Giá cao kỷ lục
Vụ hè thu ở các tỉnh miền tây nam bộ đã thu hoạch xong 2/3 tổng diện tích 1.600.000 ha, sản lượng toàn vụ dự kiến 8-9 triệu tấn lúa, nhưng giá lúa gạo liên tiếp lập đỉnh mới. Nông dân phấn khởi vì lãi lớn từ 60%-70% sau khi trừ chi phí. Tuy vậy các nhà xuất khẩu thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thì thở vắn than dài, vì giá gạo nội địa quá cao ảnh hưởng đầu ra xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa, nhiều doanh nghiệp phải hủy hợp đồng đã ký với giá thấp. Cho tới ngày 24/8 giá lúa thường hạt tròn đạt giá 7.000đ/kg lúa khô hay trên dưới 6.000đ/kg lúa ướt bán ngay tại ruộng.
Những người nông dân đồng bằng sông Cửu Long mà chúng tôi tiếp xúc đều có chung tâm trạng phấn khởi:
“Từ xưa tới giờ chưa khi nào có giá lúa cao như vậy, cao đến mức mình không thể ngờ được!”
Một người trồng lúa vùng Tứ giác Long Xuyên không dấu được niềm vui vì lãi nhiều chưa từng có, trong khi những năm trước luôn xảy ra được mùa mất giá ngay cả chủ trương bảo đảm lãi 30% của chính phủ cũng khó thực hiện.
“Năm nay chi phí phân thuốc lên nhưng ước tính lời cũng phải đến 60%...nếu lời 30% như chủ trương thì không đủ trang trải chi phí đâu căng lắm.”
Ngày 24/8 Tại Hà Nội, liên bộ Công thương và Nông nghiệp Phát triển Nông thôn họp báo để trấn an người dân, sau khi giá gạo thành phẩm tăng lên mức 12.000đ/kg tới 14.000đ/kg tùy loại. Theo VnExpress, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nói trong cuộc họp báo là ‘giá gạo tăng do đầu cơ găm hàng’ và ‘cơn sốt gạo trong nước là tin đồn thất thiệt.’
Từ xưa tới giờ chưa khi nào có giá lúa cao như vậy, cao đến mức mình không thể ngờ được!
Nông dân ĐBSCL
Theo tin này ông Trương Thanh Phong chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, từ đầu tháng đến nay giá gạo tăng đột biến giúp người nông dân được cải thiện đời sống, nhưng gây bất lợi cho người tiêu dùng, nhất là những người công nhân có thu nhập thấp.
Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 10 triệu nông dân trực tiếp làm nông nghiệp, một trong những người trồng lúa ở khu vực này tỏ ra bất bình về việc chủ trương kềm giá lúa gạo.
“Khi giá lúa gạo tăng, Nhà nước sẽ bằng mọi giá bình ổn giá lúa gạo không cho tăng đột biến gây khó khăn cho người nghèo. Thực tế thì chính phủ có nhiều nguồn để giúp cho người nghèo. Hiện tại chính người nông dân vẫn nghèo, chưa khi nào giàu được nhưng mỗi khi giá lúa tăng thì hình như Nhà nước hốt hoảng sợ là sẽ tăng cao quá. Lâu lâu mới có một vụ lúa được giá hợp lý, bây giờ vật giá cái gì cũng tăng hết chứ đâu phải chỉ có giá lúa tăng.
Tôi thấy bây giờ đồng tiền mất giá thì chính người nông dân cũng phải gánh chịu, vật giá tăng chính là người nông dân gánh chịu nặng hơn ai hết. Xét thấy là khi lạm phát vật giá tăng chính phủ điều chỉnh lương cán bộ công nhân viên liên tục, còn nông dân có được hỗ trợ gì đâu.”
Chưa có dấu hiệu sốt giá

Trên Dân Việt trang mạng điện tử của Báo Nông thôn Ngày nay, ngày 21/8 ông Nguyễn Trí Ngọc Cục trưởng Cục trồng trọt nhận định là “giá gạo hiện nay là có lợi cho người nông dân, là điều tốt không việc gì phải kêu là sốt nọ sốt kia. Tại sao cái gì giá cũng tăng, từ điện, xăng dầu đến vật tư phân bón, mà lại bắt người nông dân giữ giá lúa thấp là sao.” Tối 25/8 ông Nguyễn Trí Ngọc phát biểu từ Hà Nội:
“Trước hết phải nói sản xuất năm nay gặp thuận lợi, vì vậy vụ hè thu được mùa được giá, chưa bao giờ lúa hè thu tốt như năm nay, năng suất bình quân trên 5 tấn/ha. Tâm lý của người nông dân thường thường giá cao thì họ cứ trông chờ, họ muốn giá cao hơn nữa. Tôi nghĩ rằng nguồn cung năm nay để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và gạo xuất khẩu của Việt Nam là tốt.”
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Lê Văn Bảnh Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long nhận định rằng, cần thực hiện giải pháp lâu dài kết hợp Nhà nước, Nhà nông, Nhà khoa học và doanh nghiệp để gia tăng chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ lúa gạo từ ruộng lúa cho tới nhà xuất khẩu. Những cơn sốt giá gạo đột biến chỉ là nhất thời người nông dân không thể kỳ vọng giá gạo tăng mãi. TS Lê Văn Bảnh nhấn mạnh:
“Theo chúng tôi nghĩ, lúa gạo một mặt là an ninh lương thực trong nước, xuất khẩu cũng giúp cho an ninh lương thực của thế giới. Mặt hàng lúa gạo có tính chính trị hơn là kinh tế, với nông dân khi giá lúa tăng hơn 6.000đ/kg thì bà con thấy có hiệu quả nhưng nếu giá tăng hơn nữa vì lý do nào đấy thí dụ như bão lụt, thì Nhà nước sẵn sàng ngưng xuất khẩu hoặc tung ra gạo dự trữ quốc gia để ổn định bởi vì vấn đề an sinh xã hội là chủ chốt, nếu người nông dân trông đợi giá lúa lên tới 8.000đ hay 10.000đ/kg thì sẽ không bao giờ có.”
