Tác hại của việc nhập tràn lan động thực vật ngoại lai

Truyền thông trong nước gần đây dành nhiều bài nói đến việc Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Cần Thơ nhập về gần 40 tấn rùa tai đỏ từ Hoa Kỳ.

0:00 / 0:00

Số rùa này bị cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy do loài này thuộc danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới.

Đây không phải lần đầu tiên những loài động vật và thực vật ngoại lai được nhập vào Việt Nam. Nhiều người trong nước còn nhớ những vụ ầm ĩ như chuyện ốc bươu vàng lan tràn hay vụ cây mai dương phát triển nhanh chóng ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Vậy những loài động và thực vật ngoại lai gây hại cho môi trường sinh thái như thế nào, và biện pháp của cơ quan chức năng Việt Nam trong việc xử lý những loài động và thực vật ngoại lai được nhập vào Việt Nam ra sao?

Do môi trường sống

Thống kê cho thấy trong thời gian qua, tại Việt Nam đã có hơn 100 loài sinh vật ngoại lai. Hồi tháng tám vừa qua, một hội nghị toàn quốc về bảo vệ thực vật được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam tổ chức. Tại hội nghị, giới chuyên môn rà soát lại tình hình lan tràn những loài sinh vật xâm hại, và những mối nguy cho môi trường sinh thái tại Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Văn Triệu, trưởng đại diện của tổ chức Liên minh Bảo tồn Thiên Nhiên Quốc tế (IUCN) tại Hà Nội đưa ra những giải thích liên quan việc các loài sinh vật từ hệ sinh thái này chuyển đến hệ sinh thái khác:

"Những sinh vật ngoại lai là những sinh vật không sống trong hệ sinh thái nơi mà chúng được chuyển đến. Chúng sống tại một hệ sinh thái khác nơi mà nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ mặt trời… nói cách khác là khí hậu, thời tiết nơi đó khác với nơi chúng được chuyển đến. Những sinh vật đã thích nghi với hệ sinh thái cũ cuả chúng, khi chuyển đến nơi khác, có loài chết ngay, nhưng cũng có loài thích nghi, sống được; thậm chí có loài khi sang hệ sinh thái mới lại phát triển tốt hơn.

ocbuouvang-khoahoc.com.vn-250.jpg
Ốc bươu vàng đã trở thành dịch hại lúa và khó phòng trừ nhất ở VN hiện nay. Photo courtesy of khoahoc.com.vn (Ốc bươu vàng đã trở thành dịch hại lúa và khó phòng trừ nhất ở VN hiện nay. Photo courtesy of khoahoc.com.vn)

Trên thế giới, việc đưa các sinh vật từ nước này sang nước khác, từ châu lục này sang châu lục khác cũng thường xảy ra. Lý do trong quá trình giao lưu, buôn bán, người ta thấy nước khác có những loại cây trồng, vật nuôi hay; từ đó họ tìm cách nhập về hay tìm cách làm sao có được những cây trồng, vật nuôi ‘na ná’ như thế với năng suất tốt hơn, phẩm chất tốt hơn. Tuy nhiên, nếu thận trọng, cần phải làm rất khoa học. Đó là đưa một số cá thể nhất định về làm thử nghiệm, khảo nghiệm xem nếu không có hại gì cho cây trồng, vật nuôi bản điạ mới cho phổ biến ra.

Tuy nhiên hiện nay, hoạt động giao lưu quá nhanh, phương tiện giao thông vận tải quá tốt nên cơ quan kiểm nghiệm- giảo nghiệm chưa làm xong thì sinh vật ngoại lai đã vào rồi. Ví dụ trường hợp những vật cưng được yêu thích và nhập vào qua những đường mà cơ quan kiểm nghiệm không biết. Nếu chúng chỉ ở trong phạm vi cửa hàng và gia đình thôi thì không có ảnh hưởng nhưng nếu ra ngoài môi trường hàng loạt sẽ rất nguy hiểm như hiện nay người ta đang nói đến rùa tai đỏ…"

Vậy làm sao những loài sinh vật ngoại lai khi đến môi trường mới lại có thể gây hại, Tiến sĩ Vũ Văn Triệu giải thích tiếp:

Hiện nay, ngoài biến đổi khí hậu, sinh vật ngoại lai là yếu tố tạo nên những bệnh tật mới, xâm nhập vào địa bàn mới. Nên không lạ gì trên thế giới nay có những loại tật bệnh mà trước đây không hề có.

Tiến sĩ Vũ Văn Triệu

"Nhiều loại ăn hết thức ăn ngoài tự nhiên. Nói chung các loài sinh vật có liên quan đến nhau trong một chuỗi thức ăn. Một khi chuỗi thức ăn bị một sinh vật khác lấn vào, vòng đời của sinh vật khác bị nguy hiểm. Thứ hai, những loài động và thực vật đó có mang theo một số mầm bệnh mà có thể ở môi trường này chưa phát triển mạnh lắm, nhưng khi sang môi trường khác sẽ phát triển mạnh hơn. Hiện nay, ngoài biến đổi khí hậu, sinh vật ngoại lai là yếu tố tạo nên những bệnh tật mới, xâm nhập vào địa bàn mới. Nên không lạ gì trên thế giới nay có những loại tật bệnh mà trước đây không hề có.

