Thách thức trong lĩnh vực môi trường tại VN

Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2010 của Việt Nam được công bố hồi tháng sáu vừa qua.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2011.07.11
Doisongthonque-305.jpg Nhiều gia đình VN vẫn sống lệ thuộc vào nguồn nước sông, rạch.
RFA photo

Báo cáo môi trường Việt Nam mới nhất này được cho biết nêu lên tổng quan môi trường Việt Nam trong thời gian năm năm từ năm 2005 đến năm 2010. Ông Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên của Bộ Tài Nguyên- Môi trường, cơ quan tiến hành xây dựng báo cáo, trong bài phát biểu công bố văn kiện về tình trạng môi trường Việt Nam trong năm năm vừa qua phát biểu cho rằng đây là một văn kiện đánh giá tổng thể và toàn diện các vấn đề môi trường tại Việt Nam.

Theo ông báo cáo tổng kết lại những điều đã đạt được cũng như những thách thức trong lĩnh vực môi trường tại Việt Nam.

Còn nhiều hạn chế

Từ năm 2005, Bộ Tài Nguyên- Môi trường năm nào cũng có xây dựng báo cáo môi trường theo từng chuyên đề. Năm 2005 đề cập đến tình hình đa dạng sinh học của Việt Nam, sang năm 2006 là báo cáo về môi trường nước của ba lưu vực Sông Cầu, sôngNhuệ- Đáy, và hệ thống sông Đồng Nai. Năm 2007 là báo cáo về môi trường không khí đô thị, năm 2008 môi trường làng nghề và năm 2009 là môi trường khu công nghiệp.

Giáo sư-tiến sĩ Lê Huy Bá, viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ- Quản lý Môi trường, một người lâu nay lên tiếng khá nhiều về tình hình ô nhiễm mọi mặt tại Việt Nam, thừa nhận báo cáo lần này có tiến bộ hơn so với những báo cáo lần trước. Lý do lần này mang tính chất tổng hợp, bao quát hơn. Theo ông báo cáo được chuẩn hóa hơn và có cả bản tiếng Anh giúp cho những người bên ngòai có thể nắm được tình hình môi trường ở Việt Nam.

Tuy nhiên theo ông vẫn còn một số hạn chế đó là cách lấy mẫu, thu thập tài liệu chưa điển hình, đại diện lắm. Có những đột biến về môi trường chưa nắm bắt được.
Một điểm chưa được trong báo cáo vừa rồi theo ông là: "Những mặt trái của tác động môi trường từ các dự án của các chủ đầu tư vẫn chưa nêu lên được. Chính phủ Việt Nam vẫn say sưa chạy theo tăng trưởng GDP theo hình thức thu hút đầu tư mà chưa nghĩ đến chuyện phải trả giá về môi trường như thế nào…"

Ông nêu ra những điển hình như vấn đề được cho là nổi cộm như chất thải nix do nhà máy liên doanh của Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Vinashin, ở Khánh Hòa thải ra môi trường rồi vấn đề xử lý nước thải chưa hay không đạt của nhiều công ty công nghiệp lớn vẫn chưa được nêu ra trong báo cáo môi trường quốc gia 2010 vừa qua.

Theo ông Lê Huy Bá, báo cáo vừa công bố cũng không nêu lên được mặt yếu của tình hình môi trường hiện nay tại Việt Nam là những khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhỏ lẻ còn trong khu dân cư và những làng nghề. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến trình trạng môi trường ở các làng nghề mà theo ông còn nhiều bê bối mà trong báo cáo không nêu lên được.

Tiến sĩ Lê Huy Bá cũng nói đến tình trạng của những lưu vực sông hiện nay:

“Các lưu vực lại càng tệ hại. Đã có hình thành những hội đồng lưu vực như Sông Cầu, Sông Đồng Nai nhưng cuối cùng đã 10 năm rồi mà không làm được gì cả. Đây là những cơ quan tiêu tiền chứ không làm gì cả. Khi nào có tiền thì hội thảo cho vui, khi nào hết tiền thì thôi’.

