Lợi hại của thủy điện Việt Nam

Tình trạng các nhà máy thủy điện Việt Nam vào mùa hè bị thiếu nước, trong khi đó vào mùa mưa lũ lại xả nước gây ngập lụt cho vùng hạ lưu, cũng như việc phá rừng để xây đập thủy điện …lâu nay thu hút chú ý khá nhiều của dư luận.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010.11.01
000_Hkg3638263-305.jpg Máy phát điện trong các phòng máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hôm 26/5/2010. Hạn hán làm mức nước ở các hồ chứa xuống thấp nghiêm trọng, gây ra tình trạng cúp điện thường xuyên trên lưới điện.
AFP photo

Gia Minh có cuộc nói chuyện với một chuyên gia gốc Việt lâu nay cũng có nghiên cứu về ngành thủy điện của Việt Nam, đó là kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung, hiện ngụ tại Pháp.

Thuận lợi về mặt địa lý

Gia Minh: Thủy điện Việt Nam mang lại những mặt lợi nhưng cũng có những điều cần lưu ý đó là gì?

Kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung: "Thủy điện một khi xây xong chỉ có cần chi phí bảo trì và hoàn vốn xây nhà máy, đập thủy điện. Phần năng lượng không phải tốn nhờ nước mưa từ trời xuống. Lợi chính là như thế, một khi đã hoàn vốn xong thì chi phí không còn bao nhiêu.
Khó khăn là tuỳ thuộc vào thủy điện nhiều quá tức phải tuỳ thuộc vào thời tiết: năm nhiều mưa không có vấn đề gì nhưng năm ít mưa lại kẹt."

Gia Minh: Có ý kiến cho rằng Việt Nam nhiều sông ngòi, với điạ hình từ cao xuống thấp thuận tiện cho việc xây dựng thủy điện; theo kỹ sư mức độ chính xác đến đâu?

Kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung: "Việt Nam là đất nước thuận lợi cho thủy điện vì có nhiều sông, núi và nhiều mưa. Chặn nước ở đầu nguồn, và sông có nhiều bậc thì có thể xây nhiều ‘bậc’ thủy điện.

Theo những nghiên cứu mà chúng tôi đọc được thì tại Việt Nam mỗi năm có thể sản xuất 80TW/giờ điện. Đó là một lượng điện rất lớn.

Vấn đề không phải là khai thác hết công suất thủy điện, sau đó khi cần mới làm thêm nhiệt điện… mà phải giữ một tỷ lệ nào đó cho vừa phải. Tỷ lệ vừa phải đó là chừng một phần tư hay một phần năm thủy điện trong tổng lượng điện cần thiết; phần sai biệt từ những nguồn điện khác. Các nguồn khác, theo công nghệ hiện nay, gồm có nhiệt điện, năng lượng hạt nhân, năng lượng hóa thạch (dầu, khí, than..)"

Việt Nam là đất nước thuận lợi cho thủy điện vì có nhiều sông, núi và nhiều mưa. Chặn nước ở đầu nguồn, và sông có nhiều bậc thì có thể xây nhiều ‘bậc’ thủy điện.
KS.Đặng Đình Cung

Gia Minh: Thuận tiện có nhiều sông ngòi để làm thủy điện, nhưng khi làm thủy điện người ta lại phá rừng đi; vậy để hài hoà hai mặt đó phải làm gì?

Kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung: "Điều đó tùy địa điểm và có hai vấn đề. Thứ nhất khi có hồ đập thủy điện người ta có thể sử dụng cho công tác tưới tiêu phục vụ nông nghiệp ở khu vực dưới đập; cây cối mọc điều hòa hơn nhờ có nước quanh năm. Người ta còn có thể nuôi cá tại hồ thủy điện, chứ không chỉ để trữ nước thôi. Cũng có thể xây dựng khu giải trí tại hồ thủy điện (xây nhà chung quanh, tổ chức đi thuyền trên hồ…). Vấn đề nếu phá rừng để làm việc gì hay hơn vẫn có thể được; cần phải tính toán lợi ích ra sao thôi."

Kết hợp thủy lợi - thủy điện

Gia Minh: Vừa qua có tình trạng đập thủy điện xả lũ vào khi mưa lũ khiến gây nên tình trạng lũ đột ngột dẫn đến thiệt hại lớn thì sao?

Kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung: "Đó là vấn đề vận hành thủy điện và thủy lợi. Nếu đúng hôm có lũ mà xả nước hồ để xem hồ có vững chắc hay không thì đó là sai lầm. Việc tu bổ hồ cần làm vào mùa khô lúc hồ ít nước, xả bớt một ít đi. Đây là công tác phải làm từng 10 năm. Không thể chờ đến lúc mưa lũ mới làm công tác này, nếu làm thế đó là một vấn đề lớn. Đây là vấn đề về vận hành."

