Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước

Nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân Việt Nam. Trước tình trạng đáng báo động đó, cơ quan chức năng có đưa ra nhiều biện pháp nhằm bảo vệ và cải thiện nguồn nước, tuy vậy, dường như những chương trình mà chính quyền đưa ra chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Gia Minh, phóng viên RFA
2009.09.08
Những gia đình sống dọc sông rạch xử dụng nguồn nước trực tiếp từ sông Những gia đình sống dọc sông rạch xử dụng nguồn nước trực tiếp từ sông
Dolinh,RFA

Một trong những lý do khiến chưa thể thực hiện đến nơi đến chốn các biện pháp bảo vệ nguồn nước là vì nhận thức giữa nhiều tầng lớp nhân dân khác nhau chưa đồng đều.

Công tác tuyên truyền trong việc bảo vệ môi trường nói chung và nguồn nước nói riêng mang tầm quan trọng đặc biệt. Vừa qua có một nhóm ba nữ sinh trung học tại tỉnh Thái Nguyên đưa ra dự án tuyên truyền mang tên "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước". Dự án này được Việt Nam chọn mang đi dự thi tại Stockholm (Thuỵ Điển) hồi tháng rồi.

Trong chuyên mục Khoa Học - Môi Trường kỳ này mời quý thính giả nghe các tác giả trình bày về dự án cũng như một số nhận định về hoạt động đó.

Nâng cao ý thức người dân

Đối với nhiều người dân sinh sống tại các thành phố lớn của Việt Nam, nhứt là Sài Gòn và Hà Nội thì chuyện nước sạch là một vấn đề lớn. Có nhiều nơi, ngay tại thành phố lâu nay dân chúng không có đủ nguồn nước sạch để dùng và mỗi lúc chuyện nước sạch lại càng thêm khan hiếm. Dù sống tại Thái Nguyên, ba cô nữ sinh Trường THPT Chuyên Thái Nguyên là Trần Thị Trà Giang, Đặng Thị Hoàng Hà và Bùi Thị Kim Ngân từ những năm đầu Cấp III đã nhận thức về tình hình nguồn nước ngay tại địa phương các bạn sinh sống cũng như ở nhiều nơi khác trong cả nước đang bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng mà từ năm ngoái các bạn chính thức tham gia vào phong trào bảo vệ nguồn nước với dự án cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Cuộc thi do cơ quan chức năng Việt Nam phát động.

Dù sống tại Thái Nguyên, ba cô nữ sinh Trường THPT Chuyên Thái Nguyên là Trần Thị Trà Giang, Đặng Thị Hoàng Hà và Bùi Thị Kim Ngân từ những năm đầu Cấp III đã nhận thức về tình hình nguồn nước ngay tại địa phương các bạn sinh sống cũng như ở nhiều nơi khác trong cả nước đang bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng

Hai bạn Trần Thị Trà Giang và Bùi Kim Ngân trình bày về hoạt động mà các bạn thực hiện lâu nay:

- Em nghĩ cái vấn đề về ô nhiễm nguồn nước đấy ạ thì là vấn đề rất là nóng mà toàn xã hội toàn cầu đều rất là quan tâm ạ, thì tất nhiên rằng là em cũng khai thác là những cái nơi mà có những cái sự ô nhiễm nặng nề nhất ạ, để cả nhóm này đưa lên những nơi và những hình ảnh cụ thể và rõ nét nhất thì để đưa lên và mọi người cùng xem và có những cái ý thức rõ ràng về vấn đề này ạ.

Đầu tiên là nhóm cũng xây dựng những cái tờ rơi và thiết kế những cái tờ rơi, một phần mọi người đã hiểu biết đến và một phần mọi người cũng sẽ đi đến qua những tờ rơi như thế này ạ.

Và trong cái website mà nhóm xây dựng được thì có xây dựng một cái phần là "Diễn Đàn" để mọi người cùng trao đổi với nhau về cái vấn đề ô nhiễm nguồn nước như thế này thì có rất là nhiều ý kiến  phản hồi và đồng ý với quan điểm mà nhóm đã đưa ra. Và hiện nay thì có tới 118 thành viên cùng tham dự và số lượt truy cập rất là đông ạ.

Gia Minh : Kinh phí để mà làm tờ rơi đó thì lấy ở đâu ra?

-  Thì kinh phí đấy thì là do là cũng không tốn kém nhiều mà với mục đích là thay đổi cái ý thức của người dân nên là chi phí mà nhóm dạo này thì nhóm là chi ra, nhóm thấy rằng là cái chi phí này bỏ ra thì không đáng kể gì so với cái ý thức mà thay đổi cái ý thức của người dân ạ.

