Nhật ký sông Mêkông (phần 3): Địa phận Thái Lan
2010.03.08
Loài cá tra khổng lồ
Hiện chúng tôi đang có mặt tại Chiang Khoang, trò chuyện cùng những thành viên của một hợp tác xã đánh cá địa phương, và đây là một trong những nhóm còn lại chuyên đánh bắt cá tra Sông Mê kông hằng năm.
Những thành viên của hợp tác xã này tự mệnh danh là những Người yêu Dòng sông Mê kông. Họ cho biết:
Những con cá lớn mà chúng tôi bắt được hiện không thấy ở khu này nữa. Tôi đã từng bắt được một con nặng đến 250 kilôgram, ngay chỗ này của Sông Khong. Quanh khu vực này cũng có thể có, nhưng vị trí này là tốt nhất bởi xung quanh không có đá, không có cây gỗ trôi, không có vật cản nào hết. Tổ tiên chúng tôi từng tin rằng nếu ăn được cá tra khổng lồ thì sẽ sống đến cả 10 ngàn năm tuổi.
Cả những ngư dân và các nhà bảo tồn đều đồng ý với nhau là gần đây số lượng cá tra khổng lồ đã giảm đi một cách đáng kể.
Chính những đổi thay về mực nước dòng sông góp phần vào tình trạng suy giảm loài cá này. Khi nước sông dâng lên một cách bình thường thì cá sẽ đẻ trứng một cách bình thường. Nước sông lên xuống thất thường thì cá sẽ không đẻ trứng nữa.
Người dân địa phương
Vào năm 2004, Liên Minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới, WCU, đưa loài cá tra khổng lồ Sông Mê Kông vào loại cận kề nguy cơ tuyệt chủng.
Những người dân đánh cá địa phương nói tiếp:
Trước đây số người đánh bắt cá tra khổng lồ không nhiều, trong mỗi chuyến đi đánh các như thế chúng tôi không thấy có mấy thuyền cùng nghề. Gần đây cứ mỗi năm tại làng này có thêm chừng bốn năm thuyền làm nghề bắt loại cá tra khổng lồ này. Trước đây cả làng có chừng 50- 60 chiếc.
Một số các nhà bảo tồn thiên nhiên cho rằng việc đánh bắt quá mức là nguyên nhân khiến số lượng cá tra khổng lồ trên Sông Mê Kông giảm đi. Họ cho rằng những thay đổi trên thượng nguồn không có mấy tác động đến nơi sinh đẻ của loài cá này.
Trong khi đó thì những người dân địa phương tự nhận là Người yêu Sông Mê Kông lại không đồng ý như thế, mà cho rằng chính tình trạng phá đá trên sông và thay đổi thất thường của mực nước khiến cho cá tra khổng lồ giảm sút đi. Những hiện tượng vừa nói lại do các đập nước ở thượng nguồn Trung Quốc gây nên.
Những người dân địa phương cho thấy chương trình nuôi cấy của họ là cách thức duy nhất giúp duy trì tương lai cho loài cá tra khổng lồ Mê Kông. Họ nói:
Chính những đổi thay về mực nước dòng sông góp phần vào tình trạng suy giảm loài cá này. Theo tự nhiên, khi nước sông dâng lên một cách bình thường thì cá sẽ đẻ trứng một cách bình thường. Tuy nhiên, khi nước sông lên xuống thất thường không đoán trước được thì cá sẽ không đẻ trứng nữa.
Chúng tôi bắt cá đem về, thụ tinh cho cá đẻ, sau đó thả lại sông tất cả 48 ngàn con. Số cá này từ những con dài chỉ 10 phân cho đến những con nặng tới cả chục ký.
Tình hình xây đập trên thượng nguồn dòng sông là nguyên cớ cho nỗi khiếp đảm của người dân địa phương. Tình trạng khởi sự ập đến từ năm 1996, vào khi dân Chiang Khong một hôm thức giấc dậy thấy dòng sông cạn nước. Đó chính là năm đập thủy điện đầu tiên trên chính dòng Mê Kông, Đập Mạn Loan, bên Trung Quốc được đưa vào hoạt động.
Những Người Yêu Sông Mêkông kể cho chúng tôi nghe rằng
dòng chảy của sông trở nên bất thường, như hồi năm 2008 những trận lụt tệ hại
nhất trong cả thế kỷ đã xảy ra.
Nếu như mọi chuyện diễn tiến theo hướng mà Trung Quốc vạch ra từ đầu, thì Thái Lan sẽ trở nên một trạm vận chuyển hàng hóa…
Ông Mitti Yaparist
Những người dân đánh cá địa phương cho biết:
Vào năm 2008 lụt đến quá bất ngờ, chúng tôi không kịp vận chuyển mọi thứ. Tất cả đều bị nước cuốn trôi, cả ruộng ngô cũng bị cuốn đi. Hồ của đập đâu có thể chứa hết nước. Trước đây, dòng sông nước chảy tự nhiên không có vấn đề gì xảy ra. Lúc đó chúng tôi có thể xem được nước dâng lên, và rồi di chuyển trước đó ba bốn ngày. Trước đây, nước lên xuống bình thường; nay nước dâng quá đột ngột.
Dòng Mêkông đã vào giai đoạn của những đổi thay không thể nào xoay chuyển được, khi những đập thủy điện được lên kế hoạch xây dựng cả bên trên và bên dưới những nơi sinh đẻ của loài cá tra khổng lồ.
Dường như không chắc gì cuộc sống của loài cá đặc biệt này và những người đánh bắt chúng sẽ không bị thay đổi.
