Tác động của biến đổi khí hậu được giới khoa học trên thể giới khẳng định một lần nữa trong báo cáo thứ năm của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu đưa ra truớc kỳ Hội nghị Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu tổ chức ở Vác xa va hồi tháng 11 vừa qua.
Trước những cảnh báo đó đại diện của các quốc gia trên tòan thế giới có đi đến một số thỏa thuận để tình trạng không tồi tệ thêm. Tuy nhiên thỏa thuận đạt đuợc tại hội nghị ở Vacxava vừa qua bị cho là còn quá khiêm tốn.
Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.
COP 19/CMP 9
Hội nghị Liên hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 19, gọi tắt theo tiếng Anh là COP19, diễn ra tại thủ đô Vác xa va của Ba Lan từ ngày 11 đến 23 tháng 11 năm ngóai. Đây là kỳ họp thứ 19 của Hội nghị Các bên trong Công Ước Khung Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu 1992 và là lần họp thứ chín của Vòng gặp Các bên thuộc Nghị Định Thư Kyoto 1997-CMP 9.
Hội nghị năm nay có sự tham dự của hơn 10 ngàn đại biểu từ 189 quốc gia trên tòan thế giới.
Do những tranh luận bất đồng gay gắt cũng như tại những kỳ hội nghị trước đây, hội nghị lần này cũng phải kéo dài thêm một ngày họp để có thể đi đến một số thống nhất giữa các khối nước tham dự, đó là những quốc gia công nghiệp phát triển, những quốc gia đang phát triển, những nuớc đang trổi dậy và những nước nghèo chịu tác động nhiều nhất bởi tình hình biến đổi khí hậu…
Ở COP 19 một hiện tượng xuất hiện từ lâu rồi và bây giờ vẫn tiếp tục mà chưa có khả năng khắc phục được tức là mâu thuẫn giữa quyền lợi của các quốc gia với cái chung của toàn thế giới, mâu thuẫn giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển vẫn chưa khắc phục được
ông Trần Việt Liễn
Chuyên gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam, ông Trần Việt Liễn nói về vấn đề này như sau:
Ở COP 19 một hiện tượng xuất hiện từ lâu rồi và bây giờ vẫn tiếp tục mà chưa có khả năng khắc phục được tức là mâu thuẫn giữa quyền lợi của các quốc gia với cái chung của toàn thế giới, mâu thuẫn giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển vẫn chưa khắc phục được. Tôi cho rằng đó cũng là một điều khó khăn. Cho nên có những điều đáng lẽ phải nhất trí sớm để đến năm 2015 có thể ra được một nghị định thư tương tự như Nghị định thư Kyoto ở mức độ cao hơn đều có hướng thể; nhưng tôi cho rằng còn nhiều khó khăn mà thỏa thuận đạt được cũng chưa như yêu cầu mong muốn của các nhà khoa học khí tượng- thủy văn trong vấn đề đấu tranh về biến đổi khí hậu.

Ngay trước khi diễn ra COP 19 và CMP 9, Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu công bố phúc trình thứ 5 về những thay đổi trên trái đất do biến đổi khí hậu gây nên và kêu gọi các quốc gia phải giảm phát thải công nghiệp để giữ nhiệt độ trái đất không tăng lên thêm 2 độ C so với mức độ hiện nay.
Chuyên gia Trần Việt Liễn nói về báo cáo thứ năm đó của IPCC:
Từ những lần công báo thứ ba, thứ tư và bây giờ là công báo thứ năm rồi, IPCC đều nhắc rồi nếu không có những hoạt động giảm thiểu tích cực để có thể ngăn chặn sự phát triển của sự gia tăng biến đổi khí hậu thì thảm họa đó chắc chắn sẽ đến. Chỉ có điều là trong những năm gần đây, những điều đó đã thể hiện rõ nét rồi. Tại Hội nghị Vác xa va các đoàn đều cảm nhận thấy điều đó rồi. Nhưng có lẽ vì quyền lợi quốc gia, quyền lợi giữa quốc gia và cái chung chưa khắc phục được, nên thỏa thuận chưa đạt được yêu cầu. Đáng lẽ có thể có những kế hoạch có quyết định rồi, nhưng rồi cũng không thống nhất được với nhau ngay. Tôi cho rằng đó là một khó khăn, còn nhận thức thì nước nào cũng nhận thức được rồi; Hoa Kỳ, Trung Quốc có nhận thức được không? Họ nhận thức được hơn những nước khác về thảm họa, nhưng vì quyền lợi trước mắt của họ nên họ chưa thể cùng với toàn thế giới xử lý những giải pháp tích cực một cách quyết liệt thì mới có thể hạn chế được nhanh. Còn thảm họa theo tôi nếu những thỏa thuận tích cực được giải quyết đầu năm 2015 thì những thảm họa vẫn chắc chắn còn có thể xảy ra trong nửa đầu thế kỷ này, hy vọng triển khai tốt hơn thì đến cuối thế kỷ mới ăn thua.
