Cảnh giác Trung Quốc vi phạm chủ quyền tiền tệ

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015.01.09
000_Hkg9612234-622.jpg Tiền nhân dân tệ của Trung Quốc.
AFP

Kiến nghị của phía Trung Quốc muốn thanh toán bằng nhân dân tệ tại Việt Nam thay vì đồng USD được báo chí trong nước phản ánh một cách đầy lo ngại.

Nhiều rủi ro

Báo mạng Một Thế Giới ngày 5/1/2015 trích lời TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc kiến nghị thanh toán bằng Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam chính là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trên đất nước Việt Nam chỉ lưu hành duy nhất một loại tiền là Việt Nam đồng.”

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi thực hiện tối 8/1/2015 từ Hà Nội  TS Lê Đăng Doanh cho biết, Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc đã có đề nghị là căn cứ vào số 15 tỷ USD đã dùng nhân dân tệ để thanh toán cho biên mậu ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc và Hiệp hội đề nghị là sẽ chính thức hóa sự thanh toán đó. Nhưng không dùng tiền mặt nữa mà thông qua ngân hàng và đề nghị cho ngân hàng Trung Quốc đứng ra làm việc chi trả và thanh toán này. Theo lời ông, Việt Nam có thể xem xét vấn đề này bởi vì là chi trả thanh toán qua ngân hàng, nhưng vấn đề ở đây có mấy giác độ cần phải xem xét hết sức thận trọng, TS Lê Đăng Doanh tiếp lời:

Trung Quốc thường hay nói một đàng làm một nẻo, luôn luôn nói rất là ngọt ngào tôi sẽ tôn trọng pháp luật sẽ làm đúng. Nhưng nếu để cho ngân hàng Trung Quốc mà kinh doanh đồng nhân dân tệ ở Việt Nam thì ai có thể bảo đảm là kiểm soát chặt chẽ việc phát hành.
-TS Lê Đăng Doanh

“Một là Việt Nam hiện nay đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc, nếu bây giờ Việt Nam lại thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và bằng nhân dân tệ thì hiện nay Việt Nam chỉ có thể vay và mua của Trung Quốc bằng ngoại tệ mạnh, chứ còn từ các ngân hàng nước ngoài khác chưa có ngân hàng nào sẵn sàng cung ứng nhân dân tệ như một đồng tiền chuyển đổi tự do với một khối lượng lớn như thế. Như vậy các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải kiếm ra ngoại tệ mạnh rồi lại phải chuyển đổi sang đồng nhân dân tệ và như vậy là thêm một khoản phí nữa cũng như thêm cả rủi ro về tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng ngoại tệ mạnh, rồi lại thêm rủi ro nữa về quan hệ giữa đồng ngoại tệ mạnh và nhân dân tệ.

Điều thứ hai nữa là Việt Nam bây giờ đã phụ thuộc nhiều về hàng hóa Trung Quốc rồi bây giờ lại phụ thuộc thêm vào tiền tệ của Trung Quốc nữa thì đấy là điều phải xem xét rất là kỹ lưỡng.

Điều thứ ba điều này rất là quan trọng, tức là Trung Quốc thường hay nói một đàng làm một nẻo, luôn luôn nói rất là ngọt ngào tôi sẽ tôn trọng pháp luật sẽ làm đúng. Nhưng nếu để cho ngân hàng Trung Quốc mà kinh doanh đồng nhân dân tệ ở Việt Nam thì ai có thể bảo đảm là kiểm soát chặt chẽ việc phát hành, việc cho vay hoặc thanh toán đồng nhân dân tệ ở Việt Nam được hay không?”

