Sự quan trọng của ý thức trách nhiệm về môi trường

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2014.10.21
Vượn đen má vàng, nằm trong danh mục nguy cấp của sách đỏ Việt Nam và thế giới. Vượn đen má vàng, nằm trong danh mục nguy cấp của sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Nguồn NLĐO

Vai trò của từng cá nhân trong xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường vô cùng quan trọng vì hoạt động này chỉ có thể thành công khi mà tất cả mọi người trong xã hội cùng ý thức và chung tay góp sức.

Trong chương trình Khoa học- Môi trường hôm nay, chúng tôi giới thiệu đến quí thính giả một người dân tộc thiểu số đang tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, cứu hộ các loài linh trưởng cũng như tìm kiếm gây giống các loại cây rừng bản địa đang ngày càng bị biến mất đi.

Anh Ca Hoài, người dân tộc Kơ Mạ

Nhân vật đó là anh Ca Hoài, người dân tộc Kơ Mạ, hiện đang làm việc tại Trung tâm Cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên ở Nam Cát Tiên. Anh này cho biết công việc hằng ngày tại trung tâm này như sau:

Hằng ngày đi rừng lấy lá, trái và nghiên cứu các loài cây mà chim, thú hoang dã ăn đem về ươm hạt làm vườn ươm cây giống, rồi chăm sóc các loài thú bệnh tật. Hiện tại tôi đang chăm sóc những vượn đen má vàng và vượn đen má trắng, voọc chà vá chân đen, voọc bạc, loài cooli- có 4 loài linh trưởng. Những con này do cảnh sát bắt từ những người săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép, những nhà hàng- quán ăn, những khu du lịch- vui chơi giải trí mà người ta nuôi nhốt làm thú cảnh. Người ta thu hồi, đưa về.

Tôi có kinh nghiệm của người Kơ Mạ sống bao đời nay tại Vườn Quốc gia Cát Tiên truyền cho nên hiểu biết thức ăn của các loài thú đó, cũng như các tập tính, quán tính của những loài linh trưởng, thú hoang dã. Thứ hai nữa tôi cùng làm công tác nghiên cứu qua việc đưa các nhà nghiên cứu khoa học về làm nghiên cứu tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Tôi có dẫn dắt một người Đài Loan qua một năm đi với tôi, đặt camera, để nghiên cứu các loài gấu, mèo, các loài thú. Sau đó tôi cũng được các chuyên gia của Trung tâm đưa sang Đài Loan để học về cứu hộ động vật thêm một năm nữa.

Tôi có kinh nghiệm của người Kơ Mạ sống bao đời nay tại Vườn Quốc gia Cát Tiên truyền cho nên hiểu biết thức ăn của các loài thú đó, cũng như các tập tính, quán tính của những loài linh trưởng, thú hoang dã.

anh Ca Hoài

Trung tâm này có 9 người, bốn người được phân công làm bên bộ phận công, gấu và báo hoa mai; còn 4 người làm bên linh trưởng chỗ Đảo Tiên của cô Marina, chuyên gia Monkey World bên Anh Quốc.

Còn cây thì có mấy chục loài mà hiện nay chúng tôi chỉ mới có mười mấy loài mà thôi như cây chiềng đỏ, chiềng vàng, cây vải rừng, cây bứa, cây sấu … đưa về lấy hạt ươm ra để làm công tác phục hồi, tái sinh rừng. Đồng thời cũng giới thiệu cho các em học sinh trường quốc tế và các sinh viên về nghiên cứu thực vật

Việc đi tìm cây như thế chỉ một mình tôi và bà Alexandre cùng một số chuyên gia nước ngoài, phòng Khoa học- Kỹ thuật Quốc tế Vườn Quốc gia Cát Tiên. Tôi có kinh nghiệm làm trong ngành lâm nghiệp mấy chục năm khi làm bên lâm trường khai thác gỗ. Đồng thời tôi cũng có nghiên cứu về các cây cỏ Việt Nam, cây thuốc nam, cây nào là thuốc chữa bệnh, cây nào cho gỗ quí hiếm như cây gõ đỏ, cây cẩm lai; và cây voọc ăn, vượn ăn thế nào.

