Quản lý và bảo tồn Vườn Quốc Gia

Vườn quốc gia là nơi có hệ sinh thái phong phú, có nhiều loại động thực vật quí hiếm với nguy cơ tuyệt chủng cao cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Việt Nam hiện có ba chục khu được công nhận là Vườn Quốc Gia.
Gia Minh, phóng viên RFA
2010.01.18
Cá sấu ở Hà Tiên Cá sấu ở Hà Tiên
Photo: RFA

Bảo tồn thiên nhiên

Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ bàng, Vườn Quốc gia Bạch Mã, Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên… đang được bảo tồn như thế nào trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam?

Với tư cách giám đốc vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát, tỉnh Tây Ninh, chuyên gia Nguyễn Đình Xuân cho biết công tác bảo tồn, duy trì và phát triển một khu vực rừng tự nhiên:

“Nếu muốn quản lý tốt một khu bảo tồn thiên nhiên, việc đầu tiên là phải hạn chế những hoạt động xảy ra bên trong hoặc bên ngoài mà có tác động vào khu vực vườn. Chúng tôi thường xuyên đối mặt với những hoạt động như săn bắt, bẫy động vật hoang dã, khai thác gỗ, khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ: các loại dược liệu, dây leo…

Sau khi giữ được một hệ sinh thái tương đối ổn định mới có thể nghĩ đến việc khác như tổ chức du lịch sinh thái, hoặc có thể can thiệp vào quá trình tự nhiên như làm giàu rừng thêm, bảo vệ những loài động vật quí hiếm để sau này con cháu chúng ta còn có thể nhìn thấy những loài đó.”

Sau khi giữ được một hệ sinh thái tương đối ổn định mới có thể nghĩ đến việc khác như tổ chức du lịch sinh thái, hoặc có thể can thiệp vào quá trình tự nhiên.
Ông Nguyễn Đình Xuân

Gia Minh: Lý thuyết là như thế, nhưng trong thực tế thì kết quả cụ thể tại Vườn Quốc gia Lò Gò- Xa Mát ra sao?

Ông Nguyễn Đình Xuân: “Có thể nói chúng tôi quản lý khu này cho đến lúc này khá tốt. Mặc dù còn không ít khó khăn: Tây Ninh là tỉnh có chừng 30 kilômét biên giới giáp với phía Kampuchia, từ đó có những người dân từ bên kia biên giới sang khai thác những sản phẩm của rừng, săn bắt động vật hoang dã.

Về vấn đề này chúng tôi đã kết hợp với chính quyền và lực lượng biên phòng Kampuchia trong hoạt động tuần tra, từ đó có hạn chế được nhiều. Đối với người dân Việt Nam, thì nay phần đông đã có nghề nghiệp ổn định nên việc vào rừng kiếm ăn cũng hạn chế lại. Đồng thời chúng tôi có những biện pháp ngăn chặn từ xa như can thiệp vào việc mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản trên thị trường khiến cho lợi nhuận từ những sản phẩm lấy từ rừng ra để mua bán cũng thấp đi. Tuy vậy, cũng phải thừa nhận một khó khăn trong việc bảo vệ.

Dù người dân đã có công ăn việc làm, nhưng họ vẫn còn nghèo nên có nhiều hộ dân phải sống phụ thuộc vào rừng. Trong thời gian tới, chúng tôi phải kết hợp với chính quyền địa phương giúp sao cho cuộc sống của họ tốt hơn, với hy vọng khi cuộc sống họ tốt hơn thì hạn chế được những hành động phạm pháp đối với rừng.”

Gia Minh: Vấn đề kết hợp, chia xẻ trong quản lý giữa các khu Vườn quốc gia tại Việt Nam ra sao?

Ông Nguyễn Đình Xuân: “Tôi biết nhiều khu vườn quốc gia tại Việt Nam đang bị xâm phạm bằng cách này hay cách khác. Như tôi đã nói cần phải giữ cho được tính ổn định và bảo tồn nguyên vẹn những hệ sinh thái đó để giữ cho những thế hệ sau này nữa. Tuy nhiên đời sống người dân còn khó khăn.