Những cái sáng kiến của các em về việc cải thiện các nguồn nước thì bây giờ có một cái dạng cũng rất là đặc biệt dùng cái công nghệ mới phù hợp với lứa tuổi của các em, tức là các cái truyền thông và tổ chức các sự kiện.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ Tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên và Môi Trường Việt Nam, đưa ra đánh giá về dự án mà 3 bạn nữ vừa nói xây dựng nên :

GS Nguyễn Ngọc Sinh : Đến lượt các cháu đi là cuộc thi lần thứ 6 rồi mà ban tổ chức cũng rất là bức xúc cái chuyện là tuy đã năm sáu lần đi thi nhưng mà chưa có giải gì, hoặc là giải khuyến khích, hoặc là giải chính thức ở quốc tế, thì cũng cố gắng tìm kiếm xem trong số các giải xuất sắc đó thì có những cái gì tương đối đặc thù cho cái lứa tuổi học sinh và cái hoàn cảnh của Việt Nam.

Cho nên là ngoài những cái công nghệ trước đây, những cái sáng kiến của các em về việc cải thiện các nguồn nước thì bây giờ có một cái dạng cũng rất là đặc biệt dùng cái công nghệ mới phù hợp với lứa tuổi của các em, tức là các cái truyền thông và tổ chức các sự kiện. Cho nên là ban tổ chức, ban giám khảo người ta kiến nghị chọn cái giải này, sau khi mà phỏng vấn các cháu rồi sau đó trao đổi thì người ta quyết định là đưa cái giải đó về giải nhất.

Các em nó lập một trang web, nó tự đi thu thập các số liệu rồi nó lập ra cách thức trình bày, nó đưa đến các bạn trẻ, những người cùng lớp, những người cùng trường, rồi sau đó dựa trên cái nội dung của trang web đó thì các cháu nó phát triển thành những hoạt động thực tế.

Ví dụ như đến mít-tinh, nói chuyện ở các cái lớp, các cái trường, các cái nhóm, học sinh ở khu phố, vân vân, làm sao để cho nâng cao cái ý thức của người dân trong cái việc bảo vệ môi trường. Và các cháu về sau nó dần dần dần dần nó chuyển dịch tiếng Việt sang tiếng Anh thì nó cũng hy vọng rằng đấy cũng là một đóng góp chung cho cái cuộc cải thiện việc sử dụng nguồn nước.

Ví dụ như đến mít-tinh, nói chuyện ở các cái lớp, các cái trường, các cái nhóm, học sinh ở khu phố, vân vân, làm sao để cho nâng cao cái ý thức của người dân trong cái việc bảo vệ môi trường.

Gia Minh : Giáo Sư theo dõi thì Giáo Sư thấy là cái cách mà các cháu đưa ra để bảo vệ và cải thiện nguồn nước thì nó có khác gì với những điều mà các cơ quan chức năng lâu nay đã hướng dẫn không, thưa Giáo Sư?

 Ý thức và quan tâm của giới trẻ tạo một sự đồng cảm

GS Nguyễn Ngọc Sinh:  Cách làm của các cháu thì cũng không có gì khác  nhưng mà nó phù hợp với lứa tuổi của các cháu hơn, cách làm của nó cũng gần với cái điều kiện, cái hoàn cảnh của các cháu. Chắc là người ta tìm ở đấy các cháu lứa tuổi của các cháu tìm ở đó một sự đồng cảm.

Gia Minh : Thưa Giáo Sư, nếu như mà bản thân người dân mà họ cố gắng bảo vệ nguồn nước cho nó sạch nhưng mà rồi tất cả những cái nguyên nhân, cái gốc mà gây ra đó vẫn không có được giải quyết thì những cái công việc làm như vậy cũng vô bổ, có phải không, thưa Giáo Sư?

GS Nguyễn Ngọc Sinh : Bây giờ nói tới thì cũng đúng một phần thôi, tức là cái hiệu quả của các công việc này, thế nhưng mà chúng ta cũng đã hình dung rằng là cái việc bảo vệ môi trường, trong đó có cái bảo vệ nguồn nước, thì không phải là công việc của riêng ai rồi, cho nên là mỗi một người đều chung tay góp sức vào đó, thì bằng cái sự quan tâm như thế của cộng đồng, và đặc biệt đây là lứa tuổi học sinh, nó cũng gây cái áp lực ngược trở lại đối với những người có trách nhiệm trong việc này cũng như là những người lớn.

Mỗi một người đều chung tay góp sức vào đó, thì bằng cái sự quan tâm như thế của cộng đồng, và đặc biệt đây là lứa tuổi học sinh, nó cũng gây cái áp lực ngược trở lại đối với những người có trách nhiệm trong việc này cũng như là những người lớn.