Trước kia anh Ca Hoài cũng từng là một kiểm lâm tại khu vực Nam Cát Tiên; tuy nhiên trong một lần truy đuổi một tay săn lậu tê giác ở đó, anh không may làm mất mạng tay săn tê giác, phải đi ở tù. Khi mãn án, trong cảnh thất nghiệp, anh Ca Hoài đã lên kế hoạch mua sắm các trang thiết bị để vào rừng cưa cây gỗ như một tên lâm tặc; nhưng rồi lương tâm cắn rứt và anh vượt qua được thời điểm khó khăn đó. Anh Ca Hoài kể lại:

Vào tháng 1 năm 2001, tôi là kiểm lâm đi tuần tra bảo vệ rừng và phát hiện một ông là người dân tộc Tày dùng súng calif Trung Quốc đi săn bắn tại khu tê giác. Tôi kêu ông ta bỏ súng xuống nhưng ông không chấp hành mà lại quay súng dọa bắn tôi. Tôi nằm xuống và đứng dậy bắn ba phát chỉ thiên; nhưng ông ta quay súng lại bắn tôi. Ông vừa quay súng tôi bắn vào chân ông ta nhưng không may đạn nảy lên trúng bọng đái và ông ta chết. Tôi bị đi tù 28 tháng. Sau khi chấp hành án xong, về tôi cũng tính mua súng, mua máy cưa phá rừng nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại nếu mình làm vậy ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên. Đó là điểm thứ nhất, ngoài ra còn ảnh hưởng đến bạn bè kiểm lâm, đồng nghiệp vì tôi từng được tỉnh và Nhà nước tin tưởng giao lập đoàn công tác tuyên truyền, và kết hợp trồng 200 héc ta rừng dự án EU- Liên Minh Châu Âu tại Tà Lài, Vườn Quốc gia Cát Tiên. Tôi đã từng đi vận động bà con trồng rừng bảo vệ rừng mà nay lại đi phá rừng, tôi thấy trái lương tâm nên không làm; nên mới về Vườn Quốc gia Cát Tiên đi hướng dẫn khách du lịch và một số nhà khoa học đi nghiên cứu thôi.

Tôi cũng tính mua súng, mua máy cưa phá rừng nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại nếu mình làm vậy ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên...Tôi đã từng đi vận động bà con trồng rừng bảo vệ rừng mà nay lại đi phá rừng, tôi thấy trái lương tâm nên không làm

anh Ca Hoài

Một nhà hoạt động bảo vệ môi trường tích cực tại Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, anh Nguyễn Huỳnh Thuật, từng biết đến anh Ca Hoài và có nhận định về nhân vật này như sau:

Cát Tiên có diện tích gần 72.000 ha trải dài qua ba tỉnh: Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai. (NLĐO)
Cát Tiên có diện tích gần 72.000 ha trải dài qua ba tỉnh: Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai. (NLĐO)

Anh Ca Hoài là một người tâm huyết với rừng, một người rất hiểu về rừng nhất là mảng cây thuốc dân tộc học. Anh ta cũng am hiểu về văn hóa dân gian. Anh rất nhiệt thành với công tác. Nhưng trong quá trình công tác tại rừng Cát Tiên cũng có một số vấn đề, chẳng hạn xảy ra câu chuyện xung đột với kiểm lâm và anh ta bị đi tù.

Hiện nay anh ta đang làm cho tổ chức Monkey World- bảo hộ linh trưởng, và anh cũng đang yểm trợ cho chúng tôi khi học sinh- sinh viên về thì anh ta giúp về công tác kỹ năng sống trong rừng. Ví dụ đi vào rừng thì ăn cây gì, loại lá nào ăn được, không ăn được, có thể chữa bệnh gì. Nếu lạc trong rừng thì lấy cây gì để thay nước uống, làm sao tìm được lối đi ra, nhìn lên cây thì làm sao xác định được hướng…Đó là những kỹ năng để sống trong rừng.

Anh ta là một người có tâm; trong những người dân tộc anh ta là người đi tiên phong, vừa thông minh do gien di truyền, vừa là một người bản đia Mạ sống dọc sông Đồng Nai, anh thụ hưởng được văn hóa dân tộc Mạ và có vốn văn hóa phong phú.

Hiện nay tôi cũng đang xây dựng chương trình làm thế nào những người trẻ vào rừng học hỏi từ anh này, một người sống ở rừng. Anh ta có thể là một vị già làng rất lỗi lạc sau này.

