Vấn đề nguồn nước ở Việt Nam
2011.11.27
Trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này chúng tôi tiếp tục mời quí thính giả theo dõi vấn đề với một số biện pháp mà giới quan tâm tại Việt Nam đang triển khai.
Giới khoa học gia thám hiểm các hành tinh khác ngoài trái đất có ý kiến cho rằng nơi nào có nước thì có thể sẽ có dấu hiệu của sự sống. Điều đó cho thấy tầm quan trọng rất lớn của nước trong cuộc sống con người.
Tuy nhiên nguồn nước sử dụng lâu nay của nhiều nơi trên thế giới từ các dòng sông lớn nhỏ đang ngày trở nên bị tác động bởi những yếu tố như ô nhiễm, ngăn đập chắn dòng chảy, hạn hán làm khô dòng…
Nhiều cảnh báo nói trong thời gian đến ở những nơi như Phi Châu … có thể xảy ra những cuộc chiến vì nước.
Việt Nam là quốc gia mà nguồn nước mặt được nói có đến 60% là từ bên ngoài. Trong khi đó lâu nay những tình hình mà nơi khác gặp phải cũng diễn ra ở Việt Nam với mức độ được nói khá gay gắt.
Ảnh hưởng biến đổi khí hậu
Tiến sĩ Phạm Hồng Giang, chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam, đưa ra ý kiến về tầm quan trọng của nguồn nước, nhất là trong thời gian tới như sau:
“Phải nói rằng nước là một nguồn tài nguyên rất quan trọng và người ta dự đoán trong thế kỷ này tình hình thiếu nước càng gay gắt hơn. Lý do vì tình hình biến đổi khí hậu sẽ làm cho dòng nước biến đổi, từ đó gây ảnh hưởng đến nguồn nước. Thế rồi việc nước biển dâng cũng tác động đến các dòng sông rất nhiều.
Còn ở Việt Nam những vấn đề về nguồn nước gồm những vấn đề như sau: tình hình vẫn như từ trước đến nay nhưng sẽ khó khăn hơn ở chỗ lũ sẽ lớn hơn, hạn gay gắt hơn, và việc điều hòa dòng nước đòi hỏi cao hơn. Thứ hai, những nguồn nước như thế phục vụ cho tất cả các ngành kinh tế, dân sinh. Việc sử dụng nước giữa những ngành đó cũng dễ dẫn đến tranh chấp. Đơn cử nếu chỉ thiên về một mặt nào đó như chỉ nghĩ về mặt phát điện thôi cũng có thể ảnh hưởng đến việc tích, tưới nước cho nông nghiệp ở dưới hạ du, rồi ảnh hưởng đến giao thông.
Lý do vì tình hình biến đổi khí hậu sẽ làm cho dòng nước biến đổi, từ đó gây ảnh hưởng đến nguồn nước.
TS Phạm Hồng Giang
Một vấn đề khác nữa cũng cần phải giải quyết, đó là cũng như các dòng sông khác, giữa những địa phương phía trên và những địa phương phía dưới, dọc theo một con sông bao giờ cũng có những yêu cầu, lợi ích khác nhau mà phải giải quyết sao cho hài hòa.
Chưa kể ở Việt Nam có hai vùng đồng bằng lớn, và hai hệ thống sông lớn là Sông Hồng và Sông Mê Kông mà Việt Nam gọi là Sông Cửu Long. Đây là hai đồng bằng lớn, đông dân. Tại đồng bằng Sông Cửu Long, 90% nguồn nước là từ các nước láng giềng bên ngoài. Còn ở đồng bằng Sông Hồng một nửa ở bên ngoài, một nửa ở Việt Nam. Và phần ở nước ngoài đều ở thượng nguồn. Việt Nam ở hạ nguồn nên phải gánh chịu những ảnh hưởng từ thượng nguồn mà đôi khi lại là tác hại, cần phải có biện pháp chủ động phòng ngừa.”
