Chiều theo con nước?

Sau nhiều tuần lễ mưa lớn và băng tan, nước sông Mississippi dâng lên vượt kỷ lục cuả những thập niên 20, 30 cuả thế kỷ trước. Ngày 23 tháng 5 này, đỉnh lũ đến thành phố New Orleans.

0:00 / 0:00

Phá đê, mở cửa đập, mở cống xả

Cơ quan chức năng đã mở các cống xả nhưng vẫn không chống được cơn lụt. Một số vùng quê đành chịu hy sinh để cứu lấy thành phố. Sau đỉnh lũ, mức nước vẫn sẽ cao trong nhiều tuần lễ. Những nơi bị lụt phải mất nhiều tháng trời mới có thể trở lại khô ráo bình thường. Tin ngày 19 tháng 5 cho hay có một ngươì chết vì nước lụt sông Mississippi. Nạn nhân là một ngươì đàn ông 69 tuổi ở thành phố Vicksburg, bang Mississippi.
Tình trạng này làm dấy lên luồng ý kiến cho rằng do chính sách chặn dòng sông để phục vụ các kế hoạch cuả con người nên nay mới xảy ra thảm hoạ. Điều đó buộc người ta phải xem xét lại ý muốn can thiệp vào thiên nhiên cuả con người.

ở vùng Baton Rouge, Morganza, người ta phải mở chừng 60% ‘vịnh’ rồi. Vùng Bonnet Carre Spillway đã mở 330 cửa trên tổng số 350 cửa rồi

nhà báo Vương Kỳ Sơn

Ngập lụt tại Vicksburg-MS
Ngập lụt tại Vicksburg-MS (Courtesy MS State Web.)

Một ngươì chuyên theo dõi tình hình môi trường ở khu vực, nhất là sau thảm hoạ nổ dàn khoan dầu BP gây tràn dầu ở Vịnh Mexico, nhà báo Vương Kỳ Sơn, trình bày về tình hình lũ lụt sông Mississippi:
"Tình trạng cũng rất kinh khủng, vì nước từ thượng nguồn dồn xuống vùng cửa sông Mississippi này. Vùng này sẽ chịu ảnh hưởng dù nay chưa có lệnh di tản. Tùy theo vùng, có vùng phải phá đê, phải mở cửa vịnh để giảm áp lực nước. Công binh phải phá nhiều đọan đê hay mở những cửa đập cho nước tràn vào những 'hồ nhỏ'. Nếu lưu lượng từ 1 triệu 500 ngàn bộ trong một giây (khoảng 500 ngàn mét/giây) , họ buộc phải cho nước tràn sang những vùng lân cận để giảm áp lực. Đặc biệt ở vùng Baton Rouge, Morganza, người ta phải mở chừng 60% 'vịnh' rồi. Vùng Bonnet Carre Spillway đã mở 330 cửa trên tổng số 350 cửa rồi…"
Từ ngày 10 tháng 5 vừa qua, hoạt động theo dõi tình hình nước sông Mississippi dâng lên được tăng cường mạnh mẽ. Lực lượng công binh Hoa Kỳ vào thời điểm đó phải mở một cống tràn ở Louisiana nhằm giúp giảm áp lực nước đối với hệ thống đê bảo vệ cho thành phố New Orleans.

Cho ngập vùng nhỏ, cứu vùng công nghiệp

Tuần lễ trước đó, Công binh Hoa Kỳ cũng phải sử dụng đến biện pháp đã không phải áp dụng 75 năm rồi trong khu vực; đó là cho đánh thuốc nổ một đoạn đê dài hai dặm ở Missouri, hy sinh chừng 130 ngàn acre đất nông nghiệp và cả 100 căn nhà để cứu thị trấn Cairo ở bang Illinois.
Đến ngày 12 tháng 5, nước sông Mississippi được cho biết đã tràn qua đê ở Bunche's Bend, bang Louisiana, gây ngập 12 ngàn acre bắp và đậu nành cuả nông dân, dù rằng dân chúng đã nỗ lực đắp bờ thêm cho chắc.
Công tác gia cố đê tại Bunche's Bend ở góc đông bắc bang Louisiana được cho biết đã bị lơ là sau khi có một đê khác cao hơn được xây ở điạ điểm xa hơn.

Lụt tại Yazoo Co-MS
Lụt tại Yazoo Co-MS (Courtesy MS State Web.)

