Trong gần hai thập niên qua, dân chúng tại Đồng bằng Sông Cửu Long còn tận dụng môi trường nước của dòng Mêkông để nuôi một loại cá để xuất khẩu và phục vụ nhu cầu trong nước là cá tra-basa.
Trong chương trình Khoa học-Môi trường kỳ này, mời quí vị cùng chúng tôi đến với sinh hoạt nuôi cá tại một số nơi trên dòng Mêkông thuộc địa phận Việt Nam.
Sông Mêkông
Tôi không phải đã đi nhiều nơi lắm, nhưng so với những nơi tôi đã đi qua thì Dòng Sông Mêkông ở phần hạ lưu rất tốt cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhất là cá tra-ba sa.
Ô. Phạm Văn Danh
Một người từng hoạt động lâu năm trong nghề nuôi cá trên sông nước Cửu Long, ông Phạm Văn Danh-nguyên chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang, một trong những tỉnh đầu tiên tiếp nhận nguồn nước Sông Mêkông chảy vào địa phận Đồng bằng Sông Cửu Long, cho biết về nguồn nước này và hoạt động nuôi cá:
Tôi không phải đã đi nhiều nơi lắm, nhưng so với những nơi tôi đã đi qua thì Dòng Sông Mêkông ở phần hạ lưu rất tốt cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhất là cá tra-ba sa.
Trong thực tế suốt những năm qua, sản phẩm cá tra-ba sa xuất khẩu của Việt Nam đã được xuất sang nhiều quốc gia trên thế giới. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, gọi tắt là VASEP, đưa ra thống kê nói sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm lĩnh gần như toàn phần thị trường thế giới. Trong quí một năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt hơn 320 triệu đô la, và dự kiến trong năm nay sẽ xuất được 600 ngàn tấn, trị giá một tỷ rưỡi đô la.
Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam còn đưa ra dự kiến trong vòng 10 năm tới diện tích nuôi cá tra sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay lên chừng 13 ngàn héc ta. Bộ này còn lạc quan cho rằng tiềm năng tại vùng ven hai con Sông Tiền và Sông Hậu có thể tăng lên gấp ba lần so với hiện nay.

Đối với người nuôi cá thì đó chỉ lã viễn cảnh. Trong thực tế việc nuôi cá hiện nay đang sút giảm.
Vào tháng năm vừa qua, chúng tôi đến thăm một nhà nuôi cá thuộc làng cá bè Châu Đốc một thời nổi tiếng và có cuộc nói chuyện sau đây với người nữ chủ nhân:
Bè này đóng từ năm 1995 đến nay. Lúc trước cá có giá nhưng những năm gần đây cá mất giá. Nhiều người bán bè về những miệt khác.
Ông Phạm Văn Danh đưa ra những lý do khiến nghề nuôi cá da trơn trên sông nước Cửu Long bị suy giảm như sau:
Tình hình nuôi cá tra và ba sa tại ĐBSCL đang đứng trước tình hình cực kỳ khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới. Giá cả giảm làm ảnh hưởng đến người nuôi và những công ty chế biến xuất khẩu.
Tuy nhiên ông Phạm Văn Danh tỏ ra lạc quan về những yếu tố từ trong nước:
Chủ quan trong nước chưa có vấn đề gì vì kinh nghiệm người nuôi và của doanh nghiệp đã tốt. Hiện chúng tôi đang tổ chức lại để sản xuất bài bản.
Đào ao, nuôi hầm
Tình hình nuôi cá tra và ba sa tại ĐBSCL đang đứng trước tình hình cực kỳ khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới. Giá cả giảm làm ảnh hưởng đến người nuôi.
Ô. Phạm Văn Danh
Ngoài việc nuôi cá bằng các nhà bè trên sông, gần đây nhiều người dân tại vùng ĐBSCL đào ao hay hầm để nuôi cá. Những ao hầm đó nằm ở vị trí ven kênh rạch hay gần sông lớn để tiện đưa nước sông vào nuôi cá.
Đi dọc ven sông Tiền và Sông Hậu hiện nay người ta có thể thấy những hầm cá vuông vức ven sông như ao cá của một người trên Cồn Ấu tại địa phận Sông Hậu, tỉnh Cần Thơ sau đây:
Ao này đào cũng ba năm mấy rồi, đất này mướn. Nước vô ra thoải mái, có lưới công. Cá tùy theo nếu thả cá bự thì sáu tháng thu hoạch, cá nhỏ thì bảy tháng… Cá này thì bán cho công ty mà bán thức ăn cá cho mình. Mỗi năm bán hai vụ: nếu thả cá đặt thu hoạch được 150, 120 tấn. Cá ở đây cũng ít bệnh, ít xài thuốc…
Trước đây các làng nuôi cá trên sông, cũng như các ao hầm bị cho là nguồn gây ô nhiễm cho nguồn nước dòng sông. Người nữ chủ chân bè cá tại Châu Đốc cho biết tình trạng đó nay không còn nữa bởi số bè giảm đi cả phân nửa nên mật độ không còn dày đặc như xưa. Riêng người dân cũng được cơ quan chức năng khuyến cáo và có ý thức hơn trong việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh cho cá, chị nói:

