Ý thức bảo vệ môi trường của giới trẻ tại Việt Nam

0:00 / 0:00

Ý thức bảo vệ môi trường của giới trẻ tại Việt Nam được đánh giá tăng lên trong thời gian gần đây qua sự tham gia của chính các bạn vào một số hoạt động cụ thể.

Vậy thực tế đó ra sao?

Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.

Tự phát

Lâu nay tại Việt Nam xuất hiện nhiều nhóm thanh niên tình nguyện tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã, quí hiếm. Đó là một tín hiệu tốt và được các báo trong nước thông tin giới thiệu.

Tuy nhiên những nhóm hoạt động thường xuyên, không theo phong trào và duy trì được qua nhiều năm không phải nhiều. Và những người kiên trì tham gia công tác bảo vệ môi trường, liệu có phải hoàn toàn nhờ vào giáo dục được ở nhà trường hay qua tìm hiểu và tự nhận thức mà thực hiện công việc bấy lâu nay thường bị xem là ‘ăn cơm nhà, vác ngà voi’ như thế?

Anh Nguyễn Chí Tuyến, người khởi xướng nhóm đạp xe đạp có tên Green Smiles cho biết về việc hình thành của nhóm:

Nhóm của chúng tôi được thành lập cách đây hơn một năm rồi, ngày 30 tháng 6 năm ngoái. Hiện giờ các thành viên chưa phải nhiều lắm, mới có khoảng 20-30 người nhưng người thường xuyên tham gia chỉ chừng chục người thuộc nhiều lứa tuổi và nhiều công việc khác nhau. Do đó cũng chưa tổ chức hay tham dự các sự kiện gì liên quan đến môi trường.

Nhưng việc thành lập nhóm xe đạp cũng liên quan đến môi trường nên chúng tôi dùng chữ Green. Đầu tiên cũng muốn cho mọi người ở Việt Nam tăng cường việc đi xe đạp, hạn chế việc đi xe máy và các phương tiện dùng động cơ. Trong nhóm có những người đi xe đạp để đi làm, nhưng vẫn có những người phải đi xe máy vì công việc cần phải di chuyển. Nhưng chúng tôi khuyến khích tinh thần đi xe đạp càng nhiều càng tốt. Trên tinh thần thế thôi, chứ còn hiện tại thì chưa tham gia hay tổ chức được những sự kiện liên quan môi trường. Nhưng trong tiêu chí tổ chức đưa ra mọi người đồng ý ‘green ride’, ‘green smile’ và lấy tên Green Smile. Tôi hy vọng trong tương lai câu lạc bộ có thể phát triển thêm các thành viên và thứ hai liên hệ với các tổ chức khác về môi trường tham gia các cuộc đạp xe về môi trường hay tiến hành những hoạt động cụ thể để bảo vệ môi trường.

Các bạn trẻ tham gia nhặt rác ngày Lễ Hội (tháng 4, 2014) duongbo.vn
Các bạn trẻ tham gia nhặt rác ngày Lễ Hội (tháng 4, 2014) duongbo.vn (duongbo.vn)

Nhóm của chúng tôi được thành lập cách đây hơn một năm rồi, ngày 30 tháng 6 năm ngoái. Hiện giờ các thành viên chưa phải nhiều lắm, mới có khoảng 20-30 người nhưng người thường xuyên tham gia chỉ chừng chục người thuộc nhiều lứa tuổi và nhiều công việc khác nhau

Anh Nguyễn Chí Tuyến

Một sinh viên hăng hái kêu gọi các bạn khác cùng tham gia công tác bảo vệ môi trường tại Hà Nội gần đây cho biết về nhóm của mình:

Nhóm của em được hình thành từ tháng 10 năm 2013. Nhóm gồm toàn những sinh viên đại học- Đại học Mở, Đại học Kinh tế Quốc Dân, Đại học Quốc Gia. Thành viên chủ chốt của nhóm được khoảng 15 người. Còn cộng tác viên thì được khoảng 20 người nữa.

Trước đây chúng em thường đi làm công tác từ thiện như ở các tỉnh Yên Bái, Bắc Cạn, Hòa Bình, những vùng sâu, vùng xa và hướng dẫn cho người dân ở đó những cách làm sao để bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường. Vừa rồi chúng em có cuộc đạp xe vì môi trường nhưng rất tiếc cơ quan an ninh, công an chặn lại.