TS Lê Đăng Doanh lo ngại về khả năng tình trạng ngoại tệ hóa, vàng hóa trong thanh toán sẽ trở lại Việt Nam mà lần này có thể là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Ông nói:

“Nếu như không kiểm soát chặt chẽ, thì đồng nhân dân tệ có thể xuất hiện để thanh toán giống như đồng đô la và vàng từng xuất hiện và là một phương tiện dùng để thanh toán trên thị trường Việt Nam; khi mà lạm phát cao đồng tiền Việt Nam mất giá thì người dân Việt Nam đã mua nhà bằng vàng tính là bao nhiêu cây, hoặc mua ô tô bằng đô la. Thậm chí có những khách sạn đã ghi giá bằng đồng đô la và cũng có những ông Taxi thấy khách nước ngoài thì cũng muốn được thanh toán bằng đồng đô la. May thay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có biện pháp kịp thời hạn chế những thanh toán như vậy, để cho đồng đô la và vàng không còn được tự do lưu hành và lấn át đồng tiền Việt Nam. Vậy nếu như đồng nhân dân tệ xuất hiện thì rõ ràng đấy là sự vi phạm rõ ràng vào chủ quyền tiền tệ của Việt Nam và vi phạm pháp luật ngoại hối của Việt Nam. Cần rất thận trọng về vấn đề này.

Đồng Yên Nhật và Nhân Dân Tệ Trung Quốc, ảnh minh họa chụp trước đây.
Đồng Yên Nhật và Nhân Dân Tệ Trung Quốc, ảnh minh họa chụp trước đây.
AFP

Ngoài ra cần phải nói nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ giữa hai nước. Nếu tôi chấp nhận thanh toán đồng nhân dân tệ của anh thì anh cũng phải chấp nhận thanh toán với anh bằng đồng tiền Việt Nam của tôi. Nếu không có thì đấy là một hành động đơn phương, trong đề nghị của Trung Quốc thì không đả động gì tới việc đó cả. Vậy chúng ta sẽ phải có đàm phán và việc đàm phán này cần phải được tính toán một cách rất là kỹ càng thận trọng xem khả năng giám sát biệc thực thi như thế nào, để tránh cho Việt Nam khỏi bị phụ thuộc thêm, doanh nghiệp lại bị thiệt thòi và chủ quyền Việt Nam về tiền tệ có thể bị xâm phạm.”

Đáp câu hỏi của chúng tôi, một khi chủ quyền tiền tệ bị vi phạm phải chăng có thể dẫn tới những hệ quả lớn hơn rất nhiều. TS Lê Đăng Doanh đáp lời:

“Rõ ràng, nếu như có một đồng tiền thứ hai lưu hành thì chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ bị hạn chế rất nhiều và khối lượng tiền tệ lưu hành trong nền kinh tế cũng không được kiểm soát chặt chẽ; chính sách về lãi suất, về huy động tiền tệ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trên thế giới hiện nay chỉ một số nước như Cuba lưu hành một đồng tiền gọi là đồng CUC là đồng tiền Cuba chuyển đổi song song với đồng Peso. Đấy là một số ít nước người ta lưu hành như vậy, nhưng trường hợp Cuba là họ bị bao vậy cấm vận nên làm việc đó để họ tránh sự lạm phát quá đáng và kiểm soát được ngoại tệ còn đối với Việt Nam thì chắc chắn không thể nào chấp nhận một đồng tiền thứ hai như thế và càng không thể chấp nhận đấy là đồng nhân dân tệ.”

Không có giá trị thanh toán quốc tế

VnExpress bản tin trên mạng ngày 6/1/2015 trích lời ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, tại Việt Nam hiện nay, các ngân hàng và doanh nghiệp chỉ được phép thực hiện thanh toán xuất nhập khẩu bằng các đồng tiền tự do chuyển đổi, có gía trị thanh toán quốc tế như đô la Mỹ, Euro, Yen Nhật hay đô la Singapore… Vẫn theo lời ông Minh, theo nguyên tắc tự do hóa giao dịch vãng lai, các đồng tiền tự do chuyển đổi này cũng mặc nhiên được chấp nhận trong thanh toán của các nước. Trong khi đó, nhân dân tệ là đồng tiền không tự do chuyển đổi, không có giá trị thanh toán quốc tế.