Ngày 20/8 khi giá lúa gạo bắt đầu tăng nhanh so với đầu tháng, Saigon Times Online trích lời ông Diệp Kỉnh Tần Thứ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn nói rằng, nếu có bất cứ dấu hiệu sốt giá gạo nào xuất hiện trên thị trường, Việt Nam sẵn sàng và sẽ mở ngay kho dự trữ gạo quốc gia, hiện ở mức hơn 1 triệu tấn, để làm dịu giá gạo. Trao đổi nhanh với chúng tôi, tối 25/8 từ Hà Nội Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh về việc Việt Nam có lượng gạo dự trữ dồi dào. Ông nói:
“Việt Nam đang thừa gạo, Việt Nam đang tồn trữ 3 triệu tấn gạo chưa kể dự trữ quốc gia, đó là tồn trong sản xuất và lưu thông.”
Nguyên nhân
Trên tất cả các báo mạng như VnExpress, Saigon Tiếp Thị, Pháp luật TP.HCM, Hà Nội mới, Lao Động, hai nhân vật cầm trịch chính sách điều hành xuất khẩu gạo của Việt Nam, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Thành Biên và Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong đã đưa ra nhiều lời giải thích về nguyên nhân gây ra tình trạng biến động thị trường lúa gạo hiện nay.

Ông Biên và ông Phong nói là, giới đầu cơ đã trục lợi nhờ đẩy giá lên, theo đó trong những ngày vừa qua hàng trăm tin nhắn không rõ xuất xứ đã gởi tới rất nhiều doanh nghiệp là Việt Nam đã ký thêm hợp đồng tập trung bán 300.000 ngàn tấn gạo cho Indonesia và 200.000 tấn gạo cho Malaysia. Thực chất đến ngày 24/8 chưa ký thêm bất kỳ hợp đồng tập trung nào.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên và Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho rằng, tin nhắn vừa nêu đã khiến các doanh nghiệp đổ xô mua gạo, do đó thương lái, doanh nghiệp cung ứng, nhà máy xay xát cũng tham gia mua gạo. Tình trạng này đẩy giá lúa của nông dân lên mức 7.000đ/kg lúa thường đã sấy khô, là kỷ lục giá chưa từng có.
Ông Trương Thanh Phong còn xác định là gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã lên tới mức 560 USD/tấn cao hơn 25-30 USD/tấn so với gạo trắng Thái Lan cùng phẩm cấp thành ra khó tiêu thụ. Hơn nữa, thông tin về việc nữ Thủ tướng Thái Lan Yinluck Shinawatra hứa hẹn bảo đảm giá lúa tăng 50% cho nông dân của họ đã tiếp sức cho giá lúa ở Việt Nam tăng cao.
Sau cuộc họp báo ngày 24/8 ở Hà Nội, giá lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long có ảnh hưởng tức thời theo lời một nông dân nói với chúng tôi:
“Giá lúa xuống từ 150đ-200đ/kg, lúa ướt cũng còn 6.000đ-6.100đ nhưng ít người mua, thương lái bị dao động, họ nói với tôi là chưa dám mua lúa họ chờ 4-5 ngày nữa xem giá bình ổn như thế nào, họ sợ giá giảm nữa bị lỗ nên không dám mua.”
Nhà nước sẵn sàng ngưng xuất khẩu hoặc tung ra gạo dự trữ quốc gia để ổn định bởi vì vấn đề an sinh xã hội là chủ chốt, nếu người nông dân trông đợi giá lúa lên tới 8.000đ hay 10.000đ/kg thì sẽ không bao giờ có.
TS Lê Văn Bảnh
Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết tính đến ngày 23/8 tổng lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký là 6,3 triệu tấn, lượng gạo đã giao gần 5 triệu tấn trị giá hơn 2,3 tỷ USD. Kế hoạch trọn năm của Việt Nam là xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khẳng định là từ nay tới hết năm 2011 không thể có sốt giá gạo vì Việt Nam đang thừa gạo, tính chung cả năm 2011 có thể đạt sản lượng lúa 41,6 triệu tấn tăng 1,5 triệu tấn so với năm 2010. Do đó nhu cầu sử dụng trong nước không thể tiêu thụ hết lượng lúa gạo này.
Từ nay tới cuối năm sau hè thu là vụ thu đông và vụ mùa, vụ lúa thứ ba nói chung sẽ cung cấp thêm 3 triệu tấn lúa, nhưng hãng Reuters trích lời một thương gia nói rằng, giá gạo sẽ tiếp tục cao bởi nhu cầu bốc xếp ở cảng rất lớn. Ngày 24/8 giá gạo Thái Lan đã trở về quĩ đạo cũ, gạo 5% tấm là 595 USD/tấn so với 560 USD/tấn của Việt Nam.
Như vậy Việt Nam sẽ vẫn dễ bán gạo trong quí IV, chỉ có điều Hiệp hội Lương thực Việt Nam mong muốn thị trường phải ổn định với một mức giá mà họ nắm chắc phần lời.