Hôm 14 tháng 5, cổng ngăn lụt tại Morganza, bang Louisiana lần đầu tiên được mở trong vòng bốn thập niên. Cảnh tượng được chiếu trên truyền hình nước Mỹ cho thấy dòng nước tuôn chảy như thác đổ, bọt nước bắn cao lên đến gần hai thước. Dòng nước sẽ chảy xuống vùng trũng Atchafalaya cách đó đến hơn 30 kilômét, rồi đến thành phố Morgan, trung tâm lọc dầu và hải sản với chừng 12 ngàn dân.

Bây giờ nước đã chảy qua các thành phố lân cận với nước do Morganza Spillway đổ ra. Morganza Spillway có 125 gates( cổng)...đến lúc này theo tôi biết đã mở muời mấy cổng rồi…

ông Phạm Vũ Hoà, cư dân Morgan City

Biện pháp cho mở cống ngăn lụt Morganza giúp chuyển dòng nước không để tràn vào thành phố Baton Rouge và New Orleans cũng như những nhà máy lọc dầu, nhà máy hoá chất nằm ở khu vực hạ lưu dòng sông Mississippi.
Hệ thống cổng xả tràn Morganza là một bộ phận cuả hệ thống cổng xả lũ và đê bao được xây dựng sau đợt lụt hồi năm 1927. Hôm chủ nhật ngày 15 tháng 5 vừa qua, cơ quan chức năng Hoa Kỳ ra cảnh báo nói sau khi mở cổng xả tràn, nước có thể xuống đến cận các cộng đồng ở hạt Cajun bang Louisiana.
Một người dân tại thành phố Morgan City, ông Phạm Vũ Hoà, vào chiều ngày 19 tháng 5 cho biết tình hình tại đó như sau:
"Trên con tàu chúng tôi làm việc nhìn ra dòng sông nối liền với hồ mà Morganza Spillway khi mở cống xả sẽ đổ nuớc xuống, để từ đó đổ ra biển ngòai Vịnh. Bây giờ nước đã chảy qua các thành phố lân cận với nước do Morganza Spillway đổ ra. Morganza Spillway có 125 gates ( cổng), những nguời thuộc Engineering Corp- Cục Công Binh- của chính phủ Mỹ, từ thứ bảy tuần trước mở gate đầu tiên, sau đó 2 và qua chủ nhật là mở bốn cổng…Theo mức nước phải tăng lên, và đến lúc này theo tôi biết đã mở muời mấy cổng rồi…"
Hôm 17 tháng 5, theo như đã báo trước, Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm tàu thuyền tại một số khu vực ông Mississipi nhằm giúp giảm áp lực cho hệ thống đê dọc sông. Khu vực bị đóng được nói kéo dài chừng 15 dặm. Biện pháp này gây thiệt hại về kinh tế ước tính hằng trăm triệu đô la vì phải ngưng các chuyến tàu chuyên chở những sản phẩm như than, gỗ, sắt, thép, cũng như ngũ cốc xuất khẩu cuả Mỹ.

Chứa đựng, không ngăn chống.

Thống đốc Haley Barbour cuả bang Mississippi, phát biểu rằng thời gian nước lụt kéo dài trước khi rút hết gây nhiều vấn đề cho vùng ngập lụt:
Tình hình của tiểu bang cho thấy tính cách giới hạn về hiệu quả của chiến lược be bờ, đắp đê, xây đập ngăn nước.

Con nước mênh mông
Con nước mênh mông (Courtesy MS State Web.)


Phó chủ tịch cao cấp Tổ chức Các Dòng sông Hoa Kỳ, ông Andrew Fahlund, được tờ Washington Post trích dẫn nói rằng suốt nhiều thập niên, Hoa Kỳ xem các đê ven sông là tuyến bảo vệ duy nhất ngăn lụt lội.
Một quan điểm được đưa ra là cần có những tuyến bảo vệ tự nhiên trước tình hình lũ lụt gần đây. Khuynh hướng ngày đi dường như ngược lại với những biện pháp mà Hà Lan, nơi được mệnh danh là vùng đất thấp, áp dụng lâu nay.
Một số điạ phương tại Hoa Kỳ như hạt Pierre ở bang Washington (miền tây), Cedar và Rapids ở bang Iowa, đang cho mua lại nhà cửa đất đai và đưa dân đến những nơi khác nhằm phục hồi các vùng đất ngập nước, cũng như khu được gọi là rốn lũ. Những đê ngăn nước được thiết kế lùi lại xa khỏi dòng nước.
Thành phố thường bị ngập lụt Napa ở bang California đã cho thực hiện dự án 400 triệu đô la, đào khu Veterans Memorial Park thành nơi giữ nước lụt. Đến nay dự án đã được hoàn thành chừng hai phần ba. Vị thị trưởng thành phố cho biết một khu nổi tiếng cuả thành phố được xây dựng theo dạng tầng dốc, có chức năng như một đập tràn vậy.
Biện pháp xây đập ngăn nước và dùng cối xay gíó bơm nước ra từ lâu nay cuả Hà Lan nay cho thấy họ phải trả giá. Đây là sự thừa nhận cuả một kinh tế gia cao cấp làm việc ở Đại sứ quán Hoà Lan.
Một biện pháp quản trị nguồn nước bền vững hơn cho rằng nay không nên đắp đê ngăn nước mà hãy dành chỗ cho nước sông. Theo biện pháp này, cần thực hiện các công việc như tái định vị hệ thống đê điều, nạo vét lòng sông, và phục hồi những vùng đất canh tác trở lại thành khu đất ngập nước (wetland) như trước.

