Không chỉ tại Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đang đứng trước nghịch lý đó như được nêu lên trong một bài viết đăng trên tạp chí Review Asia số tháng 7 và 8 vừa qua.
Những vấn đề được nêu ra trong bài báo là đề tài chính của tạp chí Khoa Học- Môi Trường kỳ này, mời quí thính giả theo dõi qua phần trình bày của Trà My và Gia Minh.
Stifling Growth, tạm dịch sát nghĩa “Sự tăng trưởng gây nghẹt thở”, là đề tài của bài viết do tác giả Markus Gaertner đóng góp với tạp chí Review Asia số tháng 7 và 8 năm nay.
Châu Á đang phải trả giá cao
Theo tác giả Markus Gaertner thì Châu Á đang phải trả giá rất cao bởi tình trạng suy thoái môi trường trầm trọng, mà đó là hệ quả của hoạt động sản xuất công nghiệp nhảy vọt, của việc sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả, của việc đô thị hóa rộng khắp và một cuộc cách mạng trong giao thông.
Châu Á đang phải trả giá rất cao bởi tình trạng suy thoái môi trường trầm trọng, mà đó là hệ quả của hoạt động sản xuất công nghiệp nhảy vọt, của việc sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả, của việc đô thị hóa rộng khắp và một cuộc cách mạng trong giao thông.
Markus Gaertner
Tại Trung Quốc, đất nước được xem là nhà máy sản xuất hàng hóa rẻ lớn nhất cho cả thế giới hiện nay, thì dòng sông Dương Tử dài nhất Hoa Lục đang bị “ung thư” do ô nhiễm. Chính Tân Hoa Xã công bố điều đó.
Tại Ấn Độ thì chất thải công nghiệp không được xử lý, rác gia cư đã biến dòng sông Yamuna, một trong những sông thiêng của đất nước Ấn Độ, thành ra một dòng rác lềnh bềnh trôi. Ngôi đền cẩm thạch trắng Taj Mahal nổi tiếng khắp thế giới cũng bị không khí ô nhiễm làm cho ố vàng đi.
Tình trạng cháy rừng ở Indonesia khiến cho nhiều vùng của khu vực Đông Nam Á thường xuyên bị phủ trong lớp sương dày mờ đục.
Đặc khu hành chánh Hong Kong, tiếng Việt còn gọi là Hương Cảng, sau 10 năm được Anh trao trả lại cho Trung Quốc cũng bị ô nhiễm. Vào tháng 8 năm 2006, AC Nielsen thực hiện một thăm dò theo yêu cầu của Phòng Thương Mại Công Nghiệp Mỹ tại đó, thì cho thấy cứ 8 trong 10 người được hỏi ý kiến đều nói là xu thế ô nhiễm ở Hong Kong sẽ làm nản lòng giới đầu tư. Hong Kong bị ô nhiễm cũng dễ hiểu vì nằm ở phía nam trung tâm nhà xưởng của thế giới là tỉnh Quảng Đông, nơi có đến hơn 50 ngàn nhà máy sản xuất những sản phẩm rẻ tiền để bán ra khắp nơi trên thế giới từ nữ trang, đồ chơi cho đến may mặc quần áo.
Môi trường Việt Nam cũng ô nhiễm trầm trọng
Dù tác giả Markus Gaertner không đưa ra ví dụ nào của Việt Nam thế nhưng không ai ở trong nước mà không nghe thấy tình hình những dòng sông từ nam chí bắc cũng nằm trong tình trạng tương tự mà thậm chí có nơi đã là những khúc sông chết vì ô nhiễm quá nặng rồi. Việt Nam đang đi vào vết xe đổ của những nước khác ngay tại khu vực. Giáo sư Lê Huy Bá, Trưởng Viện Khoa học- Công nghệ và Quản lý Môi trường, trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh nói về ước muốn công nghiệp hóa bất chấp hậu quả môi trường bị phá hủy mà các tỉnh- thành ở Việt Nam đang theo đuổi:
“Người ta chủ quan về những hành vi và tác hại ra môi trường. Như vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long thì cho rằng vùng rộng lớn này có khả năng tự làm sạch nên các nhà máy đều không có hệ thống xử lý.
Công nghiệp hóa không có bài bản gì mà bằng mọi giá đổi môi trường để lấy kinh tế.”
