp vi mạch, phụ tùng thiết bị điện tử chúng ta chưa tự làm được bao nhiêu."

Dự trữ ngoại tệ chưa an toàn

us-dollars-200.jpg
Đồng đôla Mỹ. AFP PHOTO.

Ngày 9/6 vừa qua phát biểu tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ tổ chức ở Kiên Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định dự trữ ngoại tệ của Việt Nam trong cả 2010 có thể đạt 12 tuần nhập khẩu. Trong khi đó IMF Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế đánh giá Việt Nam chỉ có dự trữ ngoại tệ tương đương khoảng 7 tuần nhập khẩu. TS Lê Đăng Doanh nhận định về vấn đề này:

“Bình thường người ta nói là quĩ dự trữ ngoại tệ tối thiểu phải tương đương 12 tuần tức 3 tháng. Nếu như bây giờ giảm xuống dưới 12 tuần thì đấy là một vấn đề đáng lo ngại. Nếu như tăng được trên 12 tuần, tôi nghĩ rằng vẫn còn là tỷ lệ rất thấp, so với tổng nhập siêu thì dự trữ ngoại tệ như vậy chưa đủ, nhất là với dân số 86 triệu mức dự trữ ngoại tệ phải là 100 tỷ USD thì mới được xem là đủ yên tâm. Hiện nay dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn quá ‘hẻo’, với mức như thế chính phủ Việt Nam chưa có dự trữ về tài chánh cần thiết, để chèo chống trong môi trường kinh tế quốc tế hiện nay đang có rất nhiều rủi ro như tình hình diễn biến phức tạp bên Châu Âu.”

Hiện nay dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn quá ‘hẻo’, với mức như thế chính phủ Việt Nam chưa có dự trữ về tài chánh cần thiết...

TS Lê Đăng Doanh

Nhận định của TS Lê Đăng Doanh mà quí thính giả vừa nghe có thể phản ánh một phần sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam 2010. Để kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng 6% trong nửa đầu năm 2010 như chính phủ loan báo, phải tuyên dương sự lao động cực nhọc của nông dân, công nhân, người lao động nghèo, những người chưa được hưởng phần lợi nhuận xứng đáng so với sản phẩm xuất khẩu mà họ góp sức làm ra.

Theo dòng thời sự: