Nạn phá rừng trồng cao su
2013.12.02
Thêm một tác nhân làm giảm diện tích rừng tự nhiên tại Việt Nam là việc chuyển đổi rừng nghèo để trồng cao su.
Thực tế đó đáng ngại ra sao?
Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.
Thực tiễn
Đối với nhiều người Việt Nam thì hình ảnh những rừng cao su thường được thấy tại các tỉnh miền đông nam bộ trên đường trước khi vào Sài Gòn. Ở Tây Nguyên cũng có những đồn điền cao su, thế nhưng không phải nhiều như hiện nay. Bây giờ ở những tỉnh tại khu vực miền Trung cũng có những khu trồng cao su như thế.
Theo quy hoạch trồng cây cao su toàn quốc mà chính phủ Việt nam đã phê duyệt thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ trồng 800 ngàn héc ta cao su. Tuy nhiên thống kê cho thấy mới đến năm ngoái, tổng diện tích cao su tại Việt Nam đã lên đến 915 ngàn héc ta.
Cụ thể ,ngoài những diện tích cao su đã có từ trước, thì từ năm 2009 đến năm 2020, tại Tây Nguyên được trồng thêm 100 ngàn héc ta nữa mà thôi.
Vậy mà, theo tờ Tuổi Trẻ hồi đầu tháng 10 vừa qua cho biết tại tỉnh Gia Lai ở Tây Nguyên đã có gần 100 ngàn héc ta diện tích cây cao su. Diện tích này hồi năm 2009 ở Gia Lai chỉ chừng 70 ngàn héc ta mà thôi.
Vừa rồi có một chu kỳ tăng giá rất tốt cho mủ cao su, 5-7 năm liền giá trị cây cao su rất cao, nhiều người cứ lầm tưởng đó là một loại ‘vàng trắng’ có thể giữ giá lâu dài nên họ tranh thủ trồng. Ngoài ra việc chuyển đổi đất rừng thành đất cao su không phải tốn chi phí bồi thường, thậm chí còn có lợi khi khai thác gỗ
Ông Nguyễn Đình Xuân
Tỉnh lân cận với Gia Lai là Dak Lak cũng có hơn 70 dự án chuyển đổi đất rừng, đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su và cải tạo, quản lý, bảo vệ rừng với tổng diện tích trên 70 ngàn héc ta.
Lý do vì sao lại có tình trạng đổ xô nhau đi trồng cao su như thế? Ông Nguyễn Đình Xuân, nguyên giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò- Xá Mát, Tây Ninh đưa ra đánh giá:
Vừa rồi có một chu kỳ tăng giá rất tốt cho mủ cao su, 5-7 năm liền giá trị cây cao su rất cao, nhiều người cứ lầm tưởng đó là một loại ‘vàng trắng’ có thể giữ giá lâu dài nên họ tranh thủ trồng. Ngoài ra việc chuyển đổi đất rừng thành đất cao su không phải tốn chi phí bồi thường, thậm chí còn có lợi khi khai thác gỗ. Ngược lại nếu phải lấy bất kỳ diện tích đất nào của dân hiện nay đều phải bồi thường rất nhiều, phát sinh khiếu kiện… Còn rừng là của Nhà nước, của công nên khi chuyển đổi không phải đền bù gì nên họ rất mê chuyển đổi rất rừng để trồng cao su. Kể cả không trồng cao su mà trồng bất cứ cây gì cũng thuộc về họ. Theo tôi một trong những động cơ là vì lợi ích của họ hơn là lợi ích lâu dài của đất nước.
Lạm dụng
Chủ trương của chính phủ là cho các đơn vị Nhà nước cũng như tư nhân tham gia triển khai những dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt bằng cách trồng cao su hay những loại cây công nghiệp khác. Thế nhưng chính chủ trương này lại là đường để cho các đơn vị phá rừng.
Ông Chu Quốc Cổn, phòng Khoa học và Công nghệ, Viện Điều Tra Quy Hoạch Rừng, cho tờ Đất Việt biết rằng theo qui định chỉ có rừng nghèo kiệt, tức rừng có dưới 50 mét khối gỗ một héc ta mới được chuyển đổi, thế nhưng nhiều địa phương đã bỏ chữ ‘kiệt’ đi và cho phép thực hiện việc chuyển đổi rừng như lâu nay.
