Nạn buôn bán động vật hoang dã đã giảm


2014.12.30
Gia Minh - PGĐ Ban Việt Ngữ
000_Hkg920126.jpg Một trong hai con hổ sống được vận chuyển trong một chiếc xe của một nhóm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở trung tâm Hà Nội hôm 7/1/2008
AFP photo

Tình trạng buôn bán động vật hoang dã vẫn còn là một vấn nạn dù rằng chính quyền khắp nơi trên thế giới và cơ quan chức năng đều nói có những biện pháp được cho là đầy đủ về mặt luật pháp nhằm chấm dứt tình trạng này. Trong thời gian qua có một số tin cả vui lẫn buồn về vấn nạn này.

Tin vui

Nhu cầu về sừng tê giác tại Việt Nam giảm hơn một phần ba, tức hơn 33%, chỉ trong vòng thời gian một năm mà thôi. Đây là kết quả của công trình khảo sát của công ty Nielsen thực hiện theo yêu cầu của Hội Nhân đạo Quốc tế (HIS) và Công ước Quốc tế về Mua bán các loại động- thực vật hoang dã nguy cấp tuyệt chủng (CITES) Việt Nam.

Theo khảo sát của Nielsen thì sau một năm tiến hành chiến dịch thông tin công chúng, chỉ còn chừng 2,6% người dân tại Việt Nam tiếp tục mua bán và sử dụng sừng tê giác; một mức giảm được nhìn nhận là 38%. Một điểm quan trọng khác theo khảo sát là có một mức giảm 25% số người Việt Nam cho rằng sừng tê có giá trị như thần dược chữa được ung thư, thấp khớp…

Chiến dịch tuyên truyền tập trung vào việc bác bỏ những công dụng được truyền miệng về khả năng thần dược của sừng tê giác.

“Có nhiều chuyện hoang đường về tê giác. Một số cho rằng sừng tê giác có công dụng mầu nhiệm có thể giải độc và chữa ung thư nhưng khoa học chứng minh rằng sừng tê giác được cấu tạo từ keratin hoàn toàn giống tóc và móng tay. Không có sự mầu nhiệm nào khi ăn móng tay và tóc. Vì vậy đừng phung phí tiền cho những điều vô bổ và tiếp tay làm tê giác tuyệt chủng. Đừng mua sừng tê giác. Không có người mua, không còn kẻ giết.”

Đó là phát biểu của hai ca sĩ Thanh Bùi và Thu Minh trong clip tuyên truyền của chiến dịch. Chiến dịch được tập trung tiến hành tại các nhà trường, đại học, cũng như thông qua các nhóm hoạt động phụ nữ, các doanh nghiệp…

Hiện chúng tôi đang có chương trình đến học đường. Chúng tôi thấy được sự ủng hộ của cộng đồng rất nhiều, họ rất quan tâm.
- Cô Lê Trần Khánh Vy

Cô Lê Trần Khánh Vy, điều phối viên truyền thông của Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển tại Việt Nam, cho biết về chiến dịch ‘Chấm dứt sử dụng sừng tê giác’ thuộc chương trình ‘Không có người mua, không còn kẻ giết’ như sau:

“Hiện chúng tôi đang có chương trình đến học đường. Chúng tôi thấy được sự ủng hộ của cộng đồng rất nhiều, họ rất quan tâm. Chúng tôi đi được 67 trường rồi và đến trường nào các em học sinh cũng rất hứng thú. Chúng tôi cũng rất bất ngờ, không thể ngờ rằng các em học sinh Việt Nam rất thông minh khi mà chính các em đứng lên đưa ra những giải pháp liên quan đến tê giác rất ấn tượng, chính ban tổ chức cũng rất bất ngờ. Tôi nghĩ chương trình này là một tua cũng khá thành công trong năm nay.

Có những em học sinh tiểu học tham gia vở kịch trong đó các em đặt câu hỏi ‘tại sao con người lại dùng sừng tê giác?’, các em đóng trong vở kịch tương tác với các bạn ở dưới là có mua sừng tê giác không, người thân có mua sừng tê giác không, các em khác trả lời ‘không’. Các em đi đến kết luận nếu không ai mua thì những kẻ săn bắt bán cho ai.

Đối với một số các em cấp ba thì đóng kịch trong đó có tình huống nếu chính cha của mình buôn sừng tê giác thì sao? Các em nói rằng sẽ không bao giờ đồng ý với hành động đó. Nếu phải đi du học hay được sống sung túc nhờ những đồng tiền đó thì cũng cảm thấy không vui. Các em có những đánh giá về mặt chính nghĩa trong xã hội rất rõ.”

