Giải pháp cho tình trạng ngập úng đô thị Việt Nam?

Tình trạng ngập úng tại những thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... gây ra bao phiền toái cho người dân cũng như dẫn đến tình trạng ô nhiễm do nước lưu cữu chứa đủ mọi thứ chất thải.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010.08.09
Ngập nước sau cơn mưa ở Hà Nội, ảnh chụp năm 2010. Ngập nước sau cơn mưa ở Hà Nội, ảnh chụp năm 2010.
Photo courtesy of VietNamNet

Cơ quan chức năng Việt Nam từ các bộ ở trung ương cho đến chính quyền địa phương đều đưa ra nhiều kế hoạch khai thông, chống úng ngập cho địa phương của họ. Thế nhưng các kế hoạch đó mang tính khả thi thế nào? Chúng được triển khai thực hiện ra sao?

Đây là những vấn đề chúng tôi xin được nêu lại trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này.

Đến hẹn lại ngập

Như chuyện đến hẹn lại lên, mỗi khi triều cường, mưa xuống nhiều, người dân thành phố Hồ Chí Minh lại phải chịu cảnh bì bõm lội trong dòng nước đen ngòm, lềnh bềnh rác rưởi, váng dầu...

Thành phố có tổ chức trung tâm chống ngập; tuy nhiên không có tiến triển gì. Chưa đến trung tâm mùa mưa mà tình hình không suy giảm, nhiều điểm mới tăng lên.

GS Lê Huy Bá

Cứ mỗi lần thế họ lại nghe báo chí truyền thông tả cảnh khổ sở của người dân bị nước bẩn hành hạ thế nào. Cư dân thành phố từng được nghe đến các cơ quan được lập ra để đối phó với tình trạng đó như ban điều hành chống ngập, ban phụ trách cải thiện tiêu nước nội thành.

Tuy nhiên nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thành phố vẫn ngập nước mỗi khi có triều cường hay mưa lớn được giáo sư Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, thuộc Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra, là tầm nhìn trong giải quyết tình trạng úng ngập ở các thành phố lớn ở Việt Nam:

Không bi quan lắm thì thấy thành phố có tổ chức trung tâm chống ngập; tuy nhiên không có tiến triển gì. Chưa đến trung tâm mùa mưa mà tình hình không suy giảm, nhiều điểm mới tăng lên.

Trên bài viết của tôi đăng trên tạp chí Người Quản lý có nêu ra 17-18 nguyên nhân cho tình trạng đó. Tuy nhiên vắn gọn, nguyên nhân chủ yếu do không có tầm nhìn vĩ mô khi cứ phát triển đô thị về phía nam vùng đầm lầy, rồi chiếm hết những vùng phía nam trước đây là nơi được sử dụng để điều hòa nước tự nhiên. Trong khi đó không mở lên phía bắc mà cứ dồn về phía nam. Như thế hướng vĩ mô sai.”

Lâu nay để đối phó với chuyện triều cường dâng nước gây ngập úng, nhiều khu vực tại thành phố Hồ Chí Minh đắp đê bao để chặn nước vào. Tuy nhiên theo kỹ sư thủy lợi cao cấp Phan Khánh, thuộc Hội Thủy Lợi thành phố Hồ Chí Minh thì hệ thống đê bao ở thành phố này có vấn đề như sau:

Ngập nước tại TPHCM, ảnh chụp năm 2009. Photo courtesy of hcmc.gov.vn
Ngập nước tại TPHCM, ảnh chụp năm 2009. Photo courtesy of hcmc.gov.vn
Hệ thống bờ bao của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay rất loạn, cứ đụng vào là vỡ bởi không phải đê cũng không phải bờ. Nông dân lâu nay vét đất lên đắp, nay qui cho phường cho huyện. Chúng tôi, giới khoa học, rất muốn giúp cho họ làm nên những đê bao kiên cố, không vỡ. Tuy nhiên, điều này tôi không nhắm vào ai cụ thể, thế nhưng lãnh đạo địa phương mong hằng năm cứ vỡ, có thế mới có kinh phí mà tiêu cực.

