Thông điệp của phái đoàn Việt Nam tại hội nghị Copenhagen

Vận mệnh tương lai của căn nhà thế giới hiện là mối quan tâm chung của cả nhân loại. Đến với Thượng Đỉnh Copenhagen, cả những người nông dân một nắng hai sương trên quê hương Việt Nam cũng mong góp tiếng nói về những gì đang xảy ra tại quê nhà do biến đổi khí hậu.
Gia Minh, phóng viên đài RFA
2009.12.15
Khô hạn, Sông Hồng đã bị cạn trơ đáy lần đầu tiên từ gần 1 thế kỷ Khô hạn, Sông Hồng đã bị cạn trơ đáy lần đầu tiên từ gần 1 thế kỷ
AFP photo

Thượng đỉnh về tình hình biến đổi khí hậu ở Copenhagen, Đan Mạch, hôm nay bước sang ngày làm việc thứ tám.

Suốt bảy ngày qua, truyền thông quốc tế cập nhật về những vấn đề mà các quốc gia tham dự nêu ra, những bất đồng cũng như những cam kết và dự thảo được đề ra.

Bên cạnh những đại diện chính thức của các quốc gia tham gia đàm phán, còn có những người đến với Copenhagen trong tư cách là những quan sát viên mang theo thông điệp yêu cầu lãnh đạo các nước trên thế giới cần có hành động ngay để ngăn chặn tình trạng phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong số những quan sát viên này có một số người Việt Nam từ những vùng đang chịu tác động bởi ảnh hưởng của hiện tượng trái đất ấm dần lên.

Vậy những tâm tư, nhận xét và ước vọng của họ khi đến với hội nghị trong những ngày qua ra sao?

Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa Học-Môi trường kỳ này.

Tác động đến Việt Nam

Tổ chức phi chính phủ ActionAid chuyên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, xóa đói giảm nghèo, và bảo vệ quyền phụ nữ, có văn phòng đại diện tại Hà Nội đã giúp đưa hai phụ nữ, một là nông dân và một là diêm dân đến với Hội Nghị Copenhagen: Bà Phan thị Ánh ở xóm Xuân Nam, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, và Bà NguyễnThị Hương đến từ huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.

Các nhà khoa học cả trong và ngoài Việt Nam lâu nay đều cho rằngViệt Nam nằm trong nhóm những quốc gia bị tác động nhiều nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu khiến trái đất ấm dần lên. Thực tế đó được chính những người trong cuộc nêu ra, và lần này là tại Hội Nghị Copenhagen.

Những hậu quả mà chúng tôi đã thấy được: hiện giờ thời tiết thay đổi khắc nghiệt, nóng nảy và mưa rét kéo dài

Bà Phan thị Ánh

Bà Phan Thị Ánh trình bày về những tác động mà địa phương bà gánh chịu lâu nay: Những hậu quả mà chúng tôi đã thấy được: hiện giờ thời tiết thay đổi khắc nghiệt, nóng nảy và mưa rét kéo dài. Nghề làm muối không thuận lợi do mưa thì to kéo dài, có những cơn mưa đá, mưa lốc, sấm sét nữa; rồi  lũ lụt làm cánh đồng muối tan nát hết. Những biến đổi khí hậu khắc nghiệt như thế khiến người dân làm muối của chúng tôi không có thu nhập. Bên cạnh đó ô nhiễm môi trường làm trâu, bò, lợn, gà chết dù có tiêm phòng. Con người thì bị bệnh như sốt xuất huyết, dịch tả v.v…”

Bà Nguyễn Thị Hương cũng chia xẻ về tình trạng tại quê bà: “Trong những năm vừa rồi thiên tai tại nơi tôi sống rất là  phức tạp với cường độ lớn hơn trước rất nhiều. Ảnh hưởng tác động trực tiếp đến cuộc sống,  nhất là sản xuất nông nghiệp của người dân, làm cho thu nhập của người dân cũng giảm đi rất nhiều.

Vấn đề quan trọng là bão lũ xảy ra nhiều hơn với cường độ nặng hơn, không theo qui luật nào cả: hoặc đến sớm hơn hoặc muộn hơn, có khi bão lũ đến liên tục. Khu vực sản xuất nông nghiệp của chúng tôi gặp khó khăn, như khi sắp thu hoạch thì thiên tai ập đến khiến mất hết. Trước đây chúng tôi làm hai đến ba vụ, nay chỉ trông vào một vụ Đông Xuân.Vụ Hè Thu thì hoàn toàn phụ thuộc vào trời, nhưng rồi vụ Đông Xuân trong những năm gần đây vẫn bị ảnh hưởng như rét đậm, rét hại, hạn hán, sâu bệnh nên cũng bất ổn.”

Ảnh hưởng tác động trực tiếp đến cuộc sống,  nhất là sản xuất nông nghiệp của người dân, làm cho thu nhập của người dân cũng giảm đi rất nhiều. Vấn đề quan trọng là bão lũ xảy ra nhiều hơn với cường độ nặng hơn, không theo qui luật nào cả

Bà Nguyễn thị Hương

Suốt tuần lễ qua, truyền thông quốc tế cập nhật mọi diễn biến của thượng đỉnh Copenhagen. Ông Phan Văn Ngọc, trưởng đại diện của ActionAid Việt Nam, người cũng có mặt tại Copenhagen, vào chiều ngày 10 tháng 12 vừa qua, chia xẻ một số thông tin về hội nghị cho đến lúc đó:

Còn nhiều nước vì quyền lợi riêng của đất nước họ vẫn chưa chấp nhận những thông điệp và bằng chứng hùng hồn về tình hình biến đổi khí hậu. Họ nói là chưa chứng minh được bằng cơ sở  khoa học. Một vấn đề nữa là ai phải trả tiền cho ai. Một số nước phát triển và một số nước mới nổi lên vẫn bất đồng về quan điểm, nói cách khác là quan điểm còn rất xa nhau.”