Thảm họa theo tôi nếu những thỏa thuận tích cực được giải quyết đầu năm 2015 thì những thảm họa vẫn chắc chắn còn có thể xảy ra trong nửa đầu thế kỷ này, hy vọng triển khai tốt hơn thì đến cuối thế kỷ mới ăn thua
ông Trần Việt Liễn
Dù vẫn còn bất đồng về nhiều vấn đề, nhưng trước những hậu quả nhãn tiền như các hiện tượng bất thường, cực đoan thời tiết xảy ra ở nhiều quốc gia, các nuớc cũng phải tương nhượng và tìm ra giải pháp cho vấn đề trong tinh thần hợp tác chung.
Ông Trần Việt Liễn nói về tinh thần đó :

Theo tôi nghĩ xu thế chung là thế giới dần dần cũng phải hợp sức với nhau. Tai họa không phải đến với riêng một nước nào, nên xu thế chung, người ta cũng đang tìm con đường nào đó để có thể hợp tác với nhau nhằm tạo ra tác động tích cực làm giảm thiểu biến đổi khí hậu. Mục tiêu của IPCC cũng như của tổ chức môi trường thế giới đưa ra là con số 2 độ C đến cuối thế kỷ 21- nhiệt độ trung bình toàn cầu không thể vượt qua 2 độ C; nếu vượt qua sẽ có những thảm họa khác khó lường hết được. Các nước đều đã quán triệt được mục tiêu đó.
Kết quả khiêm tốn
Với tinh thần hợp tác để tình trạng ấm lên của Trái đất sẽ đuợc kiềm chế lại, các quốc gia thống nhất sẽ giảm phát thải càng sớm càng tốt. Và thời điểu đuợc nêu ra là đến quí một năm 2015.
Đánh giá về thỏa thuận đạt đuợc tại COP 19, tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, nguời từng tham gia trong báo cáo thứ tư của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu IPCC, nhận định:
Mục tiêu của IPCC cũng như của tổ chức môi trường thế giới đưa ra là con số 2 độ C đến cuối thế kỷ 21- nhiệt độ trung bình toàn cầu không thể vượt qua 2 độ C; nếu vượt qua sẽ có những thảm họa khác khó lường hết được
Ông Trần Việt Liễn
Ở hội nghị Vac xa va, COP 19 vừa rồi để các nước có thể đi đến thỏa thuận cụ thể giữa họ với nhau, cũng như Quỹ Khí hậu Xanh ( Greeen Climate Fund) chưa thỏa thuận được về mặt pháp lý cụ thể, công việc của từng nước thế nào, đóng góp ra làm sao, và yêu cầu cam kết của các nước về mặt pháp lý chưa ký được. Chỉ có điểm là ghi nhận sự tiến bộ, và chúng ta thấy rằng hội nghị Vac xa va vừa rồi tiến đến được thống nhất với nhau nguyên tắc cơ bản là phải đàm phán và quán triệt cao nhất để đến COP 20 tại Paris trong năm tới đạt được hai hiệp định sơ bộ để có thể đi đến ký kết được. Nếu thỏa mãn thì đã ký rồi, vì chưa thỏa mãn nên chưa ký được. Tôi nghĩ rằng có thể chấp nhận được điều đó, không thể nói là thất bại được, các phía đã tiến đến thỏa thuận được một số điều về nguyên tắc. Còn vấn đề mâu thuẫn giữa các khối một bên gồm các nước như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Canada … một bên là các nước như Trung Quốc, Brazil, Nam Phi …cũng có ý kiến riêng và khác biệt nhưng tôi tin chắc với xu hướng hiện nay không có con đường nào khác là phải thỏa hiệp để có một giải pháp nào đó bằng không chúng ta sẽ không còn tồn tại trong tác động ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu không chỉ ở một nước mà mang tính toàn cầu không chừa một ai.

