Thông điệp của nông dân gởi thủ tướng: Xin đừng cấy lúa trên lưng người làm ruộng

Chắc hẳn đã có nhiều nông dân gởi thư cho Thủ Tướng để xin can thiệp, khiếu nại oan sai, trình bày những bức xúc của họ. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên có một người làm ruộng gởi 1 lá thư, mà ý nghĩa của nó có thể xem như một thông điệp khẩn cấp của nông dân Việt Nam gởi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

0:00 / 0:00

Chừng như sự hội nhập sâu với thế giới đã mang lại những thay đổi tư duy đáng kể ở Việt Nam, tới tận những ruộng lúa xa xôi của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuổi Trẻ là một trong những tờ báo có bài sớm nhất trình bày sự kiện này đưa lên mạng vào ngày 19/5/2008. Phóng viên của báo đã trực tiếp phỏng vấn nhà nông Lê Văn Lam, người gửi thư qua cổng thông tin điện tử chính phủ ngày 4/5/2008.

Những nỗi khó khăn và nguyện vọng

Ông Lam 57 tuổi là nông dân ấp Tuyết Hồng, Tân Phước, Tân Hồng tỉnh Đồng Tháp. Báo Tuổi Trẻ mô tả ông là: ‘Người có hơn 40 năm gắn bó với nghề nông, nghề trồng lúa đã nuôi lớn ông và những người con, người cháu của ông. Ông đã gắn bó với bờ kênh, thửa ruộng, quen với mùi lúa chín mỗi độ tới mùa.

Mái tóc đã lốm đốm ngả màu, nhưng ông và những nông dân ở đây có được chỉ là cái vòng lẩn quẩn nghèo khó quanh thửa ruộng, góc vườn.’ Nội dung bức thư của lão nông Lê Văn Lam, theo Tuổi Trẻ Online là nhằm trình bày những nỗi khó khăn và nguyện vọng của người nông dân trong thời buổi bão giá lao đao đao này.

Đáp câu hỏi của nhà báo Tuổi Trẻ là vì sao lại viết thư gởi Thủ tướng để kể khổ. Ông Lê Văn Lam cho biết ông tích góp nhiều năm mua được hơn 10 mẫu ruộng, cả gia đình ông 17 người gồm cả con cháu đều sống nhờ vào 10 mẫu ruộng này. Chúng tôi xin thêm rằng nông dân trong Nam ngày trước quen gọi là đơn vị ruộng đất là mẫu tức là héc-ta theo lối gọi hiện nay.

Theo lời ông Lam thì gia đình ông không đến nỗi nào nhưng những nông dân khác thì khổ lắm. Hầu hết nông dân đều mắc nợ ngân hàng. Hạt lúa chỉ giúp họ không đói chứ không làm họ hết nghèo. Hết vụ gặt, nông dân chen lấn nhau ở ngân hàng nông nghiệp để trả nợ. Trả xong nợ cũ lại vay mới để đầu tư làm vụ kế tiếp.

Đúng thực tế

Chúng tôi đem sự kiện này hỏi một nông dân khác cũng ở vùng sông nước Cửu Long, ông hết sức ngạc nhiên xen chút thích thú và nói là không được biết gì về chuyện có nông dân gởi thư kể khổ với thủ tướng, nhưng về chuyện ông Lam nói với nhà báo là đúng thực tế:

<i>Các thứ đều lên hết, mấy người ruộng nhiều, mấy người năm, bảy héc-ta trở lên đó thì cũng đỡ mà số năm, bảy héc-ta này ít lắm. Số một héc-ta, hécta mấy hai héc-ta thì nhiều. Số người làm năm, bảy công thôi thì đông. Rồi bây giờ số người không ruộng đất cũng đông cũng nhiều, số không ruộng đất còn khổ dữ nữa.</i>

“Các thứ đều lên hết, mấy người ruộng nhiều, mấy người năm, bảy héc-ta trở lên đó thì cũng đỡ mà số năm, bảy héc-ta này ít lắm. Số một héc-ta, hécta mấy hai héc-ta thì nhiều. Số người làm năm, bảy công thôi thì đông. Rồi bây giờ số người không ruộng đất cũng đông cũng nhiều, số không ruộng đất còn khổ dữ nữa.”