“Những minh chứng đều rất cụ thể,người ta đều cho rằng trái đất ấm dần lên và thấy được như rừng Amazon ở Nam Mỹ bị tàn phá, nước biển dâng. Vấn đề nguyên nhân của những điều đó thì ai gây ra, các nước vẫn còn loanh quanh. Dù các nước đều thừa nhận phải làm gì đó nhưng làm sao thì chưa rõ.”

“Một đơn cử là bản dự thảo của chính phủ Đan Mạch dù không công bố chính thức nhưng bị rò rỉ ra có nội dung là mọi nước đều phải chịu trách nhiệm như nhau. Như thế là không công bằng, quan điểm của những nước phát triển và đang phát triển đang rất khác nhau về vấn đề này.”

Phản ứng của cả thế giới

Mục tiêu đề ra của thượng đỉnh Copenhagen là nhằm đạt được thống nhất giữa các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc về một thỏa thuận mới thay cho Nghị Định thư Kyoto hết hạn vào năm 2012.

Chính Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, hôm ngày 8 tháng 12 vừa qua, đã lặp lại lời kêu gọi các quốc gia cần phải tận dụng cơ hội này để đưa ra những chỉ tiêu với tham vọng cao hơn: Many different countries of all sides and economic status form together to get higher requisitions this time.”

Tuy nhiên, bất đồng giữa nhóm các quốc gia phát triển và nhóm các quốc gia đang phát triển vẫn còn nhiều. Trong hội nghị đang diễn ra ở Copenhagen các bên vẫn còn tranh cãi, đổ lỗi cho nhau về mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thời gian qua. Các nước đang phát triển, trước đây không bị ràng buộc bởi Nghị định thư Kyoto về mức phát thải khí vào môi trường, thì nay vẫn đòi được một tỷ lệ phát thải trong quá trình phát triển kinh tế cho họ, ngoài ra họ cũng yêu cầu các quốc gia phát triển trong suốt những năm qua đã phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính phải có nhiệm vụ bồi thường cho các nước khác.

Hôm thứ năm, viên chức phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, Yvo de Boer, có nhận định là đang có tiến triển tại Hội Nghị Copenhagen. Tuy nhiên ông cho rằng còn quá sớm để cho có lạc quan chừng nào về một thỏa thuận đạt được tại kỳ hội nghị này. Theo ông thì sẽ phản tác dụng khi đưa ra quá nhiều phán đoán trong khi cuộc thương thảo đang diễn ra. Một ví dụ ông nêu lên là như nấu món gà tây cho Lễ Giáng Sinh mà cứ 10 phút mở nắp vung ra coi một lần thì hẳn sẽ không hay lắm. Tuy vậy, ông này cho rằng tất cả đều thừa nhận là cần một cơ chế công nghệ làm một phần cho Công Ước Liên Hiệp Quốc về tình hình khí hậu trái đất.

Còn nhiều nước vì quyền lợi riêng của đất nước họ vẫn chưa chấp nhận những thông điệp và bằng chứng hùng hồn về tình hình biến đổi khí hậu

Ông Phan văn Ngọc

Cơ chế Công Nghệ Sạch được đề cập đến có thể giúp các nước giàu chia xẻ cùng các nước đang phát triển kiến thức trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, cũng như công nghệ sản xuất xe hơi thải khí thải ít hơn.

Vào ngày thứ sáu vừa qua, một dự thảo thỏa thuận được đưa ra với nội dung quy định các nước giàu phải cam kết cắt giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thập niên sắp tới, và thế giới sẽ cố gắng gần như loại trừ, hay ít nhất cắt giảm phân nửa lượng khí gây hại đó vào giữa thế kỷ này.

Dự thảo vừa nói bao gồm những yếu tố chính của một thỏa ước toàn cầu mà 192 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã bàn thảo suốt hai năm qua.

Theo bản dự thảo, tổng số lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà tất cả các quốc gia phải cắt giảm là từ 50 đến 95% và năm 2050, và những quốc gia giàu có phải cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 25 đến 40% vào năm 2020 so với mức năm 1990.

Những người dân bình thường như bà Phan Thị Ánh và Nguyễn Thị Hương có những nguyện vọng gì khi biết rằng họ đang chịu tác động bởi biến đổi khí hậu và các nhà lãnh đạo quốc gia đang họp bàn về chuyện đó.

Bà Phan Thị Ánh có ước mong: Hội nghị này rất to lớn, chúng tôi chưa gặp một người Tây mà bây giờ có đại diện của hơn 190 quốc gia, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp cho hội nghị biết được tình cảnh của người dân Việt Nam. Chúng tôi mong các nước lớn mạnh phải cam kết và giúp đỡ cho những nước như Việt Nam đang phải gánh chịu những tác động của biến đổi khí hậu…”

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.