Chủ tịch Hội Các Nhà Quản Trị Doanh Nghiệp Việt Nam cũng thừa nhận tình trạng các nhà sản xuất Việt Nam đang hy sinh môi trường cho phát triển:
“Các doanh nghịêp ở thời điểm hiện nay phải có được sản xuất, tích lũy vượt qua khó khăn. Truớc đây cũng có nghĩ đến đầu tư những công nghệ đỡ ô nhiễm hơn nhưng nay thì khó hơn. Đành chịu hy sinh một cái, vì ở thời điểm này thì không thể đạt được nhiều mục tiêu được. Đó là một nghịch lý đó.”
Hậu quả của ô nhiễm môi trường
Con người sinh sống trong môi trường ô nhiễm là những nạn nhân trước hết. Tác giả Markus Gaertner cho biết các chứng bệnh về đường hô hấp do không khí ô nhiễm là nguyên nhân gây ra tử vong sớm cho hằng trăm ngàn người ở Châu Á. Chỉ có 1% cư dân thành thị ở Hoa Lục được sống ở những nơi chỉ có tỷ lệ hạt bụi nhỏ hơn 40 microgram, gấp đôi mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới. Về mặt nước sạch đạt tiêu chuẩn thì chỉ có một phần nhỏ người dân Trung Quốc có được để dùng. Ô nhiễm gây ung thư là nguyên nhân tử vong chính tại Hoa Lục khi mà đất nước rộng lớn này nay đứng đầu thế giới về số thành phố bị ô nhiễm.
Các chứng bệnh về đường hô hấp do không khí ô nhiễm là nguyên nhân gây ra tử vong sớm cho hằng trăm ngàn người ở Châu Á.
Markus Gaertner
Không chỉ con người phải gánh chịu hậu quả của ô nhiễm mà chính nguồn nước và không khí bị ô nhiễm cũng khiến cho thu hoạch mùa màng bị kém đi trên khắp lục địa Á Châu.
Tác giả nêu lại thống kê do Giáo Sư Shreekant Gupta thuộc Trường Kinh Tế New Dehli cho thấy tổng sản phẩm nội địa của Ấn Độ bị giảm khoảng 4% do tình trạng môi trường bị hủy hoại. Ủy Ban Bảo vệ Môi Trường Nhà Nước của Trung Quốc trong phúc trình đưa ra hồi năm 2004 cho thấy GDP của Hoa Lục bị thiệt hơn 3%; tuy nhiên Ngân Hàng Thế giới thì nói là con số này lên đến 10%. Giới chuyên gia môi trường của Trung Quốc từng cảnh báo “phép lạ kinh tế” của Hoa Lục sẽ sớm biến đi do môi trường không thể theo kịp tốc độ phát triển kinh tế của xứ này.

Trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại cho nên hiện tượng ô nhiễm tại một nơi này không phải giới hạn ở đó mà còn lan ra đến những đất nước khác. Cơ Quan Bảo Vệ Môi trường Hoa Kỳ cho biết có chừng một phần tư những hạt vật chất trong không khí ở thành phố Los Angles xuất phát từ Hoa Lục bay sang. Quỹ Động Vật Hoang Dã Thế Giới, WWF, nêu đích danh Trung Quốc là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Các nhà khoa học về khí quyển thuộc Đại học Texas A &M đưa ra chứng minh rằng khói mù và ô nhiễm không khí ở các trung tâm đô thị Á châu khiến cho bão tố ở khu vực Thái Bình Dương thêm phần mạnh lên.
Theo Markus Gaertner thì tình trạng môi trường suy thoái còn dẫn đến những căng thẳng xã hội và kinh tế. Tại Hoa Lục, bất ổn xã hội đang gia tăng do môi trường xuống cấp. Bộ trưởng môi trường của Trung Quốc cho biết trong năm 2005 có đến hơn 50 ngàn cuộc biểu tình ở xứ này do nguyên nhân liên quan đến môi trường.
Hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, ứng viên tổng thống John McCain của Đảng Cộng Hòa, Mỹ lên tiếng yêu cầu hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ phải theo chuẩn mực về phát thải quốc tế nếu không có thể phải đối diện với nguy cơ bị trừng phạt. Trong một diễn văn tranh cử, ứng viên tổng thống John McCain, nêu rõ hai quốc gia Ấn Độ và Trung Quốc thuộc nhóm những nơi góp phần làm trái đất ấm lên.