Theo lời nông dân Lê Văn Lam tác giả bức thư gởi thủ tướng nói với báo Tuổi Trẻ, thì ở chỗ ông có đến 95% người dân vay ngân hàng để sản xuất theo kiểu ăn trước trả sau. Trúng mùa , trúng giá một năm thì người dân có thể trả hết nợ. Nhưng làm lúa rất bấp bênh, năm được năm mất.

Ông Lam kể lại rằng, năm rồi lúa bị vàng lùn lùn xoắn lá nên thất mùa, một số người bị ngân hàng xiết nợ mất nhà. Nông dân không thể khất nợ vì mất uy tín với ngân hàng thì mùa sau ngân hàng không cho vay nữa lấy đâu mà tái sản xuất. Vì thế xảy ra tình trạng nông dân bấm bụng đi vay nóng bên ngoài để trả nợ ngân hàng.

Người nông dân mà chúng tôi tiếp xúc, mô tả thực tế về chuyện ai cũng phải vay ngân hàng để làm mùa, ông nói:

“Coi như nông dân người nào cũng vay hết trơn, bằng khóan của ông nào cũng thế chấp cho ngân hàng. Vì thế làm lúa xong có ai mà dự trữ đâu, lãi suất ngân hàng bây giờ cũng cao nữa lúc tôi vay lãi suất 1,3 bây giờ 1,6 nông dân vay lãi suất tính tháng.”

Trở lại bài báo Người Nông Dân Gửi Thư cho Thủ tướng trên Tuổi Trẻ Online. Đáp một câu hỏi khác của nhà báo, nông dân Lê Văn Lam nói rằng, ông cũng như các nông dân chịu cực đã quen không than vãn, nhưng có điều những bất công làm nông dân bức xúc lắm. Hiện nay giá gạo xuất khẩu 1.000 USD/tấn thì giá lúa chí ít cũng phải 8.000 đồng/kg, nhưng thực tế chỉ có 5.400 đồng/kg.

Đi vào túi ai?

Ông Lam đặt câu hỏi phần chênh lệch này đi vào túi ai. Việc Thủ tướng chỉ đạo ngừng xuất khẩu gạo đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhân cơ hội này tung tiền mua lúa vào với giá thấp để sau đó khi có lệnh xuất, họ sẽ xuất với giá cao. Ông Lam nhấn mạnh với nhà báo, họ tức các doanh nghiệp và thành phần trung gian đã làm ruộng cấy lúa trên lưng người nông dân, nông dân mấy chục năm làm lúa cũng chỉ đủ ăn là mừng, trong khi các doanh nghiệp ngồi mát mà thu tiền tỉ.

LeVanLam_305.jpg
Ông Lê Văn Lam bên đồng lúa của mình. Photo Courtesy of Tuoitre online. (Photo Courtesy of Tuoitre online.)

Khi nông dân Lê Văn Lam gởi bức thư của mình lên Thủ tướng vào ngày 4/5, thì phải nửa tháng sau chính phủ mới công bố quyết định tiếp tục ký hợp đồng xuất khẩu gạo từ sau 30/6. Tuy vậy ông Lê Văn Lam có tầm nhìn của một chuyên gia thị trường nhiều kinh kinh nghiệm, dù ông cho biết chỉ tốt nghiệp lớp 5 trường làng rồi đi làm ruộng.

Trên Tuổi trẻ Online ông nói rằng, ngay thời điểm bây giờ, nếu quyết định tiếp tục xuất khẩu gạo thì người dân chắc cũng không được lợi gì. Theo ông Lam hiện tại nông dân bị các doanh nghiệp chèn ép quá nhiều.