Giáo sư- tiến sĩ Lê Huy Bá cũng đưa ra nhận định về cách thực hiện báo cáo. Thứ nhất theo ông vấn đề được giao cho Tổng Cục Môi trường, và cơ quan này lại giao cho một bộ phận thực hiện. Mà giáo sư Lê Huy Bá đánh giá những chuyên gia làm việc trong bộ phận đó không phải thực sự là những chuyên gia về môi trường. Nếu là chuyên gia thì vẫn thiếu một điều rất cơ bản như ý kiến của giáo sư- tiến sĩ Lê Huy Bá:

“Tầm nhìn của chuyên gia không có, không bao quát được. Một báo cáo khoa học hay không phải tập hợp số liệu lại mà phải biết tích hợp, phải làm cho số liệu biết nói. Tuy nhiên báo cáo này chỉ là một phép công đơn thuần, chất lượng chưa cao”.

Cảnh báo đáng ngại

turtles-250.jpg
Nhân viên kiểm lâm kiểm tra những chú rùa tịch thu từ một vụ buôn lậu thú rừng ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội hồi tháng 3, 2008. AFP photo
Nhân viên kiểm lâm kiểm tra những chú rùa tịch thu từ một vụ buôn lậu thú rừng ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội hồi tháng 3, 2008. AFP photo
Tuy vậy Báo cáo Môi trường Quốc gia 2010 của Việt Nam cũng đã nêu ra được một số cảnh báo về những tình trạng đáng ngại tại Việt Nam. Đó là tính đa dạng sinh học đang bị suy giảm đi với số loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng mỗi lúc một gia tăng, bởi môi trường sống của chúng đang bị tồi tệ đi.

Sách Đỏ quốc gia năm 2007 cho biết tại Việt Nam có gần 420 loài động vật và hơn 460 loài thực vật bị đe dọa. Trong những năm qua tình trạng của chúng chuyển từ mức độ bị đe dọa sang nguy cơ và đến tuyệt chủng.

Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN đánh giá là trong vòng chục năm qua có ít nhất 10 loài tại Việt Nam đã biến mất, trong số này có một loài thực vật và chín loài động vật. Trong năm ngoái tổ chức này liệt kê 47 loài động vật tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Con số thuộc diện này vào năm 1996 mới chỉ là 25 loài mà thôi.

Nguyên nhân của tình trạng xóa sổ những loài động và thực vật tại Việt Nam được cho biết vì các loài đó mất môi trường sinh sống, vì nạn khai thác quá mức, vì những loài sinh vật ngọai lai xâm hại, vì nạn cháy rừng, tình trạng biến đổi khí hậu…

Đó là chuyện ngay trên đất liền, còn ở trên vùng biển mà Việt Nam lâu nay cho là ‘biển bạc’ thì tình hình cũng rất đáng ngại như trình bày của tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại, trưởng phòng thực vật biển, Viện Hải Dương học Nha Trang sau đây:

“Suy giảm rất là nghiêm trọng. Tuy nhiên không thể có số liệu. Người ta làm từ 20-30 năm, nay làm tiếp thì có thể đánh giá được, còn Việt Nam biết là có suy giảm nhưng với cách làm lâu nay khó có thể chứng minh bằng số liệu. Việt Nam không có tài liệu chuẩn để tiến hành đánh giá. Một số nơi tôi làm theo bài bản thì suy giảm chừng 50% cả về đa dạng sinh học và số lượng.”

Tiến sĩ Vũ Văn Triệu, hiện là cố vấn của tổ chức bảo tồn thiên nhiên Quốc tế IUCN có ý kiến về vấn đề liên quan tình trạng suy thoái đa dạng sinh học tại Việt Nam như sau:

“Về con số trên báo cáo thì có tốt lên, nhưng nhìn vào con số suy thoái đa dạng sinh học, số bị mất đi thì rất đáng lo.

Suy giảm rất là nghiêm trọng. Tuy nhiên không thể có số liệu. Một số nơi tôi làm theo bài bản thì suy giảm chừng 50% cả về đa dạng sinh học và số lượng.

TS Nguyễn Hữu Đại

Theo tôi vấn đề vẫn nằm trong vòng lẩn quẩn giữa việc bảo đảm sinh kế bền vững và đa dạng sinh học. Nếu không bảo đảm cuộc sống cho người dân thì họ vẫn phải khai thác tối đa đôi khi ‘lạm phát’ nên khiến cho đa dạng sinh học mất đi. Nhưng nếu đa dạng sinh học mất đi thì cuộc sống của họ lại khó khăn thêm nữa.”

Tiến sĩ Vũ Văn Triệu cũng nêu lên nhận thức yếu kém của các cơ quan như núp dưới danh nghĩa làm thủy địên hay làm đường để phá rừng, cả những khu rừng đầu nguồn.