Có những loại mà lâu nay ‘ủ bệnh’, nhưng khi có điều kiện như nhiệt độ, độ ẩm sẽ sinh sôi, nảy nở rất mạnh. Đơn cử như bệnh sốt rét, do biến đổi khí hậu, nhiệt độ có tăng lên khiến bệnh trở lại tại nhiều nơi trên thế giới."

Không kiểm soát nổi

Các loài sinh vật ngoại lai được nhập vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau. Chúng được các công ty và cả tư nhân đưa về. Tuy nhiên, một khi những loài bị cho là xâm hại đó đã vào đến đất Việt Nam, công tác xử lý vẫn chưa kịp thời. Như trường hợp rùa tai đỏ do Công ty Cổ Phần Xuất Nhập khẩu Cần Thơ (Caseamex) nhập về từ hồi tháng ba, mãi đến cuối tháng chín vừa qua mới là hạn chót theo quyết định từ cơ quan quản lý cao nhất là Bộ Nông Nghiệp- Phát triển Nông thôn, số rùa đó phải bị tiêu hủy. Trong suốt quá trình, Caseamex còn xin xuất sang nước thứ ba. Cơ quan chức năng Việt Nam lâu nay có những biện pháp gì trong vấn đề sinh vật ngoại lai? Và những biện pháp đó hữu hiệu đến đâu?

Tiến sĩ Vũ văn Triệu có ý kiến:

"Các cơ quan chức năng Việt Nam lâu nay vẫn tiến hành những công việc bình thường. Tại các cửa khẩu giữa biên giới quốc gia, sân bay, cảng biển đều có cơ quan bảo vệ thực vật, thú y, cơ quan kiểm soát nguồn lợi thủy sản. Vấn đề có kiểm soát được hay không; bởi nhiều quốc gia muốn tạo điều kiện thuận lợi cho du khách nên không phải mọi trường hợp đều được soi xét. Có những trường hợp người ta giấu trong chân, trong bụng… Một số máy soi chủ yếu soi vũ khí thôi, nên không phải loài nào cũng bị phát hiện; từ đó sinh vật ngoại lai vẫn có thể lọt vào.

maiduong-wiki-250.jpg
Cây mai dương phát triển tràn lan sẽ lấn chiếm đất canh tác, làm cho đất bị thoái hóa, bạc màu. Photo courtesy of wikipedia (Cây mai dương phát triển tràn lan sẽ lấn chiếm đất canh tác, làm cho đất bị thoái hóa, bạc màu. Photo courtesy of wikipedia)

Có một số loài di cư, nhất là loài chim vào mùa đông lạnh ở phía bắc, chúng di cư xuống gần xích đạo ấm hơn, không thể ngăn được.

Các cơ quan chuyên môn người ta vẫn tiến hành làm nhiệm vụ, nhưng chưa thật sự chặt chẽ, nghiêm khắc; trong khi đó thì có những loài đến nay vẫn chưa thể ngăn được như chim di cư, hay những loài đi theo nguồn nước như cây mai dương chẳng hạn."

Biện pháp giải quyết cây mai dương cũng được ông Nguyễn Như Huân, phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực Vật, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết:

"Vấn đề cây mai dương, Bộ Nông nghiệp có đề tài cấp ngành giao cho Viện bảo vệ thực vật làm ở khu vực Đồng Tháp Mười. Đề tài này cũng kết thúc rồi và đưa ra được biện pháp tổng hợp hạn chế phát triển của cây mai dương."

Ông Nguyễn Như Huân cho biết qui trình nhập những cây ngoại lai hiện nay "phải do Cục Bảo vệ Thực vật cấp giấy phép. "

Tiến sĩ Vũ Văn Triệu nhắc lại một biện pháp cần có từ bao đời đó là ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’:

Các cơ quan chức năng Việt Nam lâu nay vẫn tiến hành những công việc bình thường. Vấn đề có kiểm soát được hay không; bởi nhiều quốc gia muốn tạo điều kiện thuận lợi cho du khách nên không phải mọi trường hợp đều được soi xét.

Tiến sĩ Vũ văn Triệu

"Biện pháp phòng trừ như các cụ Việt Nam vẫn nói ‘phòng hơn chữa’. Nếu phòng được là tốt nhất chứ để khi phải chữa rất khó. Như trường hợp cây mai dương, tôi biết có không ít chục cuộc họp bàn về việc đó. Rồi có những biện pháp chặt phơi khô, làm nấm… nhưng vẫn chưa có kết quả."

Có thể do vô tình, thiếu hiểu biết về những loài sinh vật ngoại lai gây hại mà nhiều người dân và cả doanh nghiệp nhập chúng về. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng là nút chặn giúp ngăn không để những loài gây hại đó lọt qua cửa khẩu.

Bài học về những loài sinh vật ngoại lai gây hại như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cây mai dương hẳn đã đủ để cơ quan chức năng hoạt động nghiêm nhặt, cũng như công tác tuyên truyền cho toàn dân cũng phải hữu hiệu hơn.