Nữ nghệ sĩ Xuân Yến

Người Việt Nam quí trọng truyền thống thường nể trọng và hâm mộ những người thuộc về “con dòng cháu giống”, vì những người đó được truyền dạy nghề nghiệp gia truyền.
Soạn giả Nguyễn Phương, RFA
2008.12.07

xuan-yen-220.jpg
Nữ nghệ sĩ Xuân Yến. Hình của soạn giả Nguyễn Phương/RFA.
Nghề hát có những gia đình năm sáu thế hệ theo đuổi theo nghề nghiệp, các thế hệ sau dù được truyền nghề, vẫn phải khổ luyện hằng năm, hàng chục năm trời mới đạt được cái tinh túy của nghề.

Gia đình tuồng cổ của ông bà nghệ nhân Vĩnh - Xuân đã sản sinh ra thế hệ thứ hai: Nghệ sĩ Hai Thắng, tức Bầu Thắng; Thế hệ thứ ba: Các nghệ sĩ tuồng cổ Minh Tơ, Khánh Hồng, Bạch Cúc, Huỳnh Mai, Đức Phú; Thế hệ thứ tư: Các nghệ sĩ Xuân Yến, Thanh Tòng, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh, Xuân Thu, Thanh Sơn; Thế hệ thứ năm có các nghệ sĩ Trinh Trinh, Quế Trân, Tú Sương, Thanh Thảo…

Con dòng cháu giống

Vợ chồng nghệ sĩ Minh Tơ và Bảy Sự có 7 người con đều là những danh tài nghệ sĩ: Xuân Yến, Thanh Tòng, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh, Xuân Thu, Thanh Sơn.

Nữ nghệ sĩ Xuân Yến, con gái lớn, tên thật Nguyễn thị Xuân Yến, sanh năm 1947 tại Saigon.

Năm lên 6 tuổi, Xuân Yến cùng các em Thanh Tòng, Thanh Loan và các bạn nghệ sĩ tí hon Bửu Truyện, Thanh Thế, Thanh Hoàng, Trường Sơn, Vũ Đức được cha của cô là nghệ sĩ Minh Tơ dạy nghề hát trong lớp Đồng Ấu Minh Tơ.

Vì cả gia đình Minh Tơ cư ngụ trong rạp hát đình Cầu Quan nên ngoài giờ học chữ ở trường Tôn Thọ Tường đường Kitchener, hầu hết thì giờ sinh hoạt của Xuân Yến và bạn đồng học hát gắn liền với sinh hoạt của đoàn hát Vĩnh Xuân Ban - Khánh Hồng.

Đêm đêm Xuân Yến ngồi bên cánh gà coi hát, học theo các điệu ca, điệu múa của các nghệ sĩ đang hát trên sân khấu. Xuân Yến thuộc rất nhiều vai, nhiều tuồng nên khi học trong lớp dạy hát Đồng Ấu Minh Tơ, Xuân Yến thường nhắc tuồng, nhắc lớp diễn cho các bạn đồng học.

Xuân Yến đã học diễn các vai kép võ tướng mặt trắng, các tướng trung như Quan Công, Tiết Nhơn Quí, Lữ Bố, Triệu Tử Long, vì thời kỳ nầy khán giả thích xem các cô đào hát giả trai đóng tuồng như trường hợp cô Phùng Há đóng vai Lữ Bố, cô Bích Thuận đóng Triệu Tử Long, cô Bảy Nam đóng vai Quan Công…

Nữ nghệ sĩ Xuân Yến cũng học hát thuần thục: Các vai đào võ như Phàn Lê Huê, Thần Nữ, Hồ Nguyệt Cô, Lưu Kim Đính, Đào Tam Xuân… Các vai đào văn như Điêu Thuyền, Bàng Quí Phi, Hàn Tố Mai, Nguyệt Kiểu… Các vai mụ như Địch Thiên Kim, Lý Thần Phi, tuồng Bích Vân Cung kỳ án, Đỗng Mẩu, tuồng San Hậu, Ngô Quốc Thái, tuồng Lưu Bị Cầu Hôn Giang Tả… Các vai như tỳ nữ, tỷ tất, phu nhơn, vợ lão tiều (tức các vai thường dân trong cải lương tuồng cỗ).

Đa tài

Nữ nghệ sĩ Xuân Yến diễn giỏi các loại vai nhưng khi diễn chung với những người trong gia đình trên một sân khấu thì bao giờ Xuân Yến cũng chịu lãnh phần thua thiệt, nhường các vai đào đẹp, kép đẹp cho em.

Trong tuồng Xử Án Bàng Quí Phi thì nhường cho em là Thanh Loan đóng vai Bàng Quí Phi, Xuân Yến thủ vai mụ Địch Thiên Kim; Tuồng Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ thì nhường vai Thần Nữ cho Thanh Loan, Xuân Yến thủ vai mẹ chồng Phàn Lê Huê; Khi hát tuồng Trảm Trịnh Ân, vai đào đẹp Hàn Tố Mai nhường cho Thanh Loan, Xuân Yến vào vai Đào Tam Xuân…

Xuân Yến là diễn viên của gánh hát Vĩnh Xuân - Khánh Hồng, hát thường trực tại rạp đình Cầu Quan ở đường Yersin quận Nhì. Năm 1972, Xuân Yến theo đoàn hát bội của nghệ sĩ Thành Tôn ra Bình Định hát chầu nhân lễ Hội Quang Trung.

Nhân dịp nầy, Xuân Yến được bà Bầu gánh hát Kim Chưởng mời Xuân Yến gia nhập đoàn, hát các vai đào nhì, làm dàn bao vì Xuân Yến có khả năng hát được nhiều loại vai, Xuân Yến có thể hát thành công các loại tuồng Tàu, tuồng chưởng, tuồng dã sử và tuồng xã hội.

