Khi Chủ tịch Quốc hội đề cao dân chủ hóa
2016.02.19
Hợp lòng dân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và một số Đại biểu Quốc hội đã nặng lời phê bình Chính phủ trì hoãn Dự luật Biểu tình, cũng như làm Luật Báo chí phải dựa vào Hiến pháp chứ không thể đem chỉ thị Bộ Chính trị ra để biện giải. Những phát biểu hợp lòng dân được báo chí ghi nhận trong các phiên thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17 và 18/2/2016.
Một lần nữa chính phủ xin hoãn việc trình Dự luật Biểu tình qua Quốc hội với lý do các bộ ngành xung đột ý kiến và Dự luật dù đã được Bộ Công an soạn xong, nhưng chưa thể trình lên Quốc hội theo dự kiến vào tháng 3/2016. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường không cho biết là việc đình hoãn kéo dài đến lúc nào, khi ông trình bày vấn đề này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 17/2/2016.
Sau khi nghe giải thích của ông Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phản ứng gay gắt rằng việc Chính phủ xin lùi trình Luật Biểu tình là thiếu nghiêm túc. Ông Nguyễn Sinh Hùng sẽ rời thế giới quyền lực của Đảng và Nhà nước sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 vào cuối tháng 5 sắp tới. Theo Saigon Times Online, Chủ tịch Quốc hội khẳng định quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp qui định. Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc nhiều lần xin hoãn việc trình Dự luật. Tờ báo trích lời ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh đề nghị khẩn cấp làm ngay để bảo đảm thực thi quyền công dân theo Hiến pháp, nếu chậm mà hạn chế quyền công dân là trái Hiến pháp.
Đấy là nỗi hoảng sợ lớn nhất của chính quyền và họ cứ kéo dài mãi chưa cho ra Luật Biểu tình. Tôi nghĩ không chỉ có Luật Biểu tình mà những quyền tự do khác ở Việt Nam cũng thế thôi…
-Nhà báo Phạm Thành
Theo TS Phạm Chí Dũng Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, một tổ chức xã hội dân sự tự phát, thì Dự luật biểu tình đã bị đình hoãn nhiều lần mặc dù ngay từ năm 2011 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xác định là cần có Luật Biểu tình để quản lý hoạt động này. Tuy nhiên, Bộ Công an là đơn vị chủ trì soạn thảo đã xin hoãn 2 lần và lần hoãn mới nhất do Bộ Tư pháp trình bày với Quốc hội là lần thứ 3. Từ Saigon, TS Phạm Chí Dũng nhận định:
“Thực ra vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau chỉ là một lý do rất là bề mặt. Lý do sâu xa thực chất ở Việt Nam có hàng triệu dân oan, hàng trăm ngàn nạn nhân về môi trường. Tất cả những thành phần như vậy họ đều muốn phản ứng đối với nhà nước về những chính sách bất cập và gây hậu quả nghiêm trọng đối với vấn đề sinh kế, mưu sinh và môi trường của họ. Thành thử không có gì ngạc nhiên việc nhà nước rất sợ những thành phần dân oan, nạn nhân môi trường hay gần đây gần đây là tiểu thương biểu tình. Nhưng mà bất chấp việc chưa có Luật Biểu tình thực ra từ mấy năm qua đã diễn ra làn sóng biểu tình liên tục ở Trung Nam Bắc. Năm 2015 vừa rồi đã chính thức hình thành phong trào cứu lấy dân oan ba miền, những người này thường xuyên kéo tới trụ sở văn phòng tiếp dân ở Ngô Thời Nhiệm Hà Nội…”
Nhà báo tự do Phạm Thành cư trú ở Hà Nội nói với chúng tôi về điều ông gọi là nỗi lo sợ của chính quyền và việc trì hoãn Luật Biểu tình trong nhiều năm qua.