Vấn đề nhận thức, hiểu biết của nhiều cán bộ còn hạn chế. Ông Vũ Văn Triệu cho rằng nếu họ nêu gương thì người dân trong khu vực họ quản lý sẽ không tiến hành phá hoại rừng, săn bắt, mua bán ăn thịt thú rừng…

Vướng mắc về cơ chế

Về mặt luật pháp Việt Nam thì có đủ nhưng vấn đề do thi hành, ông Vũ Văn Triệu nói về điều này:

Hobabe3-250.jpg
Nước thải rửa quặng được xả thẳng ra suối dẫn vào Hồ Ba Bể. Photo courtesy of vfej
Nước thải rửa quặng được xả thẳng ra suối dẫn vào Hồ Ba Bể. Photo courtesy of vfej
“Về mặt luật pháp, có đủ luật. Về cơ quan, có đủ các cơ quan như tài nguyên-môi trường, kiểm lâm, cảnh sát môi trường; nhưng ý thức của người dân rồi cán bộ chưa cao nên vẫn ở trong vòng lẩn quẩn. Về mặt lý thuyết thì các quan chức nào cũng nói rất thông; thế nhưng khi có vụ việc xảy ra ở địa phương thì họ nói nhận thức của họ còn yếu, họ chưa nắm rõ về luật này, luật kia nên còn sai phạm. Hoặc họ cho rằng vì sức ép của kinh tế địa phương… Đối với cá nhân thì có thể xử lý chứ đối với tập thể thì khó. Theo tôi vấn đề xử lý trong thời gian vừa qua còn nhẹ tay quá”

Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2010 gồm 10 chương, trong đó chương cuối đưa ra những định hướng trọng tâm cho công tác bảo vệ môi trường cho thời gian năm năm tới, với một số biện pháp đề xuất từ chính sách, qui phạm pháp luật, công cụ quản lý.

Đối với những biện pháp cho tình hình hiện nay thì giáo sư tiến sĩ Lê Huy Bá cho rằng chẳng có gì mới, ông nói:

“Chỉ là ‘bổn cũ soạn lại’; tức đầu tư về nhân lực, đào tạo những chuyên gia giỏi. Những chuyên gia giỏi đó phải được giao đúng trọng trách, giao những dự án, chuyên đề, đề tài tương xứng…”

Ông đề nghị phải bỏ cơ chế xin-cho trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về môi truờng mà theo ông đó là không phù hợp. Ông đề nghị phải có một kế hoạch xuyên suốt, loại bỏ cho được tiêu cực trong quản lý môi trường, và cả tình trạng ‘mafia’ trong lĩnh vực này.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại nêu ra thực trạng của người làm khoa học tại Việt Nam:

“Tôi có đề xuất một số biện pháp để có thể bảo vệ, phục hồi; nhưng người làm khoa học muốn điều này điều nọ mà lại không có tiền để làm, lãnh đạo thì không nghe vì lãnh đạo cho là không cần thiết.”

Người làm khoa học muốn điều này điều nọ mà lại không có tiền để làm, lãnh đạo thì không nghe vì lãnh đạo cho là không cần thiết.

TS Nguyễn Hữu Đại

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại, cần có biện pháp phục hồi những hệ sinh thái của Việt Nam. Để làm được thế phải có chiến lược quản lý mà theo ông nên giao cho người dân quản lý. Nay phải quản lý theo cộng đồng: cho cộng đồng người dân khai thác theo sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Hiện nay ai muốn làm gì thì làm mà chưa có quản lý một cách bài bản.

Đánh giá, báo cáo là một việc làm cần thiết; tuy nhiên sau khi đã thấy được thực trạng phải có những biện pháp khoa học và thực thi triệt để để giải quyết những tồn tại.

Tuy nhiên như nhận định của giới chuyên gia trong nước thì dường như cơ quan chức năng cũng làm việc một cách hình thức, và rồi tình trạng ô nhiễm môi trường, gây suy thóai đa dạng sinh học, khai thác vô ý thức nguồn tài nguyên thiên … vẫn diễn ra và những cảnh báo cũng chỉ là cảnh báo.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
11/07/2011 20:17

Con nguoi phai tra gia cho long tham,su ac doc, doi voi moi truong song la dieu tat nhien.Tan the khong phai ngau nhien ma do con nguoi tao ra