Trên sân khấu Kim Chưởng, Xuân Yến hát cặp với nam diễn viên Hữu Cảnh.

Nghệ sĩ Hữu Cảnh tên thật là Nguyễn Văn Út, sanh năm 1949 tại Bến Tre. Hữu Cảnh nổi danh trên sân khấu Kim Chưởng năm 1966, với vai diễn đầu tiên Lão Trùm Chiếu trong tuồng Hắc Long Huyết Hận.

Nguyễn Văn Út lấy nghệ danh Hữu Cảnh vì anh có một giọng ca vọng cổ thật mùi có âm sắc như làn hơi của Hữu Phước nên anh lấy chữ Hữu đứng đầu nghệ danh. Hữu Cảnh lại có thể ca dài hơi, luyến láy như Minh Cảnh nên anh lấy tên Cảnh làm tên của mình.

Nghệ sĩ Kim Chưởng trực tiếp dạy nghề hát cho Hữu Cảnh. Nên biết là cô Kim Chưởng xuất thân từ một gia đình hát bội, cha chồng là ông Bầu Bòn, bầu gánh hát bội mà Kim Chưởng là đào chánh, vậy nên khi truyền nghề hát cho Hữu Cảnh, cô Kim Chưởng cũng dạy những trình thức căn bản của hát bội, giống như nghệ sĩ Minh Tơ đã dạy cho Xuân Yến, Thanh Tòng.

Vì vậy hai nghệ sĩ Hữu Cảnh và Xuân Yến hát cặp nhau trên sân khấu Kim Chưởng thật là xứng đào xứng kép. Điệu múa, cách ca điệu diễn đều rập ràng ăn khớp nhau, khán giả rất hoan nghinh. Tình yêu giữa Xuân Yến và Hữu Cảnh bắt nguồn từ đó.

Gắn bó với Hữu Cảnh

Xuân Yến và Hữu Cảnh được cha mẹ cho phép thành hôn năm 1976. Cuối năm 1976, Minh Tơ được nhà đương cuộc cho phép thành lập đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ.

Hữu Cảnh nổi danh khi hát vai Lý Thường Kiệt trong tuồng Câu Thơ Yên Ngựa. Hữu Cảnh còn nổi danh qua các vai Lưu Bị trong tuồng Cầu Hôn Giang Tả, vai Trần Thủ Độ trong Bảo Táp Nguyên Phong, vai Câu Tiển trong tuồng Tây Thi Gái Nước Việt.

Xuân Yến thành công trong vai Thượng Dương Hoàng Hậu trong Nhiếp Chính Ỷ Lan và vai lão Mẩu trong tuồng Đường Về Núi Lam, Thanh Gươm và Nữ Tướng.

Xuân Yến và Hữu Cảnh mặc dầu hát hay, được khán giả ưa thích nhưng cuộc sống vật chất thật là khó khăn. Sau năm 1975, chánh phủ mới nắm quyền tổ chức và điều khiển các đoàn hát, quy định lương bình quân mỗi suất diễn 10 đồng cho đào, kép chánh, 5 đồng cho những vai kép phụ và công nhân sân khấu.

Các nghệ sĩ và công nhân sân khấu muốn đeo đuổi theo nghề hát thì ban ngày phải làm thêm một nghề tay trái nữa mới hy vọng có cơm ăn no đủ hầu tối đến mới đủ sức lên sân khấu vẻ mặt mang râu mà hò hát.

Dầu đêm vãn hát rất khuya, vợ chồng Hữu Cảnh Xuân Yến phải thức dậy sớm, đèo nhau trên xe Honda, chạy xuống tỉnh Tân An, Bến Lức, lấy mối heo lậu, chở về bán nơi chợ ông Lãnh hay Cầu Muối.

Xuân Yến và Hữu Cảnh có sáu con: Ba con lớn sống ngoài nghề sân khấu, ba cô con gái sau có Nguyễn Nguyễn Trinh Trinh sanh ngày 31 tháng 8 năm 1977; Nguyễn Nguyễn Bảo Trân sanh năm 1979 và Nguyễn Nguyễn Bảo Châu sanh năm 1982.

Nữ nghệ sĩ Trinh Trinh đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 1995 - 1996.

Năm 1982, các nghệ sĩ không chịu đựng nổi chế độ lãnh lương theo quy định một cách bất công nên rất nhiều nghệ sĩ bung ra, đi hát chui với các đoàn cải lương tỉnh.

Xuân Yến và Hữu Cảnh cũng đi hát chui, hát chầu. Khi đến sông Cầu, có khán giả ái mộ bỏ tiền ra lập gánh, vợ chồng Xuân Yến và Hữu Cảnh dùng tài nghệ và công sức của mình góp phần hùn với người chủ, lợi nhuận được chia đôi.

Tuy nhiên gánh hát tư nhơn là gánh hát lậu, phải hối lộ mới có điểm diễn và phải đóng đủ thứ lệ phí. Bởi vậy gánh hát thu không đủ chi, lổ lả riết nên ông chủ tuyên bố rã gánh hát. Vợ chồng Xuân Cảnh trở về Saigon, lập nhóm hát chầu để hát cúng Kỳ Yên ở các đình miếu hoặc hát tăng cường cho các đoàn tỉnh để có tiền lo cho các con ăn học.

Đến năm 1988 thì Hữu Cảnh ngã quỵ, suy nhược thần kinh và mất trong niềm thương tiếc của gia đình, của các bạn nghệ sĩ và khán giả ái mộ.

Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.