“Người dân hiện nay chán ghét chế độ lắm rồi, cho nên bất kỳ một cánh cửa nào mở ra để cho người dân có chút tự do là người ta sẽ ùa lên, tập trung lực lượng để phản đối chế độ này. Đấy là nỗi hoảng sợ lớn nhất của chính quyền và họ cứ kéo dài mãi chưa cho ra Luật Biểu tình. Tôi nghĩ không chỉ có Luật Biểu tình mà những quyền tự do khác ở Việt Nam cũng thế thôi…”
Báo chí Việt Nam không có nhiều thông tin về điều gọi là những ý kiến rất khác nhau của các thành viên Chính phủ, nguyên nhân việc lùi ngày trình Dự luật Biểu tình một lần nữa. Theo báo mạng VnEconomy, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nêu ra vấn đề gây tranh cãi là vấn đề thẩm quyền cho đăng ký biểu tình, có cho người nước ngoài tham gia biểu tình hay không, các biện pháp bảo đảm như thế nào…
Báo mạng Một Thế giới trích lời ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh đề cập tới những điều gọi là nhận thức không đúng của Bộ Quốc phòng liên quan tới việc Bộ này chưa muốn có Luật Biểu tình. Theo đó Bộ Quốc phòng cho rằng, chờ khi nào Việt Nam bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự xã hội thì mới cho ra Luật Biểu tình, còn bây giờ cứ xây dựng các nghị định để quản lý.
Đại biểu Nguyễn Kim Khoa bác bỏ quan điểm của Bộ Quốc cho rằng ra Luật Biểu tình là đổi mới chính trị. Vị Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, Luật Biểu tình là đảm bảo về quyền con người, quyền công dân ghi trong Hiến pháp chứ không phải là đổi mới chính trị. Ông Khoa cũng phản bác quan điểm của Bộ Quốc phòng đề nghị xây dựng Nghị định trước, tổng kết nghị định rồi mới xây dựng luật. Ông Khoa nhấn mạnh, Nghị định 38 về bảo vệ trật tự công cộng, cấm tụ tập đông người ban hành 2005 bây giờ đã trái với Hiến pháp.Tiếp tục làm Nghị định thì càng trái với Hiến pháp, Nghị định 38 trong đó có rất nhiều nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân.
Càng chế tài càng phẫn uất
Trong thể chế một đảng Cộng sản cai trị toàn dân, Luật Biểu tình dù soạn thảo cách nào cũng phải tuân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu cương lĩnh Đảng cao hơn Hiến pháp, thật khó lý giải tại sao Chính phủ lại không thể hoàn thành dự thảo Luật Biểu tình dù có toàn quyền nhào nặn nó theo đúng quan điểm Bộ Chính trị. Lý giải vấn đề này, TS Phạm Chí Dũng phát biểu:
“Trong nội bộ khi mà có những ý kiến đề nghị cứ cho ra Luật Biểu tình, thì lại có những ý kiến khác phản đối là, thứ nhất những người dân oan, những nạn nhân môi trường nói chung là những người muốn đi biểu tình, kể cả những người bị coi là thế lực thù địch sẽ mượn cớ đó để hợp thức hóa công khai hóa hoạt động của họ. Thứ hai, cho dù Luật Biểu tình có được soạn thảo theo định hướng của Đảng có nghĩa là xiết những thủ tục quan trọng nhất của Luật Biều tình. Thế nhưng cũng không thể cản nổi vì có ai nghe hay không và nếu không nghe thì làm sao để chế tài, dù Luật có thể đưa ra chế tài. Thực tế là có quá nhiều vấn đề bất cập, bất công ở Việt Nam, việc chế tài nạn nhân thì càng làm cho ngọn lửa phẫn uất của người dân tăng thêm thổi bùng lên. Như vậy càng làm cho tình hình rối ren, nghe nói Luật Biểu tình đã soạn tới lần thứ mấy chục rồi cũng như Luật về Hội nhưng mà vẫn chưa quyết định được.”
Thực tế là có quá nhiều vấn đề bất cập, bất công ở Việt Nam, việc chế tài nạn nhân thì càng làm cho ngọn lửa phẫn uất của người dân tăng thêm thổi bùng lên.