 Gia Minh : Cũng là người mà đang theo dõi những hoạt động này thì Giáo Sư thấy có tiến triển gì không trong thời gian gần đây để giúp loại trừ tất cả những nguồn mà gây ô nhiễm cho các nguồn nước tại Việt Nam, thưa Giáo Sư ?

 GS Nguyễn Ngọc Sinh : Có lẽ là chúng tôi thấy nó cũng có những cái chuyển biến, ví dụ các cháu đây là các cháu lẽ dĩ nhiên nó nằm trong lưu vực Sông Cầu. Cái lưu vực Sông Cầu, lưu vực Sông Sài Gòn, Đồng Nai là những nơi mà nhà nước vừa mới có những cái quyết định mạnh mẽ trong cái việc là bảo vệ nguồn nước trong lưu vực sông. Cho nên là chắc cũng có những cộng hưởng từ trên xuống, từ dưới lên khiến các em có ý thức hơn. Các em nó cũng nhìn nhận ra được cái vấn đề là cần phải bằng cách nào đó nâng cao cái nhận thức của tầng lớp học sinh - sinh viên trong cái việc bảo vệ sử dụng nguồn nuớc.

Cô giáo chủ nhiệm Trần Hồng Điệp của 3 bạn gái, tác giả dự án "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước", cũng có đánh giá về hoạt động mà cô học trò của cô này thực hiện :

Cô Trần Hồng Điệp : Nhất là về cái cuộc thi đấy thì chúng em đã theo sát từ đầu bởi vì chúng em là giáo viên hướng dẫn của các cháu mà, thế cho nên nội dung của cái đề tài của các cháu thì chúng em nắm rõ. Thế còn cái tác dụng của đề tài đấy thì có ý nghĩa rất là tích cực bởi vì là các cháu ở trong cái độ tuổi mà  các cháu mới chỉ học đến phổ thông thôi thì các cháu đã góp phần công sức nhỏ bé của mình để thay đổi nhận thức của bộ phận thanh thiếu niên. Với đề tài như thế các cháu đã gây dược cái ấn tượng rất là tốt đối với một bộ phận nhỏ của tuổi trẻ của Thái Nguyên, thế mà cũng là cái website của các cháu thực sự được rất là nhiều người truy cập nên là cái thông tin, cái hiệu quả đem lại, theo tôi nghĩ rất là tốt.

Thế còn cái tác dụng của đề tài đấy thì có ý nghĩa rất là tích cực bởi vì là các cháu ở trong cái độ tuổi mà  các cháu mới chỉ học đến phổ thông thôi thì các cháu đã góp phần công sức nhỏ bé của mình để thay đổi nhận thức của bộ phận thanh thiếu niên. Với đề tài như thế các cháu đã gây dược cái ấn tượng rất là tốt

Thế còn cái mà các cháu đã làm đấy thì là theo tôi thì cái mà phần các cháu đã làm với độ tuổi của các cháu như thế, sức của các cháu như thế mà các cháu làm như thế là rất tốt. Thế còn cái đề tài để muốn mà bổ sung thêm thì sẽ cần phải bổ sung rất là nhiều bởi vì đấy mới chỉ là cái bước mở đầu. Và bây giờ cái website của các cháu (thì) các cháu vẫn tiếp tục theo dõi, vẫn cứ tiếp tục bổ sung, và các hoạt động của các cháu thì vẫn cứ thường xuyên làm. Thế còn nếu mà muốn bổ sung cái đề tài thêm nữa thì các cháu có thể bổ sung thêm về những cái mảng, ví dụ như là không chỉ có cái nguồn nước mà đối với môi trường nói chung, cái bầu khí quyền, rồi là đối với thiên nhiên, vân vân, nói chung là phải bổ sung rất là nhiều.

Dù không được giải tại vòng chung kết cuộc thi mang tên “Giải thưởng Stockholm về nước dành cho lứa tuổi học sinh (SJWP)” tại Stockholm (Thụy Điển) tổ chức từ 15 đến 21 tháng 8 vừa qua, thế nhưng theo 3 bạn Trần Thị Trà Giang, Đặng Thị Hoàng Hà và Bùi Kim Ngân, thì tại cuộc thi các bạn cũng học được nhiều điều từ những bạn đồng trang lứa ở 28 quốc gia khác cùng dự thi. Bên cạnh đó, các bạn cũng tận mắt chứng kiến công việc bảo vệ môi trường tại một đất nước như Thuỵ Điển. Những điều thu thập được giúp các bạn thêm hứng thú trong việc tiếp tục triển khai dự án tuyên truyền việc bảo vệ nguồn nước trên trang web chính của dự án mà các bạn lập nên là www.moitruong.good.to

Mục Khoa Học - Môi Trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quý thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới, cũng vào giờ này, trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Gia Minh chào tạm biệt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.