Phấn lớn người ta lợi dụng chủ trương này để trồng cao su trên những diện tích đất rừng, gọi là rừng nghèo nhưng thật ra vẫn còn giữ nhiều giá trị đa dạng sinh học
Ông Nguyễn Đình Xuân
Ông Nguyễn Đình Xuân nói về điều này:
Nói chung chỉ có một phần nhỏ những rừng do quản lý kém quá hiện nay không còn gì nhiều, rồi không phát huy hiệu quả về phòng hộ, về đa dạng sinh học có thể chuyển đổi sang trồng cao su được nhưng rất ít. Phấn lớn người ta lợi dụng chủ trương này để trồng cao su trên những diện tích đất rừng, gọi là rừng nghèo nhưng thật ra vẫn còn giữ nhiều giá trị đa dạng sinh học. Ví dụ rừng Khộp ở Tây Nguyên, trông thưa thớt vậy thôi nhưng nó chưa một hệ đa dạng sinh học riêng, đặc thù của nó. Theo tôi nghĩ nếu chủ trương này làm ở mức hạn chế và có kiểm soát tốt thì không đến nổi đâu, nhưng vừa rồi có dấu hiệu người ta lợi dụng chủ trương này để biến rừng giàu thành rừng nghèo một cách vô tình hoặc cố ý, rồi biến rừng nghèo thành đất trồng cao su gây hại cho môi trường, đặc biệt là khu vực thượng nguồn.
Một viên chức phụ trách nông nghiệp tại tỉnh Quảng Bình thì cho rằng không hề có việc địa phương lách để cho các đơn vị trồng cây cao su:
Không có chuyện đó, việc trồng cao su phải thực hiện đúng theo qui hoạch của tỉnh và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có chuyện mà chặt rừng để trồng cao su đâu. Biến đổi rừng kiệt là một chủ trương đúng của bộ cũng như của tỉnh.
Thống kê của Tổ chức Forest Trends cho thấy từ diện tích gần 70 ngàn héc ta rừng tự nhiên trong khuôn khổ trên 200 dự án trồng cao su số gỗ tận thu được cho biết là gần 400 ngàn mét khối.
Theo tổ chức Tropenbos Việt Nam, thì con số thực tế phải còn cao hơn con số vừa nêu.
Lợi-hại
Việc phá những khu rừng tự nhiên để trồng các loại cây công nghiệp như cây cao su là một việc làm tai hại vì những đồn điền cây trồng như thế không những không thể nào thay thế được rừng tự nhiên mà còn có những tác động gây hại đến cho môi trường.
Ông Nguyễn Đình Xuân trình bày về những vấn đề này như sau:
Khi phá rừng được rồi thì người ta trồng cây gì là tùy họ mặc dù họ nói trồng cây cao su. Nhưng giả sử 5-7 năm nữa nếu cây cao su quá tệ họ có thể chuyển sang cây khác vì (đất) vẫn là của họ. Vấn đề là nay họ được quyền sử dụng mảnh đất mà trước đây không thuộc về họ
ông Nguyễn Đình Xuân
Nhiều người cho rằng cây cao su là cây đa mục tiêu hàm ý nó cũng có thể thay thế cây rừng; tuy nhiên tác dụng như cây rừng của nó rất hạn chế, chủ yếu chỉ có là che bóng mà thôi. Nếu nói về những yếu tố khác như nhiều tầng, nhiều táng chẳng hạn thì cao su không có. Nó chỉ có một tầng thôi. Thứ hai nữa nó không có đa dạng sinh học vì cây cao su là cây ngoại lai nên rất ít sinh vật sống được cộng sinh với nó, sống nhờ nó. Thứ ba nữa đối với cây cao su người ta vẫn phải dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và phải cày đất hằng năm để chống cháy, để bón phân… Những yếu tố đó cũng làm cho đất bị sói mòn nhất định, rồi dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn, nên đưa lên thượng nguồn cũng không khỏi ảnh hưởng đến chất lượng nước. Nó khác với rừng, trong rừng không có bón phân, không cày bừa trong rừng. Nên độ bảo vệ, che phủ của rừng tốt hơn.
