Các tổ chức bảo vệ môi sinh quốc tế gần đây cho biết mực nước biển dâng cao vào những năm sắp tới có thể dẫn đến việc nhiều khu vực thuộc đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại, và các dải đất dọc vùng duyên hải có thể sẽ biến mất.
Các nhà hoạt động môi trường đưa ra nhiều biện pháp khắc phục tình trạng nguy ngập này trong đó có đề nghị "xây đê ngăn biển" của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh. Ý kiến này được xem là táo bạo nhưng nếu thực hiện đúng và chính xác thì kết quả sẽ rất khả quan. TS Nguyễn Hữu Ninh đã góp sức trong bản nghiên cứu mang tên "Báo cáo lần thứ 4: biến đổi khí hậu năm 2007" của Liên Hiệp Quốc. Nhóm tác giả chính mà ông là một thành viên đã vinh dự được Giải Nobel tập thể về bảo vệ môi sinh năm 2007. Tiến sĩ Ninh trao đổi với Mặc Lâm về đề tài xây đê ngăn biển của ông:
Mặc Lâm:
Thưa Tiến Sĩ, trước tiên xin ông cho biết qua những hoạt động về môi trường của ông với những đồng nghiệp quốc tế trong những năm qua.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh:
Tôi tham gia Chương Trình Châu Á cũng đã mấy năm nay, làm với các đồng nghiệp quốc tế, và trên thực tế hợp tác với rất nhiều nhà khoa học của Việt Nam và nước ngoài, cùng với những ban ngành khác của Việt Nam và nước ngoài nữa. Nói chung, trách nhiệm của chúng tôi trong quyển 2 là phần nghiên cứu tác động, thích nghi và sự nhạy cảm trong quá trình biến đổi khí hậu cho đến năm 2007 trong tranh tổng thể của Châu Á.
Và từ đó có thể đưa ra những đánh giá cũng như vấn đề kịch bản, và những vấn đề liên quan - chủ yếu là việc đưa ra những nhận xét để các quốc gia tham khảo, nhằm đi đến những chính sách phù hợp.
Mặc Lâm:
Xin ông cho biết trước tình hình hiện nay của đất nước, điều gì đáng lo ngại nhất trong lĩnh vực môi trường?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh:
Ở Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác, trong quá trình phát triển bao giờ cũng liên quan tới vấn đề phát triển kinh tế và đặc biệt là vùng duyên hải. Chính vì thế mà vấn đề suy thoái môi trường là điều khó tránh khỏi đối với bất cứ quốc gia nào.
Tất nhiên là trong điều kiện Việt Nam thì còn nhiều vấn đề khác nữa, liên quan đến một số vấn đề mà chưa được coi là tốt trong những thời gian qua. Sắp tới đây, cũng với một loạt các đối mặt mới với những thách thức mới trong quá trình phát triển thì chắc chắn sẽ có những thay đổi nhất định về tổng thể để làm sao cho việc phát triển được bền vững.
Mặc Lâm:
Những dự báo về mực nước biển sẽ tăng cao của các cơ quan nghiên cứu môi trường quốc tế cho thấy là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Xin Tiến Sĩ cho biết chi tiết về dự án táo bạo xây đê ngăn biển ngay từ bây giờ để chống lại nguy cơ đó.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh:
Việc nước biển dâng cao trong thế kỷ 21 này là điều không thể tránh khỏi trên toàn cầu. Ở Việt Nam, các đồng bằng Sông Hồng và Sông Cửu Long nói chung đều là đồng bằng thấp, và duyên hải Miền Trung cũng là đồng bằng thấp. Nếu nước biển dâng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng duyên hải và đồng bằng của Việt Nam.
Có những nước như Hà Lan vốn nằm dưới mực nước biển nhiều mét và họ đã từng gia cố đê từ hàng trăm năm nay rồi. Tương tự như vậy ở Việt Nam, dựa trên tính chất về địa chất, thổ nhưỡng, địa tầng khác nhau của từng vùng, việc nghiên cứu khả năng đắp đê, kết hợp giữa đê và các biện pháp khác, kể cả biện pháp về sinh học, vi trùng, và về một số vấn đề khác nữa, và việc đề ra những biện pháp thích hợp thì đã được các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu suy nghĩ đến.
Đê điều ở miền Bắc Việt Nam có từ hàng nghìn năm nay là điều không có gì lạ. Nếu có quan tâm phát hiện lịch sử thì có thể thay đổi, kết hợp giữa chỗ cần xây đắp đê và biện pháp khác; và có những chỗ có thể dùng hệ thống đê hở đấy để có thể thoát nước và tiêu nước một cách dễ dàng. Phần này thuộc kỹ thuật của những nhà nghiên cứu, đặc biệt là về thuỷ lợi và nông nghiệp. Còn về quan điểm về cơ bản thì phải làm sao đưa ra biện pháp thích ứng hữu hiệu đối với từng nơi một .
Mặc Lâm:
Dựa trên khoa học kỹ thuật việc xây đê ngăn biển có thể thực hiện được, tuy nhiên trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay thì vấn đề kinh phí phải huy động như thế nào để dự án này có thể trở thành hiện thực?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh:
Trên khía cạnh kinh tế, có đòi hỏi huy động các nguồn tài chính, từ nhiều nguồn khác nhau. Về cơ bản, tất nhiên chúng ta không phải làm một lúc, trong một vài năm mà xong hoàn toàn việc này. Bản thân mực nước cũng phải trong vòng độ 5-10 năm mới dâng lên, khoảng độ một chục năm nữa. Chính vì thế mà chúng ta còn có thời gian để nghiên cứu, xác định một cách chính xác, và đặt những nền móng đầu tiên trên cơ sở khoa học đồng thời để có một chuẩn bị về tài chính. Công trình mang tính lâu dài chứ không phải trong vòng 5-7 năm mà hoàn thành ngay chuyện này.
.