Giáo sư Đinh Văn Ưu, giảng dạy tại Khoa Hải Dương Học, Đại Học Quốc gia Hà Nội, có ý kiến về hành động của các quốc gia về vấn đề giảm thiểu phát thải gây hiệu ứng nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu:
Tôi nghĩ hướng của Hội nghị Vac xa va vừa rồi là sau khi kết thúc hội nghị người ta nhận thấy rằng cần phải có nổ lực của rất nhiều nước.Tuy nhiên vấn đề này gắn liền với sự phát triển của từng quốc gia, từng khối nước. Người ta cũng nhận thức được, đặc biệt là trong thời kỳ hội nghị xảy ra cơn bão Haiyan và đoàn Philippines có đưa hành động bằng cách tuyệt thực … Theo tôi đây là đường hướng đúng và khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực phải có thay thế và điều thay thế đó cần phải triển khai; nếu mà không hoạt động được thì đó là điều tồi tệ đối với hành tinh chúng ta.
Các chương trình thích ứng của Việt Nam bây giờ tôi cho là tốt, đặc biệt là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tạo điều kiện cho người dân góp phần vào việc thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu.Theo tôi trong vấn đề đó, Việt Nam cũng đi được một bước, tuy nhiên đây là vấn đề lâu dài
Chuyên gia Trần Việt Liễn
Biện pháp của Việt Nam
Việt Nam thuộc nhóm các nước đang phát triển và nằm trong nhóm những quốc gia ven biển đuợc cảnh báo sẽ chịu tác động nhiều nhất bởi tình hình biến đổi khí hậu, nên lâu nay đã có những động thái nhằm có thể ứng phó lại những thay đổi bất lợi như thế.
Chuyên gia Trần Việt Liễn trình bày những công tác mà cơ quan chức năng Việt Nam triển khai lâu nay:
Các chương trình thích ứng của Việt Nam bây giờ tôi cho là tốt, đặc biệt là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tạo điều kiện cho người dân góp phần vào việc thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu.Theo tôi trong vấn đề đó, Việt Nam cũng đi được một bước, tuy nhiên đây là vấn đề lâu dài.
Vấn đề ứng phó của Việt Nam cũng đuợc giáo sư Đinh Văn Ưu cho biết:
Ở Việt Nam, có chương trình mục tiêu quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu được Nhà nước thông qua và nhận được sự tài trợ của rất nhiều nước như Đan Mạch, Hà Lan… Ngay cả Hoa Kỳ nhân chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng nước này vừa rồi cũng hứa tài trợ một khoản tiền cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng. Tôi nghĩ những điều đó chắc chắn là nên làm. Nhưng điều quan trọng hơn là làm thế nào để có được một cảnh báo tương đối rõ ràng hơn về tác động. Ví thiên tai tác động đến rất nhiều lĩnh vực; nhưng nếu lĩnh vực nào cũng cho do biến đổi khí hậu thì ‘ôm đồm’ quá. Chỉ cần chọn một số ngành, lĩnh vực, khu vực chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu, mà trong đó đặc biệt nhất là nước biển dâng.
Việt Nam đang có chương trình mục tiêu quốc gia nghiên cứu về chương trình đó, tôi nghĩ rằng phải mất một thời gian kha khá nữa, chúng ta mới có nhận thức rõ ràng hơn và chiến lược rõ ràng hơn. Công việc này là công việc lâu dài chứ không thể ngày một ngày hai được.
Giới khoa học thì cảnh báo tình hình đã đến mức báo động; trong khi đó các quốc gia vì quyền lợi riêng vẫn chần chừ, do dự không muốn áp dụng những biện pháp giảm phát thải trong sản xuất công nghiệp. Thời điểm 2015 cũng sắp đến khi mà cần phải có một thỏa thuận thay thế cho Nghị định thư Kyoto; trách nhiệm đang đặt trên vai của những nhà lãnh đạo quốc gia và nguời dân cần đòi hỏi họ thể hiện trọng trách trước khi quá muộn.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.