Nếu chúng tôi qui hoạch lại, thì đê bao sẽ vĩnh viễn không vỡ. Tùy nơi có thể làm bằng đất đắp, có nơi có thể làm tường bê tông, có nơi có thể làm đập…

Tình trạng nơi nào cũng có hiện nay là do bê tông hóa và nhựa hóa hầu như hết, nên khi nước xuống chảy thành dòng, thì không thể thấm bớt một phần. Các hồ giúp tiêu tức thời nay cũng bị san lấp hết rồi, từ đó nước ngập đường phố thôi. Có người đề nghị xây hồ trữ tức thời nhưng đó là dự án phiêu lưu, không làm được.

Úng ngập hiện nay là do con người sinh ra.”

Cần một nhạc trưởng

Họ đặt các nhà khoa học trước một sự việc đã rồi, đó là đắp đê. Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam là đắp đê với ba tầng: đê ngoài, đê giữa và đê trong.

GS Lê Huy Bá

Lâu nay trước tình trạng úng ngập đó, nhiều người cho rằng thiếu một nhạc trưởng chỉ đạo công tác lớn lao này. Tuy nhiên Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đã vào cuộc và đưa ra dự án xây dựng hệ thống đê và cống vừa ngăn triều cường, giúp thoát nước đồng thời phòng chống tác động do biến đổi khí hậu trái đất gây nên.

Đối với kế hoạch đó của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn thì giáo sư Lê Huy Bá hầu như bác bỏ với những lý do sau:

Họ đặt các nhà khoa học trước một sự việc đã rồi, đó là đắp đê. Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam là đắp đê với ba tầng: đê ngoài, đê giữa và đê trong. Tôi đã yêu cầu trả lời 10 câu hỏi liên quan kế hoạch này, nhưng không được trả lời. Ví dụ như lấy đất đâu để đắp, còn nếu đắp bằng bê tông và vật liệu mới thì kinh phí đâu ra để chi phí lớn đến thế. Ngoài ra có những chỗ sâu xuống 40-50 mét vẫn là bùn lầy , vẫn là đất không có nền thì xử lý thế nào; có thể làm đê kết hợp với cống chảy một chiều được không; mà nếu không làm được thế sẽ rất nguy hiểm: đắp mà không cho nước dồn ra được thì nước ngập nội địa, nước mưa, rồi nước từ hướng tây- bắc dồn xuống (hướng chảy của Việt Nam theo là hướng tây bắc - đông nam), tất cả đọng lại và làm ngập nữa.

Ngập nước sau cơn mưa ở bến xe Mỹ Đình - Hà Nội, ảnh chụp năm 2010. Photo courtesy of VietNamNet
Ngập nước sau cơn mưa ở bến xe Mỹ Đình - Hà Nội, ảnh chụp năm 2010. Photo courtesy of VietNamNet
Dự án đắp đê là hơi vội vàng và chưa nghiên cứu thật chuẩn xác: Ví dụ người ta muốn đặt một cống điều tiết tại rạch Nhà Bè với van một chiều và cống sâu 20 mét nhưng vẫn không đặt được. Như thế có đủ tiềm lực để làm hay không? Thay vì nó nên ‘tránh tự nhiên’, lợi dụng thiên nhiên một cách tối đa, phát triển và ở nơi cao, còn chỗ lầy trũng để làm chuyện khác…

Tuy vậy, người ta vẫn cứ tiến ra phía biển một cách ‘máy móc’ Tiến ra biển không phải đi vào vùng lầy, xuống vùng ven biển để xây nhà cửa…”

Tuy nhiên kỹ sư thủy lợi cao cấp Phan Khánh lại ủng hộ và tỏ ra tin tưởng:

Qui hoạch chống úng triệt để mà thủ tướng Việt Nam duyệt, tôi nhìn thấy triển vọng có thể thực hiện được. Tuy nhiên quá trình diễn biến tôi không chắc; không biết sau này người ta có theo đúng hay làm khác đi.

Đối với người tin tưởng vào kế hoạch chống ngập úng cho thành phố Hồ Chí Minh của Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn như kỹ sư thủy lợi cao cấp Phan Khánh, thì đến năm 2025 tình trạng ngập úng như hiện nay sẽ được giải quyết; nhưng ông cũng nêu ra điều kiện là việc triển khai thực hiện phải thật tốt chứ không như hiện nay.

Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới, cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Gia Minh chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.