Vậy những cam kết của Việt Nam tại thượng đỉnh đó ra sao? Và một số thực tiễn trong công tác bảo tồn loài hổ thế nào?
Mời quí thính giả cùng theo dõi những thông tin liên quan trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.
Cam kết đóng góp
Hội nghị ở St. Petersburg là hội nghị quốc tế đầu tiên với mục tiêu cùng chung sức bảo tồn loài hổ trên thế giới thế giới.
Tại buổi lễ khai mạc hội nghị, ông Jim Adams, phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tuyên bố rằng đó là một cuộc tập trung chưa từng có những nhà lãnh đạo quốc gia để đi đến quyết tâm gia tăng gấp đôi số hổ trong tự nhiên vào năm 2022. Đó cũng là năm Hổ kế tiếp sau năm Canh Dần này.
Việt Nam cam kết phối hợp với các nước có hổ sinh sống để tiến hành nghiên cứu, thực hiện các chương trình khoa học.
Ô. Bùi Cách Tuyến
Tổng giám đốc Quỹ Bảo vệ Động vật Hoang Dã ,WWF, ông Jim Leape, trong ngày kết thúc hội nghị cho rằng chưa hề bao giờ có đuợc ủng hộ chính trị đối với việc bảo tồn một chủng loài đơn lẻ như thế này. Những cam kết đóng góp quĩ ban đầu được đưa ra tại hội nghị sẽ giúp cho các hành động bảo tồn hổ được xúc tiến. Tuy nhiên cần phải huy động thêm nhiều nguồn quĩ nữa cho công tác này.
Thỏa thuận cho Chương trình Khôi phục Hổ Toàn cầu ước tính các nước cần phải có 330 triệu đô la từ các nguồn tài trợ bên ngoài trong vòng năm năm tới mới có thể hoàn tất mục tiêu đề ra. Khoảng một phần ba nguồn quĩ này sẽ được tài trợ cho những kế hoạch ngăn chặn việc săn bắt hổ và những loài động vật thức ăn của hổ.
Nhận định cho rằng bởi lẽ hổ là loài ăn thịt đứng đầu chuỗi thức ăn tại nhiều hệ sinh thái châu Á; chúng đóng vai trò thiết yếu cho chức năng hữu hiệu của những phần khác trong các hệ sinh thái đó. Bảo vệ hổ và môi truờng sống của hổ tức cũng giúp bảo vệ nhiều loài động vật có nguy cơ diệt chủng và môi trường sống của chúng.
Vậy Việt Nam tham gia thế nào vào chương trình chung bảo tồn loài hổ?
Thứ trưởng Tài nguyên- Môi trường, ông Bùi Cách Tuyến, người Nam tham gia thượng đỉnh Hổ ở St. Petersburg sau khi đi dự hội nghị về cho biết những cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực này:

“Một số ý kiến mà Việt Nam đưa ra đã được chuẩn bị trước tại các phiên họp kỹ thuật. Việt Nam có những phát biểu như là cam kết đối với tiến trình bảo tồn loài hổ trên thế giới cùng với 12 nước khác.
Việt Nam sẽ thành lập đề án Chương trình phục hồi loài hổ cho Việt Nam. Nước nào cũng có chương trình như thế nên chương trình của Việt Nam cũng nằm trong khuôn khổ chương trình bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia. Việt Nam đã có Luật Đa dạng sinh học rồi, và trong Tổnc Cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên - Môi trường cũng có Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học. Nhiệm vụ của Cục này là bảo tồn các giống loài nói chung, trong đó có loài hổ.
Thứ hai Việt Nam cam kết tổ chức các đợt vận động về thông tin, truyền thông để công chúng thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm từ hổ hay từ các loài động vật hoang dã khác.
Thứ ba, Việt Nam cam kết thiết lập một vùng bảo tồn khu sinh sống của hổ như các nước đang làm.
Thứ tư, tăng cường việc thi hành luật để chế tài những đối tượng cố tình vi phạm bảo tồn đa dạng sinh học. Đẩy mạnh việc thực thi các luật đã có về bảo tồn các giống loài trong danh mục phải bảo tồn.
Thứ năm là cam kết hợp tác với Kampuchia, Lào để bảo tồn khu vực vùng ba biên giới nơi có ba vườn quốc gia của ba nước nằm gần nhau. Xây dựng một hành lang sinh sống cho hổ được bảo vệ.
Thứ sáu Việt Nam cam kết phối hợp với các nước có hổ sinh sống để tiến hành nghiên cứu, thực hiện các chương trình khoa học. Tham gia các tổ chức quốc tế liên quan đến hổ, tổ chức những hội thảo về hổ tại Việt Nam như đã từng làm ở một số nước khác.”
Vẫn còn nhiều quan ngại
Nuôi thương mại để chuyển hóa thành sản phẩm vì có sinh lợi, hiện đang rất lẫn lộn, nên sắp tới phải có hành lang pháp lý chặt chẽ để không có lạm dụng.
Ô. Bùi Cách Tuyến
Trong những năm qua, tại Việt Nam có một số tư nhân đã bỏ tiền xây dựng những khu nuôi hổ. Tuy nhiên hoạt động này gây ra nhiều tranh cãi trong nước.