Ý muốn của bản thân em khi thành lập nhóm từ thiện này cũng giống như một nhóm xã hội dân sự thôi. Em muốn các bạn sinh viên năm thứ nhất, thứ hai và thứ ba tham gia cùng. Các bạn ấy còn hai, ba năm học trong trường đại học, có thời gian rảnh rỗi nên có thể cống hiến hết mình cho xã hội. Em mong muốn như thế và cũng đạt được kết quả bước đầu.

Giáo dục nhà trường hay tự nhận thức?

Đối với những nhóm tự đứng ra hình thành các câu lạc bộ đạp xe vì môi trường hay có những sinh hoạt góp phần nâng cao ý thức cộng đồng gìn giữ vệ sinh chung, thì có phải do họ được giáo dục kỹ từ nhà trường hay thông qua những kênh khác mà nhận thức của bản thân được nâng cao để tham gia những sinh hoạt như thế?

Bạn sinh viên có nhận định về việc giáo dục ý thức môi trường từ giáo dục trong nhà trường ở Việt Nam như sau.

Chúng em thường đi làm công tác từ thiện như ở các tỉnh Yên Bái, Bắc Cạn, Hòa Bình, những vùng sâu, vùng xa và hướng dẫn cho người dân ở đó những cách làm sao để bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường. Vừa rồi chúng em có cuộc đạp xe vì môi trường nhưng rất tiếc cơ quan an ninh, công an chặn lại

Một sinh viên tại Hà nội

Thực ra ở nhà trường các cấp học các chương trình ( giáo dục môi trường) rất ít. Lẽ ra trong thế giới văn minh như bây giờ, phải thấy việc bảo vệ môi trường là hiển nhiên, phải làm; nhưng (ở Việt Nam) phải kêu gọi người ta ý thức bảo vệ môi trường. Điều đó cho thấy một điều là đa phần người dân không ý thức mấy trong việc bảo vệ môi trường. Việc giáo dục trong nhà trường dường như không có; chẳng qua chỉ là đôi ba tiết học trôi qua mà không để lại kỹ năng nào cả…

Một nhóm trẻ tự phát tổ chức những chốt dọc đường kêu gọi tắt máy xe vài phút vài giây để bảo vệ môi trường (tinmoitruong.vn)
Một nhóm trẻ tự phát tổ chức những chốt dọc đường kêu gọi tắt máy xe vài phút vài giây để bảo vệ môi trường (tinmoitruong.vn)

Đối với hoạt động thiết thực của các cơ quan chức năng nhằm có thể giúp cho người dân tiến hành bảo vệ môi trường một cách hiệu quả thì bạn sinh viên này có ý kiến:

Cần phải nói thẳng thắn là vì dụ như hôm nay Ngày Môi trường họ chỉ phát động những cuộc mít tinh bảo vệ môi trường, chứ còn không có chiến lược hay chiến thuật dài hơi nào để bảo vệ môi trường. Tất cả chỉ là phong trào, tức là ‘đến hẹn lại lên’. Ví dụ hôm nay phát động thì mọi người tập trung lại hô hào, còn vài ngày sau thì đâu lại vào đấy. Môi trường ngày càng xuống dốc. Việc bảo vệ môi trường không trở thành chiến lược dài hạn của các cơ quan chức năng.

Theo quan sát và theo dõi tình hình, tôi thấy hiện giờ các bạn trẻ thuộc các nhóm khác cũng như các em sinh viên, họ có ý thức về môi trường nhiều hơn rồi. Họ có những nhóm tiến hành thực hiện các công việc như thu nhặt rác vào những dịp lễ tết khi người Việt hay tụ tập đông người và xả rác ra

Anh Nguyễn Chí Tuyến

Anh Nguyễn Chí Tuyến nhận xét hoạt động của các nhóm trẻ qua tình hình thực tế:

Theo quan sát và theo dõi tình hình, tôi thấy hiện giờ các bạn trẻ thuộc các nhóm khác cũng như các em sinh viên, họ có ý thức về môi trường nhiều hơn rồi. Họ có những nhóm tiến hành thực hiện các công việc như thu nhặt rác vào những dịp lễ tết khi người Việt hay tụ tập đông người và xả rác ra. Có thể họ ( các nhóm) đưa ra những biển khuyến cáo mọi người không nên xả rác, họ tham gia nhặt rác hay đem theo các dụng cụ để người dân bỏ rác vào, hoặc nhắc người dân không nên vứt rác bừa bãi ra đường nữa. Rồi ví dụ vào dịp tết Ông Công- Ông Táo vừa rồi, các em tổ chức những nhóm rất đông từ các trường và đứng trên các cầu trưng biển yêu cầu không vứt những bao nylon ra, và họ có những túi sẵn để nhặt. Trên phương tiện truyền thông, các em cũng vận động mọi người và truyền bá tư tưởng đó cho nên tôi thấy có tác động đến những người khác, những người quen với sinh hoạt hay vứt bừa bãi rác. Trong những năm gần đây tôi thấy giới trẻ nhất là các em sinh viên họ cũng rất để ý và phát động nhiều chiến dịch, nhiều việc làm cụ thể ở nhiều địa phương.