Lâu nay Việt Nam là thị trường chính buôn bán sừng tê giác. Ngoài khách hàng ngay tại Việt Nam, mặt hàng đắt giá này còn được chuyển sang Trung Quốc.

Chính nhu cầu sừng tê giác tại Hoa Lục và những quốc gia đông nam Á này đã khiến cho số lượng tê giác tại Phi Châu bị săn lùng ráo riết. Ở Việt Nam thì con tê giác một sừng cuối cùng tại Nam Cát Tiên đã bị bắn chết hồi năm 2010. Thống kê cho thấy vào năm ngoài một con số kỷ lục hơn 1 ngàn con tê giác bị săn một cách trái phép tại Nam Phi. Đây là quốc gia có quần thể tê giác đông nhất thế giới với chừng 20 ngàn con tê giác, chiếm đến chừng 80% của số lượng tê giác trên thế giới. Trong năm nay con số giảm xuống hơn 800 con tê giác Nam Phi bị săn bắn. Nạn săn bắn tê giác bùng phát mạnh trong những năm gần đây mà thôi. Hồi năm 2007, chỉ có 13 con tê giác Nam Phi bị săn bắn lậu.

Một nguyên nhân được nêu ra là vì nhu cầu tăng khiến giá cả trên thị trường chợ đen của mặt hàng sừng tê giác lên đến 100 ngàn đô la Mỹ một kilogram. Mức giá có thể so sánh với thuốc phiện và vàng.

Chuyện tồn tại

Tin vui loan đi chưa được bao lâu thì vào đầu tháng 11 vừa qua, thông tin cho biết có hai người Việt Nam bị bắt tại phi trường Johannesburg với 18 sừng tê giác tổng cộng hơn 40 kilogram. Đây được cho là số lượng kỷ lục trong một vụ bắt giữ và hai người bị bắt khi đang dừng trung chuyển từ chuyến bay ở Mozambique để về Việt Nam.

Hai người bị bắt được cho biết 25 và 26 tuổi. tuy nhiên danh tính không được tiết lộ.

Không chỉ có sừng tê giác mà những loài động vật nguy cấp khác cũng tiếp tục được buôn từ Việt Nam sang Trung Quốc. Mạng Shanghaiist vào cuối tháng 10 vừa qua có bài cho biết nhiều động vật hoang dã được đưa từ Việt Nam sang thành phố Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam giáp biên giới Việt Nam để bán cho dân chúng địa phương giết thị ăn. Lý do vì những loài thú hoang dã nguy cấp này bán có giá tại thị trường Trung Quốc hơn ở Việt Nam.

Tin của mạng Shanghaiist nói rõ trên thực đơn của nhiều nhà hàng tại một khu của thành phố Phổ Nhĩ, du khách có thể thấy các món thịt như gà lôi bạc, chuột tre… Nhà hàng quảng cáo thực khách có thể tìm được nhiều món thịt thú hoang thực sự với giá phải chăng mà thôi.

Ngoài các món thị thú hoang, tại thành phố Phổ Nhĩ còn có bán các loại động vật hoang dã khác như khỉ, nai rừng, cầy hương, nhím rừng, gấu, chó rừng, con culi. Tất cả được bày bán trong chuồng. Người bán hàng địa phương giới thiệu đây là những thú hoang đưa từ Việt Nam sang và đây là những loại không còn tìm thấy ở Trung Quốc, chúng đã biến mất tại đó từ lâu. Người bán hàng còn trấn an người khác là có thể ăn thịt chúng thoải mái, không có gì ngại ngần.

Chuyện Trung Quốc buôn ngà voi

Cũng trong những ngày đầu tháng 11 vừa qua, tổ chức phi chính phủ có tên Cơ quan Điều tra Môi trường EIA ra phúc trình cho biết những phái đoàn ngoại giao và quân sự Trung Quốc trong những chuyến công du chính thức đến Đông Phi đổ xô mua ngà voi lậu khiến cho giá cả mặt hàng này tăng vọt.

Thông tin nói rõ khi chủ tịch Tập Cận Bình công du Tanzania vào tháng ba năm ngoái, các thành viên chính phủ và doanh nhân trong phái đoàn tháp tùng ông này đã mua quá nhiều ngà voi khiến cho giá tại thị trường địa phương tăng gấp đôi mỗi kilogram lên 700 đô la Mỹ. Thông tin này được EIA trích dẫn từ chính những nhà buôn ở thành phố Dar es Salaam đưa ra.

Nguồn tin này cho rằng những người mua lợi dụng máy bay chở chủ tịch họ Tập để buôn lậu ngà voi về Trung Quốc.