-TS Phạm Chí Dũng
Trong hoàng hôn nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có các phát ngôn ấn tượng hết sức mạnh mẽ. Ngày 18/2/2016 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Dự án Luật Báo chí, theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu nguyên văn: “Luật không nên đem chỉ thị Bộ Chính trị ra đọc được mà phải làm theo Hiến pháp, Hiến pháp đã qui định quyền dân chủ, trong đó có quyền tự do ngôn luận của nhân dân…” Ông Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu như vậy khi Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhắc đi nhắc lại nhiều nội dung chỉ thị của Bộ Chính trị, đặc biệt quan điểm không tư nhân hóa báo chí.
Vẫn theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn nhận xét là Dự thảo luật Báo chí mà bỏ ra ngoài không đề cập tới mạng xã hội, các trang thông tin điện tử. Trong khi trào lưu xã hội là ít mua báo in, sử dụng điện thoại cũng có thể tiếp cận thông tin. Ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, dân chủ là làm cho dân mở miệng, nhưng không chỉ nói bằng miệng mà nói bằng báo cũng là quyền của dân.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn, trang thông tin điện tử có phải báo chí hay không? thậm chí cả triệu người đọc một bản tin trên đó, tại sao không quản lý bằng Luật Báo chí.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son giải thích, Luật Báo chí chỉ quản lý các loại báo chí, còn các loại hình thức khác thì chịu sự quản lý của Nghị định 72. Theo lời Bộ trưởng, nếu đưa trang thông tin điện tử vào Luật thì vô hình chung thừa nhận truyền thông xã hội là báo chí.
Nhận định về những vấn đề vừa nêu, nhà báo tự do Phạm Thành từ Hà Nội phát biểu:
“Hiện nay báo chí tư nhân mặc dù nhà nước không cho thành lập, nhưng báo chí tư nhân tràn ngập. Thí dụ mỗi một ông chủ facebook, một chủ blog là một tờ báo tư nhân. Trên thực tế những tờ báo đó vẫn hoạt động công khai, tác động dư luận hướng dẫn dư luận cũng làm vai trò thực như báo chí như của bên lề phải quản lý. Thế thì ông Bắc Son không nhìn thấy thực tế đó mà ông ấy cứ tưởng rằng chỉ có báo chí nhà nước mới làm chức năng thông tin, hướng dẫn dư luận, tổ chức quần chúng…trên thực tế bây giờ mấy triệu facebook, hàng chục trang blog cá nhân, nhà nước muốn dẹp cũng không dẹp được…”
TS Phạm Chí Dũng trình bày ý kiến của ông về việc bùng nổ Internet và mạng xã hội làm cho chính quyền bối rối và hầu như bó tay trong việc quản lý. Theo lời ông một nửa dân số Việt Nam sử dụng Internet kèm theo sự phát triển nhanh chóng các mạng xã hội. Ông nói:
“Từ năm 2013 khi Nghị định 72 ra đời để quản lý các trang thông tin điện tử cho tới nay có thể nói hiệu suất quản lý của Bộ Thông tin Truyền thông là rất thấp, chỉ đóng cửa được một số trang thông tin điện tử liên quan đến báo chí nhà nước. Còn đối với mạng xã hội hay những trang thông tin nhà nước coi là lề trái thì hoàn toàn không thể can thiệp được…tình hình càng vượt ra khỏi tầm kiềm soát khi chứng kiến Đại hội 12 từ Hội nghị Trung ương 10 trở đi, mạng xã hội đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, chẳng hạn trang Ba Sàm nơi hội tụ những luồng tư tưởng trái ngược trong đó để xung đột lẫn chia sẻ với nhau và các phe phái được cho là đã chuyển tài liệu cho trang Ba Sàm đăng… Có lẽ Bộ Thông tin Truyền thông nhận thấy là không thể quản lý được, mà đã không thể quản lý được thì có được vào Luật Báo chí thì cũng vô nghĩa…”
Theo tình hình chung người dân Việt Nam sẽ tiếp tục biểu tình bất chấp Nghị định 38 và khi chưa có Luật Biểu tình. Còn Luật Báo chí dù có ra đời thì rõ ràng là chỉ để quản lý truyền thông báo chí nhà nước, vì quan điểm của Bộ Chính trị là không chấp nhận báo chí tư nhân. Còn người dân thì tự xoay sở với quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận qua mạng xã hội như facebook, blog và chấp nhận mọi rủ ro có thể xảy đến.