000_Hkg3638264-250.jpg
Phó giám đốc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình Nguyễn Khắc Thục đang nhìn xuống hồ chứa của đập ở phía Bắc thành phố Hòa Bình hôm 26/5/2010. AFP photo
Phó giám đốc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình Nguyễn Khắc Thục đang nhìn xuống hồ chứa của đập ở phía Bắc thành phố Hòa Bình hôm 26/5/2010. AFP photo

Gia Minh: Là người nghiên cứu trong ngành, kỹ sư thấy nơi nào trên thế giới có bài học tốt trong việc kết hợp thủy lợi-thủy điện?

Kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung: "Tôi sống ở Pháp và tôi thấy gương nước Pháp điều hành tốt về vấn đề này. Có nhiều kỹ sư của Electricity de France nghiên cứu cách điều khiển một hệ thống điện vừa có nhiệt điện, vừa có điện hạt nhân, vừa có thủy điện sao cho hài hoà. Theo tôi đây là một kiểu mẫu hay nhất; đặc biệt khi thủy điện chỉ chiếm chừng 15-20% tổng điện cuả cả nước Pháp.
Tại Việt Nam hiện phân nửa tổng công suất điện là do thủy điện cung cấp. Tiến đến phải giảm xuống còn chừng ¼ hay 1/5 thôi. Các nguồn khác phải là nhiệt điện hay điện hạt nhân."

Gia Minh: Cần sự hài hoà, nhưng nhiệt điện chạy than gây ô nhiễm môi trường, còn điện hạt nhân là vấn đề an toàn. Vậy ở Pháp ra sao?

Kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung: "Tại Pháp từ 70-80% điện là từ điện hạt nhân. Vấn đề an toàn họ nghiên cứu, và giáo dục dân trong công tác bảo vệ an toàn. Những nhà nghiên cứu các lò phản ứng có những kỹ thuật rất tinh vi, họ được đào tạo để xây dựng những nhà máy tiên tiến, xác xuất tai nạn hạt nhân rất thấp. Những người vận hành các nhà máy đó có tinh thần trách nhiệm rất cao, không làm sai sót để gây ra tai nạn. Còn nhiệt điện cổ điển khi nào vào muà đông cần điện họ mới dùng đến."

Gia Minh: Tiềm năng điện gió, năng lượng  mặt trời, địa nhiệt… ở Việt Nam ra sao?

Nếu nhiệt điện không muốn vì vấn đề CO2, điện hạt nhân thì vì vấn đề an toàn… cho nên cần phải có một tỷ lệ hài hoà; tính toán kinh tế, môi trường, đời sống của người dân, ảnh hưởng đến nông nghiệp…
KS.Đặng Đình Cung


Kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung: "Việt Nam nằm ở vùng nhiệt đới, ven biển nên nhiều nơi trong nước có thể dùng năng lượng gió. Tuy nhiên năng lượng gió có vấn đề là không ‘điều hòa’: khi đứng gió thì sao? Nếu đặt tỷ lệ lớn vào năng lượng gió cũng gặp sai lầm lớn như hiện nay Việt Nam có tỷ lệ thủy điện quá lớn. Năng lượng  mặt trời cũng thế.

Nếu nhiệt điện không muốn vì vấn đề CO2, điện hạt nhân thì vì vấn đề an toàn… cho nên cần phải có một tỷ lệ hài hoà; tính toán kinh tế, môi trường, đời sống của người dân, ảnh hưởng đến nông nghiệp…"  

Gia Minh: Cám ơn kỹ sư.

Xin phép được nhắc lại kỹ sư Đặng Đình Cung từng tốt nghiệp ngành kỹ sư dân sự hầm mỏ trường Ecole des mines de Paris năm 1969. Ông có bằng tiến sĩ do Đại học Nancy I cuả Pháp hồi năm 1975, đến năm 1996 ông có bằng tiến sĩ quản trị học do Institur d’Administration des Entreprises de Paris.

Từ năm 1998 đến nay ông là kỹ sư tư vấn chiến lược công nghiệp tại Pháp. Ông có nhiều bài viết về nhiều lĩnh vực khác nhau đăng trên mạng Vietsciences.free.fr và vietsciences.org.

Về vấn đề thủy điện ông có bài tựa đề ‘Thủy điện và Việt Nam’. Theo ông thì bài viết này cung cấp những kiến thức mang tính giáo khoa về thủy điện tại Việt Nam cho giới sinh viên muốn nghiên cứu.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.