Hiện nay có nhu cầu lớn chuyển đổi những khu đất rừng sang làm những việc khác mà người ta cho có hiệu quả hơn như trồng cao su, cà phê, làm thủy điện. Những việc này hằng ngày, hằng giờ tác động vào khu rừng. Thật ra, nhiều người dân và chính quyền địa phương tại nhiều nơi chưa ý thức hết được giá trị của những khu vườn quốc gia, và các khu rừng nói chung.

Họ xem đó là tài nguyên, và là nguồn lợi để khai thác phục vụ mục tiêu trước mắt, thay vì giữ gìn để bảo vệ vùng hạ nguồn, và cho mục tiêu lâu dài.

Thu nhập chính đáng từ rừng hiện nay rất thấp. Đơn cử Hiệp ước Kyoto có qui định nếu giúp hấp thụ được khí CO2, thì theo nguyên tắc những nơi thải ra khí này phải giúp lại kinh phí cho những người bảo vệ rừng. Tuy vậy đến nay như Vườn Quốc gia chúng tôi chưa nhận được đồng nào từ Hiệp ước này.

Hoặc về lý thuyết những nhà máy thủy điện, những nhà máy cung cấp nước, những khu công nghiệp ở hạ nguồn phải trả phí cho những đơn bị bảo vệ rừng và duy trì nguồn nước; nhưng rất ít nơi thực hiện.

Nhu cầu giữ rừng tại Việt Nam hiện nay là phải giữ trên 2 triệu hécta rừng đặc dụng và chừng 6 triệu héc ta rừng phòng hộ.”  

Lợi bất cập hại

Gia Minh: Chính sách chung để giải quyết mâu thuẫn giữa việc duy trì các khu sinh thái, khu vườn quốc gia… và phát triển kinh tế thế nào?

Ông Nguyễn Đình Xuân: "Việt Nam là quốc gia nghèo và mong muốn mau chóng vượt qua giai đoạn khó khăn, mau chóng trở thành nước phát triển. Muốn vậy thì Việt Nam phải chấp nhận trả giá cho một số hành động. Tuy vậy vấn đề này đang được đưa ra thảo luận. Nếu Việt Nam đưa ra những chính sách có lợi trước mắt, sẽ gặp nguy cơ về lâu dài. Có những chính sách có lợi cho vùng này, nếu không chú ý sẽ gây hại cho vùng khác.

Nếu Việt Nam đưa ra những chính sách có lợi trước mắt, sẽ gặp nguy cơ về lâu dài. Có những chính sách có lợi cho vùng này, nếu không chú ý sẽ gây hại cho vùng khác.
Ông Nguyễn Đình Xuân

Việc tìm ra giải pháp tối ưu cũng đang được thảo luận rất kỹ. Vừa rồi, Quốc hội Việt Nam có thảo luận, và bản thân tôi có chất vấn trực tiếp thủ tướng: giữa nhiều mục tiêu về môi trường và việc phát triển cây công nghiệp ( cao su, cà phê…), việc bảo tồn văn hóa ở thượng nguồn, việc chống hạn- chống lũ cho vùng hạ lưu… đâu là mục tiêu ưu tiên khi không thể cùng đạt những mục tiêu cùng một lúc?

Câu trả lời thực ra chưa thuyết phục; tuy nhiên chúng tôi đang tìm kiếm giải pháp có thể dung hòa những mục tiêu đó với nhau. Theo tôi mục tiêu bảo đảm cuộc sống người dân ở các đô thị hạ nguồn sẽ được ưu tiên, sau đó mới tính đến những mục tiêu về kinh tế khác."

Cưỡi voi ở Buôn Mê Thuột
Cưỡi voi ở Buôn Mê Thuột
Photo: RFA
Gia Minh: Như vậy, những tác hại xảy đến sẽ cao hơn điều đạt được?

