Báo cáo láo như bịt mắt đi trong đêm
2014.09.11
Bộ Lao động Thương binh Xã hội vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam cập nhật đầu tháng 9/2014 chỉ có 1,84%, tức ở mức thấp nhất thế giới mà những nước phát triển phương tây nằm mơ cũng không thể có. Con số ảo đầy tính khôi hài này nên được hiểu như thế nào.
Những con số khôi hài ...
Trong cuộc phỏng vấn tối 11/9/2014, từ Hà Nội chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định:
"Cả cái đất nước như thế này, hàng trăm nghìn doanh nghiệp bị phá sản trong mấy năm vừa rồi thì làm sao tỷ lệ lao động thất nghiệp chỉ 1,84% được. Các nước như Mỹ, Nhật, Châu Âu nó ở cái số nào chứ làm gì có cái phẩy bao nhiêu. Mình nói như vậy là không biết xấu hổ trong vấn đề báo cáo. Những việc này Nhà nước Việt Nam các vị lãnh đạo nên ngồi suy nghĩ lại đừng đưa ra những con số làm cho cả thế giới người ta cười. Việt Nam cần xem lại vấn đề thông thoáng và trung thực thông tin, chứ còn thông tin như thế thì ai mà nghe cho được.”
VnExpress bản tin trên mạng ngày 10/9/2014 trích lời bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam mô tả tỷ lệ thất nghiệp 1,84% do Bộ Lao động và Thương binh Xã hội đưa ra là “lạc quan tếu”. Bà Hoài Thu nói: “không biết người ta định nghĩa thế nào là thất nghiệp. Nhưng thực tế có rất nhiều người thất nghiệp, lúc nào trên đường phố, quán xá cũng đầy người. Nếu người ta có việc làm thì phải ở trong cơ quan, công sở, nhà máy. Nếu tỷ lệ thất nghiệp thấp như ngành Lao động công bố thì người ngồi la cà quán xá, đi đường trong giờ hành chính chắc không đông đến thế.”
Ông Phạm Thành ở Hà Nội, một nhà báo từng nhiều năm phục vụ truyền thông nhà nước nhận xét về những con số ảo được báo cáo mà trước kia ông gặp hàng ngày khi tác nghiệp báo chí:
Những việc này Nhà nước Việt Nam các vị lãnh đạo nên ngồi suy nghĩ lại đừng đưa ra những con số làm cho cả thế giới người ta cười.
- Chuyên gia Bùi Kiến Thành
"Nó nhờ cơ chế nó lên cho nên nó dốt nát đưa ra con số đó thôi. Bây giờ dân Việt Nam chẳng ai tin con số đó đâu. Trên thực tế ngay trong khu mình cư trú, nếu chịu khó ra chỗ chợ lao động ở trên phố thì thấy dân thất nghiệp ở đó đầy ra. Trước nay ngay những người có bằng cấp đại học mà vẫn thất nghiệp.”
Tờ báo mạng lề trái Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo độc lập mô tả câu chuyện tỷ lệ thất nghiệp 1,84% thấp nhất thế giới là bệnh báo cáo láo. Tác giả bài viết trích lời Ông Nguyễn Bá Thanh trưởng Ban Nội chính Trung ương từng gọi là bệnh ‘báo cáo láo thành quen’.
Nhà báo Phạm Thành đặt vấn đề theo cách riêng của ông:
"Xưa nay cộng sản có bao giờ dựa vào sự thật để làm cái gì đâu, đấy là bản chất của họ. Bây giờ mấy ông chóp bu nhìn nhận vấn đề bằng cảm tính nếu muốn đưa ra chủ trương đường lối chính sách gì là theo ý chí của các ông ấy. Khi mà ý chí của các ông ấy phổ biến ra, thì các bộ phận chức năng phải làm sao đưa ra các số liệu cho nó phù hợp ý chí chủ quan của họ, chứ cộng sản nó có bao giờ nó làm trên con số thực đâu.”
Nếu Việt Nam đề ra chính sách chiến lược phát triển mà dựa trên những số liệu ảo thì đất nước có thể sẽ phải chịu nhiều hệ lụy nguy hiểm. Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh:
“Tất nhiên, mình đưa ra một con số ảo để dựa vào đó làm kế hoạch thì tất cả kế hoạch đều ảo hết thôi. Kế hoạch mà không có con số chính xá thì làm sao mà làm kế hoạch được, vì vậy cho nên chúng ta sống trong thế giới ảo, rồi tự cho mình là ghê gớm lắm. Bởi vậy cho nên có nhiều vấn đề xảy ra, nên kinh tế không có con số chính xác thì làm sao mà làm việc được. Việc này là cả vấn đề, chính sách của nhà nước phải nhìn rõ sự thực, tình hình nó như thế nào. Đừng bịt mắt mà đi trong đêm nguy hiểm lắm, cũng như đang lái xe ban đêm trên đường cao tốc mà tắt đèn đi thì làm sao không gặp sự cố.”
