Doanh nghiệp và nông dân chịu ảnh hưởng gì về vấn đề này?
Mở nhưng khó
Saigon Giải Phóng Online nhận định xuất khẩu gạo 2011: “Mở nhưng khó”. Tờ báo trích lời ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng năm 2011 sẽ là năm đầy khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, khi sân chơi có thêm nhiều đối thủ nước ngoài. Trước đây, công ty nước ngoài phải liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam để mua gạo xuất khẩu. Ông Chủ tịch VFA nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp Việt Nam phải vay vốn lãi suất 16,5%, so với mức 4,5% ở các công ty nước ngoài.
Cách thức hỗ trợ của nhà nước như thế nào cho phù hợp với những cam kết quốc tế mà vẫn đảm bảo được sự phát triển về sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa gạo.
TS Võ Trí Thành
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, Tiến sĩ Võ Trí Thành Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, một chuyên gia về chính sách hội nhập kinh tế quốc tế cho rằng phải đặt vấn đề xem xét cấu trúc thị trường là thế nào. Nông dân từ xưa đến nay ở nước nào cũng vậy, sức mạnh mặc cả của họ rất yếu, trong chuỗi giá trị thị trường họ nhận giá trị thấp. Ngoài ra thu nhập của họ bấp bênh do thị trường nông sản dao động rất lớn. Mặt tốt là thị trường cạnh tranh hơn sự hiệu quả tốt hơn, nhưng mặt khác trong một thị trường chưa thực sự hoàn hảo, có sự khác biệt cộng với cái không hoàn hảo từ người nông dân sản xuất gạo cho đến những khâu thu mua xay xát, rồi đến người nắm kênh phân phối xuất khẩu. TS Võ Trí Thành nhấn mạnh:
“Có hai mặt của vấn đề, nhưng về dài hạn tôi nghĩ rằng cạnh tranh là một điều kiện tốt, bên cạnh đấy cách thức hỗ trợ của nhà nước như thế nào cho phù hợp với những cam kết quốc tế mà vẫn đảm bảo được sự phát triển về sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa gạo. Nhưng để người nông dân được hưởng lợi tốt hơn thì còn phụ thuộc nhiều vấn đề nữa chứ không đơn thuần là có thêm người tham gia thị trường.”
Mua bán sáp nhập doanh nghiệp

Cùng về vấn đề Việt Nam thực hiện cam kết WTO mở cửa thị trường lúa gạo kể năm nay (2011), Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cảnh báo trên Saigon Times Online ngày 5/1 là sẽ có nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ bị mua, sáp nhập hoặc trở thành chân cung ứng cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo lời ông Trương Thanh Phong, sự bảo hộ ngành lúa gạo chấm dứt từ năm 2011 theo cam kết với WTO. Việt Nam hiện có 264 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhưng thực tế chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp là những nhà xuất khẩu chuyên nghiệp, số hơn 200 còn lại chỉ là những công ty kinh doanh thời vụ, nhỏ lẻ. Từ năng lực thị trường, nguồn vốn khá yếu kém, sẽ chỉ có những doanh nghiệp đủ mạnh mới có thể đương đầu với làn sóng mới này.
Trả lời chúng tôi về khả năng doanh nghiệp nước ngoài tham gia họat động kinh doanh xuất khẩu gạo từ năm nay, ông Nguyễn Trí Ngọc Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn nhận định là Việt Nam sẵn chấp nhận những nội dung đã cam kết theo lộ trình hội nhập kinh tế thế giới. Ông nói:
“Có sự cạnh tranh lành mạnh giữa công ty trong nước và nước ngoài thì chắc chắn người nông dân được hưởng lợi. Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng làm sao đó cho người nông dân có lợi, như vậy họ mới tập trung đầu tư cho sản xuất. Có như vậy mới có năng suất và sản lượng.”
Nếu có nhiều người mua họ sẽ tranh nhau mua, mua sát giá hơn, thực tế là như vậy. Việc chính phủ giảm bớt số lượng nhà thu mua thì đâu có lợi gì cho nông dân tụi tui.