Có ý kiến cho rằng nuôi hổ rồi huấn luyện thả chúng lại vào tự nhiên sẽ là một phương pháp giúp bảo tồn loài hổ. Giáo sư Vũ Quang Côn, chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh - Tài nguyên Sinh vật Việt Nam, đưa ra ý kiến ủng hộ cho hoạt động đó:
“Tôi ủng hộ việc nuôi hổ Đông Dương, sau đó thả ra. Tuy nhiên nhiều người cho tư tưởng đó không chắc. Hổ Đông Dương vẫn sinh sản được trong môi trường khá rộng. WWF không để ý chuyện đó. Bảo tồn ngoài thiên nhiên quan trọng, nhưng bổ sung cũng quan trọng. Thả động vật sống ra cho hổ nuôi thả, nó vẫn ăn được. Tuy nhiên làm thế tốn kém.”
Ông Bùi Cách Tuyến, thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi truờng có ý kiến về việc nuôi hổ rồi thả lại vào tự nhiên:
“Dạng nuôi có nhiều mục tiêu. Thực sự nuôi để thả lại vào rừng thì những con lớn sẽ kém về khả năng săn bắt; còn bỏ những con nhỏ vào rừng thì không tồn tại được vì không có cha mẹ bảo bọc. Dạng đó chỉ có nhà nước hay các tổ chức thiện ý làm được.
Nay chủ yếu là nuôi cảnh, nuôi thương mại để chuyển hóa thành sản phẩm vì có sinh lợi.Hiện đang rất lẫn lộn, nên sắp tới phải có hành lang pháp lý chặt chẽ để các mục tiêu rõ ràng, không có lạm dụng.”
Một quan ngại của giới bảo vệ môi trường trong hoạt động bảo tồn loài hổ đó là quan niện của nhiều người Phương Đông sử dụng các sản phẩm chế tạo từ hổ như là thuốc bổ dưỡng tốt cho sức khoẻ. Lâu nay cao hổ cốt là một mặt hàng đắt tiền mà những người giàu có ở Châu Á rất chuộng.
Giới chuyên gia cho biết chính vì giá trị của những loại cao hổ đã khiến cho hoạt động săn bắt hổ trái phép vẫn tiếp diễn; nhất là loài hổ Amur sinh sống ở khu vực giữa hai nước Nga và Trung Quốc.

Theo một nghiên cứu tiến hành tại Trung Quốc hồi năm 2007, thì có đến hơn 40% những người được hỏi ý kiến cho biết họ có dùng những loại sản phẩm chế xuất từ hổ, trong đó có cao hổ cốt. Mặc dù từ năm 1993, cao hổ cốt đã chính thức bị đưa ra khỏi danh mục dược phẩm của Hoa Lục. Tám mươi phần trăm những nguời được hỏi ý kiến cho hay họ biết sử dụng những loại sản phẩm làm từ hổ là bất hợp pháp; thế nhưng có nhiều người vẫn sử dụng và tin vào công dụng chữa trị của chúng.
Một vụ tai tiếng mới xảy ra tại Việt Nam là ở tỉnh Thanh Hóa, chính uỷ ban nhân dân tỉnh này cho phép một số đơn vị trong tỉnh bán đấu giá gần ba kilogram cao hổ thành phẩm.
Sau khi xảy ra vụ việc khiến dư luận lên tiếng, phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến, giải thích rằng số cao hổ đấu giá làm từ xương của con hổ chết do một chủ trang trại trong tỉnh nuôi.
Giới chuyên gia cho rằng việc vẫn duy trì nguồn cung cho thị trường dù hợp pháp hay phi pháp đều giúp tăng cầu, và như thế không thể giúp bảo vệ một cách hữu hiệu loài hổ được.
Trung tâm Giáo dục Thiên Nhiên tại Việt Nam lên tiếng tỏ rõ bất đồng trước việc làm đó của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa.
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến có ý kiến về việc tỉnh Thanh Hóa cho đấu giá cao hổ làm từ xương hổ nuôi tại tỉnh bị chết:
“Thực ra vấn đề ở Thanh Hóa nếu chiếu theo tất cả các luật hiện nay thì Thanh Hóa làm không đúng. Đã có luật đầy đủ nhưng các anh ở Thanh Hóa không nghiên cứu kỹ.”
Thống kê cho thấy tại Việt Nam hiện chỉ còn dưới 30 cá thể hổ sống trong tự nhiên. Riêng số hổ nuôi nhốt tại các vườn thú, trang trại, đoàn xiếc được nói tổng cộng chừng 95 con.
Trên thế giới tổng số hổ hiện còn trong hoang dã được thống kê là 3.200 con. Cách đây một thế kỷ số này là 100 ngàn con.
Ngoài Nga, 12 quốc gia còn có số hổ hoang dã khá mỏng gồm Bangladesh, Bhutan, Kampuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Điện, Nepal, Thái Lan và Việt Nam.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vài giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.
Gia Minh chào tạm biệt.
Theo dòng thời sự:
- Thú quý đang dần biến mất tại Sơn La
- Thế giới muốn cứu nguy loài hổ
- Thanh Hóa tổ chức bán đấu giá cao hổ cốt bị quốc tế phản đối
- Hổ hoang dã trên toàn thế giới chỉ còn 3200 con
- Thế giới tìm cách cứu hổ khỏi bị tuyệt chủng
- 13 nước có cọp sinh sống hội thảo tại Idonesia
- 12 năm nữa Đông Nam Á có thể không còn cọp
- Tiếp tục nhóm họp về Hổ vào tháng 9 tới tại Nga