Và ông Nguyễn Đình Xuân kết luận:
Những cây công nghiệp khác như cây keo, mặc dù nó là cây rừng, nhưng bản chất đó là một cây kinh tế- công nghiệp; hay người ta có thể trồng cà phê, tiêu… Khi phá rừng được rồi thì người ta trồng cây gì là tùy họ mặc dù họ nói trồng cây cao su. Nhưng giả sử 5-7 năm nữa nếu cây cao su quá tệ họ có thể chuyển sang cây khác vì (đất) vẫn là của họ. Vấn đề là nay họ được quyền sử dụng mảnh đất mà trước đây không thuộc về họ.
Nguy hiểm là mất rừng, mất đất. Đất này trước đây là của công, của Nhà Nước. Dù cho thuê hay cấp nhưng đã chuyển sang sở hữu của một cá nhân hay công ty nào đó.
Đặc biệt những khu rừng ở miền trung và miền bắc, có nhiều người chuyển sang trồng cao su là hết sức sai lầm vì những vùng đó bị bão lũ hằng năm và điều kiện, thổ nhưỡng không phù hợp với cây cao su. Nếu có trồng chăng nữa năng suất rất thấp và giá cao su rẻ như thế này chắc chắn sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường không có mà rừng bị mất. Đặc biệt những cơn bão liên tiếp tại miền trung vừa qua gây thiệt hại lớn cho diện tích cao su. Nhưng dường như mọi người vẫn muốn trồng lại cây cao su, theo tôi rủi ro rất lớn.
Hồi cuối tháng 9 vừa qua, tâm bão số 10 đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình khiến cho những diện tích trồng cao su mới của người dân bị phá hủy khá lớn.
Một người dân cho biết:
Thiệt hại nhiều nhất về tài sản là cây cao su, tại đó người dân đầu tư rất lớn vào cây cao su. Đợt bão vừa rồi coi như thiệt hại ‘trắng’. Người ta phải phá đi trồng lại. Thiệt hại trên 70 tỷ. Hầu hết người dân đầu tư cho cây cao su phải vay vốn, đầu tư 7-8 năm nay chuẩn bị khai thác thì nay bị gãy đỗ hết.
Tiến sĩ Trần Đại Nghĩa, giám đốc Trung Tâm Thông tin Phát triển Nông Nghiệp Nông Thôn cũng có một số đánh giá về tình trạng phát triển trồng thêm cao su trong những năm gần đây tại Việt Nam và rủi ro của lọai cây này:
Cách đây khỏang chục năm thì những khỏang rừng khộp… có thể chuyển để trồng cây cao su; vì cây cao su nhiều khi nguời ta coi đó là một lọai cây đa dụng tức có nghĩa cây đa dụng có thể coi như rừng. Tuy nhiên không phải rừng tự nhiên; dứt khoát những lọai như thế không thể bằng rừng tự nhiên đuợc vì rừng tự nhiên phải có tầng, có lớp để đảm bảo tính phòng hộ của nó. Thực sự quĩ đất cho cao su bây giờ không còn nữa.
Những chỗ nào trồng được thì nguời ta đã trồng rồi, còn những phần đất còn lại nếu trồng cũng rất khó. Cơn bão vừa rồi cách đây hơn một tháng gây thiệt hại rất lớn cho cây cao su. Cây cao su chỉ cần gãy đọt, ngọn, trốc gốc là không bao giờ có mủ nữa, làm gỗ cũng không đuợc.
Giáo sư- Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Lung thuộc Viện Quản lý Rừng Bền vững & Chứng chỉ rừng cho rằng không có cách giải thích nào khác dễ nghe hơn cho tình trạng phát triển vội vàng cây cao su trên những diện tích rừng tự nhiên được chuyển đổi là vì quyền lợi cục bộ địa phương hoặc lợi ích nhóm.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.