Ông Nguyễn Đình Xuân: "Muốn đánh giá cụ thể cần có những kiểm toán về môi trường thật rõ ràng. Nếu chỉ nhìn từ một góc độ, có thể nghĩ rằng lợi ích kinh tế như kết quả xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng chừng 1-2% GDP là lợi ích to lớn. Nhưng nguy cơ sự cạn kiệt đa dạng sinh học không thể tính bằng tiền được. Người ta không thể tính toán việc để tuyệt chủng những loài như hổ, gấu, tê giác… tại Việt Nam đã và sẽ tổng cộng là bao nhiêu đô la.

Sự hiện diện của những loài quí hiếm là vô giá, rồi sinh mạng của người dân ở hạ nguồn không có giá nào có thể đánh đổi được cả. Phải làm sao giữ được những điều đó bằng mọi giá, tôi không chấp nhận hy sinh những thứ vô giá đó để đổi lấy những giá trị kinh tế ngắn hạn."

Gia Minh: Ông đưa ra như thế nhưng vì sao tại Việt Nam lại không đưa lên ưu tiên?

Ông Nguyễn Đình Xuân: "Ở đâu cũng có khoảng cách về nhận thức và hành động. Khi hỏi một người Việt Nam : rừng và đa dạng sinh học quí không? Tôi nghĩ 99% sẽ trả lời rất quí, rất cần. Khi đi vào thực tế cần làm gì, có chấp nhận chi một nguồn ngân sách đáng kể, nguồn nhân lực đáng kể và chấp nhận hy sinh một vài công trình dự án, câu trả lời có thể sẽ rất khác nhau kể cả từ người dân và những người làm ra chính sách. Có người cho rằng chúng ta đang nghèo, phải chấp nhận hy sinh, ngay cả những nước đã phát triển cũng đã trải qua giai đoạn đó.

Nhiều người đều thấy là giá trả cho việc phá hoại môi trường không rẻ. Tuy nhiên tác động về môi trường khó có thể nhận biết ngay. Dù vậy, ở Việt Nam những trận lũ lụt, bão số 9, bão số 11 vừa qua cũng là những cảnh tỉnh. Người ta thấy hậu quả từ biến đổi khí hậu … không phải 50 năm nữa, mà hậu quả đang đến rất nhanh.

Ngoài những tác động do tự nhiên thì chính hoạt động phá rừng của chính con người, xây dựng thủy điện không khoa học, không kết hợp được các mục tiêu khi giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội …

Rất nhiều cuộc thảo luận được tiến hành để hạn chế tác động của thiên tai và có những phát triển tốt hơn trong tương lai. Việt Nam có đề ra mục tiêu phát triển bền vững: đảm bảo phát triển kinh tế đồng thời giữ môi trường, và xã hội."

Gia Minh: Có những yếu tố về con người, và sẽ thay đổi, vậy hướng thay đổi ưu tiên là gì?

Ông Nguyễn Đình Xuân: "Một trong những ưu tiên hàng đầu là chính phủ cam kết rà soát lại toàn bộ qui hoạch thủy điện; trong số này có những dự án đã làm và những dự án chưa làm. Tất cả đều được xem xét lại. trong đợt họp quốc hội vừa rồi có 10 dự án thủy điện bị đình lại: 9 dự án ở Quảng Nam và 1 dự án tại Quảng Trị.Mục đích để không gây hại cho hạ nguồn.

Về chính sách bảo vệ rừng cũng có thay đổi theo hướng xiết chặt hơn. Trước đây cho chuyển đổi một cách dễ dàng những diện tích rừng được đánh giá nghèo (nhưng thực ra không nghèo bởi có hằng trăm mét khối gỗ trên một héc ta) chuyển sang trồng cao su. Sau khi có những tác động mạnh từ phía quốc hội, cũng như rà soát lại các văn bản pháp luật, thì hoạt động chuyển đổi rừng đang được xem xét. Mọi việc đang có thay đổi theo chiều hướng tốt."

Gia Minh: Cám ơn ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.