'Thảm hoạ cố ý'

Tuy nhiên tất cả những biện pháp đó dường như khó có thể áp dụng tại những nơi mà dân số ngày càng gia tăng, nhu cầu về đất đai mỗi lúc một nhiều hơn, trong khi đất đai không thể nào tăng thêm.
Xin được nhắc lại: sông Mississipi dài 3733 kilômét kéo dài từ hồ Itasca đến Vịnh Mexico. Ba con sông Missouri, Jefferson, Mississippi nối tiếp nhau hình thành nên hệ thống sông lớn nhất ở Bắc Mỹ. Hệ thống này dài 6275 kilômét, được xếp hàng thứ ba thế giới về chiều dài.

Người dân hiểu nếu họ ích kỷ không cho mở Morganza Spillway, thì nước sẽ dồn lên làm ngập lụt. Đó là những thành phố kỹ nghệ quan trọng, dân cư đông đúc

Ông Phạm Vũ Hoà

Sau khi xảy ra tình trạng lụt lột, một số báo chí tại Hoa Kỳ như tờ Washington Post có những bài viết với các ý kiến như khi nước lụt sông Mississippi dâng lên cao gần mức kỷ lục, có ngươì đặt vấn đề đã đến lúc phải ngưng chống lại thiên nhiên và để cho dòng sông được tự do. Một bài báo cũng cuả tờ báo này ngày 16 tháng 5 chạy tựa ‘Thảm hoạ cố ý’ nói về tình trạng hạt Cajun ở bang Louisiana phải chịu hy sinh đón nước lũ để cứu hai thành

Lụt tại MS, tháng 5-2011
Lụt tại Mississippi, tháng 5-2011 (Courtesy MS State We.)

phố New Orleans và Baton Rouge.
Đây được xem là một tính toán lợi hại như ông Phạm Vũ Hoà trình bày:
Dân chúng nghĩ rằng khi chính phủ làm việc gì cũng phải có bàn bạc, họp hành. Người dân hiểu nếu họ ích kỷ không cho mở Morganza Spillway, thì nước sẽ dồn lên làm ngập lụt. Đó là những thành phố kỹ nghệ quan trọng, dân cư đông đúc. Nếu những nơi đó bị tàn phá thì thiệt hại sẽ rất lớn mà chính phủ phải chi ra rất nhiều tiền thuế của dân để khắc phục. Chính phủ cũng cho biết rất đắn đo suy nghĩ; nhưng đã tính tóan nơi ít dân hơn phải chịu thiệt hơn nếu không phía bên kia sẽ chịu thiệt hại quá nặng nề…

Bài học gì?

Hồi năm rồi những vùng như Phú Yên, Nghệ An… cuả Việt Nam phải gánh chịu những đợt lũ liên tiếp do nước từ các hồ thủy điện phải xả lũ do mưa nhiều làm tràn đập. Tình trạng đua nhau làm nhà máy thủy điện đến mức lạm dụng, thiếu tính toán dẫn đến thiệt hại mà người dân phải gánh chịu. Hẳn nhiên cần phải có tính toán thiệt hơn, lợi hại trong những kế hoạch can thiệp vào thiên nhiên .
Ở thành phố Hồ Chí Minh, do việc san lấp hết những chỗ trũng chứa nước nên phải chịu tình trạng ngập úng lâu nay.
Liệu tình trạng lụt lội đang xảy ra cho các vùng dọc con sông Mississipi cuả Hoa Kỳ có thể là bài học cho Việt Nam trong việc quản trị thiên tai, lụt lội?
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh cuả Đài Á Châu Tự Do.
Gia Minh chào tạm biệt.