Phúc trình của EIA cũng cho biết trong một chuyến công du trước đó của chủ tịch Hồ Cẩm Đào sang Phi Châu, việc mua ngà voi của đoàn tùy tùng đi theo ông này khiến cho hoạt động nhộn nhịp hẳn lên. Các viên chức đại sứ quán Trung Quốc là những người thu mua lớn ngà voi, ít nhất là từ năm 2006.

Một chuyến thăm của hải quân Trung Quốc đến Tanzania hồi năm ngoái sau khi các tàu trong đoàn trở về từ đợt công tác chống hải tặc ở Vịnh Aden cũng khiến cho hoạt động ngà voi trở nên rầm rộ. Trong chuyến này có một người Trung Quốc bị bắt khi tìm cách vào thành phố  Dar es Salaam trong một chiếc xe tải có giấu 81 ngà voi trong những thùng gỗ. Số ngà voi này có kế hoạch giao cho hai sĩ quan hải quan cấp trung.  Tòa án địa phương kết án người Trung Quốc buôn lậu ngà voi này 20 năm tù giam.

Tanzania ngay lập tức đã bác bỏ những cáo giác mà EIA đưa ra trong phúc trình của họ. Bộ trưởng ngoại giao Tanzania, ông Bernard Menbe, cho rằng phúc trình của EIA là bịa đặt làm xấu hình ảnh của đất nước Tanzania và nước bạn là Trung Quốc.

Tanzania là một đồng minh chính của Trung Quốc ở Đông Phi. Tanzania có trữ lượng khí tự nhiên lớn và vào tháng 10, tổng thống Jakaya Kikwete của Tanzania công du Trung Quốc. Trong chuyến công du này hai phía ký kết những hợp đồng đầu tư trị giá 1,7 tỷ đô la.

Vào năm 2005 khi tổng thống Jakaya Kikwete lên nắm quyền, nước Tanzania còn chừng 142 ngàn con voi; tuy nhiên đến năm 2015 quần thể voi nước này sẽ chỉ còn chừng 55 ngàn con mà thôi. Lý do vì tình trạng săn bắn voi trái phép để lấy ngà vẫn tiếp diễn.

Một số cho rằng sừng tê giác có công dụng mầu nhiệm có thể giải độc và chữa ung thư nhưng khoa học chứng minh rằng sừng tê giác được cấu tạo từ keratin hoàn toàn giống tóc và móng tay.

Theo EIA thì các chính trị gia thuộc đảng cầm quyền tại Tanzania và giới kinh doanh thân thiết với họ đều có dính líu vào hoạt động buôn bán ngà voi phi pháp.

Trung Quốc cũng lên tiếng bác bỏ những cáo giác đưa ra trong phúc trình của EIA, cho rằng đó là những điều vớ vần, vô căn cứ và Bắc Kinh vô cùng bất bình về những cáo giác như thế. Trung Quốc thường rêu rao là nước này rất quan tâm đến việc bảo vệ các động vật nguy cấp, và trong những năm gần đây chính quyền Bắc Kinh đã cho tiến hành một số vụ bắt giữ đình đám những kẻ buôn lậu động vật nguy cấp ngay tại Hoa Lục. Một vụ tiêu hủy ngà voi với số lượng lớn cũng được phát trên truyền hình Nhà nước. Song song đó chính quyền Bắc Kinh cũng ban hành một số luật và qui định xử phạt những thành phần buôn bán động vật hoang dã.

Hoạt động buôn bán ngà voi hầu như bị cấm từ năm 1989 theo Công ước Quốc tế về Mua bán các loại động- thực vật hoang dã nguy cấp tuyệt chủng (CITES). Trung Quốc và Tanzania đều tham gia ký kết công ước này.

Thông tin cho biết hoạt động buôn bán ngà voi trái phép bùng nổ tại Trung Quốc hồi năm 2008 khi mà chính quyền Bắc Kinh cấp phép cho mua 62 tấn ngà voi theo CITES. Biện pháp này nhằm bảo tồn ngành mỹ nghệ truyền thống chạm khắc trên ngà voi của Hoa Lục.

Giới chỉ trích cho rằng việc cấp phép cho nguồn ngà voi hợp pháp như thế là nguyên nhân khiến những kẻ xấu tiếp tục vi phạm qui định là làm cho thị trường chợ đen ngà voi hoạt động mạnh. Ngoài ra hệ thống cấp phép và thực thi luật pháp của Trung Quốc cũng có nhiều kẻ hở và lỏng lẻo. Trong những tháng đầu năm ngoái những vụ án hình sự liên quan đến buôn lậu ngà voi và các loài động vật hoang dã nguy cấp tại Trung Quốc tăng gần 10% so với năm trước đó.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.