Ảnh hưởng của đập thủy điện
Vấn đề các nước trên thượng nguồn cho xây đập thủy điện để phục vụ nhu cầu của họ đang gây bất lợi cho các nước nằm dưới hạ nguồn. Lâu nay người ta nói đến hằng chục con đập mà Trung Quốc xây trên Dòng sông Mê Kông chảy qua địa phận của họ đã khiến cho dòng chảy về hạ nguồn có những đổi thay.
Gần đây nhất là tranh cãi xoay quanh kế hoạch xây đậy Xayaburi trên sông Mê kông chảy qua địa phận nước Lào. Việt Nam khá quan ngại về tác động có thể do đập đó gây ra; nên đã có một số hoạt động tích cực.
Ông Trần Anh Thư, phó giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh An Giang, một trong những địa phương nơi sông Mê Kông chảy vào địa phận Việt Nam, cho biết vừa qua tỉnh này cũng tham gia vào hoạt động của tổ chức Save The Mekong để có ý kiến về những con đập xây trên phần thượng nguồn Sông Mê Kông, nhưng nay có cách làm riêng, nhất là đối với kế hoạch xây dựng công trình thủy điện Xayaburi của Lào:
“Đồng bằng Sông Cửu Long tách rời khỏi Save The Mekong để thực hiện các hoạt động thực tế. Lý do tổ chức Save The Mekong chỉ chủ yếu lên diễn đàn, mà không có can thiệp sâu vào những công việc cụ thể; ví dụ như trong số những đập trên thượng nguồn, chúng ta nhắm vào đập Xayaburi ở Lào. Các nước trong Ủy ban Sông Mê Kông phải cam kết trì hoãn dự án đó cho tới 10 năm. Trong vòng 10 năm đó nhằm để đánh giá.”
VN cần chủ động
Chiến lược của Việt Nam trước những tình hình được nói là bất lợi như thế cũng được ông Phạm Hồng Giang trình bày như sau:
“Hiện nay đã có những dự án, chuẩn bị. Tại khu vực Sông Mê Kông chúng ta một mặt cùng những nước láng giềng bàn thảo để làm sao chia xẻ hài hòa nguồn nước, hạn chế những tác động về môi trường trên đó. Phía Việt Nam cần có những biện pháp mang tính chủ động.
Tại một nước có chính phủ giúp giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp về nguồn nước. Nhưng đối với nhiều nước, vấn đề khó bởi lẽ cho đến nay trên thế giới chưa có luật về những con sông xuyên biên giới, cho nên có những dự án, kế hoạch phát triển; rồi có những việc cần phải đàm phán với nhau chủ yếu do thiện chí của các nước là chính chứ chưa có những luật mang tính pháp lý để yêu cầu các nước ven sông phải tuân thủ.”
Ngay Ủy hội Sông Mê Kông chỉ có bốn nước thôi - Lào, Kampuchia, Việt Nam, Thái Lan. Còn hai nước Trung Quốc và Miến Điện tham dự không đều, khi nào có lợi cho họ thì họ dự còn không thì thôi.
Ông Nguyễn Ngọc Trân
Ông Nguyễn Ngọc Trân, nhà khoa học Việt Nam có những nghiên cứu về sông Cửu Long cũng có đưa ra những theo dõi của ông như sau:
“Ngay Ủy hội Sông Mê Kông chỉ có bốn nước thôi - Lào, Kampuchia, Việt Nam, Thái Lan. Còn hai nước Trung Quốc và Miến Điện tham dự không đều, khi nào có lợi cho họ thì họ dự còn không thì thôi. Vấn đề là làm sao sáu nước cùng chia xẻ Sông Mê Kông phải ngồi lại với nhau. Họ phải đặt quyền lợi, phát triển bền vững của cả lưu vực làm tiêu chí đầu tiên, làm mục tiêu. Như vậy mới có thể phát huy được và cùng hợp tác để phát triển nguồn nước sông Mê Kông là lợi thế mà thiên nhiên ban cho sáu nước trong khu vực.