Nông dân ĐBSCL
Khá lâu trước khi Việt Nam thực hiện cam kết WTO về mở cửa thị trường lúa gạo, TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ nhận định trên Thời Báo Kinh Tế Việt Nam rằng, về vĩ mô chính phủ sẽ có một số biện pháp để ngăn chặn, vì bất cứ quốc gia nào cũng có rào chắn để giảm bớt những tổn thương của nền kinh tế trong nước. Theo ông, một lượng vừa phải công ty nước ngoài tham gia hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ giúp ích cho nông dân, doanh nhân nước ngoài sẽ mang tới những kỹ thuật mới trong quản lý và như vậy họ sẽ mua lúa với giá phải chăng và bán ra tốt hơn. TS Võ Hùng Dũng từng có ý kiến là các công ty quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu gạo có tính bảo thủ cực kỳ cao. Theo ông thị trường lương thực cần có tính cạnh tranh hơn, bớt độc quyền nông dân sẽ dễ thở hơn.
Xuất khẩu có điều kiện
Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu 6,8 triệu tấn gạo trị giá hơn 3 tỷ USD, các Tổng công ty lương thực nhà nước chi phối 60% kim ngạch vừa nêu. Chính phủ Việt Nam cho thấy đã có chuẩn bị trước về làn sóng đổ bộ của các nhà xuất khẩu gạo quốc tế.

Có ý kiến cho rằng đây là lý do chính của việc đặt hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo vào danh mục có điều kiện kể từ 1/1/2011. Tất cả các doanh nghiệp liên quan tới xuất khẩu gạo sẽ phải đăng ký lại, doanh nghiệp phải có kho trữ tối thiểu 5.000 tấn gạo, có cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ. Ngoài những điều kiện nói trên, doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn phải dự trữ lưu thông thường xuyên 10% lượng gạo xuất khẩu, có nghĩa phải chôn vốn khá lớn. Thí dụ xuất 5.000 tấn gạo thì phải lưu kho 500 tấn. Những điều kiện hết sức khó khăn này sẽ loại bỏ không dưới 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm 2011. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước có ân hạn 9 tháng để chuẩn bị hoạt động theo qui định mới, còn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sẽ phải hội đủ các điều kiện ngay từ khi đăng ký.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc nhận định:
“Những ai kinh doanh xuất nhập khẩu gạo ở Việt Nam sẽ phải tuân theo luật pháp và qui định hiện hành. Tôi cho rằng luật pháp và qui định hiện hành sẽ tạo điều kiện bình đẳng cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này.”
Khi nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo mới ban hành, thông tin trong nước chưa chú ý nhiều về khía cạnh Nhà nước đặt ra những điều kiện hợp pháp, để vừa sàng lọc nhà xuất khẩu trong nước cùng lúc giới hạn doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp tham gia xuất khẩu gạo theo lộ trình WTO. Người nông dân thành phần dễ bị tổn thương nhất đối với sự chao đảo của thị trường, khó quên những năm được mùa mà lúa ế. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
“Thí dụ tôi đang bán món hàng này, nếu có nhiều người mua họ sẽ tranh nhau mua, mua sát giá hơn, thực tế là như vậy. Việc chính phủ giảm bớt số lượng nhà thu mua thì đâu có lợi gì cho nông dân tụi tui.”
Chắc hẳn phải mất một thời gian mới thấy được lợi ích cho nông dân khi Việt Nam mở cửa thị trường lúa gạo, các chuyên gia cho rằng hãy bình tâm theo dõi việc hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam bị mua, bị sáp nhập bởi nhà đầu tư nước ngoài. Dù sao 70% thị phần xuất khẩu gạo hiện nay đang ở trong tay 11 đại doanh nghiệp trong đó lớn nhất là hai Tổng công ty lương thực quốc doanh. Chính phủ Việt Nam vẫn giữ trong tay những con ách chủ bài. Qua sự mở cửa thị trường, hy vọng ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam sẽ thay đổi diện mạo với sự đầu tư sâu vào công nghệ sau thu hoạch và phương thức sản xuất tập trung.
Theo dòng thời sự:
- Ai được lợi khi siết hoạt động xuất khẩu gạo
- Việt Nam xuất khẩu được hơn 6 triệu tấn gạo / 11 tháng
- Nông nghiệp không hấp dẫn nhà hoạch định chính sách
- Đồng bằng Sông Cửu Long: Khi nước lũ không về
- Phương pháp làm ruộng ít nước mà tăng sản lượng
- Lũ lụt miền Trung không ảnh hưởng xuất khẩu gạo
- Sốt gạo thế giới, Việt Nam được lợi?
- Indonesia phải nhập khẩu gạo vì thiên tai
- Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo nhưng giá không cao
- Việt Nam có thể xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo năm 2010