Chúng tôi xin nhắc lại rằng, bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát công bố lệnh tiếp tục ký hợp đồng xuất khẩu gạo sau 30/6 vào ngày 19/5 là lúc nông dân không còn lúa, ngoại trừ phần dành để ăn. Trên thực tế lúa gạo đang nằm trong kho các doanh nghiệp, các đại gia nhà nước được giao chức trách xuất khẩu gạo.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long xác nhận thực tế nông dân không có khả năng trữ lúa:

“Đại đa số nông dân chỉ trữ lúa để ăn thôi chứ không thể trữ lúa để dành, chừng vài ba tháng sau thì họ lại có thu họach vụ kế tiếp.”

Hoặc xác thực hơn nữa là từ chính miệng người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long thốt lên ngay khi nghe được thông tin cho xuất khẩu gạo:

“Bây giờ hết lúa rồi mà giá lúa cũng chỉ năm ngàn tư, năm ngàn rưởi. vùng này đâu còn lúa nữa, trữ lúa thì mười nguời may ra mới có một, số này ít lắm người ta làm rồi phải bán để trả nợ ngân hàng mấy ai trữ được lúa anh ơi.”

Quá nhiều cấp

Thực tế ở Việt Nam tồn tại một khâu thu mua phân phối lúa gạo rất cồng kềnh nhiều cấp, bất lợi cho nông dân và cà người tiêu dùng. TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định về sự kiện này:

<i>Hệ thống phân phối gạo của Việt Nam có quá nhiều cấp, cứ mỗi một cấp như vậy lại tăng thêm một phần chi phí. Thí dụ có Tổng công ty lương thực, rồi lại có công ty lương thực của tỉnh thành phố, rồi lại có cửa hàng đại lý lương thực. </i>

“Hệ thống phân phối gạo của Việt Nam có quá nhiều cấp, cứ mỗi một cấp như vậy lại tăng thêm một phần chi phí. Thí dụ có Tổng công ty lương thực, rồi lại có công ty lương thực của tỉnh thành phố, rồi lại có cửa hàng đại lý lương thực. Cần tìm cách làm sao chỉ có một đầu mối thôi, nghĩa là nông dân kết hợp với đại lý thu mua chế biến và cung cấp thẳng cho người tiêu dùng. Còn các Tổng công ty lương thực thì đóng vai trò cân đối cung cầu trên bình diện vĩ mô.”

Trong phần kết bài Người Nông Dân Gửi Thư cho Thủ Tướng, phóng viên báo Tuổi trẻ hỏi nông dân Lê Văn Lam rằng, thực sự ông múôn gửi gấm điều gì trong lá thư của mình.Ông Lam nói rằng Quốc Hội đang họp, cũng có nhiều ý kiến nhưng không biết có thay đổi gì không. Còn bản thân ông là nông dân, tiếng nói có lẽ sẽ không có trọng lượng mấy, nhưng có câu châm ngôn: thà bật một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối, nên ông phải nói. Nói để người ta hiểu được nỗi khổ và sự không công bằng đối với người nông dân.

Ông Lê Văn Lam đề nghị chính phủ tùy vào giá trên thị trường mà qui định giá sàn mua lúa cho nông dân. Phần lời nên chia đều theo các tỉ lệ cho nhà xuất khẩu, doanh nghiệp làm hàng, phần còn lại phải mua lúa giá cao cho nông dân. Có như vậy, nông dân mới đỡ phần thiệt thòi, cuộc sống mới được cải thiện bởi họ sống chỉ nhờ vào cây lúa vốn quá bấp bênh.

Theo giới am hiểu tình hình, những đề nghị mà nông dân Lê Văn Lam đưa ra thật là hợp lý và đơn giản, nhưng để làm được điều này đòi hỏi một chính sách điều hành lúa gạo và hệ thống thực hiện không những công khai minh bạch, mà còn phải nhạy bén và tỉnh táo. Nếu nhìn vào kinh nghiệm cơn sốt lúa gạo giả tạo trong khi gạo đầy kho thì có thể nghiệm ra rằng, bức thông điệp cấp bách chứa đựng những nỗi bất công nhọc nhằn mà người nông dân Việt Nam gởi tới Nhà nước Việt Nam vẫn còn chặng đường rất xa trước khi đáp ứng được.

Đọc báo trong nước trên mạng tuần này đến đây là kết thúc, Nam Nguyên thân chào quí vị và các bạn nghe đài.