Trước đây thuốc thì cứ ra tiệm thuốc mua, nhưng được khuyến cáo nay không còn làm thế nữa. Cũng như trước đây do ham lời nên nuôi dày đặc khiến cá dễ bệnh; nay nuôi lỏng ra nên cũng ít bệnh hoạn.
Còn những thay đổi trong nguồn nước sông Mêkông từ trên thượng nguồn về gây nên những tác động đối với nguồn cá nuôi của các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long ra sao? Ông Phạm Văn Danh có trình bày:
Cho đến nay vẫn chưa được thông tin chính xác từ Ủy ban Sông Mêkông. Năm nay cũng thấy có ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt do hiện tượng El Nino. Tuy nhiên ảnh hưởng lớn hơn vẫn chưa được thông tin đầy đủ để có thể đánh giá đầy đủ.
Người dân nuôi cá cũng cho biết tình hình đó:
Họ cũng có cử người xuống đo nước, nhưng đến nay chưa có kết luận cụ thể.
Cần phát triển bền vững
Cục Nuôi trồng Thủy sản thuộc Bộ Nông Nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam có ý kiến để có thể phát triển bền vững thì trong năm nay diện tích nuôi trồng thủy sản vẫn giữ nguyên ở mức hiện nay. Cá tra và tôm nước lợ được cho là hai đối tượng nuôi chủ lực, ngành thủy sản Việt Nam đề nghị cần theo tuân theo đúng lịch thời vụ và cải tạo ao đầm, phát triển sản xuất giống ở những vùng có điều kiện sinh thái phù hợp để giải quyết vấn đề giống. Đặc biệt phải tạo mối liên kết chặt chẽ, công bằng giữa người sản xuất, nhà chế biến và tiêu thụ với những thỏa thuận về vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm, cũng như tuân thủ các qui định kiều kiện sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng như nông dân trồng lúa, lâu nay có than phiền về tình trạng bất hợp lý trong phân chia lợi nhuận, với phần thiệt về người nông dân và người nuôi cá. Ông Phạm Văn Danh cho biết ý kiến về việc đó:

Phân bổ ao hầm giảm sút rất lớn như ở những vùng cặp kinh cấp hai, cấp ba trong đồng ruộng. Mật độ thưa tạo điều kiện cho tổ chức sản xuất theo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Về vấn đề phân chia lợi nhuận có thay đổi, thực sự từ năm ngoái đến năm nay cả doanh nghiệp, người nuôi, các nhà máy, doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản đều gặp khó khăn chứ không có ai thiệt hại riêng. Khi gặp biến động người nuôi trồng lãnh phần nặng hơn, và do vốn liếng ít nên khó khăn hơn, thiệt hại hơn.
Trong thực tế do nền kinh tế chưa phát triển ổn định thì việc đòi hỏi phân chia cho đều còn khó.
Tại thị xã Châu Đốc, nơi được xem là thủ phủ với khu làng bè nuôi cá trên sông nổi tiếng tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, có một công viên mà người dân địa phương gọi tên thân mật là ‘Công viên cá tra’. Hình tượng con cá tra bóng loáng dưới ánh mặt trời được xem là niềm tự hào của thị xã nói riêng và của cả tỉnh An Giang nói chung, nơi mà kim ngạch từ cá tra xuất khẩu mang lại nguồn sống cho nhiều người dân tại đó lâu nay.
Tuy vậy, nghề nuôi cá tra- basa tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn còn bấp bênh trước những tác động do thay đổi trên dòng Mêkông, tình hình biến đổi khí hậu, cạnh tranh trên thương trường quốc tế, rào cản thương mại… mà chính những nhà quản lý xã hội cần phải có các biện pháp thích hợp, linh hoạt, khôn khéo mới có thể giúp cho sản phẩm cá tra-basa của Việt Nam có vươn xa một cách thông suốt khắp thế giới.
Mục Khoa học-Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.