Chuyện đã qua như thế nào thì mọi người đều biết, tôi chỉ nhắm việc sắp tới. Theo tôi con đường duy nhất là các nước phải ngồi lại với nhau, cùng hợp tác để phát triển. Điều này tôi đã phát biểu tại hội nghị các Hội Đập lớn Quốc tế tổ chức ở Hà Nội hồi tháng năm năm ngoái.”
Nghiên cứu, vận động, truyền thông
Ông Trần Anh Thư, phó giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh An Giang, cho biết thêm một số.
“Hiện các tỉnh ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và các cơ quan Nhà Nước, đặc biệt các Sở Tài Nguyên - Môi trường tập trung vào việc trì hoãn xây dựng đập Xayaburi ở Lào. Xem như đây là bức thành trì đầu tiên phải vượt qua. Nếu ngưng được dự án này mới có khả năng ngưng được 12 dự án kia. Nếu để cho đập Xayabui được xây lên, đó sẽ thành tiền lệ.
Những hoạt động nghiên cứu khoa học, truyền thông, vận động được thực hiện. Thông qua Nhóm Sông ngòi Việt Nam, hiện có một nhóm chuyên về Sông Mê Kông. Nhiệm vụ thường xuyên đi nghiên cứu, triển khai về truyền thông nhắm vào công tác ngăn xây đập Xayaburi ở Lào. Nói chung đi vào hoạt động cụ thể.”
Nhiệm vụ thường xuyên đi nghiên cứu, triển khai về truyền thông nhắm vào công tác ngăn xây đập Xayaburi ở Lào.
Ông Trần Anh Thư
Theo ông này thì hồi ngày 26 tháng 10 vừa qua một số nhóm nghiên cứu, có làm việc với các sở Tài Nguyên - Môi trường trong khu vực với nhiệm vụ chính là đánh giá ảnh hưởng của các đập thượng lưu đến An Giang và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Có ba nhóm: một nhóm làm việc với An Giang, một nhóm làm việc với Cần Thơ, một nhóm làm việc với Bạc Liêu. Mỗi nhóm có Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn. Có các chuyên gia của Tổ chức Sông ngòi Việt Nam về cùng thực hiện việc đó theo dự án được quốc tế tài trợ. Các nhóm làm việc đánh giá những ảnh hưởng và công khai những thông tin lên cho cộng đồng dân chúng biết. Các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đề xuất chính phủ biết về những tác hại các đập gây ảnh hưởng đến sản xuất lúa tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Báo cáo được trình chính phủ Việt Nam, rồi có làm việc với phía Lào, Kampuchia.
Tin cho biết từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 12 tới đây Ủy hội Sông Mê Kông tiến hành hội nghị tại Siem Reap, Kampuchia để có quyết định về việc xây dựng Đập thủy điện Xayaburi.
Vừa rồi Lào thuê Công ty Poyry Energy của Thụy Sĩ tiến hành đánh giá những tác động môi trường do đập Xayaburi gây nên. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng báo cáo tuân thủ mà Poyry Energy đưa ra là thiên lệch.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới.
Gia Minh chào tạm biệt.
Mời các bạn tìm hiểu cội nguồn sông Mekong qua video "Nhật ký sông MêKông (phần 1): Cội Nguồn", do RFA thực hiện.
Theo dòng thời sự:
- Lào kiên quyết xây đập thủy điện trên sông Mekong
- Biến đổi khí hậu đe dọa Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
- Đập thuỷ điện: Lợi bất cập hại?
- Nông thôn VN và ước mơ nước sạch
- Nhật ký sông Mêkông (phần 1): Cội nguồn
- Nhật ký sông Mê Kông (phần 2): Địa phận Hoa Lục
- Các dự án xây đập thủy điện đe dọa sông MeKong