... do bệnh thành tích
Chuyên gia Bùi Kiến Thành nói với chúng tôi là không thể tưởng tượng được từ nhiều thập niên đã qua, cơ quan chức năng của Việt Nam luôn tạo ra những con số hoành tráng và những báo cáo khó tin.
“Đối với nền kinh tế quốc dân của bất cứ nước nào, trọng trách lớn nhất của quản lý nhà nước là làm sao tạo công ăn việc làm cho đất nước mình. Vì vậy cho nên vấn đề là thời gian của người lao động không trở lại, không có gì lãng phí hơn là lãng phí thời gian cuộc sống của người lao động trên đất nước của mình. Mình không nhìn rõ vào sự thực chỉ nhìn con số báo cáo như thế rồi mình cho là thành tích này thành tích nọ, vấn đề đó cực kỳ nguy hiểm. Phải xem rõ sự thực nền kinh tế đất nước như thế nào, số người thất nghiệp ra sao, tại làm sao mà thất nghiệp chứ làm gì có con số 1,8% mà không biết ngượng. Riêng tôi tôi lấy làm xấu hổ cho những con số như thế.”
Báo Đất Việt và Dân Trí điện tử ngày 8/9/2014 trích lời PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng viện Khoa học Lao động và Xã hội biện giải về tỷ lệ thất nghiệp 1,84% mà tổ chức này đưa ra. Theo đó số liệu là do Tổng Cục Thống Kê làm ra và đánh giá thất nghiệp theo tiêu chuẩn chung của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO. Tuy rằng chính ILO thừa nhận cách đánh giá hiện hành không phù hợp với các nước như Việt Nam, vì nền nông nghiệp còn duy trì khối lượng lao động rất lớn. Phó Viện trưởng Nguyễn Bá Ngọc nhấn mạnh rằng, ở các nước công nghiệp phát triển, làm ra làm, thất nghiệp ra thất nghiệp chứ ở Việt Nam là kiểu thất nghiệp nửa vời, không có việc về vẫn tranh thủ làm cái này cái kia.
Tìm hiểu thực trạng Việt Nam, những người không có việc làm vẫn không đói, họ có thể đi câu cá, bắt tép mò cua, làm đủ thứ việc vặt, linh tinh ở khắp nơi và cơ quan chức năng vẫn xem họ là có việc làm? Phải chăng những yếu tố này góp phần tạo nên báo cáo tỷ lệ thất nghiệp 1,84% vừa nêu.
Đáp câu hỏi cách đánh giá thất nghiệp ở phương tây và Việt Nam có gì khác biệt hay không, khi mà nền kinh tế phát triển nhất thế giới là Hoa Kỳ vẫn thường xuyên có tỷ lệ thất nghiệp 6%-7%. Chuyên gia Bùi Kiến Thành phát biểu:
Đừng bịt mắt mà đi trong đêm nguy hiểm lắm, cũng như đang lái xe ban đêm trên đường cao tốc mà tắt đèn đi thì làm sao không gặp sự cố.
- Chuyên gia Bùi Kiến Thành
"Hoàn toàn khác biệt, Việt Nam thất nghiệp 1,84% của cái gì, cơ sở để tính phần trăm đó là cái gì? Điều này chúng ta chưa rõ ràng, bình thường như vậy người ta nói thất nghiệp trong toàn số, dân số của mình bao nhiêu, bao nhiêu ở thôn quê, bao nhiêu ở thành thị, bao nhiêu làm nông nghiệp thì phải nói cho rõ. Những người có việc làm là bao nhiêu, những người mất việc làm là bao nhiêu. Chúng ta không làm việc ấy thành ra cơ sở nào nói 1% hay 10%, cơ sở đó chúng ta không rõ ràng. Cơ sở Bộ Lao động đưa ra là cơ sở ảo không phải cơ sở thật.”
Con số thất nghiệp của Việt Nam là 1,84% như công bố của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trở thành một câu chuyện hài mà chính báo chí lề phải của Việt Nam cũng không bỏ qua. Hồi đầu năm 2014, bà Phạm Thị Hải Chuyền Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng từng báo cáo một con số đẹp, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam là 1,99%.
Bệnh thành tích thâm căn cố đế, thí dụ những con số không trung thực về mức tăng Tổng sản phẩm nội địa GDP của 63 tỉnh thành khi nhập lại thì thường gấp đôi mức tăng GDP của cả nước. Bệnh thành tích, nói láo ăn tiền, báo cáo láo thành quen rất phổ biến ở Việt Nam đến độ người dân chẳng màng quan tâm. Và có lẽ những con số thống kê bịa đặt không chỉ dừng ở chỗ ‘lạc quan tếu’ như phát biểu của bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội về các vấn đề xã hội. Tác hại của nó trong mấy thập niên vừa qua có lẽ không bao giờ có thể tổng kết được.