Dân chài địa phương nói tiếp:
Chúng tôi có những nỗi niềm. Niềm yêu thương bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cũng yêu làng mạc và lối sống của mình. Đây là lẽ sống của chúng tôi; từ khi còn bé chúng tôi đã làm nghề này rồi.
Khu Tam giác Vàng
Cũng tương tự nhiều khu từng một thời mang tai mang tiếng khác, người ta có thể đến khu Tam giác Vàng của thế kỷ 21 bằng xe buýt du lịch, trong một chiếc áo thun.
Tại nơi này đang xuất hiện một dạng mới thực dân kinh tế của Trung Quốc. Một biểu tượng rõ nét nhất của hoạt động đầu tư là một mái vòm vàng của sòng bài nhô cao lên từ phía bờ sông thuộc địa phận nước Lào.
Ông Mitti Yaparist, một giáo viên và là thành viên của nhóm bảo tồn thiên nhiên địa phương, cho chúng tôi biết:
Có một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc đến Chiang Saen với mong muốn thiết lập nên một lãnh địa công nghiệp. Sau đó, sòng bài được xây dựng phía bên Lào, nằm đối diện với Chiang Saen. Và theo hiệp định mậu dịch tự do Thái Lan - Trung Quốc, Chang Saen được phát triển thành một cảng vận chuyển giữa hai nước Thái và Trung Quốc.
Bên phía bờ Miến Điện là Phức hợp Thiên Đàng cực lớn, trong đó có sòng bài Win Win Win. Phức hợp Thiên Đàng này sẽ chẳng bao lâu nữa phủ sang bờ phía Lào, trở thành trung tâm điểm của một khu kinh tế đặc biệt rộng 20 kilômét, và một cụm công- nông nghiệp.
Những dân làng người Lào bị di dời do dự án phát triển sòng bài này không dám nói chuyện cùng chúng tôi vì quá sợ.
Tuy nhiên, dân bên bờ phía Thái Lan thì tỏ rõ nghi ngờ của họ về những mối lợi sẽ có được khi mà vùng sẽ trở nên một khu phi thuế quan của Hoa Lục.
Ông Mitti cho biết tiếp:
Khi sòng bài mới xây xong, họ thuê người Lào vào làm việc tại đó. Nhưng về sau, họ sa thải nhân viên Lào để tuyển người Hoa, với lý do nhân viên Lào không phù hợp với loại công việc tại đó. Và như thế khu vực sẽ trở nên một lãnh địa mới dành cho người Trung Quốc. Toàn bộ sẽ là người Trung Quốc ở đó.
Dòng sông Mêkông đã bị biến chuyển theo chiến lược thương mại của Trung Quốc. Hồi đầu thập niên này, trong giai đoạn một của Dự án Thông thủy Mêkông, dòng chảy xiết nguy hiểm, với bao đá tảng ở khu vực nam Trung Quốc và Thái Lan được phá đi giúp thông thương cho các loại tàu phà lớn qua lại.
Đối với những cư dân địa phương từng thuộc nằm lòng những nơi nước xiết, những bãi và đảo đá là nơi cư trú từng mùa cho cá sông thì dự án đó gây tác động dữ dội cho nguồn đánh bắt của họ.
Một dân chuyên nghề đánh cá ở sông cho biết:
Ở đây từng có nhiều loài cá khác nhau, nhưng nay không còn nữa. Hệ sinh thái đã thay đổi, không còn như xưa nữa.
Trong khi có thể bao hệ quả dữ dội có thể xảy đến cho cư dân địa phương, hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Khu Tam Giác Vàng không chỉ dừng tại đó mà còn nhắm sử dụng Sông Mêkông như là lối vươn ra những thị trường quốc tế.
Ông Mitti nói tiếp:
Nếu như mọi chuyện diễn tiến theo hướng mà Trung Quốc vạch ra từ đầu, thì Thái Lan sẽ trở nên một trạm vận chuyển hàng hóa… Đó là nơi hàng hóa Trung Quốc sẽ đổ vào Thái Lan trước khi chúng được chuyển đi bán ở những quốc gia khác.
Và một ngư dân sống gần khu Cảng trình bày:
Mọi chuyện diễn ra cả ngày. Tàu thuyền nối đuôi nhau như thế này đây, với chừng từ 30 chiếc hoặc nhiều hơn nữa. Cứ thuyền này rời bến thì chiếc khác thế vào, và suốt ngày như thế.
Những thỏa ước thương mại quốc tế vẫn cứ xa biệt những cư dân địa phương tại Khu vực Tam giác Vàng mà chúng tôi có cơ hội nói chuyện với họ.
Thực tiễn của tình hình đầu tư biến dòng sông này thành một thủy lộ giao thương với những bến cảng, sòng bài, và bao khu công nghiệp đang bỏ rơi cư dân địa phương lại đằng sau.
Người dân làm nghề đánh cá cho biết:
Tôi không cho rằng hoạt động đó tốt đẹp bởi lẽ hàng hóa nhập từ Trung Quốc sang làm cho sản phẩm địa phương rẻ đi. Ví dụ, tỏi nhập của Tàu sang khiến cho giá tỏi địa phương giảm xuống. Nhiều người trong chúng tôi phải đi chuyển sang kiếm việc làm mới là công nhân. Cuộc mưu sinh đã trở nên khó khăn hơn.
Chuyến xuôi dòng Mêkông trên địa phận Xứ Thái còn được tiếp tục trong chương trình kỳ sau, mời quí thính giả tiếp tục đón theo dõi.
Quí vị có thể vào trang chủ của Đài Á Châu Tự Do, trên mạng Internet ở địa chỉ www.rfa.org/vietnamese/multimedia/ cả ở trang tiếng Anh và Tiếng Việt để theo dõi những video clip về chuyến đi dọc Dòng Mêkông do Đài chúng tôi thực hiện.