Qua thời gian dài lăn lộn bảo vệ khu rừng Nam Cát Tiên, anh Ca Hoài có nhận xét về tình hình hiện nay của rừng này như sau:

Ở Nam Cát Tiên cũng còn lại mấy chục loài chia ra nhiều họ, nhiều nhóm. Thực vật còn rất nhiều. Rừng già nay độ che phủ tốt rồi. Trước hòa bình bộ đội và người dân tộc giữ rừng này. Sau này khi sư đoàn 600 bộ đội giải thể giao cho tỉnh Đồng Nai quản lý, hạt kiểm lâm rừng cấm 57 Cát Tiên được thành lập vào năm 1985. Đến năm 87, thủ tướng Phạm Văn Đồng từ Hà Nội về, đi trực thăm tham quan rừng Cát Tiên. Ông thấy gõ đỏ, các cây cổ thụ, các động- thực vật rất tốt, rất đẹp nên ông về ra quyết định thành lập Vườn Quốc gia Cát Tiên năm 1987.

Do chính phủ và pháp luật thực thi không nghiêm ngặt. Như luật quốc tế, tại khu bảo tồn thiên nhiên thì người dân hay người xấu mang vũ khí, chất nổ, chất cháy vào khai thác, săn bắn thì phải chịu tù chung thân, đền bù thiệt hại hay bị bắn chết...từ đó người ta sợ không ai dám làm

anh Ca Hoài

Phía nam của rừng Quốc gia Cát Tiên thuộc địa phận Đồng Nai được 30 ngàn héc ta rừng, phía Tây thuộc Bình Phước và khu bảo tồn tê giác Cát Lộc; tất cả được 73 ngàn héc ta. Phía tây và nam Cát Tiên là tốt còn phía Tây do một số di dân tự do người Tày, Mán từ phía bắc vào lấn chiếm phá rừng để trồng điều. Nay chính phủ đang đền bù để tái sinh rừng.

Một tình trạng đang khiến lực lượng kiểm lâm tại các khu rừng khác nhau khắp Việt Nam phải đau đầu là lâm tặc lộng hành bất chấp luật pháp và xem thường đội ngũ kiểm lâm ít ỏi hiện nay. Ngoài ra còn có tệ trạng kiểm lâm tiếp tay với lâm tặc để phá rừng. Bên cạnh đó, người dân vì mưu sinh cũng phải vào rừng để kiếm cái ăn một cách tự phát gây hại cho rừng.

Anh Ca Hoài nói đến cách thức đối phó với lâm tặc và cùng lực lượng chức năng cũng như người dân thực hiện công tác bảo vệ rừng như sau:

Do chính phủ và pháp luật thực thi không nghiêm ngặt. Như luật quốc tế, tại khu bảo tồn thiên nhiên thì người dân hay người xấu mang vũ khí, chất nổ, chất cháy vào khai thác, săn bắn thì phải chịu tù chung thân, đền bù thiệt hại hay bị bắn chết tại rừng khi cưa cây, xẻ gổ, chống lại Nhà Nước, chống lại kiểm lâm; từ đó người ta sợ không ai dám làm, gây ảnh hưởng cho rừng.

Anh ra luật mà không thi hành luật thì luật vô hiệu nghiệm.

Bây giờ ở phía nam Cát Tiên thuộc Đồng Nai, đồng bào ( dân tộc) không còn làm cây gỗ theo người Kinh xúi giục nữa, người ta tham gia cùng kiểm lâm ‘ăn trong rừng, ngủ trong rừng’ để bảo vệ rừng, đi tháo gỡ bẩy, đánh đuổi lâm tặc.

Phía bên Lâm Đồng có giao khoán nhưng không biết tình hình của họ thế nào.

Chỉ là một cá nhân tham gia công tác bảo vệ rừng, anh Ca Hoài có nhận xét về cách thức của chính quyền trong hoạt động này, cũng như việc thực thi luật pháp trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng tại Việt Nam:

Nói ra điều này phức tạp lắm. Ông lãnh đạo này lên, ông kia chuyển công tác, ông nọ về. Ông chủ tịch tỉnh, rồi ông Bộ Nông Nghiệp, mỗi nơi khác nhau. Khó lắm!

Họ không thực sự nghiêm minh. Dự án nói đưa về giúp cho dân nhưng thật sự dân được hưởng không bao nhiêu; các ông ở trên hưởng nhiều nên người dân không tin tưởng một số lãnh đạo, một số nhà chức trách.

Xin phép được nhắc lại nơi mà anh Ca Hoài đang làm việc là Trung Tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp Đào Tiên.

Trung tâm này được thành lập hồi năm 2008 do Vườn Quốc gia Cát Tiên phối hợp với tổ chức Anh Quốc Monkey World Ape Rescue. Trung tâm có diện tích gần 60 héc ta nằm cạnh Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ .

Gia Minh chào tạm biệt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.