Nhận định về tác nhân giúp cho người trẻ hiện nay có thể tự đứng ra kêu gọi người khác chung tay bảo vệ môi trường, anh Nguyễn Chí Tuyến nói:

Các em bây giờ tiếp cận nhiều nguồn. Ngay cả trong nhóm xe đạp của tôi có những giảng viên đại học. Họ cũng đã truyền bá tư tưởng đó. Không phải trong những tiết học chính quy mà trong những cuộc trao đổi tâm tư, sinh hoạt giữa thầy và trò với nhau họ cũng truyền bá điều đó cho sinh viên. Các bạn sinh viên bây giờ cũng ý thức được vấn đề về môi trường liên quan đến sức khỏe, liên quan đến xã hội. Họ có thể thành lập các câu lạc bộ, các nhóm để thảo luận và đưa ra những ý tưởng để cùng nhau thực hiện ý tưởng đó.

Sự cố đó tôi cũng có biết: các bạn trong sài Gòn đi tổ chức nhặt rác và bị nhân viên an ninh ngăn cản nhặt rác ở công viên đó. Thế thì tôi thấy đó là điều hơi phi lý và điều đó cũng gây cho các em học sinh như một học sinh trong nhóm bức xúc

Anh Nguyễn Chí Tuyến

Còn trong nhà trường như con tôi chẳng hạn đang học tiểu học, các thầy cô cũng đề cập đến vấn đề môi trường. Nên bây giờ việc vứt rác hay bỏ gì các cháu bây giờ tự chúng cũng có ý thức. Thậm chí nhiều người lớn có thói quen hay vứt rác bừa bãi, các cháu còn nhắc nhở cả bố mẹ. Bây giờ trẻ con còn xem các chương trình trên những kênh TV của cả trong nước và nước ngoài. Qua nhiều kênh như thế tôi thấy giới trẻ họ ý thức được việc ấy hơn so với trước rất nhiều.

Ngăn trở

Tuy nhiên việc thực hiện kế hoạch góp phần bảo vệ môi trường của những người trẻ không phải hoàn toàn suông sẻ. Có những nhóm như của bạn sinh viên vừa nói chuyện trong một dịp khi ở miền nam đang diễn ra đám tang của thầy giáo Đinh Đăng Định, một người công khai chống dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên và kêu gọi đa nguyên- đa đảng, đã bị an ninh ngăn chặn và thậm chí câu lưu những người chủ xướng. Phía an ninh nói với các bạn hoạt động đạp xe như thế nếu không xin phép và không được phép thì không được thực hiện.

Một nhóm nhặt rác ở Sài Gòn do có người mặc áo cổ xúy cho quyền con người cũng bị nhân viên tại công viên mà các bạn thường đến làm công tác nhặt rác hằng tuần yêu cầu ngưng lại. Một bạn trong nhóm phải bức xúc lên facebook than thở “muốn nhặt rác cũng phải xin phép, thật không thể nào hiểu nổi, việc nhặt rác là một công việc tốt, hữu ích cho xã hội, đáng lẽ phải được ủng hộ vậy mà lại bị ngăn cản… Ngay cả quyền nhặt rác cũng bị tước đoạt thì tại đất nước này còn quyền gì được họ tôn trọng chứ?’

Anh Nguyễn Chí Tuyến nói về điều này:

Sự cố đó tôi cũng có biết: các bạn trong sài Gòn đi tổ chức nhặt rác và bị nhân viên an ninh ngăn cản nhặt rác ở công viên đó. Thế thì tôi thấy đó là điều hơi phi lý và điều đó cũng gây cho các em học sinh như một học sinh trong nhóm bức xúc.

Theo tôi biết thì có một thành viên trong nhóm nhặt rác là người mà theo cách nói hiện nay là ‘đấu tranh cho xã hội’ tham gia; thế nên nhân viên an ninh cấm. Nhưng theo tôi nếu an ninh ở Sài Gòn cũng như tại Việt Nam mà suy nghĩ như thế là sẽ gây phản tác dụng.’

Tạp chí Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ.

Gia Minh chào tạm biệt.