Nguồn điện được sản xuất ra, tuyền tải đi cần phải có công nghệ riêng, công tác phân phối cần phải hợp lý, và người sử dụng phải biết tiết kiệm thông qua những sản phẩm tiêu thụ ít điện năng.
Trong chương trình Khoa học - Môi trường kỳ này, hai chuyên gia trong ngành điện đề cập đến những vấn đề vừa nêu.
Thiếu điện do giá thấp
Trước bao ta thán của người dân, cũng như các nhà sản xuất, đầu tư, kinh doanh, rồi cả chính quyền của một số tỉnh thành như Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh về việc cắt điện ‘vô tội vạ’, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa ra một số giải thích về nguyên nhân mang tính khách quan như do trời khô hạn, nước về chậm, thiếu nên thiếu điện.
Điều này cũng được chuyên gia Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Năng lượng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nêu lại trong trình bày về lý do thiếu hụt điện hiện nay tại Việt Nam:
Thứ nhất là một số nhà máy điện thi công chậm tiến độ; thứ hai là thuỷ điện nhiều mà khi thời tiết khô hạn không đủ nước khiến nhà máy không thể vận hành được; thứ ba là nhu cầu về điện lại tăng, trong khi giá điện ở Việt Nam thấp không khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn vào lĩnh vực này… ; một lý do khác nữa là lúc nhu cầu lên đến ‘đỉnh’ không nhiều, nên không thể đầu tư theo mức ‘đỉnh’ đó.
Lý do khiến các nhà đầu tư không mặn mà với các dự án xây dựng nhà máy điện là vì giá thấp. Nếu cho tăng giá điện mọi thứ sẽ phải tăng theo, như thế sẽ đưa đến lạm phát nên Nhà Nước chưa cho tăng giá điện.
Ô. Trần Viết Ngãi
Đối với những lý do mà phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN, đưa ra thì một chuyên gia khác trong ngành điện Việt Nam, nhưng không thuộc EVN là ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, có một số ý kiến thuận và một số ý kiến chưa tán thành như sau:
Trước hết tổng sơ đồ phát triển của EVN chưa đủ tầm vĩ mô. Tốc độ phát triển phụ tải của Việt Nam ngày càng cao, cao hơn so với dự tính. Về vấn đề đầu tư nhà máy thì cơ quan chức năng đưa ra khoảng thời gian quá gấp rút khi thực tế đòi hỏi phải lâu hơn. Nhân sự thực hiện các dự án đó cũng khác nhau: nơi nào nhân sự khá thì hoàn thành nhanh hơn, còn nơi nào yếu thì chậm tiến độ.
Tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm 2010 của Bộ Công Thương, chủ tịch EVN, ông Đào Văn Hưng cho rằng tập đoàn điện lực Việt Nam phải mua nguồn điện giá cao và lỗ đến 4700 tỷ đồng. Trong khi đó thì cả hai chuyên gia Phạm Khánh Toàn và Trần Viết Ngãi đều cho rằng giá bán điện của Việt Nam hiện nay còn khá thấp. Đây là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mặn mà với các dự án xây dựng nhà máy phát điện tại Việt Nam.
Ông Phạm Khánh Toàn trình bày những ý kiến liên quan giá điện tại Việt Nam:
Nhà nước Việt Nam qui định giá bán điện như hiện nay là để phù hợp với thu nhập của người dân. EVN quản lý một khoản tài sản lớn, kinh doanh có lãi thế nhưng mức lãi không đủ để tái đầu tư. Về mặt cơ chế giá thì cần phải theo giá thị trường; thế nhưng cần phải có lộ trình tăng giá điện.
Đối với vấn đề giá điện tại Việt Nam hiện nay, ông Trần Viết Ngãi cũng có một số chia sẻ tương tự của ông Phạm Khánh Toàn:

Lý do khiến các nhà đầu tư không mặn mà với các dự án xây dựng nhà máy điện là vì giá thấp. Tuy nhiên, mặt bằng ở Việt Nam thứ gì cũng thấp, nếu cho tăng giá điện mọi thứ sẽ phải tăng theo. Như thế sẽ đưa đến lạm phát nên Nhà Nước chưa cho tăng giá điện.
Phía EVN thì vẫn cứ nằn nì yêu cầu chính phủ phải cho tăng giá điện. Lý do được nêu ra vì sắp đến giá than sẽ tăng, và phải nhập than về chạy nhà máy điện. Tuy nhiên phía phản bác cho rằng, cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam hiện nay thủy điện chiếm đến 40%, và trong thời gian tới những nhà máy thủy điện đang xây dựng được đưa vào sử dụng thì tỷ lệ này con tăng lên nữa. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có 38% là turbin khí. Nhiệt điện chỉ chiếm hơn 10%. Đánh giá còn nói rõ ngành thuỷ điện có lãi lớn, và nếu giá điện tăng thì ngành này lại hưởng thêm lợi.
Tiết kiệm phải đồng bộ
Trong các nguyên nhân mà hai chuyên gia ngành điện vừa nêu về tình trạng cắt điện do thiếu hụt nguồn cung ứng có sự lãng phí từ phía sử dụng.
Về vấn đề lãng phí trong sử dụng nguồn điện, chuyên gia Phạm Khánh Toàn, có ý kiến:
Vấn đề tiết kiệm điện cần đi đôi với biện pháp quản lý, ý thức của người sử dụng, và công nghệ tiết kiệm điện năng. Để thực hiện cho đuợc những công tác đồng bộ đó cần có kinh phí lớn cũng như thời gian. Kinh phí cho lĩnh vực này còn thiếu.
Vấn đề tiết kiệm điện cần đi đôi với biện pháp quản lý, ý thức của người sử dụng, và công nghệ tiết kiệm điện năng. Để thực hiện cho đuợc những công tác đồng bộ đó cần có kinh phí lớn cũng như thời gian.
Ô. Phạm Khánh Toàn
Ông Trần Viết Ngãi không bằng lòng với biện pháp mà cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành trong lĩnh vực tiết kiệm điện:
Chỉ thay bóng đèn tiết kiệm thôi thì chưa ăn thua. Cần phải có những thiết bị giảm điện cho các vật dụng tiêu thụ nhiều điện như máy lạnh, đồ dùng điện tử gia dụng… Các nhà máy, công ty cần phải thay đổi công nghệ tiết kiệm điện…
Chuyên gia Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hội Năng lượng Việt Nam đề ra một số ưu tiên trong lĩnh vực điện như sau:
Thứ nhất tập trung xây dựng 13 nhà máy nhiệt điện đang xây dựng; có chế tài những vi phạm về sử dụng điện; nên đưa sản xuất vào giờ thấp điểm ban đêm chứ không tập trung hết vào giờ cao điểm.
EVN mới đưa ra cảnh báo đến năm 2012, nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng thêm từ 4.000 đến 10.000 MW. Trong tình hình đó Việt Nam cần phải tận dụng mọi nguồn năng lượng như gió, mặt trời, sinh khối…