Biện pháp cải thiện môi trường
Vậy cơ quan chức năng của những quốc gia Châu Á nơi tình trạng ô nhiễm bị cho là trầm trọng có làm gì để chấm dứt và cứu vãn tình hình?
Tác giả Markus Gaertner nêu lên trường hợp của Nhật Bản, thành phố Tokyo có đến 35 triệu người thế nhưng mức độ ô nhiễm thấp hơn tiêu chuẩn của cả Hoa Kỳ và Châu Âu.
Tại tiểu quốc Singapore, chính quyền cho áp dụng những mức thuế cao đối với xe ô tô nhằm hạn chế lượng xe đi lại trong các khu vực thương mại. Song song đó chính quyền Singapore cho phát triển những phương tiện giao thông công cộng hết sức tiện lợi cho dân chúng.
Chính quyền Thái Lan đã cho cắt giảm mức ô nhiễm bớt một nửa bằng các qui định khắt khe kiểm soát nguồn phát thải và tăng thuế đối với những loại xe máy hai thì, nghi phạm góp phần từ 30 đến 70% lượng bụi bẩn ô nhiễm ở các thành phố Châu Á.
Hong Kong sau khi bị chỉ trích về chính sách bảo vệ môi trường đã cho thực hiện chiến dịch mang tên “Hành Động Bầu Trời Xanh”, theo đó các cơ sở sản xuất doanh nghiệp cho đến người dân đều phải thực hiện các biện pháp xanh. Những qui định bao gồm tiêu chuẩn phát thải cao hơn, cơ quan chức năng đưa vào sử dụng các loai nhiên liệu sạch. Hong Kong hợp tác với cơ quan chức năng tỉnh Quảng Đông bằng cách thành lập ủy ban chung kiểm soát chất lượng không khí.
Người ta chủ quan về những hành vi và tác hại ra môi trường. Như vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long thì cho rằng vùng rộng lớn này có khả năng tự làm sạch nên các nhà máy đều không có hệ thống xử lý. Công nghiệp hóa không có bài bản gì mà bằng mọi giá đổi môi trường để lấy kinh tế.
Giáo sư Lê Huy Bá
Trung Quốc gần đây cũng thấy được hậu quả của tình trạng ô nhiễm nên chính quyền Bắc Kinh đưa ra nhiều chính sách và qui định để giảm thiểu tình hình đó. Vào dịp Thế Vận Hội mùa hè qua, chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp nghiêm nhặt giảm bớt lượng xe cộ lưu thông, buộc đóng cửa các nhà máy suốt kỳ thể thao. Kể từ tháng sáu vừa qua, Trung Quốc cấm lưu hành những loại túi ny lon có độ dày dưới 0,025 milimét.
Ngân hàng Trung Quốc theo chính sách tín dụng xanh, theo đó những định chế tài chính quốc doanh sẽ không cho những doanh nghiệp gây ô nhiễm vay vốn, hay rút lại những khoản đã cho vay. Những công ty kinh doanh muốn niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng phải đạt những tiêu chí môi trường nêu ra. Song song đó là hệ thống bảo hiểm xanh dự kiến đến năm 2015 tất cả các ngành công nghiệp ở Hoa Lục đều phải tham gia hệ thống này.
Mức phạt những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường có thể lên đến phân nửa khoản thu nhập thường niên của doanh nghiệp.
Những biện pháp mà chính quyền Trung Quốc đưa ra nhằm giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm môi trường như thế vẫn chưa được cho là đúng mức. Giám đốc bộ phận nghiên cứu Châu Á thuộc Hội Đồng Đối Ngoại Hoa Kỳ, đồng thời là tác giả của cuốn sách “The River Runs Black: The Environmental Challenge to China's Future” bà Elizabeth Economy, thì tình trạng đang xấu đi và các vấn đề đang trầm trọng thêm. Theo bà này thì những mục tiêu mà chính quyền Bắc Kinh đưa ra rất đáng hoan nghênh, tuy vậy qua thực tế thì mức độ lạc quan là hạn chế. Theo bà Elizabeth Economy thì để có được cải thiện cho tình trạng môi trường của Trung Quốc hiện nay thì đòi hỏi phải có cải cách kinh tế và cải cách chính trị mang tính cách mạng từ dưới lên.
Mục Khoa học- Môi Trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.
Gia Minh chào tạm biệt.