Vừa qua chúng ta đã thấy hiện tượng TQ đề nghị VN cho 1.000 xe du lịch vào VN, rồi đặc khu kinh tế Vũng Áng và gần đây nhất là thành lập Viện Khổng tử ở VN. Tôi cho đó là các thách thức chính trị.
-TS Phạm Chí Dũng

TS kinh tế Phạm Chí Dũng một nhà bình luận độc lập ở Saigon, nói với Đài ACTD là Việt Nam cần cảnh giác cao độ trước các tham vọng của Trung Quốc ông nói:

“Vừa qua chúng ta đã thấy hiện tượng TQ đề nghị VN cho 1.000 xe du lịch vào VN, rồi đặc khu kinh tế Vũng Áng và gần đây nhất là thành lập Viện Khổng tử ở VN. Tôi cho đó là các thách thức chính trị. Cùng với trào lưu mở rộng và xâm lăng về văn hóa, về kinh tế thì chắc chắn bước tiếp theo là TQ sẽ xâm lăng về vấn đề tiền tệ để tìm cách trói buộc nền kinh tế VN. Một lúc nào đó nếu VN không thỏa mãn các thách thức chính trị  thì phía TQ sẽ gia tăng sức ép hơn, kể cả sức ép về quân sự.”

Theo lời TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định trên VnExpress thì việc phía Trung Quốc đề xuất thanh toán trực tiếp bằng nhân dân tệ tại Việt Nam là dễ hiểu, khi Bắc Kinh đang đẩy mạnh quốc tế hóa đồng tiền của mình. TS Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh tới năng lực quản lý thị trường của Việt Nam yếu kém mà hàng hóa Trung Quốc lại có xu thế lấn át các sản phẩm nội địa. Ông cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đồng nhân dân tệ được phép thanh toán rộng rãi ở Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho hàng hóa nước này thâm nhập thị trường nhiều hơn, gây bất lợi cho nền kinh tế.

Theo số liệu chính thức năm 2014, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc lượng hàng hóa hơn 43 tỷ USD, mà chỉ xuất khẩu ngược lại hơn 14 tỷ USD; như vậy Việt Nam nhập siêu với Trung Quốc hơn 28 tỷ USD. Phía Trung Quốc còn cho rằng, thanh toán biên mậu giữa doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2013 đã sử dụng lượng nhân dân tệ tiền mặt trị giá tới 15 tỷ USD.

Câu chuyện Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc đề nghị thanh toán trực tiếp bằng nhân dân tệ tại Việt Nam thật ra không phải là mới mẻ. Năm 2014 họ đã từng đề nghị và bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bác bỏ. Trên thực tế từ năm 1998, Hà Nội và Bắc Kinh đã ký hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới, tới năm 2003 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn ký Hiệp định thanh toán và hợp tác với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Năm 2011 và 2012 Trung Quốc Ngân hàng (Bank of China) đã triển khai thực hiện việc chuyển đổi đồng nhân dân tệ vào Việt Nam hợp pháp thì được đổi sang tiền đồng và ngược lại. Tuy vậy  sau đó Trung Quốc Ngân hàng đã dừng chương trình này với lý do nghiệp vụ chuyển đổi cặp tiền Việt Nam đồng-Nhân dân tệ không hiệu quả.

Lần kiến nghị này dư luận Việt Nam đã tiếp tục phản ứng mạnh mẽ vì không còn niềm tin đối với cách hành xử của Trung Quốc trong mọi lĩnh vực từ kinh tế cho đến an ninh quốc phòng. Tuy vậy quyền quyết định ở trong tay Chính phủ hay nói cách khác ở Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Công luận dù có phản ứng cách nào cũng khó ảnh hưởng tới quyết định sau cùng của Chính phủ, các nhà phản biện độc lập từng khẳng định quan hệ Việt Nam Trung Quốc không phải là quan hệ giữa hai quốc gia như thường thấy trên thế giới, mà là quan hệ giữa hai đảng Cộng sản với nhau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.